Tên gọi đúng không chỉ khái quát tốt mà còn nâng cả nội dung tác phẩm. Tên gọi hay, nội dung hấp dẫn nên “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng đã tạo ra một hiện tượng văn chương thú vị. Trong lịch sử tiếp nhập tiểu thuyết danh nhân văn hóa ở ta, tác phẩm là một trường hợp hiếm hoi: In lần đầu (năm 1982) 100.000 bản, tái bản hàng chục lần (khoảng 30 lần) với số lượng hơn một triệu bản in. Đến nay, tác phẩm được dịch ra 6 thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc, Lào.

leftcenterrightdel
Tác phẩm "Búp sen xanh" phiên bản chào mừng 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2020) của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Tác phẩm thuyết phục, chinh phục bạn đọc, được đưa vào "Tủ sách Vàng" của Nhà xuất bản Kim Đồng. Đến thăm quê Bác hoặc những địa điểm gắn với tên tuổi Bác, người ta mua sách để lưu niệm, để tặng, nhất là tặng trẻ em như gửi vào đấy bao khát khao, hoài vọng... Có một lý do cơ bản là sách viết về thời niên thiếu và thanh niên của Bác Hồ. Cuộc đời và sự nghiệp Bác là một huyền thoại. Khởi đầu cho huyền thoại ấy chính là quãng đời tuổi thơ. Mà bạn đọc đều hiểu nhân cách con người đã bắt đầu ổn định từ tuổi thứ 5, thứ 6. Với bất kỳ ai, ấn tượng tuổi thơ đều đi theo suốt đời. Quyển sách đã đáp ứng đúng yêu cầu đi tìm câu trả lời vì sao Bác trở thành một vĩ nhân!

Bài viết xin được cắt nghĩa thêm giá trị của tiểu thuyết từ góc nhìn thể loại.

1. Đó là những lớp ngôn từ điện ảnh được đặt ở điểm nhìn thời hiện đại quay ngược về chiều quá khứ “chớp” lấy những khuôn hình đặc sắc tiêu biểu về không gian văn hóa phong tục. Thế nên về cơ bản, người kể chuyện ở ngôi thứ ba, biết hết, biết một cách tường tận “kể” lại cho bạn đọc. Cũng là một cách lý giải: Được tắm mình trong không gian văn hóa ấy nên Bác trở thành một Danh nhân văn hóa là điều không khó hiểu. Một không gian làng Chùa đẹp như thơ, mơ màng như trong cổ tích với những chi tiết tạo hình riêng biệt: Khói lam chiều bảng lảng; buổi bình minh sáng hồng sương sớm... Cái cánh cổng làm bằng khung tre kết cành rào, hình chữ nhật. Một khu vườn nhà ông đồ Hoàng Xuân Đường là cả một thế giới... Những hương vị đặc trưng của làng Sen: Hương sen pha lẫn mùi hương bồ kết cháy phả vào làn gió thu... 

Người đọc được đưa trở về không gian làng quê xứ Nghệ những năm đầu thế kỷ 20, được “xem” những sinh hoạt văn nghệ dân gian như hát phường vải, múa đèn, hát xẩm... Được đến kinh thành Huế cổ kính, có dòng sông Hương lững lờ với câu hò não buồn trên dòng sông tủi phận. Được “xem” đình Dương Nỗ, được đến trường Pháp-Việt Đông Ba, trường Quốc học. Được ra Bến Nhà Rồng... Trong không gian ấy nổi bật lên mối quan hệ văn hóa người: Thân phận người dân mất nước, tình thầy trò, nghĩa làng xóm, tình bạn bè ân nghĩa, ân tình... 

2. Mở cửa bước vào thế giới cách mạng 4.0, phê bình văn hóa/văn chương trên thế giới đang coi “liên văn hóa” vừa là con đường đi, vừa là một thủ pháp. Theo nghĩa rộng, thuật ngữ "liên văn hóa" (intercultural) là sự mở ra giao tiếp với các nền văn hóa khác. Văn hóa bao giờ cũng tiềm ẩn sức mạnh nội sinh, nên trước khi đặt ra vấn đề liên văn hóa, người ta rất chú ý tìm hiểu mối quan hệ theo chiều dọc truyền thống/hiện đại, tức những giao tiếp nội văn hóa (intracultural communication). Bác Hồ chính là một hiện tượng liên văn hóa tiêu biểu, đúng nghĩa nhất khi Người kết tinh những tinh hoa văn hóa của truyền thống dân tộc, của phương Đông và phương Tây để tự trở thành một biểu tượng văn hóa có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn. Trong “Búp sen xanh”, có thể Sơn Tùng chưa hoặc không chú ý tới khái niệm nhưng với hình tượng nhân vật cậu bé Côn/Nguyễn Sinh Cung/Nguyễn Tất Thành, ông đã lý giải xuất sắc sự khởi đầu một liên văn hóa vĩ đại. 

leftcenterrightdel
 Nhà văn Sơn Tùng. Ảnh: VOV

Mỗi hình tượng nghệ thuật đích thực như một sự phản chiếu, như một làn sóng vỗ đẩy những làn sóng khác để đưa bạn đọc nhìn thấy cả một chân trời. Từ một nhân vật để hiểu cả một thời đại. Từ hình tượng cậu bé Côn, bạn đọc biết sâu hơn cái tâm, cái tài, cái đức của cụ Cử Nguyễn Sinh Sắc. Qua cụ Cử lại hiểu được những bậc anh tài đất địa linh, là Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Vương Thúc Quý... Từ họ lại nhận thức sâu hơn về phong trào yêu nước của lớp văn nhân trí thức yêu nước cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và nhận ra chân lý: Cuộc nổi dậy của nhân dân ta chống lại bọn xâm lược Pháp là tất yếu. Vấn đề là theo con đường, phương pháp nào mà thôi. Điều này lý giải vì sao “Búp sen xanh” không chỉ trẻ em mà người lớn cũng say mê tìm đọc. Nhìn từ chiều ngược lại thì cậu bé Côn là nơi tụ hội, lắng đọng những vẻ đẹp của nhiều mạch nguồn văn hóa, từ câu chuyện bà kể, lời hát ru của mẹ, của âm thanh hát phường vải, của khí phách người cha và bạn bè... Theo nguyên tắc dồn tụ một cách tự nhiên nhất, nhân vật được xây dựng như một cây xanh lớn lên trên mảnh đất truyền thống gia đình, quê hương, được quang hợp ánh sáng lý tưởng yêu nước của truyền thống lịch sử của thời đại. Đó đích thực là kết tinh của giao tiếp nội văn hóa!

Thế nên một chi tiết cậu Côn rủ bạn bè trêu chó để chúng sủa om sòm tưởng là bình thường nhưng là một mã văn hóa: Cậu Côn cũng hồn nhiên, nghịch ngợm như bao trẻ khác, cũng sinh sống tự nhiên, bình thường giữa cõi đời này. Cơ bản hơn, nó toát ra một “tinh thần dân chủ”, cậu không là “con quan” mà “bình dân”, “bình đẳng” với những đứa trẻ dân dã kia... Theo phép “phản chiếu”, việc ấy tất đến tai cụ Cử. Hình phạt của người cha ấy cũng như của bao người cha khác thương quý con mà dạy cho con nhân cách làm người! 

Đúng với “liên văn hóa”, tất yếu (và cũng là thực tế) cậu Côn được học và giỏi chữ Hán, sớm đọc Luận ngữ, biết nhiều kinh sách, đã sớm nghe các bậc thức giả nói về Cần Vương... Cũng tất yếu cậu đọc sách tiếng Pháp, sớm đọc “Những kẻ khốn nạn” (Những người khốn khổ)... Đó là một khởi đầu liên văn hóa lớn lao sau này!

3. Liên văn hóa luôn là đa điểm nhìn. Vang lên trong tiểu thuyết biết bao quan điểm, trường nhìn, bao giọng nói, nhiều trạng thái tâm lý, tình cảm... Một giọng cổ tích ấm áp kể chuyện Thạch Sanh của người bà; một giọng thảng thốt, đau đớn của một đứa trẻ (Huệ Minh) gọi “Mệệ... Côn... ch...ết... Côn... ơi!”; một tiếng khóc ứ nghẹn của đứa trẻ khát sữa đòi mẹ; một sự nức nở nén vào trong của cậu bé Côn bế em đi xin sữa lúc buổi đêm... Tiểu thuyết là cả một thế giới xôn xao tiếng nói, giọng nói rất đa dạng tạo nên sự sinh động như cuộc sống ngoài đời!

Một phương diện tài năng của nhà văn là trao điểm nhìn phù hợp, logic với tâm lý nhân vật. Điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết rất linh hoạt, có khi là sự kết hợp cái nhìn của người kể biết hết với cái nhìn trẻ thơ. Không gian miêu tả vừa thấm đượm cái ngây thơ hồn nhiên, nhưng không bị đẩy đi quá xa vì có sự “kiềm chế” tỉnh táo của cái nhìn già dặn từng trải. Khi bé Côn nhìn ra biển trầm trồ: “Cái ao... Cái ao lớn quá!” thì có lời người lớn (Cử Sắc): “Biển đó con ơi!”. Cậu bé ngạc nhiên hét tướng: “Ồ! Con bò... Con bò to lội trên biển!”, thì có luôn một lý trí giải thích: “Thuyền đó. Thuyền chạy bằng buồm theo chiều gió!”. Đến lời hát của cậu, thì là cả một sự khúc xạ tập trung những điểm nhìn trên, có cả cái ngây thơ con trẻ và khát vọng của người lớn về một thiên tư khác thường: Biển là ao lớn/ Thuyền là con bò/ Thuyền ăn gió no/ Lội trên mặt nước.../ Ta lớn mau mau/ Vượt qua ao lớn... Nhưng khi để Côn “thấu cảm” thân phận người cha mình thì nhà văn trao quyền kể cho bà ngoại. Vì có ai biết rõ điều ấy hơn bà ngoại đâu. Cái chính là quan điểm kể của người bà gần gũi nhất, thấu hiểu nhất, tự tạo ra giọng kể bùi ngùi cảm động, lắng đọng về người cha mồ côi được ông ngoại nhận làm con nuôi và gả con gái...

4. Liên văn hóa tất yếu tạo ra những “liên văn bản”. Tiểu thuyết là một liên văn bản sinh động, xuyên thấm vào nhau tạo nên sự thống nhất trong cơ thể nghệ thuật. Chỉ nhìn từ hình thức, là sự góp mặt của rất nhiều văn bản: Hát xẩm, vè, ru, thơ, ứng khẩu, câu đối, lẩy Kiều, ca dao, ca cổ, lời khấn, văn vần, phương ngữ Hán... Những văn bản ấy luôn in vết một cá tính, hằn một dấu ấn thời đại rồi hắt bóng vào tiểu thuyết tạo ra một sắc thái đa văn hóa nên càng đọc càng thấy mới mẻ. Ví như lối văn ứng khẩu đã quá vãng nay tỏa sáng ở bài thơ vịnh của cậu Côn trước vị quan lớn (Hoàng Cao Khải): Kìa ba ông lão bé con con/ Biết có tình gì với nước non/ Trương mắt làm chi ngồi mãi đó/ Hỏi xem non nước mất hay còn?...

Là nơi gặp gỡ nhiều thể loại thơ, kịch, truyện, tự truyện, ký... nên tiểu thuyết này dễ chuyển thể sang các loại hình nghệ thuật khác. Như những làn sóng nâng đỡ con thuyền hình tượng nhân vật đi về “phía chân trời”, các thể loại cứ nương vào nhau, dồn đuổi nhau để đến trang văn bản cuối cùng là một kết thúc mở càng tạo ra sự háo hức muốn đọc thêm, đọc nữa!!! 

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ