Chị ngó mặt anh, ngờ vực: “Có chuyện gì mà bố mày căng thẳng thế?”. Anh Tiến ngồi luôn lên cái cối đá úp gần đấy, gãi gáy, rầu rĩ: “Hỏng rồi mẹ mày ạ!”. Chị Lư chột dạ nhìn chồng: “Hỏng gì, ông nói ngay xem nào. Cứ úp mở, để tôi còn cơm nước, trưa trật ra rồi”. Anh Tiến nói như sắp khóc: “Là xôi hỏng bỏng không. Thằng Dũng nhà mình trúng tuyển rồi”.

Chị Lư cũng ngồi phệt xuống cạnh chồng, nước mắt ứa ra. Anh Tiến bệnh xương thủy tinh, gãy tay, chân mấy bận. Lần vừa rồi là thứ tư, vừa ra viện và tự đi được hồi tháng 9. Chưa kể, cột sống cong vẹo, đi lại trong nhà cũng phải dùng nạng. Dũng là con trai lớn của anh chị. Nó vừa học xong 12, dì nó xin cho vào làm công ty ván ép bên kia cầu, tháng được 7 triệu đồng, cũng đỡ đần được chị. Dũng lấy tháng lương đầu tiên cũng là lúc gia đình chị bị xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Dưới nó là đứa em gái đang học lớp 9, bị tim bẩm sinh. Mới hồi Tết ra, em nó trải qua cuộc phẫu thuật tốn kém cả bạc trăm, chị mang bìa đất nhà đi cầm cố, giờ hằng tháng phải trả cả gốc và lãi. Cu Dũng bảo mẹ: “Nếu trời cho con khỏe mạnh, con chỉ làm hai năm là mẹ trả hết nợ ngân hàng. Sau đó, con sẽ xây chuồng, tậu bò cho mẹ chăn thả...”.

Minh họa: PHẠM HÀ 

Trời cho anh chị một thằng con cao lớn, khỏe mạnh, đẹp giai và ngoan ngoãn. Nó học hành cũng không đến nỗi nào, trường cao không nói chứ tốp hai thì cũng đủ điểm vài trường đại học, nhưng Dũng nhất định không đi học nữa. Vì chị khổ quá rồi nên nó chọn đi làm.

- Tại mẹ mày ý!

Anh Tiến cắt ngang suy nghĩ của chị.

- Sao lại tại tôi?

- Thì tôi đã bảo cứ chi cho bác Đương một triệu để bác ý lo lót. Mỗi năm có một triệu thôi, là người ta không gọi. Đây mẹ mày cò dè cò tắt, bủn xỉn, chi có năm trăm. Năm trăm là năm ăn năm thua. Giờ thì thua rồi.

- Ông hay thật, giờ lại bảo tại tôi. Chả phải bác Đương nói là sẽ cố gắng tác động để đánh trượt nó. Nhưng con mình cao lớn, khỏe mạnh thế, lại chả tật bệnh gì. Không khám thì thôi, khám là chỉ có trúng. Giờ tôi đi gặp bác Đương xem cụ thể thế nào, còn cách nào không. Nay mới hăm nhăm tháng 11 thôi mà. Nếu đi thì phải ra Tết.

- Thôi, bà khỏi đi đâu. Bác Đương vừa đến đây trả lại tiền rồi. Bác bảo năm nay làm gắt lắm. Bác ấy bảo hai năm cũng nhanh thôi.

- Nhanh nhanh cái gì. Làng này ối đứa khỏe mạnh, nhưng con ông to bà lớn có phải đi bộ đội đâu. Sao họ bắt con mình đi? Trước đây, dù nó phải đi học nhưng nửa đêm gà gáy, nhà việc nọ việc kia, có nó tôi còn yên tâm. Giờ nó đi bẵng đi, tôi trông vào ai? Hai năm là mấy trăm đêm ông ạ. Lúc em nó đột ngột trở đau thì sao? Ông sơ ý, gãy tay thì sao?

- Thôi, bà đừng nói gở, để tôi tính lại.

- Thì tôi cũng nghĩ thế nói thế. Nhưng giờ biết làm thế nào?

Cả buổi chiều hôm ấy, chị Lư không làm được gì ra hồn. Quét cái bếp ba lần vẫn sót búi tóc rối; quên cả đi nộp tiền nước trong nhà văn hóa; cũng chả buồn tưới rau. Thương con là một nhẽ, nhớ con là một phần, cái lớn hơn cả là lo sợ. Anh Tiến chồng chị là con một. Bố mẹ chồng thì khuất hết rồi. Khi khó khăn gì là cứ ngân hàng thẳng tiến. Bìa đỏ chuộc về nhà chưa ấm tay lại đi. Buồn lắm! Mong ngày mong đêm, trông ngày trông đêm để con lớn lên đỡ đần, dựa dẫm. Nếu con chị đi làm kiếm ra tiền thì chồng chị cũng đỡ sốt ruột. Nếu không, ông ấy sẽ lại sờ sẫm việc nọ việc kia, thế rồi sơ sểnh là lại gãy xương, mẻ xương. Thế mà...

Cứ nghĩ đến là nước mắt chị ứa ra, chảy quanh.

Tám giờ tối hôm ấy, Dũng về đến nhà. Cu cậu ngạc nhiên khi cả nhà còn đợi cơm: “Sao nhà không ăn trước đi, đợi con làm gì? Nay con về sớm đấy, mai tăng ca phải mười giờ mới về”.

Bé Ngân, tay cầm cái lồng bàn, đi sát vào anh trai, nói khẽ: “Anh trúng tuyển bộ đội rồi”. Ánh mắt nó buồn thăm thẳm, ngân ngấn nước. Dũng khựng lại giây lát, liếc nhìn bố rồi nhìn mẹ. Thấy thái độ phụ huynh khá ổn, Dũng vội vơ quần áo đi tắm. Cố gắng để tỏ ra bình tĩnh nhưng nỗi niềm gì đó cứ dâng lên đầy lồng ngực. Dũng không khóc mà mắt có vẻ đo đỏ.

Cả nhà ngồi bên mâm cơm nhưng ai cũng cảm nhận rõ sự căng thẳng vô hình đang phủ choán ba gian nhà. Chị Lư lựa những miếng thịt nạc nhất gắp vào bát chồng và hai con rồi giục mọi người ăn cho nhiều.

Sau bữa ăn. Dũng vẩn vơ đi ra cổng. Dũng bấm điện thoại gọi cho anh Bằng. Gọi lần thứ hai anh Bằng mới nghe. Anh Bằng là tổ trưởng tổ xẻ chỗ Dũng làm. “Gì thế, nói luôn đi, anh đang đi có việc”. “Thôi ạ, để mai đi làm em nói”. “Thôi cái gì, nói luôn đi. Mai tao lại không nghe”. “Em phải đi bộ đội anh ạ”. Đến nửa phút sau anh Bằng mới nói: “Anh hiểu hoàn cảnh của chú mày. Nhưng mà anh nói thật nhé, đừng nghĩ là lãng phí hai năm. Hai năm nghĩa vụ quân sự chính là một khóa học ngắn nhưng đầy ý nghĩa đối với thanh niên. Chú mày sẽ học được nhiều thứ để tự tin bước vào đời, nhìn anh thì biết. Không nói nhiều”. Dũng cũng không nói gì nữa. Không hẳn là Dũng hiểu hết cái ẩn ý của anh Bằng, nhưng cũng thấy vững lòng. Cái khó nhất bây giờ là mở lời với mẹ. Mẹ vất vả quá rồi, từ ngày lớn dậy đến giờ, chưa bao giờ Dũng thấy mẹ sướng cả. Lấy bố là việc làm dũng cảm nhất của mẹ. Sau đó, hết con đi viện lại chồng đi viện. Bốn sào ruộng một tay mẹ cỏ giả, trừ sâu, cấy gặt. Gà, lợn thì mấy lần tay trắng vì dịch bệnh. Dũng vẫn nhớ đến ngày cầm tháng lương đầu tiên về đưa cho mẹ, mẹ đã khóc. Ngay hôm sau, mẹ mang tiền đi trả nợ ngân hàng, chỉ nhắt lại một ít mua cho Dũng đôi áo lót, một đôi giày và chai dầu gội đầu loại tốt mà khi xưa mẹ vẫn mua lẻ vài gói một. Chắc chắn, mẹ đang lo lắng, đôn đáo nhờ người viết đơn, tìm cách hoãn nghĩa vụ cho Dũng.

Ngay cả lúc này, nói với bố điều gì đó cũng khó. Bố luôn trong tâm trạng giận thân, giận đời vì bệnh tật của mình là gánh nặng đè lên vai vợ con. Bố từng khóc khi Dũng gấp tờ giấy gọi của trường đại học cất đi và làm hồ sơ xin việc. “Bố có lỗi với con Dũng ạ, không nuôi con ăn học đến nơi đến chốn”.

Bước vào đến sân, nhìn qua cửa sổ, thấy em gái đang ngồi ngẩn ngơ trước trang sách. Chả nhẽ Dũng lại nói với em là “mày đừng có lo, vèo cái hết hai năm thôi mà. Vừa ngày nào anh cõng mày vẹo cả sườn, giờ mày cũng thành thiếu nữ rồi, cao suýt bằng anh còn gì”. Nhưng Dũng cũng không dám nói, vì con bé rất mau nước mắt.

Đúng lúc ấy thì có tiếng ơi ới ngoài cổng:

- Ngân ơi, đuổi chó cho bác với!

Dũng nhận ra bác Tĩnh, người ngoài gò, là bạn bố. Dũng vội đi ra mở cổng. Bác Tĩnh phóng xe máy vào sân, giọng oang oang:

- Tiến Lư đâu rồi. Khóa này, khu mình có thằng Cường nhà tôi và thằng Dũng bên này trúng tuyển. Tôi sang để bàn với chú thím một việc quan trọng đây.

Chị Lư đi ra, hồ hởi:

- Bác cứ vào đây đã rồi nói, chưa gì đã toáng lên!

Bác Tĩnh dợm bước lên hè, không giấu được sự phơi phới:

- Ôi giời! Vợ chồng tôi thiếu nước đem xôi gà đi mà tạ ông Đương chú thím ạ. Tống cổ được ông kễnh vào bộ đội, tôi nhẹ cả người. Vào đấy cho quân đội dạy dỗ, chứ tôi nhọc lắm rồi. Tính tôi chú thím biết đấy, nghiêm ngắn ra trò. Thế mà giời sinh tính thằng con thế, bất trị. Mười hai năm học là mười hai năm vợ chồng tôi muối mặt với nó. Không dốt nát nhưng mà bố láo bố toét, nay nó trò này, mai nó trò kia, phá phách, gây gổ, đánh đấm...

Đương thao thao bất tuyệt, nhìn thấy vẻ mặt ỉu xìu của chủ nhà, bác Tĩnh bỗng dừng lại, nhẹ nhàng thăm dò:

- Này, thế tôi hỏi khí không phải, chú thím có định cho thằng Dũng nhập ngũ đợt này không? Hay để thư thư vài năm nữa?

Chị Lư buột miệng:

- Ôi dào, đằng nào chả phải đi mà thư với khoan. Có hai năm thôi mà bác. Ở nhà em tự liệu được.

Bác Tĩnh ngồi rung đùi trên ghế, vuốt cằm:

- Thật, đằng nào chả đi. Nhưng mà tôi cũng có chỗ quen trên huyện. Nếu chú thím muốn để cu Dũng ở nhà đỡ đần thì cứ nói, tôi giúp được. Đảm bảo đấy!

Anh Tiến thở dài:

- Vợ chồng tôi khó thì cũng khó lâu rồi. Nay việc này toàn quyền để cháu nó quyết định. Nó quyết định thế nào thì vợ chồng tôi ủng hộ cháu thế. Đi nghĩa vụ quân sự là niềm tự hào chứ bác. Còn nếu cứ đem hoàn cảnh ra mà đắn đo thì vô kể.

Bác Tĩnh cười khà khà:

- Tôi biết ngay mà!

Quay ra nhìn Dũng khi đó đang đứng ở cửa buồng, bác Tĩnh hỏi đầy phấn khởi:

- Thế ý tân binh thế nào?

Dũng như hất được gánh nặng đè lên lồng ngực khi nghe bố mẹ nói thế nên thấy bác Tĩnh hỏi, Dũng tranh thủ bày tỏ ý kiến:

- Cháu đã sẵn sàng bác ạ!

Bác Tĩnh vỗ tay vào đùi bét một cái rồi nhổm dậy, chạy lại, nắm chặt tay Dũng mà giật:

- Thằng này khá. Rất khá! Phải thế chứ! Giờ mày giúp bác một việc. Mai hay kia mày ra đả thông tư tưởng cho thằng Cường nhà bác. Nó đang mè nheo bắt mẹ nó chạy chọt hoãn cho nó kìa. Mẹ thì thương con. Hỏng hết cả việc lớn. Chết thật!

Dũng tiễn bác Tĩnh ra cổng và nói rất chững chạc: “Bác yên tâm. Cháu sẽ nói chuyện với bạn Cường”.

Trong nhà, nghe thấy thế, anh Tiến-chị Lư cứ rưng rưng nhìn nhau. Nỗi niềm này, thật khó tả!

Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN