(Đọc “Trần Hữu Nghiệp, đời là kẻ sĩ” của Đỗ Viết Nghiệm - NXB Thanh Niên 2021)
QĐND - Phần đông thế hệ lập quốc đi làm cách mạng là từ nhu cầu tự thân, đấu tranh để giải phóng chính mình, rộng hơn là gia đình, quê hương, đất nước khỏi áp bức bóc lột. Còn Trần Hữu Nghiệp tham gia cách mạng trong bối cảnh gia đình rất khá giả, có 13 mẫu ruộng, cha ông đang là đại hương cả. Ấy vậy mà ông dám từ bỏ cuộc sống đủ đầy, sung sướng để tham gia cách mạng.
Năm 1935, khi học xong Trường Y khoa Đông Dương tại Hà Nội, ông sang Pháp học tiếp hai năm để lấy bằng bác sĩ tại Trường Đại học Y Paris. Trở về quê hương sinh sống, Trần Hữu Nghiệp mở phòng mạch tại Mỹ Tho. Phòng mạch của ông rất đông khách, tiền nhiều như nước, đến nỗi ông phải “rùng mình khó chịu”. Có vợ đẹp cùng 3 người con khôn (vợ ông là con đại điền chủ huyện Hương Điểm, tỉnh Bến Tre), thế mà ông từ bỏ cái gia tài ấy để đi vào vùng kháng chiến, chịu đựng đủ thiếu thốn, gian khổ, hy sinh. Đến nỗi vợ bỏ đi lấy chồng Tây. Không phải là nhà cách mạng lẫy lừng, nhưng sự hy sinh tình riêng, hy sinh gia đình và hạnh phúc cá nhân của Trần Hữu Nghiệp là rất lớn. Bởi Trần Hữu Nghiệp có lòng yêu nước nồng nàn, căm thù bọn thực dân, đế quốc giày xéo quê hương mình.
|
|
Bìa cuốn sách "Trần Hữu Nghiệp, đời là kẻ sĩ". |
Trần Hữu Nghiệp là một trong những người vượt biển ra miền Bắc để báo cáo Trung ương, Bác Hồ về tình hình Nam Bộ và xin vũ khí chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Đoàn vượt biển đi bằng thuyền gồm 5 thành viên, trong đó có bà Nguyễn Thị Định. Chính họ là những người đặt “nền móng” cho con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển sau này (Đoàn tàu không số).
Ra Bắc, Trần Hữu Nghiệp tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Ông cũng từng đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế Trung ương ở miền Bắc suốt 10 năm, đào tạo hàng nghìn y sĩ, bác sĩ cho cả hai miền, nhất là cho chiến trường Nam Bộ. Ông hai lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Qua truyện ký, ta cũng được biết về kỷ niệm đẹp của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp với Bác Tôn trong chuyến tháp tùng Bác Tôn thăm Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông chứng kiến và khâm phục trình độ tiếng Pháp của Bác Tôn khi Bác sửa lại những trang bản thảo của ông; chứng kiến phong cách làm việc cẩn thận, rất liêm khiết của Bác.
Đỗ Viết Nghiệm có giọng văn như thứ rượu quý, dìu dịu, nồng nàn, rất dễ lôi cuốn người uống say lúc nào không biết. Bởi vậy, ông viết đến 4 cuốn truyện ký, tôi đọc cuốn nào cũng bị giọng văn của ông chinh phục, phải đọc một mạch cho đến trang cuối cùng. Mặc dù là truyện ký, nhưng câu chuyện cuộc đời Trần Hữu Nghiệp quá đỗi hấp dẫn, quá nhiều hy sinh vì quê hương, đất nước nên nhà văn không phải dụng công hư cấu. Một câu chuyện người thật, việc thật nhưng đã trở thành thiên truyện ký lâm ly, lôi cuốn. Có lẽ, đó là tài năng của Đỗ Viết Nghiệm, với vốn kiến thức, vốn sống phong phú.
NGUYỄN TRƯỜNG