Trong bối cảnh cuộc sống số, xã hội số, công dân số và cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, văn học, nghệ thuật Việt Nam đang có những biến chuyển mạnh mẽ. Môi trường mạng đang làm thay đổi căn bản phương thức sáng tác, sản xuất, phổ biến và tiêu dùng văn hóa của người dân.

Phim trực tuyến, âm nhạc trực tuyến, mỹ thuật, hội họa, nghệ thuật biểu diễn trên mạng góp phần nâng cao đời sống tinh thần của công chúng, đồng thời làm thay đổi thị hiếu, thẩm mỹ, lối sống, hành vi của họ. Nếu trước đây, mọi người phải trực tiếp đến các thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, viện bảo tàng, triển lãm để tiếp xúc với tác phẩm thì hiện nay, họ có thể đọc sách điện tử, “trùm chăn tại nhà” xem phim, thưởng thức các chương trình nghệ thuật, tham quan bảo tàng ảo, tham gia các diễn đàn, hội, nhóm sở thích...

Môi trường mạng là không gian tự do nhất cho các hoạt động sáng tạo, phổ biến và truyền bá văn học, nghệ thuật. Với quyền tự do biểu đạt không giới hạn trên không gian mạng, các cá nhân có cơ hội tối đa khám phá và thể hiện tài năng, sở trường. Trên các ứng dụng khác nhau của mạng đang diễn ra những thử nghiệm văn học, nghệ thuật đa dạng và táo bạo nhất. Những thử nghiệm này nhanh chóng được phát hiện và dễ dàng được đánh giá trong cộng đồng mạng. Không ít nhà văn, ca sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim trẻ tài năng của Việt Nam được phát hiện thông qua môi trường này. Đơn cử như phiên bản phim “Bố già” của Trấn Thành đã "thành công vang dội" trên mạng trước khi trở thành bộ phim chiếu rạp có doanh thu lớn nhất từ trước đến nay.

leftcenterrightdel
 Minh họa: KHOA AN

Môi trường internet cũng làm thay đổi cách thức sáng tạo, mối quan hệ giữa tác giả, tác phẩm và công chúng. Điều đó thể hiện rõ nhất trong văn học mạng với những tác phẩm được thai nghén, sinh thành và vận động hoàn toàn trên môi trường mạng. Người đọc không còn đơn thuần là người thưởng thức tác phẩm, họ đã trở thành những người đồng sáng tạo.

Nếu trước đây, công việc bình luận, đánh giá tác phẩm chủ yếu thuộc về đặc quyền của các nhà phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật thì hiện nay, người đọc có toàn quyền tham gia vào quá trình này. Sự phản hồi, tương tác của công chúng là một kênh quan trọng đo lường chất lượng tác phẩm và phản ứng của khán giả thông qua bình luận (comment), lượt xem (view), lượt thích (like) hoặc không thích (dislike), giúp tác giả điều chỉnh, hoàn thiện tác phẩm.

Không gian mạng cũng thúc đẩy quá trình tự do thông tin, kích thích các tầng lớp dân chúng quan tâm đến những vấn đề văn hóa-xã hội. Đặc biệt, giới trẻ thường không quan tâm lắm đến đời sống văn hóa theo kiểu truyền thống, nhưng lại tỏ ra vô cùng hứng thú trên các trang mạng xã hội, diễn đàn, website, blog cá nhân. Trên phương diện hội nhập quốc tế, môi trường mạng giúp cho quá trình giao lưu, hội nhập về văn hóa diễn ra nhanh chóng, chủ động và đa chiều hơn.

Tuy nhiên, do những khó khăn về kỹ thuật-công nghệ trong công tác quản lý, đồng thời, các chủ thể có thể ẩn danh, dùng nickname để hoạt động nên không gian mạng là nơi có thể công bố thoải mái nhất các sáng tác, thử nghiệm cá nhân. Bên cạnh mặt tích cực là khuyến khích quyền tự do sáng tác, phát huy năng lực sáng tạo của mỗi người thì mặt tiêu cực là tạo điều kiện cho các sáng tác dễ dãi, tầm thường, thậm chí là dung tục, phản cảm tung hoành.

Trong lĩnh vực văn học, đó là sự tràn lan các tác phẩm văn học mạng có chất lượng thấp, các tiểu thuyết ngôn tình rẻ tiền, các tản văn “ba xu”, những sáng tác dưới mác văn học dân gian hiện đại đầy rẫy những châm biếm, giễu nhại, tiếu lâm vô văn hóa. Đặc biệt, việc sử dụng ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ tuổi teen, ngôn ngữ thời @ một cách tùy tiện đang làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt, có nguy cơ làm tổn hại đến ngôn ngữ dân tộc.

Trong lĩnh vực phim ảnh, đó là các video clip tự chế, các phim ngắn “tự biên tự diễn”, chủ yếu khai thác những cảnh nóng, nhạy cảm, sinh hoạt sa đọa. Rất phổ biến là các phim hài nhảm có nội dung gây cười dung tục, phim đao kiếm, bạo lực, đâm thuê chém mướn, giang hồ, xăm trổ, video hài tục tĩu... Những phim ngắn này chủ yếu được đăng trên YouTube, Tiktok và thu hút số lượng lớn người xem, có khi tới hàng triệu. Gần đây rộ lên trào lưu làm phim chiếu mạng (web drama) về băng đảng xã hội đen, thế giới ngầm... Đối với bộ phận công chúng nghiêm túc, chúng chỉ là những bộ phim câu khách, giật gân, ít tính giáo dục có công thức chung là giang hồ+bạo lực+hài nhảm, nhưng lại được công chúng, nhất là giới trẻ ưa chuộng. So với các phim chiếu rạp, chúng lại thường đạt lượng người xem rất cao vì lưu hành lâu trên mạng.

Trong lĩnh vực âm nhạc, đó là đủ loại các thể nghiệm âm nhạc, như: Nhạc chế, nhạc mix, ca khúc châm biếm, giễu nhại, cũng chủ yếu được đăng tải trên YouTube. Nhiều bài hát có âm nhạc hay, ca từ đẹp, nội dung nghiêm túc bị chế thành những bài hát dung tục, phản cảm. Lợi dụng công nghệ mới, rất nhiều “nhạc sĩ nghiệp dư”, “nhạc sĩ hội chợ” dựa vào kỹ thuật kích âm, phần mềm công nghệ cho ra những sản phẩm rởm rít, thảm họa.

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có không ít chương trình nghệ thuật, buổi diễn, game show chất lượng kém, hát múa thì ít, khoe thân thì nhiều. Hiện tượng hát nhép, lợi dụng kỹ xảo, chiêu trò sân khấu đánh lừa người xem diễn ra phổ biến. Nhiều chương trình được làm nhạc bằng phần mềm kỹ thuật số, công nghệ chỉnh âm hiện đại mang tới cho người nghe những video clip rởm, ca sĩ rởm, nghệ sĩ ảo, ngôi sao ảo.

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh là trào lưu chụp ảnh nude, khoe thân, chụp ảnh độc, “săn xác” tử thi đẫm máu, chụp ảnh trong ảnh, lồng ghép quá khứ-hiện tại, cắt ghép “râu ông nọ cắm cằm bà kia” mang đến không ít tiếng cười, nước mắt cho những người trong cuộc.

Trong lĩnh vực mỹ thuật, đó là những sáng tác “tự do chủ nghĩa” muôn màu, không theo một quy chuẩn thẩm mỹ nào. Nhiều sáng tác rối rắm, khó hiểu, đánh đố người xem, không có thông điệp văn hóa. Nhiều bức tranh khỏa thân thô thiển, phản cảm được tung thoải mái lên mạng.

Có thể nói, trong số các sáng tác kiểu đó có những sản phẩm không xứng đáng được gọi là “tác phẩm” mà phải là “rác phẩm”. Nhưng nhiều khi, nhờ các tiểu xảo lăng-xê cộng với tâm lý đám đông và sự tò mò của giới trẻ, chúng rất dễ thu hút một lượng đông đảo công chúng truy cập. Nhờ sức mạnh của công nghệ, chúng được phát tán với tốc độ cực nhanh và phổ biến hết sức rộng rãi trong công chúng.

Nếu không được kịp thời chấn chỉnh và định hướng, điều đó sẽ góp phần tạo nên một loại công chúng có gu thẩm mỹ xoàng xĩnh, thế giới tâm hồn nghèo nàn, thị hiếu kém cỏi và những nhận thức sai lệch về chân-thiện-mỹ. Hiện nay, những tiểu thuyết mạng đình đám, những bộ phim giật gân, câu khách, những bài hát sến nhiều khi lại có sức hấp dẫn hơn những tác phẩm, chương trình nghệ thuật tâm huyết, được đầu tư công phu bởi các văn nghệ sĩ đích thực. Điều đó về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh của văn hóa dân tộc.

Với tính chất “không gian ảo”, “xã hội ảo”, “cộng đồng ảo”, việc quản lý văn hóa, quản lý thông tin, xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng hiện nay đang gặp rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được và chúng ta khoanh tay đứng nhìn. Công tác chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả quản lý việc lưu hành và phát triển các loại hình văn học, nghệ thuật trên không gian mạng hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết ở tất cả các khâu: Thể chế quản lý, nguồn lực quản lý, công cụ quản lý, biện pháp quản lý.

GS, TS TỪ THỊ LOAN