Sự góp mặt đông đảo với đa dạng đề tài, phong cách đã khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của SKTN. Nói như NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Đó là nhờ SKTN đã mạnh dạn đổi mới, bám sát hơi thở cuộc sống để sáng tạo, diễn xuất tìm lại chỗ đứng trong lòng khán giả.

Mạnh dạn phản ánh thực tiễn

leftcenterrightdel
Vở kịch “Châu về hợp phố” - sự đổi mới, sáng tạo trong đề tài chiến tranh cách mạng

Điểm qua vở diễn của SKTN tham gia LHSK Kịch nói 2018, có thể thấy nhiều vở diễn đã và đang được công chúng háo hức đón nhận, như: Đàn bà dễ có mấy tay (Sân khấu Kịch Phú Nhuận); Hiu hiu gió bấc (Công ty TNHH Dịch vụ Giải trí sân khấu Buffalo); Mua chồng 30 vạn (Công ty Cổ phần Truyền thông quảng cáo Sài Gòn phẳng); Tiếng vạc sành (Sân khấu Kịch Minh Nhí)… Cũng có những vở mới dàn dựng như: Rặng trâm bầu (Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi); Oan hồn (Sân khấu Kịch Phước Sang)… Điểm chung nhất của các vở diễn là sự sáng tạo, bắt nhịp cuộc sống để chuyển tải những thông điệp rất đời thường dưới góc nhìn sân khấu; hoặc “khoác áo mới” cho tác phẩm văn học để nó trở nên “đời” hơn, gần gũi hơn với cuộc sống thường ngày. Có vở diễn mang đậm chất nhân văn, ngợi ca phẩm giá, đức hạnh của con người; có vở diễn lại mang tính hài hước, phê phán thói hư tật xấu trong gia đình, xã hội… Song, tựu trung lại đó là sự phản ánh chân thực, không né tránh những sự việc, hiện tượng, tính chất, cung bậc đang diễn ra trong đời sống xã hội. Theo NSƯT Công Ninh, thành viên Ban Giám khảo LHSK Kịch nói toàn quốc 2018, chính sự đa dạng sắc màu ấy đã góp phần làm nên một LHSK Kịch nói đầy ấn tượng, phong phú và bảo đảm sự hài hòa, cân đối giữa các đề tài, giảm bớt những tác phẩm kiểu “cả nhà cùng vui”.

Thực tiễn hiện ra dưới góc nhìn sân khấu khá nhẹ nhàng, nhưng không kém phần sâu sắc. Việc làm mới tác phẩm văn học cũng không ngoài ý nghĩa phản ánh thực tiễn bằng cái nhìn nhân văn, nhân ái. Vở diễn Đàn bà dễ có mấy tay (Sân khấu Kịch Phú Nhuận), được NSND Hồng Vân đạo diễn phỏng theo tiểu thuyết Giông tố của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Mịch-một cô gái quê mùa, giản dị, chung tình nhưng bị Nghị Hách làm nhục. Để tránh bị kiện cáo, Tú Anh-con trai Nghị Hách, đã thu xếp để Mịch trở thành vợ lẽ của cha mình. Còn Long vốn là chồng chưa cưới của Mịch nhưng vì một phút bồng bột do nỗi đau mất đi người yêu, Long cũng bị chính Tú Anh sắp xếp trở thành vị hôn phu của Tuyết-con gái Nghị Hách. Và rồi, một bi kịch đã diễn ra với nỗi đau khôn cùng của 6 nhân vật: Nghị Hách, Mịch, Long, Tuyết, Tú Anh và bà Cả. Chính tình yêu không chung thủy cùng với sự tác động tiêu cực của xã hội đã khiến hôn nhân, gia đình rơi vào cảnh khốn quẫn, không lối thoát. Vở diễn để lại sự suy tư, trăn trở và nỗi lòng nặng trĩu cho người xem trước thói đời và nhân tình thế thái.

NSND Hồng Vân chia sẻ: “Nếu như ở nguyên bản, Vũ Trọng Phụng xoáy vào sự thối nát của xã hội qua hình ảnh bệnh hoạn của Nghị Hách, thì trong Đàn bà dễ có mấy tay lại là bản lĩnh đàn bà, mưu mô đàn bà khi bị xô đẩy thông qua hình ảnh nhân vật Thị Mịch từ cô gái nhà quê ngơ ngác biến thành một kiểu đàn bà sành đời, lạnh lùng, cay nghiệt. Khi chuyển thể tác phẩm, tôi đã cố gắng làm nổi bật chủ đề tư tưởng, ngụ ý phê phán một hiện thực xã hội, đó là thói trăng hoa của những kẻ trọc phú thời nay, dùng đồng tiền hòng bịt miệng người khác; đồng thời mong muốn cảnh tỉnh những người phụ nữ hãy biết bảo vệ mình, trân trọng giá trị đích thực của tình yêu cuộc sống. Câu chuyện xảy ra từ những năm 30 của thế kỷ trước, nhưng ý nghĩa của nó vẫn vẹn nguyên, được tái hiện qua khả năng sáng tạo, dàn dựng, diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên sân khấu kịch Phú Nhuận”.

Cũng tập trung phản ánh hiện thực, Công ty Cổ phần Công nghệ giải trí Hồng Hạc lại quan tâm đến diễn biến tâm lý, tình cảm của tuổi thơ, nhất là những đứa trẻ mới theo cha mẹ bỏ nhà quê ra thành thị mưu sinh. Cuộc sống chật chội, vất vả nơi thành thị nên những bậc cha mẹ ít quan tâm tới con cái, khiến chúng phải tự tìm niềm vui, tự tìm bạn vui chơi quanh quẩn ở một khu vườn nhỏ sau nhà. Khu vườn ấy như một thiên đường cổ tích mở ra cho đôi bạn nhỏ làm quen nhau, cùng nhau trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đơn thuần và trong sáng. Sống giữa thành phố hiện đại, chúng vẫn trân trọng mùi của ruộng đồng, khói bếp quê nhà nồng ấm, thân thương. Tình bạn hồn nhiên, trong trẻo và vô cùng đẹp đẽ giữa hai đứa trẻ không bị nhuộm đen bởi những toan tính tầm thường, bởi thói đời đố kỵ… đã làm sáng lên giá trị nhân văn trong bản ngã con người.

Chăm chú theo dõi vở diễn, Tiến sĩ Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh), bộc bạch: “Trong xu hướng “tiến ra đô thị”, Những thiên thần nhỏ của tôi đã chạm đến một vấn đề mà các bậc phụ huynh không thể không chạnh lòng suy nghĩ, đó là sự chăm lo bồi đắp tâm hồn tuổi thơ cho con cái. Mấy năm làm nghề tư vấn tâm lý, tôi đã chứng kiến nhiều bậc phụ huynh lãng quên trách nhiệm của mình với các con. Họ cũng vội vã quên đi tuổi thơ của chính mình trong tiềm thức. Phải chăng đó là một phần thực trạng xã hội thời nay…?”. Vở kịch như một lời nhắn gửi đến người xem, đến các phụ huynh, trong mọi xã hội, tình yêu thương luôn là cội nguồn hạnh phúc. Hãy vun đắp nó ngay từ thuở “búp trên cành”…

leftcenterrightdel
Cảnh trong vở “Đàn bà dễ có mấy tay”, vở diễn gây ấn tượng trong Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2018

Thực tế các vở diễn những năm gần đây và trong LHSK Kịch nói cho thấy, SKTN không né tránh những đề tài gai góc trong xã hội, không ngại va chạm, đi vào ngõ ngách của cuộc sống thường ngày. Có lẽ bởi SKTN phải tự bươn chải, không trông cậy vào “bầu sữa” ngân sách nên phải mày mò tìm kiếm những vấn đề sát thực để được khán giả đón nhận. Chính quá trình ấy đã ra đời các vở diễn là sản phẩm của cuộc sống đương đại hoặc phản ánh hơi thở cuộc sống đương đại ở những góc nhìn khác nhau, nhằm làm đa dạng hóa món ăn tinh thần của công chúng.

Đổi mới, thử nghiệm để thành công

Tham gia LHSK Kịch nói toàn quốc 2018, không chỉ các đơn vị công lập giới thiệu vở diễn chính kịch, đề tài chiến tranh cách mạng, ca ngợi hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, mà nhiều đơn vị SKTN TP Hồ Chí Minh cũng mạnh dạn đầu tư vở diễn ở đề tài chiến tranh cách mạng. Chẳng hạn như: Sân khấu Kịch Phú Nhuận với vở Châu về hợp phố; Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi với vở Rặng trâm bầu… Trong đó, Châu về hợp phố là vở kịch hưởng ứng cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Vở kịch tái hiện bối cảnh xã hội rối ren giữa lòng đô thị Sài Gòn khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh; quân và dân ta dồn lực chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Chủ đề xuyên suốt xoay quanh câu chuyện về ba người bạn, hòa chung vào bối cảnh đất nước, vừa là câu chuyện lịch sử, vừa là câu chuyện thực của những số phận trong dòng chảy thời cuộc mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Theo dõi vở diễn, khán giả bắt gặp hình ảnh của những người dân Nam Bộ kiên cường, bất khuất, bám đất, bám làng, che chở tiếp tế cho bộ đội chuẩn bị Tổng tấn công và nổi dậy. Vở diễn lôi cuốn người xem bởi tình cảm, tình yêu đôi lứa, khát khao hòa bình, khát khao thống nhất nước nhà.

Theo NSƯT Trần Minh Ngọc, đạo diễn vở kịch Châu về hợp phố, thông thường, SKTN rất ngại khi dựng vở về đề tài chiến tranh cách mạng vì doanh thu không cao, ít hấp dẫn và tuân thủ nghiêm ngặt yếu tố chính xác về tư liệu lịch sử. Thế nhưng, Châu về hợp phố lại đang rất ăn khách. Có được thành công ấy là nhờ sự am hiểu tường tận kịch bản để sáng tạo từng chi tiết mang tính hợp lý, logic và cách diễn xuất “nhập hồn” của đội ngũ diễn viên. “Đề tài “hóc” và “khô” đến mấy cũng sẽ trở nên mềm mại, có sức sống và được đón nhận nếu biết mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, “thổi hồn” vào tác phẩm, không theo lối mòn, khuôn sáo” - NSƯT Trần Minh Ngọc chia sẻ.

Cũng thử nghiệm đề tài cách mạng, Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi mang tới LHSK Kịch nói 2018 vở Rặng trâm bầu (kịch bản Vũ Trinh, chuyển thể từ bộ phim cùng tên), do NSƯT Trịnh Kim Chi đạo diễn. Vở kịch ca ngợi một nhân vật có thật, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Nghiệp, một người phụ nữ hiến dâng trọn đời cho cách mạng, biểu tượng sáng ngời của phụ nữ Nam Bộ. Sân khấu Kịch Minh Nhí thử nghiệm đề tài tâm lý xã hội với vở Tiếng vạc sành; Công ty TNHH Sân khấu điện ảnh Gia đình thử nghiệm đề tài kinh dị Lũ quỷ sống… góp thêm những sắc thái mới cho liên hoan. NSƯT Trịnh Kim Chi tâm sự: “Từ lâu tôi đã ấp ủ chuyển thể bộ phim Rặng trâm bầu, dàn dựng thành sân khấu kịch nói để tham gia LHSK Kịch nói toàn quốc. Đây có thể coi là điểm nhấn trong tư duy làm nghệ thuật của tôi khi chọn đề tài mà SKTN thường “né”. Tôi cho rằng, muốn thành công phải nắm bắt thời cuộc, bám sát thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới, thử nghiệm. Tất cả không ngoài mục tiêu hướng tới tình cảm yêu mến, đón nhận của công chúng đối với sân khấu kịch nói hiện nay”.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - MẬU THÌN