Tôi với chị Hiền không quá thân, cho dù quá nhiều công việc phải cần nhau. Hồi ấy chị mặt tròn, mắt sáng hay cười, sắc sảo với nickname “Hiền hổ”. Ngân hàng vốn là nơi đông đàn bà, và trong đám công chức thì đàn bà là thứ đặc trưng nhất. Hoang mang với cấp trên, loanh quanh xởi lởi không đầu không cuối với đồng nghiệp. Vậy thì chị Hiền rất ít chất công chức. Có lẽ là do lấy một tay chồng chỉ biết lương thiện làm thơ rồi làm nhạc. Đã thế, anh Kha còn là một tửu đồ thượng thặng. Rất hiếm người uống rượu vừa tinh tế trầm ổn vừa nồng nhiệt lãng mạn giống như anh. Sau này khi đã thập thành với “sinh hoạt văn nghệ văn gừng” của nhầu nhĩ Hà Nội, tưởng rằng không biết sợ bất cứ một trận rượu nào, vậy mà thỉnh thoảng vẫn rùng mình khi song ẩm với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha. Anh chiều bạn và bạn chiều anh, những trận uống dài liên miên qua trưa tới chiều muộn. Đôi khi đọc thơ, nhưng nhiều nhất vẫn là hát. Gần giống như chị Hiền, tôi yêu thơ anh Kha hơn nhạc của anh. Trí nhớ về giai điệu của anh Kha, cả nhạc ta lẫn nhạc Tây, là thiên hạ vô đối. Cái trí nhớ siêu xuất đấy làm anh giữ được nếp đúng hẹn với vợ. Cuộc nhậu đang vui và anh Kha nhìn đồng hồ “Hiền đang chờ cơm”, chẳng có người bạn nào dám nài. Đàn ông chân thành thương vợ vốn là những người đáng trọng. Cứ thế, thời gian giống như một cái ngoái đầu.

leftcenterrightdel

Nhà thơ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Mãi về sau, khi may mắn bất hạnh thành một thứ viết chuyên nghiệp mới giản dị hiểu, đã là vợ của một nghệ sĩ có tài thì hiếm người nào bình thường. Lần đầu tiên tôi được chị Hiền rủ đi ăn trưa là nhờ chị Hiền có một cái nhìn khác thường. “Mày là một thằng có vẻ tinh miệng”. Hồi đó, thời hậu bao cấp, sau nhiều đận lang thang, tôi mới chính thức đi vào ngân hàng. Tiền vừa đổi xong nên bữa cơm cũng được đổi, béo hơn, màu mỡ hơn. Còn trước đó, bữa trưa của công chức hao hao giống hệt nhau, đều đặn khô khan như cặp lồng bao cấp. Thời đại sấp ngửa đổi thay, ngân hàng giàu lên, lương thưởng đều tăng. Hân hoan xúng xính, chị Hiền giống tôi thích tới quán cháo lòng Lò Sũ, gánh cơm Hàng Bè của bà May, nườm nượp bọn phố cổ sành mồm. Quán cơm nay đã thất truyền. Bây giờ chị Hiền ít xuống phố, có thể chưa kịp biết rằng, Hà Nội đã hụt hẫng đi nhiều thứ quá. Những quán cơm máy lạnh văn phòng “mơ niu” khó nuốt y chang như nhau, nhan nhản mọc lên. Đáng thương thay cho đám áo trắng cổ cồn ngồi công sở, những đồng nghiệp một thời của tôi và chị.

Khi phú quý, người ta chợt nhiên khát khao lễ nghĩa, lạnh lùng nhà băng thì cũng vậy thôi. Có lẽ vì thế mà tới một năm, ngân hàng cung kính trân trọng mời nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đến dàn dựng cho các vòng thi “Tiếng hát của ngành”. Tôi thường trốn tập văn nghệ chiều nên chẳng nhớ chị Hiền có hát hay không, bởi dàn đồng ca cả mấy chục con người phẳng phiu đồng phục xếp đội hình bướm thành hai hàng cao thấp, phía trước là một dàn đa phần nữ quan chức múa nón minh họa. Vừa cầm nón vừa miễn cưỡng hát. Mang máng hình như có một lần tập thử, chị Hiền bị làm con bướm đứng gần cuối hàng. Hôm công diễn chính thức thì không thấy nữa, chắc chị không thích. Anh Kha tổng đạo diễn mát tay, giải vàng, giải bạc thu về cả rổ. Ngoài chỉ đạo chung về nghệ thuật, đương nhiên anh Kha phải sáng tác nhiều bản ngành ca, khét tiếng nhất hình như là bài “Chiếc xe chở tiền”. Rồi có một bài tôi không nhớ được đầu đề, ca từ mang giọng thơ lục bát do anh Kha phổ nhạc. Có đoạn điệp khúc “Ngân hàng Công Thương... í... a... thương ơi là thương”. Tôi hỏi trêu chị Hiền, có bao giờ anh Kha ở nhà ngồi hát những bài ấy cho chị nghe không. Chị Hiền tủm tỉm buông bát cháo lòng, mắt phảng phất như có nét ươn ướt. Cơm áo đâu đùa với khách thơ. Thảo nào anh Kha yêu chị nhiều thế.

leftcenterrightdel

 Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha xúc động hát về đồng đội. Ảnh: QUANG THANH

Một buổi muộn cuối đông của thập niên chín mươi ở thế kỷ trước, tôi và anh Kha liêu xiêu ngồi quán thì chị Hiền gọi anh về ăn chiều. Anh Kha bảo đang uống dở với thằng Nguyễn Việt Hà. Chị nói là có phải cái thằng viết “Cơ hội của Chúa” không, em thích. Nếu thế thì bảo nó về ăn cùng. Khi gặp tôi, chị ngớ người, chị cũng như nhiều đồng nghiệp ngân hàng chỉ biết tên thật của tôi. Anh Kha thì hồn nhiên nghĩ là chị em thân thế, nên cũng chẳng bao giờ thèm nhắc. Chị Hiền cười “Nó viết được văn thì em đâu có ngạc nhiên. Chỉ bực là hai chị em sát sạt ngồi cạnh nhau mà nó giấu như mèo giấu...”. Tôi đùa, cơ quan mình chỉ yêu tiền, văn chương phù phiếm có đâu gì đáng kể. Chúa ơi, vậy mà đã bao năm trôi qua.

Thời gian lông bông đưa đẩy, tôi và anh Kha ít có dịp gặp nhau. Tới một lần, anh rủ tôi qua chỗ Tràng Thi, nơi có công ty anh đang làm sếp để uống một chai Vodka 93 độ cồn. Tàn bữa, anh khe khẽ thở dài bảo, chị mày ốm lắm. Tôi không hỏi thêm, chỉ lặng lẽ cụng ly, bởi một tật xấu ở tôi là rất sợ đi thăm người ốm. Anh Kha hơi ngẩng tay, nuốt luôn cả một ly Vodka, với cái nồng độ ấy thường người uống phải pha loãng. Ly rượu nặng đè lưng anh chúi xuống. Trên đời này, chẳng có ai vất vả hơn thi sĩ. Hình như đấy là lần chị Hiền đầu tiên ốm nặng. Còn những lần tiếp sau thì kể làm gì. Lửng lơ, tôi nhớ một đoạn thơ của anh đã đọc đâu đó.

Không bao giờ còn tuyệt vọng nữa em.

Sao khao khát cứ làm anh muốn khóc.

Anh biết mình chẳng khi nào lẻ độc.

Khi tình yêu vẫn tim tím trong nhà.

Liệu đây có phải khổ thơ khai bút anh tặng chị nhân Tết con mèo năm chín chín. Những câu trong muôn ngàn câu của một thằng đàn ông nồng nàn yêu vợ. Và của một gã nhà thơ khốn khổ, đã từng hơn một lần xót xa thú nhận “Tôi lánh nạn cô đơn vào em”.

 Nhà thơ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha là cộng tác viên thân thiết của Báo Quân đội nhân dân nói chung, ấn phẩm Quân đội nhân dân Cuối tuần nói riêng. Ông có thơ lần đầu in báo là trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần vào tháng 5-1974. Nhiều năm nay, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cộng tác với Báo qua những bài viết ấn tượng, sâu sắc, nhất là về các nhân vật và vấn đề của âm nhạc Việt Nam. Ông luôn dành cho Báo Quân đội nhân dân tình cảm đặc biệt, chưa khi nào từ chối hay sai hẹn mà như ông từng nói: “Báo Quân đội nhân dân đã gọi là tôi “Có!”.

Nhà văn NGUYỄN VIỆT HÀ