Có tờ giấy mới vừa được dán lên, dòng chữ còn mới tinh. Một người già bị lẫn đi mua đồ không nhớ đường về nhà, một người mắc bệnh tâm thần đi lạc... Cuối tờ giấy lúc nào cũng là dòng chữ “gia đình xin cảm ơn và hậu tạ” rất ngắn gọn nhưng An hình dung ra cảnh cả nhà họ tất tả ngược xuôi, lo lắng tìm kiếm giữa những ngả đường. Đôi mắt rưng rưng chạy dán từng tờ giấy lên những bờ tường, những cột điện với hy vọng ai đó sẽ nhìn thấy người thân của mình. Ngã tư ồn ào đông đúc, dòng người vô tình lướt qua, An tự hỏi có ai chăm chú đọc những hàng chữ trên tờ giấy dán cột đèn ấy như An không? 

Bà ngoại thường nói cậu Năm có một cái bớt to như quả trứng gà, nằm ngay khuỷu tay, ngoại thường nhắc đi nhắc lại như thế cho đám con cháu trong nhà như là một dấu chỉ để tìm lại cậu. Năm 20 tuổi cậu Năm đi lạc, nếu cậu còn sống thì bây giờ đã ở tuổi 40. Ngoại nhớ khắc cốt cái buổi chiều hôm đó, ngoại viết tờ giấy đưa cậu mấy chục nghìn ra tiệm tạp hóa đầu làng mua ít dầu ăn, nước mắm. Bao nhiêu lần cậu đi mua đồ cho ngoại có sao đâu, vậy mà chiều hôm đó không thấy cậu về. Nhập nhoạng tối, ngoại chân không tất tả chạy đi kiếm cậu, rồi cả đêm má và mấy cậu dì trong nhà như lật tung cả làng lên để tìm nhưng cũng không tìm được. Y như thể cậu đã mọc cánh mà bay khỏi làng. Ngoại khóc mãi đến nỗi đôi mắt mờ đục...

An lờ mờ nhớ hồi nhỏ An thường được cậu Năm cõng trên lưng. Con đường từ nhà đến trường mẫu giáo phải đi qua cánh đồng, mùa mưa đầy bùn trơn trượt mà chân An chẳng lấm đất bao giờ. Những ngày mưa, tiếng hai cậu cháu cười giòn tan giữa cái sân gạch đỏ au của ngoại. Ngoại bỏm bẻm nhai trầu nói vọng ra “y như hai đứa con nít”. Cậu Năm không nói được, chỉ ú ớ nhưng mê cải lương. Hồi nhà ngoại chưa có ti vi, đêm nào cậu cũng cầm đèn pin sang hàng xóm coi ké. Có lần An lò dò đi theo, tuồng cải lương chưa quá nửa An đã nằm dưới chân cậu ngủ ngon lành. Chẳng biết cậu có hiểu không mà coi đến tận khuya, xong cậu xốc An cõng về nhà. Cậu Năm hồi đó đã hai mươi rồi!

Ngoại kể, ngoại mang bầu cậu sau đêm ông ngoại hành quân qua gần nhà, được tranh thủ ghé qua thăm vợ con. Đợt ấy, chất khai quang rải trắng đồng, cây cối còn chết trụi cả vùng. Rồi ngoại sinh ra cậu, lành lặn nhưng đầu óc mãi ngây ngô như trẻ lên năm. Nhưng ông thì mãi không về và chưa một lần được thấy mặt thằng con trai út.

*

*    *

An có thói quen thường nhìn cánh tay của những người đàn ông. Ai mặc áo dài tay thì thôi, hễ mặc áo ngắn tay An thường cố coi có cái bớt nào to bằng quả trứng gà như ngoại nói không. Đâu chỉ những người đàn ông lớn tuổi, cả thanh niên An cũng chẳng bỏ được thói quen đó. Nhiều lúc An thầm nghĩ mình buồn cười quá, chẳng lẽ vô tình thấy vết bớt, mình chạy lại nắm tay hỏi “có phải cậu Năm không ư?”. 

Ngoại nói, phải chi biết trước cậu Năm có ngày đi lạc thì đã ra tiệm chụp cho cậu mấy tấm ảnh để có cái mà tìm kiếm cậu. Ngày cậu đi lạc, má An phải cắt tấm hình chụp chung cả nhà đem ra tiệm ảnh phóng to ra. Tấm hình đó năm cậu 15 tuổi, cười hết cỡ để lộ hàm răng. So với lúc cậu đi lạc khác xa nhiều lắm nhưng đó là tấm ảnh gần nhất có mặt cậu. Biết làm sao được. Tấm ảnh được in trên mặt báo mục tìm người lạc. Nhiều năm trôi qua, mấy tờ báo vàng hết cả mà ngoại vẫn còn giữ. Ngoại nhắn tin trên đài, trên truyền hình, có lần cả nhà có chuyến đám cưới xa, ngoại đứng giữa bến xe cầm tay người lạ hỏi: “Có biết thằng Năm nhà tui ở đâu không?”. Người ta cười cho rằng bà già lẩm cẩm.

Ngoại thường nheo mắt ngồi coi Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Tới cái đoạn người thân gặp lại nhau lúc nào ngoại cũng khóc. Mấy mươi năm anh em, cha mẹ lạc nhau còn có cơ duyên gặp lại nhau, chắc rồi có ngày cậu Năm bây cũng về. Ngoại chưa bao giờ ngừng hy vọng. Ngoại nói An biên thư gửi cho nhà đài. Ngoại đọc cho An viết. Nhà mình trước mặt là cánh đồng, sau lưng là đồi. Ngoại nói nhà có anh Hai, anh Ba, chị Tư, có bé An. Ngoại nhắn: “Về đi Năm, má và anh chị thương nhớ con nhiều”. An viết cho ngoại vui chứ An hiểu, với một người bình thường thì khác, một người như cậu Năm thì khó như tìm kim đáy bể.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Một bữa, bà ngoại ngồi trước hiên têm trầu chợt sững người khi thấy An dắt về một người đàn ông lạ mặt. Khi người đàn ông dáng vẻ ngô nghê tụt xuống xe máy, bà ngoại ngồi bật dậy, nheo nheo mắt nhìn kỹ, rồi cầm cánh tay lên săm soi. Rõ ràng người đàn ông này lớn tuổi hơn cậu Năm và hình dáng theo mô tả của ngoại cũng chẳng giống, vậy mà ngoại rưng rưng như thể An đã dắt cậu Năm về nhà. An hiểu, nắm tay ngoại bảo người đàn ông này đi lạc, mệt lả ngồi dưới tán mấy cái cây gần mé cầu. Ngoại ờ, rồi ngồi xuống hiên nhà thẫn thờ. An bảo người đàn ông ngồi xuống ghế đá, để An vào nhà kiếm gì cho ông ăn đỡ đói.

Người đàn ông bộ dạng lóng ngóng, vừa nhìn ngó ngôi nhà vừa ngồi xuống ghế. Ông mặc bộ quần áo ngả màu cháo lòng, đôi bàn chân cáu bẩn và đôi dép mòn đến nỗi thủng một lỗ gần gót chân. Chẳng biết ông đã lang thang đi bộ ngoài đường bao nhiêu ngày rồi. Khi An bưng ra tô cơm nguội có khúc cá kho, người đàn ông mắt sáng rực và lấy và để. Ngoại bảo An ra vườn bứt trái chanh vào pha cho ông ly nước uống cho khỏe.

An kể với ngoại đã lái xe lướt qua cầu nhưng rồi vòng trở lại khi thấy người đàn ông như sắp lả đi dưới trời nắng gắt. An hỏi nhà ông ở đâu con chở về nhưng ông lắc đầu, bảo không nhớ gì cả. Khi biết rằng ông đi lạc, lòng An chợt nghĩ đến cậu Năm. Lúc cậu Năm đi lạc cũng có khi ngồi đói bụng rạc người dưới trời nắng gắt như vậy. An bảo ông lên xe để mình chở về, An sẽ tìm kiếm người nhà cho ông.

Người đàn ông cỡ sáu mươi, hàm răng chỉ còn vài chiếc. Ông vặn xoắn đôi bàn tay, không hiểu tại sao mình lại ngồi giữa ngôi nhà xa lạ vậy. Bà ngoại hỏi gì ông cũng nói không biết. An ngồi nhỏ nhẹ, ông có nhớ tên con cháu nào trong nhà, nhớ nhà mình khúc nào không. Ông già nhăn nhó, chỉ nói mình có đứa con tên Thiên, nhà gần một cây cầu bắc qua sông, chỉ vậy thôi còn không nhớ nữa. An thở dài, ở xứ này có biết bao nhiêu cây cầu, bao nhiêu dòng sông, biết nhà ông ở chỗ nào?

*

*       *

An bảo người đàn ông ngồi ngay ngắn trên ghế đá rồi đưa điện thoại lên chụp hình. An từng lướt mạng xã hội, thấy người ta đăng thông tin người đi lạc, nhiều người đã tìm được người thân. An đăng lên Facebook, đăng vào nhiều hội nhóm, nhờ mọi người chia sẻ. Mắt An căng lên theo từng dòng thông báo. Mọi người vào an ủi, chia sẻ, mong ông sớm tìm được người nhà. An xuống bếp nấu cơm vẫn kè kè điện thoại, sợ mình lại bỏ mất thông tin nào đó.

Ăn xong bữa cơm tối, người đàn ông một mực đòi đi về nhà, An năn nỉ mãi ông mới ở lại. An bảo ông ngủ đỡ đêm nay, An sẽ tìm anh Thiên cho ông. Nghe tên Thiên, người đàn ông an tâm gật đầu. Bà ngoại không ngủ, cứ ngồi ngoài hiên ngó nghiêng ra màn đêm. Ngoại nói, mong khi lỡ đường, có ai đó cho cậu Năm miếng cơm, ly nước. Giờ biết cậu bây đi lạc tới phương trời nào rồi?

Nửa đêm, có người nhắn tin vào Facebook An giới thiệu mình tên Thiên là con trai của ông cụ. Có người gửi cho anh bài viết An đăng, xin An xác nhận lại địa chỉ để đến đón ba về nhà. An run run nhắn tin cho anh địa chỉ, sực nhớ đang nửa đêm An bảo để sáng mai hãy đến, bây giờ đi nguy hiểm, ông cụ đã ngủ rồi. Nhưng tầm 5 giờ sáng, An đã nghe điện thoại mình đổ chuông. An mở cửa, một người đàn ông độ bốn mươi kéo chiếc khẩu trang xuống hỏi đây có phải nhà cô An không, mình đến đón ba về.  

Ngoại kéo áo lau nước mắt khi thấy người đàn ông mừng rỡ nhưng miệng mếu máo khóc lúc nhận ra con trai. Thiên cũng khóc, nói mình đi tìm ba cả tháng nay, bỏ công chuyện, rong ruổi hết chỗ này chỗ kia hỏi thăm tin tức của ba mà chẳng thấy. An pha ấm trà, bảo anh Thiên ngồi xuống nghỉ ngơi đợi trời sáng hẳn hãy về. Thiên cởi chiếc áo khoác dày cộm để lên yên xe máy, nói mình chạy xe đi ngay sau khi nhắn tin với An. Từ nhà Thiên chạy xe lên tới đây 5 tiếng đồng hồ, giờ đó đâu có xe đò chạy mà đợi tới sáng anh chịu không nổi. Đã tìm ba bao nhiêu ngày rồi, chạy xe có mấy tiếng mà được gặp ba có nhằm nhò gì.

Anh xoa xoa đôi bàn tay lạnh cóng vì sương đêm kể, ba anh mấy năm nay bị lẫn, lúc nhớ lúc quên, dạo gần đây thì quên nặng. Bữa đó ba nói qua nhà người quen chơi, chỉ cách hai con hẻm vậy mà ba không nhớ đường về nhà. Cả nhà đã đăng tin trên báo, đã dán giấy, đã tìm kiếm khắp nơi. Chẳng biết sao ba đi bộ lên tận trên này, may sao gặp được người tốt như An. Anh ngỏ ý muốn hậu tạ nhưng cả An và bà ngoại đều lắc đầu.

Trời sáng hẳn, mời hai cha con ăn sáng xong, ngoại ngỏ ý bảo Thiên nghỉ thêm chút rồi hãy về, nhưng anh lịch sự từ chối bảo muốn về nhanh vì cả nhà đang ngóng đợi. Anh cẩn thận lấy trong cốp xe ra chiếc áo khoác mặc cho ba, cài nón bảo hiểm chắc chắn. Anh bảo ba ôm chặt eo mình rồi bảo: “Mình về nhà nha ba!”. Bà ngoại chảy nước mắt ròng ròng ngồi dậy vỗ vỗ vào vai Thiên dặn dò gì đó trước khi anh lái xe rời đi. An nắm tay ngoại an ủi, cuộc đời vốn đầy tình người mà đúng không ngoại! Biết chừng ở nơi nào cách đây không xa, cậu Năm cũng được gia đình nào đó cưu mang, giúp đỡ, đang sống bình an đó ngoại à!

Truyện ngắn của NHƯ HIỀN