QĐND - Làng Đông Bích thuộc xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Theo tộc phả, thì họ Vương xuất hiện ở làng này chưa tới 250 năm. Một dòng họ “bình thường” bởi đến bây giờ con em không có ai làm to. Chức tước thì chưa ai vượt quá Cục trưởng, Vụ trưởng. Cấp bậc trong quân đội và công an thì chưa ai được mang quân hàm cấp tướng. Cái mà họ Vương ở Đông Bích có thể tự hào với thiên hạ là con em mình sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông hầu hết đều vào đại học, nhiều người trở thành giáo viên và có “nghề phụ” là… làm thơ.
Dân làng Đông Bích yêu thơ lắm. Có thể nói không ngoa rằng, thơ là “đặc sản” của làng Đông Bích nói chung và họ Vương nói riêng. Hội họp, việc làng, việc họ... trước sau đều đọc thơ, bàn luận về thơ. Uống nước, ăn cỗ... cũng vậy! Thơ không lúc nào vắng mặt. Con em của làng ở xa về, nói chuyện xa chuyện gần rồi cũng phải quay lại với thơ. Người ta kể: Có một cán bộ tỉnh về Đông Bích, sau khi thăm làng, thăm ruộng xong đã nhận xét rằng: ở đây không có nghề phụ chắc đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Cô kế toán hợp tác xã duyên dáng, người dẫn ông cán bộ đi thăm thú khắp làng nghe thế liền cãi: “Không phải, làng cháu nhiều người có nghề phụ đấy”. ông cán bộ tỉnh hỏi nghề gì, cô kế toán tủm tỉm cười đáp: “Làm thơ bác ạ!”
Trên tay tôi đang cầm cuốn Họ Vương thơ tuyển dày gần một nghìn trang khổ 14,5 x 20, 5 do NXB Văn học ấn hành đầu năm 2012. Thêm một chứng minh cho lòng yêu thơ của họ Vương làng Đông Bích. Tuyển thơ in rất đẹp, tập hợp hàng trăm bài thơ của 28 tác giả họ Vương ở ngôi làng Đông Bích thuần nông hiền hòa. Mấy thế hệ họ Vương làng Đông Bích yêu thơ, làm thơ có mặt trong tuyển tập này. Một công trình văn hóa đẹp và sang, rất độc đáo của một dòng họ không có mấy người giàu sang, chức cao quyền lớn. Thơ trải dài suốt hai thế kỷ rưỡi, gắn liền với những biến động thăng trầm của non sông đất nước, từ chiến tranh đến hòa bình, nối xưa và nay. Một gạch nối lịch sử đầy ý nghĩa nhân văn từ người làm thơ sinh năm 1877 là cụ Vương Đình Uyển (Đồ Từ) đến người làm thơ sinh năm 1977 là cô giáo Vương Thị Huyền Ly. Thơ cụ Đồ Từ như là một cách tự giới thiệu về họ Vương của mình: Trần ai ai có biết ai không / Làm bạn nhà Vương chẳng bận lòng / Trưa chợ hững hờ còn bán thị / Lỡ đò thong thả cũng sang sông / Nhân duyên trời định, cùng chung gánh / Gia thất người mong, muốn góp công / Chữ Tín, chữ Trung tròn một dạ / Trần ai ai có biết ai không? (Trần ai ai biết). Thơ của Vương Thị Huyền Ly là cái nhìn về tình yêu của thanh niên bây giờ: Em thả giận hờn vào đại dương / Niềm yêu chênh vênh / Sóng giữ dùm ta bí mật muôn đời (Biển và anh).
Có một phần thơ khiến chúng tôi xúc động nhất là phần thơ của Vương Lân. Anh sinh năm 1946, đi bộ đội năm 1968 ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Nhà thơ chiến sĩ Vương Lân đã hy sinh tại Quảng Trị vào “mùa hè rực lửa” năm 1972. Trên đường ra mặt trận, Vương Lân ghi nhật ký bằng thơ. Nhật ký hành quân của người lính đó có những câu thơ chân mộc: Quê hương xa, mặt trận gần / Bao tên gọi nhắc một lần trong tim; Nghỉ trưa chép vội câu thơ / Chiều nghiêng bóng nắng giục giờ hành quân; Mùa ra trận, người dồn như nước / Mỗi con đường tuôn chảy một dòng sông. Đôi khi là hình bóng của một cô gái vùng tuyến lửa hiện lên thật đáng mến trong thơ anh: Nực cười con gái nhà ai / “Ghét” anh sao cứ nghịch hoài trêu anh?… Lòng yêu nước, tình yêu lý tưởng, tâm hồn trong sáng, sự lạc quan của người chiến sĩ thể hiện rất đậm nét trong những câu thơ mộc mạc của Vương Lân.
Trong 28 tác giả có mặt trong tuyển thơ Họ Vương làng Đông Bích có 2 cái tên rất quen thuộc với bạn viết, bạn đọc ở nước ta. Họ đều là những nhà thơ đích thực, sáng giá của Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là Đại tá, nhà thơ Vương Trọng và nhà thơ Thạch Quỳ, tên thật là Vương Đình Huấn. Nhắc đến Vương Trọng nhiều người không quên những bài thơ xúc động, đầy tính nhập thế của anh như Bên mộ cụ Nguyễn Du; Sợi tóc hai màu; Khóc giữa chiêm bao; Xem tranh hứng dừa; Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc … Nhà thơ nổi tiếng Trần Đăng Khoa đã viết về Vương Trọng như sau: Thơ Vương Trọng là thơ thế sự. Sự đóng góp của anh cho nền thơ hiện đại chúng ta chính là mảng thơ này. Ta gặp trong thơ anh bao nhiêu đời người, rồi cả những khoảnh khắc mong manh mà có sức ám ảnh.
Nhà thơ Thạch Quỳ cũng nổi tiếng không kém đồng hương của mình với những bài thơ Lục bát về thông; Cái nghèo, Huế…Nhà thơ, nhà phê bình Mai Văn Hoan đã đánh giá cao Thạch Quỳ: Đọc lại toàn bộ thơ Thạch Quỳ, điều dễ nhận nhất là cái khí chất mạnh mẽ và đầy bản lĩnh của một cây bút từng trải “Trơ trơ tảng đá / Đá đổ mồ hôi / Biết hay không biết / Lầm lì mồ côi”… Anh là nhà thơ của nhũng suy tư trăn trở… của những triết lý, chiêm nghiệm… của tình yêu đôi lứa…
Thơ họ Vương ở làng Đông Bích có cái chung rất dễ nhận ra là tấm lòng nhân ái trước cuộc đời và trân trọng tình làng nghĩa xóm. Với họ, thơ trước hết phải có ích cho đời, cho cuộc sống. Dù sống trên quê hương hay đang ở nơi khác thì những người làm thơ họ Vương vẫn đau đáu điều đó. Đi đâu về đâu, những người con làng Đông Bích vẫn khôn nguôi từng kỷ niệm về nơi quê cha đất tổ của mình: Nước mới / ấy là nước chè xanh vừa mới nấu / Khói vờn, đặc sánh mật ong / Gáo dừa vục sâu lòng ấm / Chõng tre, bát sứ đong trăng / Lời mời qua rào vang lối xóm / Khách nước mới, mấy ai vào lối chính / Lộc ớt, chè tàu không gai / Bờ rào tắt ngang chỗ nào cũng cổng! Lo chi nước nóng / Thổi phù mà uống mới hay / Lo chi trời nóng / Quạt mo đã sẵn cầm tay / Đập muỗi, gãi lưng như hòa nhạc / Vành vạnh sân trời vầng trăng bạc / Bình yên một cõi nhân gian … (Trường ca Làng -Vương Trọng)
Rõ ràng, thơ họ Vương làng Đông Bình đã khởi nguồn từ đó!
Nguyễn Hữu Quý