Năm ấy sau giải phóng, tôi từ mặt trận Lào về học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Bởi thân quen với chị Ngọc Thảo, nguyên ngày trước cùng ở Tổng cục Hậu cần, sau này chị đi học nước ngoài rồi về làm đạo diễn ca nhạc ở Đài Truyền hình Việt Nam, cho nên chị hay “sai vặt” tôi và Kiều Minh (nghệ sĩ đàn phong cầm của Đoàn Ca múa Quân đội) giúp chị làm các chương trình ca nhạc cho đài, khi viết các kịch bản hoặc lời dẫn, khi lại thay mặt chị đi tìm các chương trình biểu diễn của các đoàn về giới thiệu cho chị và đạo diễn “màu” Nam Hà. Một lần chị bảo tôi và Kiều Minh vào Đoàn Nghệ thuật Phòng không và Không quân (mới tách ra) ở đường Giải Phóng xem có chương trình gì mới hay không?

leftcenterrightdel

Minh họa: PHẠM HÀ

Vì Kiều Minh ở Đoàn Ca múa Quân đội nên thân hai đoàn này. Đến Đoàn nghệ thuật Không quân, thấy một anh đại úy, nhìn nhỉnh hơn chúng tôi một vài tuổi, gương mặt hiền hậu, chân phương. Kiều Minh giới thiệu tôi với anh đại úy: “Đây là ông Châu La Việt, bạn tôi, cũng là lính ở mặt trận về. Còn đây là Ngọc Khuê, ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác của Đoàn Không quân”.

Tôi lần đầu được biết nhạc sĩ Ngọc Khuê như thế. Ấn tượng đầu tiên là anh rất mộc mạc, chân thành và rất lính.

Cũng thời gian này, một hôm, tôi gặp nhạc sĩ Trương Hùng Cường, ngày trước dạy ở Trường Đại học Xây dựng, nay về phụ trách âm nhạc ở Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ sát vách trường tôi. Anh bảo: “Mình vừa hoàn thành một nhạc cảnh có tên gọi là “Hơ Na”, tiếp dòng âm nhạc miền núi của mình, mình muốn dựng cho các em khoa Anh và khoa Pháp của trường. Nói thật do kinh phí không có, chẳng dám mời các đạo diễn tên tuổi, mình muốn nhờ Việt làm đạo diễn giúp mình”. Nghe anh nói thiết tha quá, tôi không thể chối từ. Ngay tối ấy, tôi đạp xe lên Đoàn Ca múa Quân đội gần đó, rủ hai ông bạn thân là Kiều Minh và Minh Quang xuống giúp cho anh Trương Hùng Cường. Chúng tôi lúc ấy đều tuổi 20, nghe đi dàn dựng cho sinh viên ngoại ngữ thì thằng nào cũng thích, vì sinh viên trường này nổi tiếng là đẹp và kiêu!

Buổi tập đầu tiên bắt đầu. Kiều Minh ôm đàn chỉ đạo phần hát. Còn Minh Quang chỉ đạo phần diễn xuất. Còn tôi, tiếng là bao quát, nhưng nhiệm vụ chính là để “tia” các em. Và giữa một rừng hoa, tia được ngay một em mặt mũi sáng sủa, hấp dẫn, vầng trán hơi dô dô bướng bỉnh, có chút kiêu căng, nhưng lại có hẳn một cái răng khểnh rất duyên. Tên em là B. Nhà trên phố Hàng Mã, bố là sĩ quan mang quân hàm thượng tá... Hai buổi tập, thế là chúng tôi trở nên thân nhau.

Thời gian ngắn sau, trường của B tổ chức cắm trại bên dòng sông Đáy, nhân dịp ấy đạo diễn Ngọc Thảo quyết định quay giới thiệu chương trình văn nghệ của Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Trống giong cờ mở. Lán trại đủ sắc màu. Không khí tuổi trẻ, không khí mùa xuân hòa quyện, đất trời như tươi thắm ngàn hoa, náo nức lạ thường. B không là diễn viên chính, nhưng em vẫn nổi bật lên như một ngôi sao của nhạc kịch... Rồi đến khi chiều xuống, hội tan, giã bạn ra về. Tôi đang chờ xe bỗng thấy em dắt xe đạp qua, nụ cười rất rạng rỡ như để chào chúng tôi ra về. Bất giác hỏi em: “Em đi xe đạp à, đi với ai thế?” thì em bảo em đi một mình thôi, tôi sướng quá nói ngay: “Cho anh đi nhờ về với nhé?”. Em gật đầu, trao chiếc xe cho tôi, và rồi rất ngoan ngoãn ngồi lên đằng sau để tôi chở em đi. Tất cả mọi ánh mắt đều nhìn theo...

Tôi, một người lính tuổi 20 với bộ quân phục bạc màu từ mặt trận trở về, đương nhiên là xúc động vô biên. Bởi đấy là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi được chở một người con gái, lại đang đi giữa mùa xuân, lại giữa ánh mắt vừa ngạc nhiên, vừa thán phục của nhiều bạn bè. Em dịu dàng ngồi sau lưng mình đã đành, mà có lúc còn ôm hờ bờ lưng mình nữa. Rạo rực lạ thường. Chỉ mong con đường dài mãi, dài mãi. Ngày Tết còn đang ở phía trước, mùa xuân cũng đang còn ở phía trước, nhưng lúc này dọc bờ đê sông Đáy, đã thấy hoa cỏ reo vui, đã thấy như mùa xuân đã về…

Thú thực cả đêm ấy tôi không ngủ được. Có một cái gì kỳ lạ quá đang đến với mình. Nhưng tính tôi vốn nhút nhát, lại có chút mặc cảm tự ti của một người lính nghèo, từ mặt trận về chẳng có gì hơn ngoài hai bộ quân phục bạc màu. Thế rồi suốt đêm, tôi thao thức viết một bài thơ tặng em, bài thơ “Cây trinh nữ”, với câu kết đầy nỗi khắc khoải: “Trinh nữ ơi, em nói điều gì đấy? Biết nói gì cho em mở cánh ra”.

15 năm sau. Khi này tôi đã vào sống ở TP Hồ Chí Minh. Có một lần, theo đội bóng đá Quân khu 3 lên đá ở Nông trường chè Bảo Lộc, Lâm Đồng. Trận bóng dứt, các cầu thủ còn đang mồ hôi mồ kê nhễ nhại và mũi mồm thi nhau thở, thì bỗng từ chiếc loa bên ngoài sân vọng vào một bài hát làm tất cả cầu thủ như sững lại:

“Bên lúa, anh bên lúa, cánh đồng làng ven đê

Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều

Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa

Hồ Tây đôi bên trong tình yêu hoa lúa rộn ràng”

Cầu thủ ngồi bên thì thầm với tôi: “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” đấy anh ạ!

Đêm về cứ bị ám ảnh về bài hát, người hát. Lòng thầm hỏi, ai sáng tác thế nhỉ? Nghe giới thiệu là Ngọc Khuê, cái tên nghe mới quá. Vân vi nghĩ ngợi, không có nhẽ là Ngọc Khuê của Đoàn Nghệ thuật Không quân ngày nào mình đã gặp? May thay, chửa kịp hỏi, một chiều kia bỗng vớ được một tờ báo có đăng về tác giả bài “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”. Nhìn cái ảnh tác giả, thấy rõ ngay là ông Đại úy Ngọc Khuê. Mặt mũi vuông vức, có chút khắc khổ. Và cùng với Ngọc Khuê, tôi như được gặp lại một người bạn gái thân quen đã 15 năm rồi chưa có dịp gặp lại, qua chính những lời tự sự của Ngọc Khuê.

“Thật ra trước và sau khi viết “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” tôi cũng đã sáng tác tới gần 300 bài hát, trong đó có ca khúc “Hạt nắng hạt mưa” từng đoạt giải thưởng. Nhưng nhiều người như chỉ biết tôi với “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”... Như nhiều nhạc sĩ khác gắn bó với Hà Nội, từ lâu tôi muốn viết một ca khúc về Hà Nội, đặc biệt là về mùa xuân Hà Nội. Nhưng viết mãi mà chưa thành. Cho tới một chiều mùa đông năm 1981, khi đạp xe đi thăm người bạn ở gần Hồ Tây, tôi mới phát hiện ra rằng Hồ Tây không chỉ có hoa. Phía bên Xuân La, Xuân Đỉnh còn là “làng lúa”. Lâu nay người ta thường gọi đó là những cánh đồng lúa xanh mướt hay chín vàng. Nhưng tôi muốn ví đó là những “làng lúa”. Sự “phát hiện” đó cộng với hình ảnh những “làng hoa” ấp ủ viết bấy lâu đã giúp tôi bật ra câu hát: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm ruộng đồng”. Câu hát đầu tiên ấy đã xuất hiện và nhờ đó, về nhà tôi đã viết xong bài hát.

Nhiều người nghe nói bài hát này, cũng tò mò hỏi tôi rằng, có phải bài hát còn là để “nhắm” tới một cô gái? Vâng, cũng xin thú thật là: Quãng những năm 1978 hay 1979 gì đó, tôi có quen một cô gái và thú thật cũng rất muốn viết ca khúc để tặng. Đôi khi chúng tôi chở nhau trên chiếc xe đạp lòng vòng trên những con đường ven Hồ Tây. Tôi nảy ra ý định “mượn” những làng hoa ven hồ để làm cái cớ. Định như vậy rồi nhưng khi viết thì vẫn thấy khó, thấy không ổn. Tôi đành “gác” kế hoạch viết bài hát ấy lại. Hồi đó, chúng tôi thường hay đặt “bí danh” cho nhau bằng những con số. Cái tên của tôi được “dịch” sang con số 12, còn tên cô ấy là số 13. Nhưng tôi biết cái “ngưỡng” để dừng lại, vì lúc đó tôi là thượng úy, đồng thời là đội trưởng đội hát và tôi đã có gia đình. Vì thế, giữa tôi và “13” chỉ là những tình cảm anh em trong sáng. Đến bây giờ, “13” cũng đã có chồng con đủ đầy, hiện làm ở một đại sứ quán tại Hà Nội, thi thoảng chúng tôi vẫn thăm hỏi nhau và coi nhau như bạn bè thân thiết”.

...Thú thật đọc đến đấy, linh cảm cho tôi hay rằng, cô gái mang bí danh 13 kia, hình như chính là “B của tôi” năm xưa. Tôi xa em từ ngày ấy, và đến nay sau 42 năm vẫn chưa gặp lại. Một người bạn cho tôi hay, sau khi tốt nghiệp em cũng đã nhập ngũ, trở thành một chiến sĩ không quân. Có một lần hội diễn của ngành, em tham gia trong đội văn nghệ quân chủng, và trở thành một “vầng sáng lung linh” của đội. Và đây chính là lúc vẻ đẹp của em, lồng trong vẻ đẹp của Hà Nội lúa và hoa, tạo cho người nhạc sĩ bạn tôi những cảm xúc mãnh liệt, để rồi anh có một ca khúc hay nhất đời anh, một ca khúc vĩnh cửu về mùa xuân, về Hà Nội và về tình yêu...

Sự hiện diện của em giữa cuộc đời này, không chỉ trong màu áo xanh bất tử của người lính, mà còn trong những ngọn lửa thắp lên cho cuộc đời ít nhất là một bài ca bất hủ. Thế là rất tuyệt vời rồi, phải không em?

Có một ngày gần đây, thấy em chơi với một người em gái của tôi, tôi mới hỏi em rằng: “Hóa ra em cũng thân với em anh à?”. Thanh Bình-cô gái ấy hồn nhiên trả lời: “Vâng! Hà Nội ngày ấy nhỏ lắm anh ạ!”. Tôi bỗng thốt lên: “Hà Nội nhỏ, thế mà ngày ấy vẫn có kẻ để lạc mất em”.

Những năm tháng tuổi trẻ của chúng ta, có bao điều luyến tiếc, có bao điều mà rồi mãi mãi chúng ta không hiểu nổi vì sao!

Ký của nhà văn CHÂU LA VIỆT