Tiếng loa ọ ẹ vài cái rồi sau đó là tiếng hát: “Tết Tết Tết Tết đến rồi! Mừng mùa xuân đang đến muôn nơi…”. Rộn rã lắm. Tưng bừng lắm. Tiếp sau đó là một bài thơ khá dài diễn tả không khí Tết. Nào bánh chưng, bánh tẻ, nào rượu gạo, rượu vang, rồi hoa đào, hoa mai, cả giò lụa, chả nem nữa... đều được đưa vào thơ. Lúc có vần lúc không. Lúc song thất lục bát, lúc sáu tám, ngũ ngôn… Đang vần vèo ngọt như mía thì bỗng đổ vận đánh oành một phát vào cái vần mà không ai ngờ tới nhất, khiến câu thơ khấp khểnh nghe đến buồn cười. Đúng là quê cụ Bút Tre có khác!
Bài thơ ca ngợi cảnh sung túc của cái Tết trên quê hương đổi mới. Lại còn nhắc nhở không uống rượu say, không đi xe máy đèo ba, lai bốn, không cờ bạc nữa chứ... Giọng đọc lúc ồm ồm, lúc lại cao hứng ngâm nga. Có lúc còn lẩy Kiều í a í ới. Xong tiết mục thơ, cái loa lại ọ ẹ, rọt rẹt thêm mấy tiếng rồi chuyển sang hát xoan ghẹo.
- Lại cái lão “Khụng đài”! Vừa bảnh mắt mồng Một Tết đã tra tấn nhau rồi. Lát nữa cúng năm mới mà cứ oang oang thế này thì có tức không cơ chứ!
Tiếng ai đó làu bàu cất lên. Thường thì sớm mồng Một Tết nơi nào cũng thế, yên ắng lắm! Đường làng vắng tanh vắng ngắt. Không ai ra đường trước khi chưa có ai đến xông nhà. Ai dậy sớm cũng chỉ lúi húi trong nhà sửa soạn đồ cúng. Kiêng kỵ mà! Thế nên, tiếng loa phóng thanh nhà lão Khụng trở thành tâm điểm của cả cái làng đồi này. Khổ nỗi, nhà lão ở giữa làng, trên đỉnh đồi nên tiếng loa càng bay cao vang xa.
 |
Minh họa: QUANG CƯỜNG.
|
Lão Khụng là một người khá đặc biệt của làng Cò. Năm nay lão vừa tròn sáu mươi, lục thập hoa giáp, cho nên Tết này lão mừng lắm! Nhẽ ra tuổi này lão đã có thể ung dung chơi hoa thưởng nguyệt nhàn nhã. Đằng này, lão phải cái số chết mê chết mệt với loa đài, tăng âm... nên lúc nào cũng tất tưởi. Không có đài, lão không chịu được. Thế nên, người lão gầy là phải. Chân tay người ngợm cứ lòng khòng như cây sậy. Lão thường mang đôi kính đen, loại mắt tròn, gọng nhỏ. Nhìn vào khuôn mặt loắt choắt của lão, người ta chỉ thấy kính là kính. Đôi mắt kính đen sì tròn trịa đậu ở hai bên má. Cạnh đó là đôi vành tai to mỏng, trắng hồng lúc nào cũng như sẵn sàng cử động quay các hướng để đón hứng thông tin.
Lão Khụng trông thì vậy nhưng vui tính lắm. Lão ở chỗ nào là chỗ đó đông vui hẳn lên. Người lớn đã đành, đến trẻ con thấy lão cũng xúm quanh, hóng hớt nghe chuyện. Trời cho lão cái khiếu nói. Giọng lão dẻo quẹo, đến con kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Ngồi với đám trẻ con thì lão kể chuyện trẻ con, nhất là chuyện ma. Nhiều đứa sợ vãi tè ra. Ấy vậy mà chúng cứ xáp lại để nghe lão kể. Với người lớn thì hết chuyện đồng áng quê mùa lại đến chuyện thế giới. Lão lượm lặt chuyện lạ đó đây rồi kể lại vanh vách cứ như lão là người chứng kiến. Khoản tiếu lâm thì lão nhất làng. Cánh phụ nữ, tiếng là không thèm nghe, thế nhưng từ đằng xa mấy bà mấy chị lại cứ đấm nhau thùm thụp, cấu véo nhau chí chóe khi lão kể chuyện. Lão biết dừng đúng lúc, khi bổng, khi trầm hút hồn người nghe. Đôi tròng kính đen sì nhìn mọi người. Mũi lão chun chun hếch lên. Miệng lão xuýt xoa. Tay chân lão múa may điệu bộ… Rồi bất ngờ, lão vỗ đùi đánh đét một phát, bật lên cười ha hả làm cho người xung quanh sững sờ ra một thoáng rồi cùng hơ hớ cười theo. Thế mới tài. Kể chuyện được thế ở cái làng Cò này chỉ có lão là một. Giời cho lão cái khẩu khiếu ấy. Ấy là cũng nhờ lão chịu nghe, chịu đọc, chịu đi... Lão nghiện nghe đài cũng vì cái ý đó.
Máu mê nghe đài của lão Khụng được bố lão truyền cho. Các cụ già làng Cò còn nhắc mãi cái đận nhà nhà mắc đài ga-len ngày trước. Hầu như ai cũng nhờ, cũng gọi ông Khả, bố của Khụng. Khụng theo phụ bố trèo cây, chăng dây, tìm hướng để lắp đài. Hết thời đài ga-len, đến thời đài lắp. Ai có cái đài sông Hồng một băng đeo hông là oách lắm! Khụng thay bố chinh phục lĩnh vực này. Khụng dần dần biết sửa chữa và lắp được cả đài nữa. Mua bóng, mua dây điện, máy hàn về, Khụng dỡ cái đài mới tinh ra để nhìn theo lắp ráp. Đến khi nó ọ ẹ cất những tiếng đầu tiên thì Khụng ta reo to lên như bắt được vàng. Ông Khả nhìn con gật gù đắc ý lắm!
Sang cái thời cát-xét, khỏi nói là Khụng nghiện đến cỡ nào. Mấy anh bộ đội miền Nam về phép mang theo cái cát-xét đi hỏi vợ là thần tượng của Khụng. Khụng bám lấy mân mê cái cát-xét, bắt người ta mở hết băng nọ đến băng kia. Rồi Khụng cạy cục, tích cóp tiền mua bằng được cái đài quay băng một cửa, hiệu Sony. Có cái đài này, Khụng quên ăn, quên ngủ chỉ nghe đài. Khi nó bị rối băng, hết pin, Khụng lại chọc ngoáy tua-vít, vỗ vỗ lắc lắc... đến khi nó nói lại được mới thôi. Thế rồi, Khụng thành thợ sửa đài từ lúc nào không hay.
Đến thời cát-xét Tàu, Khụng là người đầu tiên trong làng sở hữu cái JongJeng hai cửa băng có dàn đèn xanh đỏ nhấp nháy theo tiếng nhạc. Nhìn cái dáng cao lòng khòng của Khụng cưỡi cái Java, khoác cái JongJeng ba cục, chạy đầu xã đến cuối xã, ai cũng buồn cười. Khụng dừng chân chỗ nào thì thôi rồi, trẻ con xúm xít vây quanh. Chúng nhao nhao: Mở Lan Điệp đi bác Khụng! Xẩm đá đỏ cơ! Xẩm đá đỏ mới hay... Lũ thanh niên cũng xúm lại đòi mở “mo đờn tắc king” để nhún nhảy học đòi. Khụng là linh hồn của các đám cưới. Thu nhập của Khụng theo đó cũng tăng lên. Vừa nhàn nhã, được đánh chén lại vừa có tiền đút túi.
Tính Khụng tếu táo, bông đùa. Khụng có thể đùa mọi lúc, mọi nơi, chẳng nể ai cả. Dân làng Cò còn nhắc mãi cái vụ Khụng lừa hai bà vợ cụ Hách. Vụ ấy, hai cụ bà tức lắm nhưng cũng phải phì cười. Chả là, vợ cả, vợ hai của cụ Hách sống ở hai xóm khác nhau. Cụ Hách luân phiên ở với mỗi cụ bà một tháng. Hôm đó, biết cụ Hách đang cắt tóc ngoài quán, Khụng phóng xe máy đến nhà bà cả: “Cụ sang ngay nhà cụ hai đi. Cụ ông đang bị cảm rất nặng!”. Nói xong, Khụng lại phi vội sang nhà bà hai: “Cụ ông bị cảm ở nhà cụ cả, cụ sang ngay. Cháu đi gọi bác sĩ đây!”. Rồi Khụng quay xe dông thẳng ra quán cắt tóc, ngồi tán phét với cụ Hách. Hai cụ bà đầu tóc rũ rượi cùng chạy ra cổng hướng về nhà nhau. Đến giữa đường họ gặp nhau và cùng ớ lên khi biết mình bị Khụng lừa. Hai cụ bà vừa buồn cười vừa tức. Dân làng nghe kể lại ai cũng phì cười vì cái trò tinh nghịch của Khụng.
Trong nhà, lão Khụng sưu tập đủ các kiểu đài. Từ ga-len cổ lỗ sĩ đến đài lắp vỏ gỗ thời sông Hồng, từ Media Liên Xô to như cái tủ đến cái đài điện tử bé như bao diêm. Rồi thì cát-xét, máy hát quay tay, dàn âm ly mấy thớt, loa thùng, loa nén… đủ cả! Căn phòng ngổn ngang những đài và loa. Dạo lão đổi cặp bò lấy con Sony ba cục cũ rích ai cũng bảo lão khùng. “Khụng đài” đúng là “đại khùng” rồi! Lão cười hề hề: “Thì vưỡn!”. Gần đây, lão chốt lại dùng bộ tăng âm công suất lớn nhưng gọn nhẹ, cái loa nén Liên Xô, cái điện thoại Hàn Quốc. Lão chằng buộc gọn ghẽ loa đài trên chiếc xe máy rồi đêm đêm trăng sáng lão đi đến xóm nọ, thôn kia, bật “bờ lô tút”, mở ca nhạc inh oang. Những tháng hè, tháng trung thu, loa đài lão phục vụ miễn phí cho lũ trẻ con tập múa hát. Nhìn chúng rồng rắn dưới trăng theo tiếng nhạc oang oang ai cũng thích. Rồi những ngày mùa vào vụ gặt, vụ cấy, lão phụ giúp ông trưởng thôn “a-lô” thông báo bao nhiêu là tin tức. Lão Khụng làm cho làng xóm nhộn nhịp hơn, vui hơn. Đúng là nông thôn mới có khác!
Suốt mấy ngày Tết năm nay, tiếng loa của lão Khụng cứ oang oang suốt ngày. Nhà nào nhà nấy đã xập xình ca nhạc tưng bừng rồi, có thêm tiếng loa phóng thanh của lão lại càng tưng bừng hơn. Mỗi hôm lão sáng tác và công bố một bài thơ mới. Thơ lão giản dị, nôm na nên mọi người dễ thuộc, dễ nhớ. Mấy ngày Tết, lão mở loa ba buổi: Sáng 5 giờ, trưa 11 giờ, tối 9 giờ. Mỗi lần chừng 15-20 phút. Có hôm hứng lên, lão mở cả ngày. Tuy thế, lão cũng biết thực hiện giờ giấc đúng hương ước của làng.
Mồng sáu Tết, làng mở hội. Chẳng biết ban tổ chức chuẩn bị thế nào mà bộ tăng âm loa đài a-lô được nửa buổi thì tịt. Đám đông như thế, không khí rộn rã như thế mà không có loa đài thì còn ra gì nữa! Thế là lão Khụng được trịnh trọng mời ra giúp làng. Lão khăn xếp, áo the, guốc mộc, cưỡi con 81 đầu vênh cùng bộ loa đài phành phạch ra đám hội. Dựng cái xe máy vào gốc cây xoan, lão sai anh cán bộ văn hóa xã trèo lên ngọn cây mắc cái loa nén. Xong đâu đó, lão a-lô chúc Tết làng cùng với bài thơ khá dài lão vừa làm đêm qua. Đại thể thơ ca ngợi hội làng, chúc các đô vật, cầu thủ, chúc người chơi các trò chơi may mắn đầu năm, giành chiến thắng. Ban tổ chức sốt ruột lắm nhưng cũng đành phải nhượng bộ lão. Mười phút sau thì lão chuyển mi-cro cho ban tổ chức. “Cứ tạm dùng bộ tăng âm của tớ đã. Để tớ kiểm tra bộ kia xem sao”.
Mặc cho mọi người hô hét, lão Khụng chúi mũi vào bộ tăng âm của làng. Lão hì hụi vặn núm nọ, chỉnh dây kia, hàn xì, ráp nối các bộ phận. Trời lạnh vậy mà người lão toát mồ hôi. Lão hầu như quên những người xung quanh chỉ chăm chăm vào công việc. Khoảng hơn nửa giờ, lão đã sửa xong. Tiếng loa công suất lớn của làng lại vang lên. Lão bàn giao lại bộ tăng âm cho tay cán bộ văn hóa xã. Còn lão với bộ loa của mình lão thuyết minh, cổ vũ. Lão hô hét động viên. Lão đọc những câu thơ xuất thần theo nhịp độ trận đấu. Nhiều lúc hứng chí, lão nhảy cẫng lên rơi cả cái khăn xếp làm cho nó lăn lông lốc mấy vòng dưới đất. Tiếng loa của lão hòa với tiếng loa của làng làm không khí ngày hội càng tưng bừng rộn rã. Lũ trẻ con xem hội thì ít, xem lão Khụng múa may hô hét thì nhiều. Chúng cứ bu quanh lão mà hò reo cùng lão.
Mưa xuân phơi phới bay. Gió xuân nồng nã thổi. Trống giục, cờ bay, loa đài rộn ràng... Ngắm nhìn cái cách lão Khụng dự hội, dân làng Cò này ai cũng thấy vui vui. Thế mới là Tết, là xuân chứ lị!
Truyện ngắn của ĐỖ XUÂN THU