Bởi vậy, trong ký ức nhà thơ đã ghi đậm bao địa danh và có lẽ đây là một trong những bài thơ xuất hiện nhiều địa danh: Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát, Mai Châu, Pha Luông, Mường Hịch, Viêng Chăn, Sầm Nứa… Mỗi địa danh gắn với một kỷ niệm, nhưng phần lớn mỗi địa danh chỉ được nêu trong một hay hai dòng, riêng Mộc Châu chiếm trọn một khổ thơ:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Đọc khổ thơ, ai cũng thấy sự hoang vắng, heo hút của Mộc Châu ngày đó, nhưng không chỉ có lau rừng phơ phất triền núi, con người trên chiếc thuyền độc mộc nhỏ bé trước dòng nước lũ hung hãn của sông Đà, mà cạnh dòng nước ấy còn có “hoa đong đưa”, nghĩa là mắt tác giả không hề bỏ qua cảnh đẹp tự nhiên của nơi này.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ  
Khi nói về cái hay của “Tây Tiến”, người ta thường trích những câu như: Heo hút cồn mây, súng ngửi trời… Hoặc: Mai Châu mùa em thơm nếp xôi… Hoặc nữa: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc… Vâng, đó là những câu thơ thật hay, càng đọc, càng ngẫm, càng hay. Với tôi, có một chữ trong bài thơ này khi nói về Mộc Châu mà mỗi lần đọc tôi đều dừng lại và ngẫm nghĩ. Đó là chữ “hồn” trong “hồn lau” của câu thơ: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ… Chữ “sương” của câu thứ nhất dồn cho câu thơ thêm ý thì chữ “hồn” ở câu thứ hai nâng đẳng cấp của nhà thơ lên một bậc. Nghe nói, nhà thơ Huy Cận đã qua 17 lần chọn lựa mới có được chữ “củi” trong Củi một cành khô lạc mấy dòng; thì Quang Dũng chắc cũng chẳng dễ dàng gì mà có được chữ “hồn” đầy hồn vía ấy. Nếu là bông lau hoặc hoa lau thì chỉ thông tấn đơn thuần chứ không chở được nỗi niềm gì. Trong thơ, tả cảnh chẳng qua là tả tình, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” là vậy. Cờ lau cũng hoàn toàn không hợp với tâm trạng có phần heo hút của người viết, hoặc là ngàn lau thì nói được số nhiều, nhưng không đúng với cảnh Tây Bắc đồi núi, bến bờ thoắt ẩn, thoắt hiện thuở ấy…

Khổ thơ trên, tác giả trực tiếp nhắc đến hai chữ “Châu Mộc”, còn một địa danh nữa cũng thuộc Mộc Châu, đó là Pha Luông. Theo tiếng Thái, “Pha Luông” có nghĩa là bức thành lớn, bức vách lớn. Ngọn núi này của Mộc Châu cao gần 2.000m, nằm sát biên giới Việt-Lào mà đoàn quân Tây Tiến đã từng qua đây:

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Chắc là tác giả dừng lại trên vách cao của Pha Luông mà phóng tầm mắt nhìn về làng bản ẩn hiện trong mưa mù ở tít tắp xa…

Mộc Châu chiếm một vị trí quan trọng trong chiến dịch và ký ức Tây Tiến. Những người từng tham gia Tây Tiến cũng như các thế hệ lớn lên sau này đều biết vậy, nên khi có ý tưởng xây dựng Khu tưởng niệm Tây Tiến thì mọi người đều thống nhất chọn địa điểm là thị trấn Mộc Châu. Và đúng hẹn, tháng 8-2016 vừa qua, khu tưởng niệm này đã được khánh thành. Thế là du khách đến Mộc Châu, ngoài những đồi chè xanh bạt ngàn, đàn bò sữa đủng đỉnh trên bãi cỏ, những trang trại rau, quả sạch dân Thủ đô từng quen tên, đỉnh Pha Luông mơ màng trong mây, thác Dải Yếm trữ tình và huyền thoại… thì nay có thêm một điểm đến mới khiến du khách rưng rưng cảm động vì biết được sự gian khổ, hy sinh một thời kháng chiến cứu nước. Khu tưởng niệm này có hai phần: Phần một là Nhà truyền thống Trung đoàn 52 Tây Tiến, chứa đựng nhiều hình ảnh và hiện vật, trong đó có tượng bán thân của nhà thơ Quang Dũng đặt cạnh bài thơ “Tây Tiến”. Phần thứ hai là tượng đài-phần chính của Khu tưởng niệm Tây Tiến. Nhà điêu khắc đã dựa vào cảm hứng khi đọc bài thơ “Tây Tiến” để thiết kế khu tượng đài này. Đường lên tượng đài là những lối dốc ngoắt ngoéo gợi nhớ Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm... Hai bên lối dốc mọc lên những cây hoàng lan, một loại hương quen thuộc của Hà Nội như muốn nói rằng: Trong đoàn quân Tây Tiến có rất nhiều chàng trai Thủ đô mà Quang Dũng là một ví dụ. Và trong cuộc hành quân dài dằng dặc đó, có những Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm... Hồn lau Mộc Châu trong thơ ngày ấy cũng đã hiện hình phơ phất cùng với ngôi tháp tượng trưng cho đất nước Lào. Trung tâm khu tưởng niệm là nhà thờ các liệt sĩ Tây Tiến. Điều đáng nói là mái nhà này được cách điệu bốn khẩu súng chụm đầu lại, vừa nói đến tình đồng đội chiến đấu gắn bó, đồng thời gợi nên cảnh Heo hút cồn mây, súng ngửi trời…

Tôi đã từng thuộc lòng bài thơ “Tây Tiến” từ nhỏ, đã nhiều lần bình bài thơ này trên báo cũng như trước bạn đọc… nhưng chưa bao giờ tôi xúc động như khi lần bước trong khu tưởng niệm này và nghe giọng đọc nghẹn ngào của cô gái người Thái thuyết minh. Bạn đọc trẻ tuổi sinh ra khi cuộc chiến tranh đã lui rất xa vào thăm khu tưởng niệm này, họ sẽ biết được sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh và cái giá dân tộc ta phải trả cho độc lập, tự do của Tổ quốc.                                                       

Nhà thơ VƯƠNG TRỌNG