- Em chưa biết đền Hùng! Chỉ đọc trong sách và coi ti vi vậy thôi!
- Thì xin ba mẹ cho đi chơi một chuyến. Sắp hội đền Hùng rồi, có ra thăm không để anh đón?
Có nên đi không? Con gái quê một mình nơi xứ lạ quê người. Nhưng không đi thì nhớ. Sen thấy nhớ Sơn quá, dù anh mới đi khỏi khu vườn nhà cô ba ngày. Hai năm trước, khi ba mẹ đồng ý cho đơn vị bộ đội làm nhiệm vụ rà phá bom mìn tới ở nhờ trong căn nhà cũ của gia đình, Sen đã phản đối. Cô không thích sự ồn ào, mà toán lính trẻ thì chẳng chịu ngồi yên. Lúc đi làm ngoài công trường thì thôi, cứ nghỉ ngơi là họ lại kéo sang nhà mới của cô, ngồi chuyện trò ầm ĩ. Hai năm qua, dù không chịu được cảnh ồn ào của lính, cuối cùng thì cô kỹ sư nông nghiệp lại mở lòng thương mến chàng anh nuôi tên Sơn, quê Phú Thọ. Một chàng trai có cặp mắt xếch nhưng hiền hậu, chăm làm và ham đọc sách. Trong khu vườn rộng, những lúc rảnh rỗi anh thường giúp Sen lùa đàn bò vô chuồng, bơm nước tưới cây.
- Sao em không xin ra thành phố làm việc? Ở trạm khuyến nông huyện bao giờ tiến bộ được!
Nghe Sơn thắc mắc, Sen chỉ cười. Anh lính trẻ chưa hiểu được lòng đam mê của cô. Làm ở huyện gần nhà, vườn của ba khai khẩn từ xưa, rộng hơn 3ha, cô muốn làm nông dân. Phơi người ra nắng gió nhiều, Sen thường mặc cảm với mấy cái mụn nhỏ trên mặt, nhưng Sơn lại bảo nhìn có duyên.
- Lúc nào ra quê anh, tới soi mặt xuống giếng Ngọc ở đền Giếng là hết mụn ngay!
- Thiệt hông đó?
Sơn khẳng định đúng y vậy. Giếng Ngọc dưới chân núi Nghĩa Lĩnh là một giếng trời không bao giờ cạn. Ngày xưa, hai nàng công chúa con vua Hùng thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa hay tới giếng đó soi gương, rửa mặt, nên hai nàng xinh đẹp, giỏi giang lắm. Sen nghe kể mà thấy ham. Ước gì mình được soi gương ở giếng Ngọc.
Tối hôm bộ đội chuẩn bị rút, đơn vị có làm tiệc chia tay gia đình và mấy người hàng xóm. Trong lúc anh em đang nâng ly chúc ông già sức khỏe thì Sơn kéo Sen ra hàng điều sau nhà, rụt rè đặt lên môi cô nụ hôn đầu tiên.
- Đừng quên anh nhé! Nếu em không sợ khổ, anh mời về làm dâu xứ rừng cọ đồi chè.
- Mời dễ vậy nha? Phải xin phép ba mẹ họ hàng coi có được không đã. Tự tin quá hén!
Lúc đó, Sen nghĩ mình con gái cần giữ giá. Chứ khi Sơn đi rồi, trong lòng cô quặn thắt nhớ. Rồi giấc mơ đêm qua, cô còn thấy mình được về làm dâu Phú Thọ thiệt. Đám cưới phải rước dâu bằng máy bay, mà ba sợ độ cao cứ đòi xuống đất đi tàu hỏa. Đợt điều chín đã hái xong, cũng là đầu tháng Ba âm lịch. Sơn gọi điện hỏi cô có ra Bắc không? Ra bây giờ, được hưởng cái rét nàng Bân và thăm viếng đền Hùng trước lễ hội mồng Mười tháng Ba.
- Đi sớm còn xuống giếng Ngọc soi gương. Để đến chính hội có nước mà soi lưng người khác.
Có tiền bán hạt điều, Sen muốn đi ra đền Hùng, hò hẹn với chàng lính Bắc một lần. Không biết Sơn đưa cô về thăm gia đình, hay lại đưa nhau vào nhà nghỉ. Nghĩ tới đoạn đó, cô đỏ bừng mặt vì tưởng tượng ra nhiều chuyện. Có nên đi hay không ta? Cọc tự dưng đi tìm trâu, thấy mắc cỡ. Mấy bà hàng xóm, mấy đứa bạn đồng lứa lại mệt mà bàn luận, thêu dệt. Ôi chu cha! Thiệt ngại quá đi. Mình lỡ là con gái nhà lành rồi, giờ làm sao đây? Cái lề thói quê nhiều khi thiệt mệt. Đã một lần “theo trai” mà bị bỏ rơi, còn ai dám lấy làm vợ nữa, có nước đi xứ khác mà kiếm chồng. Sen ngồi khóc tới nửa đêm sau hàng điều. Khóc vì nhớ và lo lắng. Số cô khổ! Yêu chi mà yêu cho xa xôi vậy chứ. Phải đi thôi! Đi ra soi giếng Ngọc lấy một lần, rồi dung nhan sáng rỡ, rồi chàng anh nuôi đẹp trai sẽ xin cưới cô về làm vợ. Niềm vui bất chợt cất lên thành lời ca. “Có chú chim non nho nhỏ. Cất tiếng líu lo như muốn ngỏ”. Sen lau nước mắt, quyết định ra thăm đền Hùng. Đường đi cũng dễ. Sơn đã chỉ sẵn cho cô. Từ nhà đi taxi ra sân bay Phù Cát hai trăm rưởi ngàn, vé máy bay một triệu, xuống sân bay Nội Bài đi xe điện ra Quốc lộ 2 bốn chục ngàn, xe khách từ đó về tới đền Hùng năm chục ngàn. Chi phí chưa hết một triệu ba trăm ngàn. Vậy thì can cớ gì cô không đi ra Bắc một chuyến. Gần tới ngày lên đường, con bạn giáo viên khoe có người nhà lái xe Nam-Bắc.
- Xe giường nằm cũng đỡ lắm mầy! Xe chạy qua cổng đền Hùng, giá vé sáu trăm ngàn, bao ăn luôn!
Tính Sen vốn hà tiện, nghe giá vé chỉ có sáu trăm ngàn là cô chịu liền. Nằm xe khách thời gian sẽ lâu hơn, nhưng có dịp ngắm phong cảnh dọc đường. Những đèo núi, sông biển mà cô chỉ được thấy qua sách vở. Tính như vậy mà không được vậy. Mười tám giờ lên xe, tới Đà Nẵng trời đã tối hù. Sự náo nức về miền đất nguồn cội bị giảm đi vì nỗi bực dọc anh tài nhà xe nói ngọng. Cái lưỡi đầy phè trong miệng làm anh ta chỉ phát được mấy phụ âm sau cùng.
- Em ề âu?
Anh ta có ngọng thì cô cũng hiểu được câu đó.
- Dạ em ra đền Hùng!
- Ừ! Hắp ội ền ùng ồi, ui ắm!
Anh tài ngọng sau ca lái ngày liền lết xuống cuối xe, nơi cô được bố trí nằm ngay trên lối đi giữa hai hàng giường. Lúc lên xe, cô đã cự nự với thằng ranh nhà xe:
- Tui đặt chỗ trước rồi, sao không có giường?
- Chị thông cảm! Khách đông quá, nên hết cả chỗ.
- Vậy tui nằm sàn xe tính tiền vé sao đây?
- Dạ sáu trăm nghìn chị ạ, nhà xe bao ăn luôn!
Phải không mắc cuộc hẹn với Sơn ở đền Hùng, cô bước xuống liền. Có ai đó còn mang theo một con gà chọi lên xe, để ngay gần chỗ cô nằm. Nhìn đống hành lý, chiếc bu gà, cô ngán ngẩm lựa cho mình một chỗ dựa lưng. Đã vậy đêm khuya anh tài ngọng còn mò xuống chỗ cô ngồi tán tỉnh. Anh ta nhìn như muốn soi rách chiếc áo bà ba đen chật căng của Sen.
- Ẹp hiệt! Em ó ồng ưa?
- Anh nói gì em hổng hiểu!
Thằng chả chắc không nhận ra lời nói mỉa mai của Sen, vẫn cứ líu lo tán tỉnh. Sen phì cười, khi nghe thằng chả nói, tới đền Hùng rồi, nếu không có chỗ nghỉ thì điện cho chả.
- Ăn hẽ ới ón em, ình âm hự o ui!
Má ơi! Tâm sự với ông này một đêm, chắc cô nổi khùng mà chết. Hết buổi sáng hôm sau, sau khi chạy qua mấy tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, cô rạo rực trong người chỉ mong tới vùng đất trung du Phú Thọ. Xe qua cầu Trung Hà, một người trên xe nói với cô đã tới địa phận Phú Thọ.
- Đây là Tam Nông, nếu cô đi đền Hùng thì tới cầu Phong Châu phải xuống thôi.
Anh tài ngọng nhảy xuống, mở cốp thùng xe lấy đồ cho Sen.
- Ạm iệt em hen!
- Đền Hùng ở đâu? Tui nói đi xe ra đền Hùng mừ. Sao mấy anh bỏ tui giữa đường vậy?
Anh ngọng gãi đầu, giải thích rằng xe không chạy tuyến
Việt Trì nên không qua đền Hùng, mà đi cầu Trung Hà cho gần. Hình như xe chạy về Cẩm Khê. Sen nhìn chiếc hộp các-tông nặng trĩu những nước mắm, cá khô, mứt dừa và ba lô quần áo, chỉ muốn khóc. Anh ngọng ngoắc một tài xe ôm tới, chỉ vào cô:
- Ưa em ày i ền ùng!
Tài xe ôm vâng dạ, rồi bốc hộp giấy lên buộc sau xe, bỏ chiếc ba lô phía trước, giục cô lên xe.
- Tui muốn tới đền Giếng!
- Đây tới đền Giếng mười lăm cây số! Nhanh thôi!
Xe chạy ào đi, gió hun hút lạnh. Cô rùng mình chợt hối hận vì không mặc thêm chiếc áo khoác. Anh tài xe ôm vừa chạy xe vừa huýt sáo miệng. Những cánh đồng bắp non dập dềnh lá non nối với mấy thửa ruộng trồng bí ngô tròn lủng như đám heo con bò lổm nhổm. Anh xe ôm chỉ ngọn núi cao trước mặt, mây trắng bảng lảng phủ khăn lưng chừng cây xanh biếc.
- Sắp tới rồi cô ạ! Đền Hùng đấy!
Rẽ vào một ngã ba, Sen thấy mật độ xe cộ nhiều hơn, tất cả đổ về hướng núi Nghĩa Lĩnh.
- Cô đi hội hay thăm người nhà?
- Dạ cả hai.
- Thế người nhà có gần đền Hùng không? Tôi đưa đến luôn.
- Dạ em hông biết!
Anh xe ôm ghé mắt nhìn qua gương chiếu hậu, chắc là để kiểm tra xem cô là người có đáng tin cậy không. Tới quãng đường lớn dựng san sát những hàng quán, anh xe ôm dừng lại, nói với một bác trung niên đeo băng đỏ trên tay áo.
- Bác cho em chở cô này vào tới đền Giếng. Khổ! Cô ấy từ miền Nam ra, lủng củng nhiều đồ đạc lắm, không xách vào trong ấy được đâu.
Bác trung niên ngần ngừ một lúc, rồi nhấc cây barie lên.
Gốc cây si buông chùm rễ lòa xòa trước mặt hồ bất ngờ làm cô mê mẩn. Ngôi đền màu nâu đỏ rêu phong thấp thoáng sau lùm cây kia chắc là đền Giếng.
- Hết bao nhiêu tiền hả anh?
- Ông ngọng tài xế trả rồi! Thôi chào cô nhé! Chúc vui vẻ!
Cô tiếc mình không kịp cám ơn anh tài ngọng một tiếng. Hừm, như vậy mới hay, đừng đánh giá con người qua hình thức ban đầu. Bây giờ đứng ở đền Giếng, cô mới nhớ tới Sơn. Rồi chợt giận hờn vì từ ngày hôm qua tới giờ anh không gọi một cuộc điện thoại nào cho cô hết. Định không thèm gọi cho Sơn, nhưng chợt nghĩ mình đang bơ vơ nơi đất lạ, mà chỉ có một mình Sơn là người thân. Chuông điện thoại vừa réo đã có người bắt máy.
- A lô! Ai gọi anh Sơn đây ạ?
Sen thấy nóng bừng khắp mặt, chỉ muốn ném chiếc điện thoại xuống hồ nước. Hóa ra lý do Sơn không gọi cho cô là vì có người con gái này đây. Bản tính cương cường của con gái đất võ làm cô bừng tỉnh, kiên quyết:
- Dạ, tui là bạn gái của anh Sơn!
- Ôi! Chị Sen phải không ạ? Em là Hương, em gái anh Sơn! Chị đang ở đâu?
- Chào em! Mừng quá! Chị đang ở đền Giếng chờ anh Sơn tới đón.
Bên kia đầu máy, tiếng cười chợt tắt làm Sen tái mặt lo lắng. Không lẽ anh Sơn bị làm sao?
- Anh Sơn em đi biên giới hôm qua. Công tác đột xuất nên không đón chị được, mà lính không được dùng điện thoại chị ạ! Chị cứ ở đền Giếng chờ em ra đón, nhà cách đền có sáu cây số thôi chị ạ!
Hương giống anh trai ở đôi chân mày rậm và hơi xếch. Cô ríu rít ôm chầm lấy Sen như đôi bạn thân cũ.
- Chị về nhà em chơi mấy hôm, hết hội rồi về!
- Chị muốn thăm đền Giếng!
Hương khệ nệ bê thùng quà để cạnh cái quán nhỏ bán bánh kẹo và đồ lưu niệm.
- Chị cho em gửi cái thùng với chiếc xe nhé! Tí em ra sẽ ngồi uống nước sau!
Cô gái sốt sắng dẫn Sen vào đền, trấn an.
- Chị ấy người làng em đấy! Không sợ mất đâu!
Hương chỉ cho cô chỗ cắm nhang.
- Chị cầu khấn gì thì cầu đi. Hai bà ở đền thiêng lắm! Rồi em đưa vào xem giếng Ngọc. Năm nay mùa dịch bệnh nên cũng ít người.
Chiếc giếng có thành đá cao ngang bụng cô, Sen hồi hộp vén mái tóc rồi cúi xuống soi. Ô, sao mặt nước lại bị che một tấm lưới sắt, bên trên la liệt những tờ bạc xanh đỏ nhiều mệnh giá. Cô bất lực thấy thấp thoáng nét mặt mình giữa những đồng tiền, muốn òa khóc vì thấy dung nhan mình khuất lấp sau những đồng bạc vô cảm.
- Mình về nhà tắm giặt đã chị! Bầm em mong gặp chị lắm! Mai kia em đưa chị lên thăm đền Thượng.
Đêm trung du gió xạc xào trên mấy tàu cọ sau nhà. Sen thao thức không ngủ được. Cô buồn vì lỡ hẹn với Sơn, nhưng cảm thấy ấm cúng giữa tình người đất Tổ. Nửa đêm, điện thoại có tin nhắn. “Em có ngủ được không? Nếu cảm thấy cô đơn thì gọi cho anh. Anh sẽ tới ngay”. Ôi trời! Là anh tài ngọng, vẫn cố bám theo tán tỉnh. Cô bật cười, nhắn lại. “Em đang rất vui và hạnh phúc. Cám ơn anh đã trả giúp tiền xe ôm”.
Một cơn mưa rào bỗng kéo tới, chạy ràn rạt trên mái nhà. Hương chợt tỉnh ngủ, nói với Sen.
- Mưa rửa đền đấy chị ạ!
Truyện ngắn của PHÙNG PHƯƠNG QUÝ