Đây là chuyến thứ tư hay năm gì đó, tôi quyết định bỏ hết mọi việc bề bộn sau lưng để đi chỉ vì một lời mời gọi: Đàn ong đã về!

Cuối tháng 3, hương xuân còn vương vất, quấn quýt thấm đẫm những triền núi xanh biếc dằng dặc. Cùng một dải đất Đông Bắc, nhưng có lẽ so với các tỉnh lân cận như Lạng Sơn, hay Hà Giang, thì Cao Bằng là tỉnh có rừng đẹp nhất. Những cánh rừng ken dày tán lá, những dải núi tầng tầng lớp lớp đầy cây cổ thụ. Thiên nhiên ưu đãi Cao Bằng, nên không dưng mà người ta gọi “non nước Cao Bằng”. Núi cao, rừng xanh, sông suối đầy ắp, các thung lũng trù phú mênh mông, con gái Tày đẹp người, đẹp nết; đàn giỏi, hát hay; huyện nào, xã nào cũng đầy sản vật...

leftcenterrightdel
 Hoa rừng Phia Oắc-Phia Đén. Ảnh: BÍCH THÚY

Trở lại với chuyến đi bất thình lình vừa mới đây, trở lại với lời mời gọi quyến rũ chưa từng thấy ấy. Nguyên Bình là một huyện nằm về phía tây của Cao Bằng, nơi có Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén diện tích hơn 10.000ha. Từ Phia Đén, chúng tôi đi tìm đàn ong mà câu chuyện về chúng đẹp như huyền thoại. Hằng năm, cứ tầm tháng 3, hàng trăm đàn ong không biết từ đâu bỗng kéo về, xây những cái tổ dài hàng mét, đu lủng lẳng trên những vách đá dựng đứng trong rừng sâu thuộc bản Hoài Khao, một bản người Dao, với chỉ hai dòng họ Lý và Chu. Những con ong lặng lẽ xây tổ, tung cánh đi hút mật và sinh sống ở đấy cho đến tận tháng 8. Có lẽ là bởi mùa đông sắp đến nên ong phải di cư đến một vùng đất khác. Người Dao ở Hoài Khao tuyệt đối không lấy một giọt mật ong. Họ chỉ lấy thứ duy nhất đàn ong bỏ lại, chính là những bọc sáp khổng lồ. Sáp ấy cũng chỉ để dùng vào một việc duy nhất là kỹ thuật vẽ sáp ong trên thổ cẩm của người Dao. Những họa tiết tuyệt đẹp trên váy áo phụ nữ. Những người trẻ tuổi ở Hoài Khao hoàn toàn không thể trả lời được câu hỏi: Đàn ong xuất hiện ở trên vách núi từ bao giờ? Họ chỉ biết là từ đời ông bà đã có chúng. Năm nào cũng vậy, cứ mùa xuân chúng đến và mùa thu chúng đi. Bạn tôi đặt một câu hỏi: Vậy liệu có phải vì đàn ong ở đấy mà bản Hoài Khao hình thành? Giống như là tổ tiên người Dao lần theo dấu đàn ong để quyết định một nơi định cư? Không ai trả lời được điều đó.

Ngày chúng tôi vào Hoài Khao, trời mưa, con đường đổ bê tông đang sửa chữa, bùn đất lầy lội, phải xuống đẩy xe để nó khỏi trôi. Từ trung tâm bản Hoài Khao đi vào nơi đàn ong làm tổ khoảng 3-4km, đi bộ, theo một con đường nhỏ đã được địa phương tỉa gọn sạch sẽ. Xuyên qua những thửa ruộng, xuyên qua những con suối và đi vòng vèo theo vách núi lên cao.

Trời mưa đã mấy ngày. Rừng núi ướt đẫm. Lạnh. Khi tôi sục chân xuống suối, nước buốt lạnh ngấm vào tận xương. Suối đã chảy hàng triệu năm chưa một giây nào dừng lại, mặc kệ việc một buổi tinh mơ nào đó có một đôi chân lạ lẫm sục vào. Cảm thấy suối đang gột rửa tất cả những bụi bặm, muộn phiền, trĩu nặng... nếu đang có trong tâm can. Tôi nhặt lên hai viên đá. Mang về tặng bạn 1, cất đi 1.

leftcenterrightdel
Hoa rừng Phia Oắc-Phia Đén. 

Chúng tôi không thể nào đi nhanh được vì những quyến rũ của rừng. Tôi nhớ câu chuyện của một người cả đời đắm đuối với một vùng chè cổ thụ. Những cây chè shan cao đến vài mét, nằm tít sâu trong rừng, trên một quả đồi quanh năm mát mẻ của người Dao. Chúng phải ở đó từ rất lâu rồi, có lẽ hàng thế kỷ. Chúng đã chứng kiến sự chào đời của những đứa trẻ, sự lớn lên của các thanh niên và sự già nua của những ông bà lão...  Rừng ở đây dường như rất ít dấu chân người. Cây rừng vươn cao mạnh mẽ, khỏe khoắn lên vòm trời cao mênh mông vô tận. Người Dao làm ruộng dưới chân núi, chăn thả gia súc, gia cầm và bảo vệ rừng như một nếp sống. Bảo vệ rừng cũng tức là bảo vệ nơi trú ẩn của hàng trăm đàn ong khổng lồ.

Chúng tôi xuyên qua lối mòn dưới những tán cây rậm rì, nặng trĩu, tối mịt, lao xao khe khẽ. Những giọt nước đọng trên ngọn lá rơi buốt vai... Tôi đã luôn nhớ những cánh rừng và kỳ lạ là nhớ nhất khi đang ở giữa rừng, như buổi sáng hôm ấy trong rừng mưa sũng ướt. Có lẽ vì biết rằng sớm muộn gì mình cũng sẽ lại rời đi...

Rừng trong ngày mưa có mùi hương kỳ lạ. Dường như tất cả hương thơm của rừng, hàng vạn hay hàng triệu mùi hương đều trỗi dậy sau những cơn mưa, thanh sạch tinh khôi và ngọt ngào. Chúng tôi cứ đi, đi mãi, không ai hỏi sắp đến nơi chưa vì còn mải mê hòa tan mình vào vẻ đẹp nguyên thủy của rừng. Bất giác tôi nghĩ, hẳn là không phải tự dưng mà hàng trăm đàn ong kia lại tìm nơi này để trú ngụ mỗi mùa làm mật.

Mỗi năm một lần, người già trong bản tổ chức lễ tạ ơn đàn ong. Tạ ơn vì chúng đã gắn bó với núi rừng bao năm qua mà chưa một mùa xuân nào không quay lại. Tạ ơn vì chúng đã mang đến những bọc sáp khổng lồ, đủ để phụ nữ trong bản làm ra những bộ váy áo đẹp nhất cho các cô gái sắp về nhà chồng, cho các bà, các mẹ, cho các bé gái diện vào những dịp quan trọng.

leftcenterrightdel
 Ong làm tổ trên vách đá trong rừng Phia Đén.

Đàn ong đã chung sống bên cạnh con người trong suốt nhiều thập kỷ, chỉ vì một lẽ: Chúng được tôn trọng tuyệt đối. Người ta nói, nếu đàn ong nổi giận, có thể một con trâu mộng cũng bị đốt chết chứ đừng nói con người. Có lẽ phải hàng triệu, hàng tỷ con. Hàng triệu, hàng tỷ cái ngòi chứa nọc...

Khi người dẫn đường dừng lại, đưa ngón trỏ lên ra hiệu, chúng tôi ngẩng mặt lên. Bên kia vách đá, cách một khe suối, rất nhiều tổ ong màu nâu đậm dài hàng mét lủng lẳng treo trên vách đá một cách kỳ lạ. Thường tôi thấy những đàn ong gá vào đâu đó để đặt tổ của mình, hơn là việc treo lủng lẳng thế kia. Chúng to và nặng trĩu. Tiếng bầy ong vỗ cánh vù vù. Không ai được nói to, càng tuyệt đối không được hút thuốc lá. Từ dưới chân vách đá, người làng dựng lên những cái thang bằng vầu, buộc chặt vào thân cây to hoặc gác vào vách. Đấy là những cái thang dùng để lấy sáp ong xuống vào tháng 8. Còn bây giờ, tuyệt đối không ai động đến. Đến gần cũng không dám.

Một trong những điều tuyệt diệu nhất của thiên nhiên đang hiển hiện ngay trước mắt, chỉ cách tầm chục mét. Chúng tôi gần như nín thở, chỉ sợ một tiếng động mạnh sẽ khiến hàng triệu con côn trùng có cánh kia giật mình, rồi lao đến. Thôi, đừng nghĩ đến chuyện chạy thoát.

Hai giờ chiều chúng tôi mới tạm biệt đàn ong để quay về bản Dao. Những con vắt no máu béo mầm lăn lông lốc ra khỏi giày. Rừng lùi lại dần sau lưng. Những vạt cỏ dại ướt đẫm, những bụi mâm xôi chín rục đỏ như son, những lùm hoa dại tỏa hương thơm kỳ lạ, những tảng đá đủ màu yên bình dưới làn nước reo vui... Tất cả đều ở lại sau lưng.

Điều khiến tôi có cảm xúc mạnh mẽ nhất khi tận mắt ngắm đàn ong thản nhiên, yên bình làm tổ là mới hôm qua thôi, chúng tôi vừa rời khỏi một trong những thành phố đông dân nhất nước, ngạt thở trong khói bụi và tiếng ồn, còn bây giờ thì ở đây. Không quá xa thành phố. Nín thở ngắm đàn ong và chứng kiến thiên nhiên đang thở hơi thở của nó, mọi sinh vật trú ngụ ở trong nó đều theo quy luật mà sinh tồn.

Chúng tôi gặp một bà lão đang từ thửa ruộng đầy mùi vị của mùa xuân đi lên lối mòn. Hỏi gì bà cũng không trả lời, chỉ cười. Những nếp nhăn hằn trên khuôn mặt như thể cố gắng đánh dấu về một cuộc đời đang qua. Tôi nhìn những họa tiết sáp ong rất cầu kỳ, tinh tế trên gấu váy của bà, và bất chợt nhận ra, người ta có thể hạnh phúc biết bao nhiêu nếu biết trân trọng thiên nhiên, lựa theo thiên nhiên mà sống...

Nhà văn ĐỖ BÍCH THÚY