Chúng ta thử nhìn về lịch sử văn chương Việt Nam từ xưa đến nay để hình dung về ngọn lửa trong nghệ thuật. Thời trung đại, văn chương lấy sứ mệnh chở đạo, phản ánh ý chí, tinh thần của con người trước các sự kiện của đời sống, chính trị, văn hóa. Khi Đồ Chiểu viết những dòng thơ cảm khái Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà, khi Phan Bội Châu đề cao sức mạnh Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng.../ Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng... đến thời hiện đại, Hồ Chí Minh nhấn mạnh Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong, hay sau này Sóng Hồng viết Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền... ta hiểu được sức mạnh của ngòi bút, chữ nghĩa, mà rộng hơn là thiên chức của người trí thức cầm bút đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc và nhân dân. Lửa trong văn chương xuất phát từ chính nhiệt huyết của lòng yêu nước, yêu tự do, độc lập, yêu thương và hướng tới con người. Văn chương có thể nào rời xa con người? Không thể! Bởi các giá trị chân-thiện-mỹ làm cho văn chương trở thành nơi nuôi dưỡng, vun đắp hay gìn giữ tính người, ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ nền văn học nào trên thế giới.

Nói đến lửa trong nghệ thuật là nói đến sự nung nấu, thiêu đốt từ bên trong tâm hồn, trái tim người nghệ sĩ. Khi đối diện với tình thế bị kẻ thù xâm lược, khi đất nước đau thương dưới gót giày đế quốc, thực dân; khi nhân dân lầm than đói khổ, rên xiết dưới ách bạo tàn của loài lang sói, văn chương đã nhận lấy trách nhiệm làm người lính tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Mỗi người nghệ sĩ là một chiến sĩ, nghệ thuật trở thành một binh chủng, cùng đoàn quân xung trận. Nhìn về văn học Việt Nam thời chiến, chúng ta nhận ra người nghệ sĩ và các tác phẩm nghệ thuật thực sự đã ở tuyến đầu của cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại: Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa (Huy Cận), Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi (Chế Lan Viên)... Đó là những dòng thơ lửa cháy như Tố Hữu từng thốt lên: Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh/ Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy. Lịch sử hào hùng của dân tộc ta được ghi nhận bằng những chiến công oanh liệt trước kẻ thù xâm lược. Trong niềm vinh quang ấy, lửa sáng lên soi tỏ những con người-nghệ sĩ-chiến sĩ, viết nên áng hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với ý chí niềm tin về sự trường tồn của chính nghĩa, tình yêu thương và khát vọng hòa bình.

Minh họa: Phùng Minh

Nhưng đâu chỉ thời chiến nghệ thuật mới trở thành đoàn quân tiên phong. Ngay trong thời bình, cuộc chiến ấy vẫn chưa hề kết thúc. Trước những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, những tha hóa của con người trước tệ nạn xã hội, những đe dọa đến từ tự nhiên, dịch bệnh, các xung đột, đe dọa phi truyền thống khác... văn chương nghệ thuật vẫn tiếp tục đảm trách sứ mệnh đánh thức ngọn lửa trong trái tim con người. Những tác phẩm văn học-nghệ thuật tiếp tục thắp sáng ngọn lửa của tình yêu nước, của truyền thống dân tộc, của ý chí quyết tâm bảo vệ non sông: Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/ Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi (“Tổ quốc nhìn từ biển”-Nguyễn Việt Chiến); Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa/ Tôi lắng nghe/ Tổ quốc/ gọi tên mình! (“Tổ quốc gọi tên”-Nguyễn Phan Quế Mai); chúng có thể đốt cháy cả Trường Sơn nghìn dặm/ nhưng làm sao thiêu hủy được con đường/ con đường mang ý nghĩa sinh tồn/ Tổ quốc! (“Vạn lý Trường Sơn”-Nguyễn Hữu Quý). Chúng ta nhận ra một điều rằng, ý thức công dân, tình yêu Tổ quốc, khát vọng hòa bình mãi mãi là nguồn sống, là dưỡng chất nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ. Trong những tình huống đất nước bị đe dọa, ý thức trách nhiệm của người cầm bút lại bùng cháy, và những tác phẩm nghệ thuật với ngọn lửa nóng bỏng tình yêu đất nước lại ra đời.

Văn học đương đại, trong bối cảnh hòa bình đã có những vận động mạnh mẽ hơn về phía thế sự. Ở đó, câu chuyện về thân phận con người, về tình thế của tồn tại, về giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm được xem như là những phẩm tính trọng đại, thường trực. Xét đến cùng, văn chương chính là thân phận con người ký trú trong chữ. Văn chương là sự cất tiếng của lòng hiếu sinh, xuất phát từ YÊU và THƯƠNG. Bởi vậy, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê nghệ thuật cũng chính là nuôi dưỡng tình yêu thương đối với con người, khát vọng bày tỏ sự yêu thương đó dưới hình hài nghệ thuật. Khi Thái Bá Lợi viết “Hai người trở lại trung đoàn”, Nguyễn Minh Châu viết “Bức tranh”, Phạm Thị Minh Thư viết “Có một đêm như thế”, Thùy Linh viết “Mặt trời bé con”, Lê Lựu viết “Thời xa vắng”, Chu Lai viết “Ăn mày dĩ vãng”, Bảo Ninh viết “Nỗi buồn chiến tranh”, Nguyễn Đình Tú viết “Xác phàm”... chúng ta nhận ra nghệ thuật đã xoáy sâu vào thân phận con người trong những hoàn cảnh sống khác nhau. Dù thế nào, ở đó tính người, giá trị người cùng khát vọng cứu rỗi nhân tính vẫn hiện lên như là xác tín sâu thẳm của nhà văn. Cũng trong những hiện diện của văn chương đương đại, ta thấy thơ Nguyễn Quang Thiều vọng lên âm hưởng vĩ đại của đất đai châu thổ, của sự sống con người trong thăm thẳm thời gian, trong bộn bề thế sự. Ta cảm nhận được ngọn lửa của niềm khắc khoải trong thơ Trương Đăng Dung, ngọn lửa rực cháy trong thơ Nguyễn Việt Chiến, phẩm tính chiến binh trong dáng vẻ đời thường của người dân nước Việt vẫn hiện lên một cách rạng ngời trong thơ và trường ca của Nguyễn Minh Khiêm: Những đứa trẻ lại tập vung roi sắt/ Tập nhổ tre đằng ngà/ Tập làm Thánh Gióng [...] Từ ngõ nhỏ này, ngựa sắt lại bay lên (“Ba mươi tháng tư”).

Lửa trong nghệ thuật hẳn nhiên còn mang hàm nghĩa về lòng đam mê, khát vọng hướng tới ngôi đền thiêng của giá trị thẩm mỹ. Kỳ thực, đã là tác phẩm nghệ thuật, dĩ nhiên phải mang được những phẩm tính, đặc trưng của nghệ thuật. Chính vì thế, theo dõi sự vận động của văn chương đương đại Việt Nam, chúng ta nhận ra những cách tân với ý hướng đem lại sự tươi mới cho văn học. Từ sau thời điểm 1986, khi đất nước tiến hành đổi mới, phong khí thời đại đã tiếp thêm cho nghệ thuật nguồn sống dào dạt, rộng mở hơn. Nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng, với cơ chế ấy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đã đập cánh bay xa hơn về phía chân trời của khát vọng thẩm mỹ. Từ truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp ở giai đoạn đầu đổi mới đến Lê Minh Khuê, Trần Thùy Mai... và các tác giả trẻ hơn sau này như Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy... hoặc thế hệ 8x, 9x bây giờ như Trần Thị Tú Ngọc, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương, Phạm Thu Hà, Nguyệt Chu, Lê Vũ Trường Giang, Nhật Phi, Đức Anh, Hiền Trang, Nguyễn Dương Quỳnh... có thể nhận thấy những dụng công thực sự trong việc tìm kiếm phương thức biểu hiện nghệ thuật. Bên cạnh việc mở rộng, đào sâu, xoay trở các vấn đề của hiện thực đời sống, con người, vấn đề cách thức biểu đạt, hình thức nghệ thuật, lối viết, lối kể cũng được các nhà văn đặc biệt chú ý. Ở trong thơ, từ đầu đổi mới, với Dư Thị Hoàn, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, sau đó là Vi Thùy Linh, Miên Di, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lê Vĩnh Tài, Đặng Thân... đều cho thấy ý thức mạnh mẽ về việc tiếp cận được những hình thức nghệ thuật phong phú, đa dạng, tự do hơn:

Thằng bé mới chục tuổi đầu

Đã lâu không khóc

đã lâu không cười

thằng bé ấy mới lên mười

người ta đã gọi: Kiếp người

vậy ư?

thằng bé ngoan

thằng bé hư?

chẳng ai biết nữa

hình như

là buồn

(“Thằng bé”-Nguyễn Thế Hoàng Linh)

Ở thể loại tiểu thuyết, với các tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Đỗ Phấn, Nguyễn Danh Lam, Đặng Thân... công chúng văn học cũng có thể nhận thấy những bước đi rõ rệt thoát khỏi thi pháp truyền thống để tiến đến những hình thức thể hiện mới mẻ hơn, phù hợp với tinh thần, tri thức, mỹ học hậu hiện đại.

Lửa của nghệ thuật, như đã nói là một biểu tượng, bởi vậy, nó chứa đựng cả những câu chuyện thuộc về mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc cũng như giới nghiên cứu phê bình. Đây là một vấn đề lớn, khó có thể biện giải một cách rốt ráo tại bài viết này. Tuy nhiên, hình dung về một ngọn lửa, với khả năng thiêu đốt, thôi thúc, sòng phẳng, vô tư, chúng ta có thể hiểu được rằng, để có một nền văn nghệ lành mạnh, hướng đến các giá trị thẩm mỹ đích thực, sự sòng phẳng, thành thật với nhau trong tiếp nhận tác phẩm là rất quan trọng. Tình trạng khen tặng, tâng bốc lẫn nhau dựa trên các mối quan hệ thù tạc đã đẩy nhà văn, tác phẩm, người đọc vào những tình thế “không được là chính mình”. Bởi vậy, hệ lụy của nó là sự ảo tưởng của người viết; sự nuông chiều hay dễ dãi, nói cho vừa lòng nhau của các nhà phê bình, sợ va chạm, sợ mất lòng... vẫn đang diễn ra trong đời sống văn học đương đại. Chúng ta cần ngọn lửa của sự vô tư, soi sáng, minh bạch các giá trị, để từ đó, từng bước xác lập được những giá trị chân chính, hướng con người, nghệ thuật đến chân-thiện-mỹ.

TS NGUYỄN THANH TÂM