Lưu Quang Vũ nổi tiếng trên văn đàn từ khá sớm với tập thơ “Hương cây-Bếp lửa” (in cùng Bằng Việt). Khi đó, anh mới hai mươi tuổi và đang phục vụ trong quân đội. Ngay từ khi mới xuất hiện và cho đến giai đoạn sau này, Lưu Quang Vũ được đánh giá là một trong những cây bút tiêu biểu của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và là một tác giả thơ có phong cách rõ nét. Lưu Quang Vũ đến với sân khấu vào thập niên 1980. Trong khoảng thời gian gần 10 năm, anh đã sáng tác được hơn 50 vở kịch và được đánh giá là “nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại”.

 Anh cũng là một trong những người đi tiên phong trong phong trào đổi mới văn nghệ, dùng ngòi bút của mình góp phần đem lại những điều tốt đẹp cho con người và xã hội. Cuộc sống của Lưu Quang Vũ tuy ngắn ngủi nhưng anh đã sống và làm việc hết mình, có những đóng góp lớn cho đời sống văn học dân tộc ở nhiều thể loại: Thơ, văn xuôi, kịch… Cuộc đời, sự nghiệp và sự ra đi đột ngột của anh cùng người bạn đời-nhà thơ Xuân Quỳnh đã trở thành một sự kiện trong giới văn nghệ. Ngoài những tập thơ đã được xuất bản và số lượng hơn 50 vở kịch đã công diễn, Lưu Quang Vũ còn để lại một khối lượng di cảo khá lớn gồm: Nhật ký, thư từ, sổ tay ghi chép, bản thảo đã hoàn thành hoặc còn dang dở. Năm 2013, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và gia đình tổ chức Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ nhân 25 năm ngày mất của ông. 12 vở diễn phục dựng theo 9 kịch bản của các đơn vị sân khấu chủ yếu ở phía Bắc tham gia liên hoan đã tạo nên một hoạt động văn hóa khá rộn ràng tại Thủ đô, nơi mà lâu nay sân khấu hầu như quá thưa vắng khán giả. Thêm một thế hệ nghệ sĩ mới được nhận huy chương vàng, bạc… khi diễn các vai kịch của Lưu Quang Vũ, nối gót hàng trăm NSND, NSƯT đã ghi tên các nhân vật ấy vào trong lý lịch nghệ thuật của mình. Lần đầu tiên liên hoan sân khấu dành cho một tác giả được thực hiện.

leftcenterrightdel
Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ảnh tư liệu

Tập thơ “Hương cây-Bếp lửa” ra đời đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt vì những cảm xúc trong trẻo, thiêng liêng đầy tin cậy và một giọng điệu thơ đắm đuối. Ngay từ những bài thơ đầu tay, Lưu Quang Vũ đã được nhà phê bình Hoài Thanh đánh giá là “một cây bút trẻ nhiều triển vọng”. Giai đoạn về sau, vẫn tiếp tục dòng chảy ấy nhưng thơ Lưu Quang Vũ đã mang một âm điệu, một cách nhìn khác. Cùng với những cảm xúc cá nhân, cảm hứng dân tộc trong tiến trình lịch sử, những suy nghĩ về nhân dân, về đất nước đã làm giàu có và phong phú thêm cá tính thơ Lưu Quang Vũ. Cùng với những năm tháng của đời mình, những thay đổi của đất nước, nhận thức của anh cũng có nhiều thay đổi. Những thay đổi ấy được thể hiện rất rõ nét trong hành trang thơ của Lưu Quang Vũ, từ bài thơ đầu tay cho đến những bài thơ cuối cùng. Sinh thời, Lưu Quang Vũ mới chỉ được in nửa tập thơ. Các tập thơ ra đời sau khi anh mất đã phần nào làm rõ nét thêm bản sắc thơ Lưu Quang Vũ.

Đến với văn xuôi, Lưu Quang Vũ lại tiếp tục phát huy được thế mạnh của mình. Chất thơ thấm đẫm trên những trang truyện ngắn của anh. Những truyện ngắn đầu tay man mác tình quê hương, tình người, đánh thức trong tâm hồn người đọc những kỷ niệm xao xuyến của cuộc đời. Sau này, cũng giống như ở thơ, truyện ngắn Lưu Quang Vũ lại có sự chuyển hướng. Lưu Quang Vũ trăn trở, suy tư trong một cảm hứng mới-cảm hứng công dân và trách nhiệm. Bên cạnh loại truyện ngắn mang đậm cảm xúc trữ tình, Lưu Quang Vũ đã có thêm những kiểu truyện khác: Truyện về tính cách và số phận ẩn chứa nhiều suy tư và triết lý.

Lưu Quang Vũ làm thơ, viết truyện ngắn, viết báo, ở lĩnh vực nào anh cũng gặt hái được những thành công nhất định. Từ thơ và chất thơ trong văn xuôi, rồi từ chất văn xuôi của đời sống, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Lưu Quang Vũ đã chuyển sang một thể loại khác, đó là kịch. Ở đó vẫn tiếp tục những nguồn mạch được khai mở từ khá sớm, nhưng Lưu Quang Vũ đã chín chắn hơn, tỉnh táo hơn. Anh đã được mến mộ, được coi là tác giả ăn khách và sung sức nhất. Kịch là nơi Lưu Quang Vũ có thể bộc lộ trực tiếp hơn những khám phá và nhận thức của mình, là nơi anh có thể đóng góp được một cách trực tiếp và tích cực hơn cho cuộc sống. Có nhà phê bình đã nói rằng: Lưu Quang Vũ làm thơ là để sống cho riêng mình và viết kịch là để sống cho mọi người.

Lưu Quang Vũ đến với sân khấu đúng vào lúc sân khấu đang có những đòi hỏi khẩn thiết. Rất nhiều giá trị cũ đã được định lại. Dòng hiện thực phức tạp bội phần ấy đã dội vào đời sống văn học-nghệ thuật những con sóng dữ dội và mới mẻ. Mẫn cảm nghệ sĩ và ý thức công dân đã thôi thúc Lưu Quang Vũ viết nên những vở kịch chứa đựng nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống. Và anh đã cùng với một số tác giả khác làm nên một giai đoạn sân khấu cực kỳ sôi động, khó có thể lặp lại trong một quãng thời gian dài, chí ít là đến tận hôm nay.

Trong lịch sử sân khấu nước nhà, thời kỳ của Lưu Quang Vũ có lẽ là thời kỳ sôi động, giàu sức sống nhất, thu hút đông đảo người xem nhất. Thập niên 1980, kịch của Lưu Quang Vũ xuất hiện đã làm thay đổi tư duy của người biểu diễn cũng như của công chúng yêu sân khấu. Nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, phê bình đã đánh giá cao tài năng, tâm huyết và những đóng góp của Lưu Quang Vũ đối với nền sân khấu nói riêng và với nền văn học nước nhà nói chung.

Lưu Quang Vũ là một nhà viết kịch tài năng. Điều này không chỉ được bộc lộ ở một số lượng tác phẩm lớn mà còn thể hiện ở chất lượng của sự phản ánh.

Hướng ngòi bút của mình về cuộc sống, kịch Lưu Quang Vũ đã góp một tiếng nói thiết thực vào công cuộc đổi mới đất nước. Anh đã chứng tỏ một sự nhạy cảm đặc biệt, một khả năng phát hiện, nắm bắt “cái lõi” của hiện thực để phản ánh. Ngòi bút của anh đã xông vào hầu hết mọi ngõ ngách của cuộc sống cũng như tâm hồn con người. Anh không hạn chế mình trong bất cứ loại đề tài nào, bởi ở đâu anh cũng phát hiện ra vấn đề để bàn luận, trao đổi. Trong kịch của anh có mặt nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực cuộc sống khác nhau; từ đề tài công nghiệp: “Tôi và chúng ta”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Quyền được hạnh phúc”, “Nếu anh không đốt lửa” đến đề tài nông nghiệp: “Bệnh sĩ”; từ ngành y tế: “Nguồn sáng trong đời”, “Vi khuẩn Hanxen” đến ngành giáo dục: “Mùa hạ cuối cùng”, “Tin ở hoa hồng”; từ hậu phương đến tiền tuyến: “Lời thề thứ chín”, “Điều không thể mất”; từ chiến tranh đến hòa bình, từ thành thị đến nông thôn... tất cả đều được hiện lên trong kịch Lưu Quang Vũ với một ý nghĩa xã hội sâu sắc. Kịch Lưu Quang Vũ là tiếng nói phản ánh cuộc sống đang diễn ra với một hiện thực tươi mới, gần gũi. Anh có khả năng biến những chi tiết đời thường thành những điển hình nghệ thuật để tăng thêm sức hấp dẫn cho tác phẩm.

Bằng cách ấy, anh đã đáp ứng được yêu cầu phản ánh và lý giải những vấn đề nóng bỏng, quan thiết của xã hội.

Lưu Quang Vũ là một trong những tác giả mở đầu cho đề tài đổi mới. Với “Tôi và chúng ta”, Lưu Quang Vũ đã nói lên niềm khát khao của cả cộng đồng. “Như một hồi kèn khởi động cho cả đất nước bước vào thời kỳ mới mạnh mẽ và bão táp dưới ngọn cờ của Đảng” (Vũ Hà, Báo Hànộimới, ngày 10-10-2000).

Năm 1985, Lưu Quang Vũ là tác giả gặt hái nhiều thành công nhất trong các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc từ Bắc chí Nam. Anh có 8 kịch bản tham dự thì tất cả đều đoạt giải, trong đó có 6 vở đoạt Huy chương Vàng, 2 vở đoạt Huy chương Bạc. Đầu tháng 9-2000, Lưu Quang Vũ được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật. Những đóng góp của anh đã được Nhà nước và nhân dân ghi nhận xứng đáng. Lưu Quang Vũ là tác giả trẻ tuổi nhất trong số những người được nhận phần thưởng cao quý này. Hai vở kịch được trao giải thưởng đều thuộc về đề tài hiện đại, đó là vở “Tôi và chúng ta” và “Lời thề thứ chín”.

Ngày 19-4-2020, vào dịp sinh nhật lần thứ 72 của Lưu Quang Vũ, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện Chương trình “Giai điệu tự hào: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” để tôn vinh những đóng góp của anh cho đất nước, nhân dân.

PGS, TS LƯU KHÁNH THƠ