QĐND - Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT lần thứ II-năm 2000) là người in đậm dấu ấn trong nền văn học-nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Đặc biệt trong lĩnh vực sân khấu thời kỳ đổi mới, ông có một vị trí đặc biệt mà một phần tư thế kỷ sau khi ông qua đời vẫn còn khoảng trống...
|
PGS-TS Lưu Khánh Thơ.(người đứng ngoài cùng bên phải) và các đồng nghiệp chụp ảnh kỷ niệm tại Hội nghị LL-PBVH lần thứ III tổ chức tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, tháng 6-2013.
|
|
Một cảnh trong vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Nhà hát Kịch Việt Nam, năm 1987. Ảnh do gia đình cung cấp
|
Hướng tới Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ IV (16-9-2013) và kỷ niệm 25 năm Ngày mất Lưu Quang Vũ (29-8-1988 / 29-8-2013), Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Bộ VH-TT-DL phối hợp với gia đình tác giả Lưu Quang Vũ sẽ tổ chức “Liên hoan sân khấu Lưu Quang Vũ” và Hội thảo khoa học “Kịch Lưu Quang Vũ với sự phát triển sân khấu Việt Nam”, vào trung tuần tháng 8 sắp tới. Phóng viên Báo QĐND Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với PGS, TS, nhà nghiên cứu VHNT Lưu Khánh Thơ, em gái ruột của Lưu Quang Vũ, về sự nghiệp sáng tác của Lưu Quang Vũ và những nội dung liên quan đến các sự kiện trên đây.
PGS, TS Lưu Khánh Thơ cho biết:
- Tại buổi làm việc của lãnh đạo Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam với gia đình chúng tôi vào đầu tháng 6-2013, được biết đến nay đã có 12 đơn vị sân khấu trong cả nước đăng ký tham dự Liên hoan. Đó là: Đoàn Chèo Hải Phòng, Đoàn Kịch Nam Định, Nhà hát Trần Hữu Trang, Nhà hát Cải lương Hải Phòng, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, Đoàn Kịch nói Quân đội, Đoàn Dân ca Huế... Mới đây nhất, Đoàn Kịch Công an nhân dân đã xin kịch bản “Người trong cõi nhớ” để nghiên cứu dàn dựng. Chúng tôi cũng được biết, Đoàn Kịch nói Quân đội đang tái dựng vở “Điều không thể mất”, là một vở đã từng được đoàn dàn dựng và biểu diễn rất thành công trước đây.
* Được biết chị là người được thân mẫu giao giữ gìn di cảo của Lưu Quang Vũ, chị có thể vui lòng cho biết toàn bộ sự nghiệp sáng tác kịch bản sân khấu của Lưu Quang Vũ có bao nhiêu vở? Bao nhiêu tác phẩm đã được dàn dựng? Có bản thảo nào chưa được dàn dựng không? Có bản thảo nào đang viết dở không?
- Lưu Quang Vũ mất khi mới 40 tuổi. Anh đã để lại một di sản văn học khá lớn. Bên cạnh thơ, văn xuôi, các bài viết, tiểu luận về sân khấu là hơn 50 vở kịch. Hầu hết đã được dàn dựng. Bởi thường là các kịch bản của Lưu Quang Vũ chưa “ráo mực” đã được các đơn vị sân khấu “xếp hàng” chờ đợi. Khi Lưu Quang Vũ mất, vở “Chim sâm cầm không chết” đang còn dở dang.
* Lưu Quang Vũ xuất hiện trước công chúng ban đầu là một nhà thơ khá ấn tượng và là cây bút văn xuôi, mãi sau này ông mới viết kịch và nhanh chóng trở thành một hiện tượng có một không hai. Là em gái của Lưu Quang Vũ, chị có biết “cơ duyên” nào khiến ông trở thành nhà viết kịch không? Có một sự “tình cờ” nào đó khiến Lưu Quang Vũ có “cơ hội” để phát tiết tài năng, sở trường không?
- Lưu Quang Vũ nổi tiếng trên văn đàn từ sớm với tập thơ “Hương cây-Bếp lửa” in chung với Bằng Việt năm 1968. Khi đó anh mới 20 tuổi và đang ở trong quân ngũ. Anh làm thơ, viết truyện ngắn, viết báo… Ở lĩnh vực nào anh cũng có những thành công nhất định. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Lưu Quang Vũ đã chuyển sang một thể loại mới đó là kịch. Ở đó, anh vẫn tiếp tục những nguồn mạch được khai mở từ khá sớm, nhưng Lưu Quang Vũ đã chín chắn hơn, tỉnh táo hơn. Anh đã được mến mộ, được coi là tác giả ăn khách và sung sức nhất. Kịch là nơi Lưu Quang Vũ có thể bộc lộ trực tiếp hơn những khám phá và nhận thức của anh, là nơi anh có thể đóng góp được một cách trực tiếp và tích cực hơn trong cuộc sống. Có nhà phê bình đã nói rằng: Lưu Quang Vũ làm thơ là để sống cho riêng mình và viết kịch là để sống cho mọi người.
Tôi nghĩ rằng tài năng của Lưu Quang Vũ được hội tụ bởi nhiều yếu tố. “Chất sân khấu” đã ngấm vào anh từ trong máu. Ngay từ hồi còn nhỏ, Lưu Quang Vũ đã thường xuyên được đi theo cha (nhà viết kịch Lưu Quang Thuận) tham dự các buổi dàn dựng diễn tập vở. Trong năm đầu tiên mới nhập ngũ, Lưu Quang Vũ đã viết vở chèo ngắn “Đôi bạn quê hương” để tham gia hội diễn của Binh chủng Phòng không-Không quân và đã đạt giải cao. Lưu Quang Vũ đến với sân khấu đúng vào lúc sân khấu nước nhà đang có những đòi hỏi khẩn thiết. Trong mỗi lĩnh vực, mỗi con người đều chất chứa biết bao vấn đề gay gắt và nóng bỏng. Giữa lúc ấy, sự cởi mở về mặt chính trị và đường lối xã hội là một động lực lớn thúc đẩy sự phát triển của văn học. Mẫn cảm nghệ sĩ và ý thức công dân đã thôi thúc Lưu Quang Vũ viết nên những vở kịch chứa đựng nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống. Chọn con đường viết kịch là anh đã tìm ra cách ngắn nhất để đến với công chúng khán giả, để có dịp được bộc lộ những gì mình đang ấp ủ.
* Với tư cách một khán giả, chị thích nhất vở kịch nào của Lưu Quang Vũ? Vì sao? Chị có những kỷ niệm gì với vở kịch đó không?
- Tôi có những dấu ấn sâu đậm với vở kịch “Người trong cõi nhớ” của Lưu Quang Vũ. Đó là một vở diễn đoạt Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Kịch bản này có một lối kết cấu khá độc đáo. Các nhân vật xuất hiện đồng thời theo các bình diện không gian khác nhau. Những người đang sống và những người đã chết. Đã chết như chỉ là mất đi cái phần thân xác; còn tư tưởng, tinh thần, những khát vọng, ước mơ cao đẹp của họ vẫn sống. Sống trong sự nghiệp, trong nỗi nhớ thường ngày của những người còn sống hôm nay. Qua lời của một nhân vật kịch, Lưu Quang Vũ đã nói quan niệm của anh về sự sống và cái chết: Con người tồn tại ở ba cõi. Đó là thế giới của những người đang sống và cõi lặng im. Cõi thứ ba: Cõi của những người đang sống trong trí nhớ của người khác, những người không bị lãng quên... Anh Lưu Quang Vũ viết vở kịch này để tưởng nhớ cha tôi.
* Với tư cách một nhà nghiên cứu văn học-nghệ thuật, chị đánh giá cao nhất kịch bản nào của Lưu Quang Vũ, vì sao?
- “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một vở diễn tiêu biểu trong gia tài kịch mục của Lưu Quang Vũ. Một trích đoạn của vở cũng đã được đưa vào dạy trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 phổ thông. Đây là một vở diễn được đánh giá là kinh điển. Ngay từ khi mới ra mắt khán giả cho đến nhiều năm sau, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã trở thành một dấu ấn đặc biệt của Nhà hát Kịch Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) nói riêng và nền sân khấu Việt Nam hiện đại nói chung. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” cũng đã thành công trên kịch trường quốc tế, được đánh giá là vở diễn thành công nhất của Hội diễn kịch quốc tế tại Mát-xcơ-va năm 1990, sau đó tiếp tục chinh phục công chúng tại hơn 20 trường đại học của Mỹ vào năm 1998 trong chương trình giao lưu sân khấu Việt-Mỹ. Đây là kịch bản đã phải gánh chịu số phận long đong vất vả ngay từ khi ra đời…
* Được biết vừa qua, Nhà hát Kịch Việt Nam đã tái dựng vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ. Chị có đi xem không? Cảm tưởng của chị đối với vở diễn “phiên bản” này?
- Nhà hát Kịch Việt Nam đã khởi công phục dựng vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” vào ngày 27-6-2013. Tôi hiểu đây là một quyết định khó khăn và có cả sự… liều lĩnh của những người chịu trách nhiệm. Bởi khi bắt tay vào dàn dựng vở diễn, ê kíp thực hiện sẽ phải chịu áp lực rất lớn về nhiều mặt. Khán giả trước đây đã từng có những ấn tượng tốt đẹp về vở diễn ở nhiều mặt, từ kịch bản (Lưu Quang Vũ), đạo diễn (NSND Nguyễn Đình Nghi), âm nhạc (nhạc sĩ Phó Đức Phương), trang trí (NSND Doãn Châu)… và đặc biệt là dàn diễn viên “gạo cội” với hàng loạt tên tuổi chói sáng: NSND Trọng Khôi, Trần Tiến, NSƯT Mỹ Dung, Bích Thu, Phạm Bằng, Anh Dũng… Tại buổi khởi công tái dựng vở diễn, lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam (Giám đốc Nguyễn Thế Vinh, Phó giám đốc-NSƯT Anh Tú) và toàn bộ ê-kíp vở diễn đã bày tỏ mong muốn tái hiện lại tác phẩm với dàn diễn viên hoàn toàn mới.
* Cùng với Liên hoan sân khấu Lưu Quang Vũ-2013, sẽ có một Hội thảo khoa học “Kịch Lưu Quang Vũ với sự phát triển sân khấu Việt Nam”. Chị có tham gia Ban tổ chức hội thảo không? Có đọc tham luận không?
- Tôi sẽ tham gia với tư cách là một thành viên của Ban tổ chức. Tuy nhiên, với công việc nghiên cứu và các mối quan hệ quen biết của mình, tôi cũng sẽ trực tiếp đặt bài một số tác giả.
* Xin tò mò một chút: Là “con nhà nòi” nhưng tại sao chị không tiếp bước thân phụ và anh trai, trở thành nhà viết kịch, nhà văn hay nhà thơ mà lại chọn con đường giảng dạy, nghiên cứu và phê bình văn học?
- Bởi một lẽ đơn giản là tôi không thể vượt qua được cái “bóng” quá lớn của cha và anh mình. Hơn nữa, tôi cũng đã chọn cho mình một con đường riêng như đã viết trong cuốn kỷ yếu “Nhà văn Việt Nam” rằng: Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu thích văn chương. Các thành viên trong gia đình tôi đều mang nợ văn chương từ trong huyết quản. Văn chương cũng như tình yêu, làm cho con người phong phú và giàu có hơn. Nó giúp cho ta được sống nhiều cuộc đời trong một kiếp sống hữu hạn. Có nhiều cách để thể hiện tình yêu và niềm đam mê đối với văn chương. Tôi chọn cho mình con đường luôn đi tìm kiếm và phát hiện những giá trị và vẻ đẹp văn chương đích thực. Tôi hạnh phúc với sự lựa chọn của mình, tuy không phải bao giờ cũng đi được tới đích.
* Xin cảm ơn những chia sẻ của chị! Xin chúc “Liên hoan sân khấu Lưu Quang Vũ-2013” và Hội thảo khoa học “Kịch Lưu Quang Vũ với sự phát triển sân khấu Việt Nam” thành công tốt đẹp!
Nhà thơ MAI NAM THẮNG (thực hiện)