QĐND - LTS: Cụ Hoàng Phát Hiền sinh năm 1926 tại thị xã Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Năm 1942, học hết năm 2 bậc trung học thì cụ được giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Mặt trận Việt Minh tỉnh Ninh Bình. Tháng 8-1945, cụ tham gia khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tại địa phương. Năm 1947, cụ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tiếp tục công tác trong LLVT địa phương. Từ năm 1950, cụ Hoàng Phát Hiền được điều động lên công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng tại Chiến khu Việt Bắc, vinh dự được gần gũi Bác Hồ kính yêu và có nhiều kỷ niệm sâu sắc về Người…
|
Bác Hồ chụp ảnh với một số cán bộ Văn phòng Trung ương năm 1960 (đồng chí Hoàng Phát Hiền đứng ngoài cùng bên phải).
|
Nhân dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Hoàng Phát Hiền đã kể lại mấy câu chuyện về Bác Hồ kính yêu…
“Ông cụ tinh thật”!
Cuộc sống ở chiến khu vô cùng thiếu thốn. Dù bận nhiều công việc nhưng khi anh em ổn định nơi ở là Bác đưa ra ý kiến: Phải tổ chức tăng gia, sản xuất để tự cải thiện bữa ăn, lấy sức làm việc, chiến đấu lâu dài. Ngoài việc trồng rau cải, rau muống…, Bác còn hướng dẫn mọi người kiếm cành rau ngót để cắm vừa làm hàng rào, lại vừa có rau nấu canh. Bác bảo phải gieo hạt bầu, hạt bí cho mọc lan ra các sườn đất trống. Rồi nuôi mấy con gà và nuôi lợn vừa tận dụng nước vo gạo cùng những thức ăn còn thừa…
Chỉ một thời gian ngắn, khu vực cơ quan chỗ nào cũng có những luống rau xanh mướt trông rất đẹp mắt. Bữa ăn hàng ngày “tươi” hẳn. Bác rất vui, nhưng rồi Bác lại bảo: "Các chú cần tính toán lại. Cách thức trồng rau của đồng bào khác ta lắm, họ gieo trồng theo nương rẫy, rất tự nhiên chứ không phải hàng luống thẳng tắp thế này khiến kẻ địch dễ phát hiện nơi ở của các cơ quan và đơn vị, như vậy sẽ bị lộ bí mật".
Bấy giờ mọi người mới ngớ ra và bảo nhau: “Ông cụ tinh thật”!
|
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng quà lưu niệm đồng chí Hoàng Phát Hiền vì thành tích phục vụ Bác Hồ, tháng 6-2010.
|
Tấm ảnh vô giá
Đại hội III của Đảng họp năm 1960 tại Hà Nội. Khi ấy, tôi đang công tác ở Vụ Hành chính Văn phòng Trung ương thì được đồng chí Vũ Tuân-Chánh văn phòng-gọi lên giao nhiệm vụ giúp việc cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng tên thân mật là anh Cả-lo công tác tổ chức đại hội. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng căn dặn tôi trước hết phải biết đoàn kết và phát huy sáng kiến của mọi người, với phương châm triệt để tiết kiệm. Do đất nước còn khó khăn nên tinh thần là đại hội phải diễn ra hết sức tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy sáng tạo về trang thiết bị… Vấn đề trang âm để phục vụ đại hội là khó khăn nhất. Làm thế nào để giúp phiên dịch ra một lúc mấy thứ tiếng để phục vụ khách quốc tế? Sau hàng tháng bàn bạc, kể cả việc tìm đến chuyên gia giỏi của ngành Bưu điện, của Cục Thông tin trong quân đội, nhiều ý kiến hay được đem ra thử nghiệm… và cuối cùng cũng đã lắp ráp được bộ máy truyền thanh dịch ra 5 thứ tiếng, đỡ tốn kém mà ít phải sử dụng đến ngoại tệ. Ban tổ chức đại hội rất khen ngợi sự cố gắng sáng tạo của anh em.
Thật bất ngờ, trước khi đại hội khai mạc, Bác đã đến kiểm tra công việc chuẩn bị phục vụ đại hội. Bác rất vui khi xem cụ thể bộ phận trang thiết bị này. Sau khi nghe và xem cụ thể, Bác hỏi đồng chí Nguyễn Lương Bằng: "Những đồng chí nào trực tiếp làm công việc này?". Anh Cả chỉ mấy anh em đang đứng sau Bác. Bác bảo: "Các cháu giỏi quá, đứng vào đây chụp chung với Bác một kiểu ảnh làm kỷ niệm". Thế là tấm ảnh kỷ niệm những ngày phục vụ đại hội mà Bác ban thưởng cho chúng tôi được rửa ra phát cho mọi người. Thật vô giá, trong số anh em phục vụ ngày ấy, người thì hy sinh ở chiến trường, người thì ốm đau, bệnh tật, đã theo Bác ra đi, còn lại một mình tôi. Thỉnh thoảng tôi lại đem tấm hình ra ngắm và thầm thì nói chuyện với Bác và mọi người…
|
Ban Chi ủy Văn phòng Trung ương năm 1952 (đồng chí Hoàng Phát Hiền ngồi ngoài cùng bên phải). Ảnh tư liệu
|
“Chiến đấu hết mình”!
Cuối năm 1951, tại một địa điểm ở chân núi Hồng, huyện Định Hóa, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn về kế hoạch Đông Xuân. Đến dự họp có Bác, đồng chí Trường Chinh và 17 ủy viên Trung ương Đảng. Hội trường là một căn nhà mái lá, dài 20m, rộng 4m, xung quanh là liếp nứa. Đầu nhà treo cờ Đảng và cờ Tổ quốc, ở giữa treo ảnh Bác rất trang trọng. Chiếc bàn hai chỗ ngồi đầu tiên là chỗ ngồi của Bác và đồng chí Trường Chinh, kế đến 5 dãy bàn ngang đối diện với bàn của Bác cũng bằng khung tre và ghép nứa rất đẹp mắt, mỗi bàn ngồi được 4 người…
Buổi tối, sau khi họp hội nghị, vì có nhiều văn bản nên anh em làm việc rất khuya. 11 giờ đêm mà mấy chiếc máy chữ vẫn gõ lách cách, rồi in ấn sột soạt. Chúng tôi thấy Bác tắt đèn đi ngủ, nên thì thầm nhau bê máy chữ xuống bếp làm việc. Vậy mà Bác biết, Bác bảo: "Không sao đâu, cứ tranh thủ làm đi. Bác ngủ giỏi lắm!". Sau ba ngày hội họp, hội nghị đã bế mạc. Bác bảo với anh em phục vụ: "Chiều nay hội nghị kết thúc, Trung ương chiêu đãi các chú phục vụ 1 bữa, anh nuôi chuẩn bị cho thịnh soạn nhé!".
Bữa chiêu đãi của Bác với anh em phục vụ, tại căn nhà lá, có hai dãy bàn ăn bằng tre nứa, ghế ngồi là 2 cây luồng ghép lại. Bác tuyên bố, mỗi bàn ăn, một bên là các đồng chí Trung ương, một bên là anh em phục vụ, ngồi như vậy cho vui vẻ, đầm ấm. Bác bảo: "Khi đã ngồi vào bàn ăn thì chúng ta là một gia đình, không phân biệt lãnh đạo với phục vụ". Bữa cơm chiêu đãi có thịt gà tự nuôi, có canh bí ngọt và những đĩa rau rừng xanh mát mắt. Anh em nhà bếp còn kiếm đâu được chai rượu ngô thơm ngào ngạt, thật đúng là "tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Lúc bắt đầu vào tiệc, Bác nói với mọi người: "Bác cháu ta nâng cốc chúc hội nghị thành công tốt đẹp, không mấy khi được bữa cải thiện, phải chiến đấu cho hết mình nhé!". Vào bữa được một lúc, Bác đứng lên, đến từng mâm, khi quay lại mâm của Bác có bác Tôn, anh Cả và ba anh em phục vụ chúng tôi. Bác nhìn thấy thức ăn trên mâm chúng tôi còn nhiều mà mọi người cứ trầm ngâm, liền nhắc: "Các chú nhìn mấy mâm kia họ chiến đấu mạnh thế mới được chứ, mấy chú này kém quá!". Mọi người vui vẻ cười ồ, không khí chan hòa, ấm áp vô cùng...
Ví như chiếc đồng hồ
Hơn 300 cán bộ cao trung cấp của một số tỉnh và các cơ quan Trung ương trong ATK đến dự lớp chỉnh huấn tại một khu rừng thuộc huyện Định Hóa - Thái Nguyên. Để bảo đảm an toàn nên địa điểm tương đối sâu trong rừng, muốn đến đây phải vượt qua chín con suối, hơn chục cái đèo. Năm ấy, tôi được phân công làm tổ trưởng. Tổ học tập gồm 14 đồng chí, đến giờ tôi vẫn nhớ tên một số đồng chí như: Nguyễn Chấn, Phạm Ngân, Lê Huy Bảo, Phan Mỹ… toàn là những đồng chí có trình độ văn hóa và cấp bậc cao hơn tôi. Đồng chí Lê Văn Lương-Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp phụ trách và chỉ đạo lớp học. Các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… và nhiều đồng chí cán bộ cấp cao trực tiếp giảng dạy.
Lớp học kéo dài hơn 1 tháng. Buổi tối hôm trước khi kết thúc, đồng chí Lê Văn Lương thông báo: "Tối nay, Bác Hồ đến thăm anh em, các đồng chí ổn định chỗ ngồi đi". Vừa dứt lời thì Bác xuất hiện ngay cửa hội trường. Bác đi vào vẫy tay, mọi người ồ lên phấn khởi, nhưng chợt như ai cũng cảm động và lo lắng vì thấy Bác gầy gò quá trong bộ ka ki bạc màu rộng thùng thình. Hội trường lặng đi vài giây rồi lại òa lên vui sướng. Người đứng đó, đôi mắt sáng rực, thân mật nói: "Các cô, các chú có khỏe không? Học tập thu hoạch có tốt không? Bác đã nghe chú Lương báo cáo, thấy các cô, các chú học tập tốt, thu hoạch tốt, Bác rất vui...”. Ngừng lại một chút rồi Bác hỏi: "Bây giờ các cô, các chú muốn nghe Bác nói chuyện gì nào? Thì giờ có hạn, Bác nói một câu chuyện vui thôi nhá". Rồi Bác móc trong túi áo ra một cái đồng hồ quả quýt, Người giơ lên và hỏi:
- Các cô, các chú có biết, đây là cái gì không?
Mọi người cười rộn ràng rồi vỗ tay, một đồng chí đứng dậy thưa:
- Thưa Bác, đấy là cái đồng hồ quả quýt ạ.
- Thì chiếc đồng hồ quả quýt ai cũng nhìn thấy, nhưng bên trong nó là cái gì nào?
Mọi người lúng túng chưa hiểu ý của Bác thì Bác lại nói luôn: "Chiếc đồng hồ là một guồng máy, trong đó có dây cót, có bánh xe to, bánh xe nhỏ, kim chỉ giờ, kim chỉ phút, có mặt ghi chữ số v.v.. Bộ phận nào cũng quan trọng, các cô, các chú ạ, mỗi bộ phận đều có vị trí riêng, lắp ghép lại nó mới chạy và thành cái đồng hồ. Nó như một guồng máy của một tổ chức, một xã hội, giả dụ thiếu một bộ phận thì đồng hồ có thành đồng hồ không?". Mọi người vui vẻ vỗ tay. Bác khoát tay và nói tiếp: "Thế là mọi người hiểu ý Bác rồi nhé!". Tất cả lại ào lên hô: "Hồ Chủ tịch muôn năm". Bác lại nói tiếp: "Bộ máy của Đảng và Chính phủ, cả xã hội nữa, là một guồng máy lớn, thì mới thành xã hội. Bác nghe nói các cô, các chú kiểm điểm tự phê bình là bản thân có nhiều khuyết điểm, mà khuyết điểm nhiều là có tư tưởng cá nhân địa vị, ai cũng muốn lãnh đạo cả, thế thì lấy ai là người bị lãnh đạo. Xã hội là sự phân công rất tinh vi, càng về sau, xã hội sẽ càng phát triển hiện đại và tinh vi hơn. Vì vậy sự phân công trong xã hội cũng phải rất khoa học. Có nhiều người làm lãnh đạo nhưng cũng có rất nhiều người khác bị lãnh đạo. Vậy trước hết xã hội phải có sự phân công tùy vào khả năng của mỗi người, phải đoàn kết hợp tác với nhau mà làm. Trung ương, Chủ tịch nước mà không có tỉnh, có huyện thì Trung ương cũng chịu. Thôi, Bác nói đã nhiều, các cô, các chú có ý kiến gì không?".
Mọi người lại đồng thanh: "Thưa Bác không ạ". Đồng chí Lê Văn Lương đến cạnh Bác, nói: "Thưa Bác, anh em học viên hôm nay vô cùng cảm động và phấn khởi được Bác đến thăm. Anh chị em xin hứa sẽ phấn đấu thực hiện tốt những lời Bác dạy". Cả lớp lại đồng thanh: "Chúc Bác Hồ mạnh khỏe sống lâu" vang dậy cả khu rừng…
HOÀNG PHÁT HIỀN (Lão thành cách mạng)
Nhà văn VŨ MINH NGUYỆT ghi