Vườn nhà bà ngoại tôi rộng rãi, chừng hai sào Bắc Bộ, đủ chỗ để trồng nhiều cây ăn trái lâu năm như bưởi, na... và nhiều nhất là nhãn và mít. Hoa quả vườn bà mùa nào thức nấy, nhưng tôi nhớ nhiều nhất là mít. Trong vườn có một cây mít mật đứng ngay ở giữa vườn, dáng to cao, thân thẳng đứng và lực lưỡng. Mít mật ra trái nhiều ở cành cao, khi chín dễ bị tụt lõi rơi bụp xuống đất, vỡ bung. Lúc đó mấy anh chị em chỉ việc bưng vào đánh chén, có khi ào ra ăn ngay tại trận. Mít mật chín cây ít nhựa, ít xơ, múi mềm, có thể nuốt chửng, hợp với người già móm mém. Nhấc từng múi ra cần nhẹ tay, bởi nếu nát thì múi mít sẽ nhanh lên men, để lâu có vị cay cay.
Được ăn mít mật chín cây ngay tại vườn, trên nền đất ẩm, cảm giác thích thú vô cùng, vị ngon vì thế cũng tăng gấp bội. Nhưng thú thực mít mật ăn không ngon bằng mít dai. Nếu chín cây, mít dai cũng không bị tụt lõi như mít mật. Thường khi vỏ quả ngả màu sẫm, gai mít giãn ra dẹt lại, ấy là lúc có thể cắt mang vào. Vỗ vào thân quả, tiếng kêu phát ra bồm bộp. Bà bảo mít đã già.
Quả mít sau khi cắt cuống thường để ở sân chờ ráo nhựa. Sau đó bà sẽ kiếm một cành xoan nhỏ, chặt đoạn chừng mươi phân, vót nhọn một đầu rồi đóng sâu vào phần cuống mít, lấy bao tải cũ quấn quanh quả mít và cất trong buồng tối. Khi mít bắt đầu tỏa hương, bà ẵm chúng ra, từng quả, nhẹ nhàng. Mít vừa chín, ấn nhẹ vào vỏ thấy hơi lún tay. Nếu mỗi lần thu được vài quả thì bà sẽ bớt lại một quả dành cho lũ cháu, còn lại thì đem ra chợ bán để phụ thêm đồng rau dưa.
Lũ trẻ chúng tôi đang tuổi ăn tuổi lớn, được bà cho bổ mít là sung sướng lắm, gọi nhau tụ tập đầy đủ, rồi phân công kẻ đi chặt lá chuối, kẻ đi kiếm lá mướp. Tàu lá chuối được trải ra hiên nhà, quả mít đặt ở giữa. Anh lớn nhất làm nhiệm vụ bổ mít, cắt đôi theo chiều ngang, lấy lá mướp chùi dòng nhựa đang tứa ra, rồi lại bổ tiếp từng miếng nhỏ. Lá mướp thô ráp, dường như sinh ra để lau nhựa mít vậy. Khi mít đã được bổ thành từng miếng, lại dùng dao lách bỏ phần cuống, lại lau nhựa cho thực khô ráo, rồi hai tay cầm hai đầu miếng mít bẻ cong lên, cho từng múi mít tách rời nhau, lúc ấy mới đặt xuống và hí húi bóc từng múi, không bỏ sót cả những chiếc xơ cái vàng ngọt. Với những chiếc xơ cái này, có thể đưa vào miệng ngay cho đỡ cơn thèm mà không hề áy náy rằng đã ăn trước mọi người.
Bóc hết phần múi, bỏ phần xơ dành để nấu cám cho lợn, lọc lấy phần cùi giòn giòn, ngọt ngọt nhấm nháp vì tiếc rẻ... Xong xuôi, hai bàn tay dính đầy nhựa, lại hì hụi vào trong nhà thọc tay vào vại gạo, hoặc tìm dầu hỏa... rồi í ới gọi nhau ra ao vừa vứt vỏ, vừa rửa tay. Có lẽ, rửa tay là khâu hậu kì cần phải làm lâu nhất, vì nhựa mít nhính nháp rất khó chịu.
Múi mít ăn hết rồi thì để lại hạt, chiều nấu cơm bỏ vào hấp cùng; hoặc luộc riêng, rang riêng, buổi tối có thức quà bùi bùi, ngậy ngậy nhấm nháp dưới ánh trăng sáng dịu, chả thích thú lắm sao!
Bà ơi quả mít nhà ta đã thối rồi
Thịt đi không mai ngày kia nó thối hết...
Câu hát này nhiều năm rồi tôi vẫn nhớ, nhớ lời, nhớ giai điệu ngân nga rất buồn cười mà không rõ anh chị nào của tôi đã sáng chế đầu tiên. Đó là câu hát đòi ăn, là tín hiệu “bà ơi bà đừng bán, chúng cháu thèm...”. Nghe câu hát ấy, bà chỉ cười, hoặc mắng yêu: Cái lũ tham ăn mất nết, bổ thì bổ đi!
Trong những cây mít dai vườn bà, có một cây mít ra quả rất ngon. Bà gọi đó là cây mít dai đường. Quả của cây này thường to hơn các cây khác, có khi to bằng cái thùng gánh nước. Gai mít cũng nở nang, đều đặn. Bổ quả mít ra, từng múi từng múi bên trong vàng tươi, xơ mít cũng vàng tươi. Ghé miệng vào đáy múi mít, một dòng mật ngọt sánh dịu dàng chảy vào cổ họng. Nhận hết dòng mật ngọt ấy rồi mới cắn từng miếng nhỏ, nghe răng mình ngập trong múi mít, nhai chầm chậm để cảm nhận vị giòn, thơm, ngọt, mềm. Dường như ở đó có sự hội tụ tinh túy của trời và đất, của nắng gió bão mưa bốn mùa thay đổi, chuyển hóa, thẩm thấu vào tận cùng nguồn mạch. Ăn múi mít, thấy lòng rưng rưng, biết ơn người trồng cây, biết ơn đất đai làng mạc, biết ơn cây cối luôn rộng lòng hào hiệp...
Một ngày nào đó, đi dọc con đường đông đúc khói bụi, mùi mít thơm buộc tôi phải dừng xe tấp lại bên đường. Mít vun trồng chăm bón thời công nghiệp vẫn thơm và ngon ngọt, nhưng thiếu cái mềm mại chân thành của quê kiểng, của hương đồng gió nội. Có đi khắp thành phố này, cũng không tìm đâu ra trái mít thơm vàng nắng của bà ngoại năm xưa...
Và Trung thu này lại nhớ...
Tản văn của VŨ ANH THƯ