Tròn một phần tư thế kỷ từ ngày ông qua đời, nhân cách và sự nghiệp của ông được đánh giá đầy đủ hơn và được tôn vinh xứng đáng. Tháng 11-2016, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm sinh Hồ Dzếnh với những diễn văn và tham luận đánh giá hết sức trọng thị về ông.
“Một nhà văn đặc biệt”
Đó là ý kiến của nhiều học giả và nhà nghiên cứu văn học phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm trên đây. Trước hết bởi ông là một nhà văn đa tài, thành công cả trong thơ lẫn văn xuôi và nhiều thể loại văn học khác. Tác phẩm của ông xuất bản từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến thời kỳ Đổi mới. Đó là các tập: "Quê ngoại" (thơ-1942), "Hoa xuân đất Việt" (thơ-1946), "Chân trời cũ" (truyện ngắn-1943), "Dĩ vãng" (truyện vừa-1940), "Cô gái Bình Xuyên" (truyện vừa-1946), "Những vành khăn trắng" (truyện dài-1942), "Tiếng kêu trong máu" (truyện dài-1942), "Một chuyện tình 15 năm về trước" (truyện dài-1943), "Người cứu thương Trung Hoa" (kịch-1946), "Đi hay ở" (kịch-1955)… Ngoài ra, ông còn có tiểu thuyết "Cuốn sách không tên" xuất bản sau khi mất. Đặc biệt, Hồ Dzếnh là thi sĩ có những vần thơ duyên dáng, ngọt ngào được các nhạc sĩ danh tiếng phổ thành những ca khúc nổi tiếng, như bài thơ “Chiều” được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ thành ca khúc cùng tên được nhiều thế hệ công chúng yêu thích; hoặc như bài thơ “Ngập ngừng” được 3 nhạc sĩ danh tiếng cùng phổ nhạc: Trần Thiện Thanh phổ thành bài hát “Chuyện hẹn hò”, nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành bài hát “Anh cứ hẹn” và nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ thành bài hát cùng tên...
Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh, sinh năm 1916 tại Quảng Xương, Thanh Hóa. Hai chữ “Hà Anh” đọc theo âm Quảng Đông (Trung Quốc) là “Hồ Dzếnh”. Cha ông là một người Trung Quốc tha phương, trôi dạt đến Việt Nam vào những năm cuối cùng của thế kỷ 19. Hồ Dzếnh là kết quả của mối lương duyên ngẫu nhiên và chân tình giữa cô lái đò trên sông Ghép ở Thanh Hóa với con người phiêu bạt ấy. Thoạt đầu, gia đình ông sống trên một con đò dọc, hằng ngày đổi hàng hóa trên các bến sông làm kế sinh nhai. Về sau gia đình định cư ở làng Đông Bích, xã Hòa Trường (nay là xã Quảng Trường) huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở Thanh Hóa, sau ra Hà Nội học hết bậc trung học rồi đi dạy học và làm công cho các hiệu buôn ở Hà Nội để sống và viết. Năm 1946, ông tham gia cách mạng, hoạt động ở vùng Liên khu 4. Từ năm 1954, ông trở ra Hà Nội làm thợ cơ khí, gắn bó với công nhân để sáng tác văn học…
Tại Lễ kỷ niệm 100 năm sinh Hồ Dzếnh tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11-2016, các tham luận và phát biểu đều nhận định, Hồ Dzếnh là một cây bút rất đặc biệt. Đặc biệt không phải vì ông là nhà văn viết bằng tiếng Việt mang hai dòng máu Việt-Hoa, vì ông không chỉ là một tác giả thơ và truyện ngắn đặc sắc mà ông còn viết tiểu thuyết và kịch bản sân khấu. Tác phẩm của ông công bố từ năm 1936 và ông viết bền bỉ, liên tục cho đến những năm cuối đời. Đọc lại những tác phẩm của Hồ Dzếnh, người đọc hôm nay vẫn thấy toát lên vẻ tươi mới, đặc sắc khó quên. Theo nhà thơ-nhà phê bình Vũ Quần Phương, chỉ với tập thơ “Quê ngoại” (xuất bản năm 1942) và tập truyện ngắn “Chân trời cũ” (xuất bản lần đầu năm 1943), Hồ Dzếnh đã có một vị trí xứng đáng trong văn đàn Việt Nam trước cách mạng. Hồ Dzếnh viết không nhiều, nhưng ai có may mắn, ngẫu nhiên đâu đó, đọc một bài thơ hoặc một truyện ngắn của ông chắc chắn sẽ giữ mãi ấn tượng về ông. Văn và thơ ông có cái ma lực ngân nga rất lâu trong tâm trí người đọc. Cái ma lực ấy là do chất tâm hồn ông tạo nên. Ở cả thơ lẫn truyện, người ta dễ dàng nhận ra một tâm hồn giàu cảm xúc, tràn ngập yêu thương, trắc ẩn gắn bó chặt chẽ với những phận người hẩm hiu nghèo khổ trong xã hội cũ.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ cho biết: Cách đây gần mười lăm năm, Viện Văn học Việt Nam thực hiện bộ sưu tập "Tuyển tập truyện ngắn lãng mạn 1930-1945". Ban biên tập đã lựa chọn 29 tác giả để đưa vào tuyển tập, trong số đó có 12 nhà thơ đã được giới thiệu trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh-Hoài Chân. Riêng với tác giả Hồ Dzếnh, Ban biên tập đã chọn 8 truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài của ông, đó là: "Con ngựa trắng của ba tôi"; "Ngày gặp gỡ"; "Trong bóng rừng"; "Người chị dâu tôi"; "Chị Yên"; "Hai anh em"; "Sáng trăng suông"; "Em Dìn". Ngày nay, những người am hiểu khu vực văn học này và những ai yêu mến nền truyện ngắn dân tộc thời hiện đại đều thấy có thể đặt nhà văn này bên cạnh Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao… Truyện ngắn của Hồ Dzếnh thuộc dòng truyện ngắn trữ tình, thường hướng tới vẻ đẹp của thuần phong mỹ tục, cái đẹp của cội nguồn đã trở thành hồn cốt dân tộc. Với Hồ Dzếnh, vẻ đẹp cuộc sống hiện hình ở những con người cụ thể-những con người thân thiết gắn bó quanh ông mà trước hết, hơn hết là những người mẹ, người chị. Viết về họ, Hồ Dzếnh luôn trân trọng, đề cao vẻ đẹp tinh thần, ý chí cứng cỏi, nghị lực dẻo dai, sức chịu đựng bền bỉ hiếm thấy ở họ. Hoặc nói như nhà thơ Vũ Quần Phương-người từng được Hồ Dzếnh tin cậy nhờ viết lời tựa cho "Tuyển tập Hồ Dzếnh" (xuất bản năm 1988)-thì truyện ngắn Hồ Dzếnh như những tiếng chuông buồn, tiếng này ngân lên chưa dứt, tiếng khác đã bồi theo. Cả không gian tâm hồn ông tràn ngập tiếng ngân nga của hoài niệm, xót xa cho những cuộc đời đã đi qua tuổi thơ ông. Ông đặc biệt nhạy cảm với những buồn đau của người đàn bà nông thôn Việt Nam, như những số phận trong tập truyện “Chân trời cũ”.
Nhà văn-nhà thơ Hồ Dzếnh (1916-1991), Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật năm 2007. Ảnh: Hữu Đố
Hồ Dzếnh thuộc thế hệ của Phong trào Thơ mới, nên thơ ông không thoát khỏi những tâm trạng và giọng điệu của “thời đại thơ” (chữ của Hoài Thanh) mà các ông đang sống. Bởi thế, đôi khi ta thấy ông có những điệu thức như Xuân Diệu, Huy Cận hay Nguyễn Bính... Nhưng nhìn chung, thơ Hồ Dzếnh có một giọng điệu riêng rất dễ nhận ra, đó là những cảm thức “rất khó nắm bắt” trong thơ ông. Đọc thơ Hồ Dzếnh, đôi khi người ta chưa nắm được ý nghĩa của toàn câu, nhưng giai điệu của các từ ngữ chắt lọc cổ kính, đầy hình tượng, dễ lôi cuốn người đọc vào ma trận của ngữ điệu, thanh âm. Đặc biệt, “Chiều” là bài thơ thuộc hàng độc đáo không giống bất kỳ ai và chính ông cũng không hề lặp lại thêm một lần nào nữa. Có nhà phê bình đã xếp những bài thơ kiểu như “Chiều” của Hồ Dzếnh và “Tây Tiến” của Quang Dũng là những bài thơ đã “tuyệt chủng”, trước và sau nó không ai bắt chước được, kể cả tác giả của nó. Bài “Chiều” gồm 13 câu thơ năm chữ; nối mọi chi tiết của ngoại cảnh với nội tâm. Bài thơ là một khoảnh khắc của thời gian gợi một khoảnh khắc của tâm trạng. Không có gì rõ ràng cụ thể nhưng hết sức ám ảnh. Nỗi nhớ, nỗi buồn, cảnh chiều, con người… có mà như không, mờ nhòa, hòa quyện:
Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây...
Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?
Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây...
Chỉ cần dẫn một bài thơ “Chiều” trên đây, đủ thấy được nét độc đáo, ấn tượng của ông trong nền thơ hiện đại Việt Nam.
Nặng lòng với nhân dân, đất nước
Gắn bó trọn vẹn cuộc đời với đất mẹ, Hồ Dzếnh đã phơi trải một cách thầm kín trong lòng mình nỗi niềm nhớ thương về quê nội nơi phía Bắc dù có mơ hồ nhưng vẫn mênh mang không dứt: Mây ơi, có tạt về phương Bắc/ Chầm chậm cho ta gửi mấy lời/ Từ thuở ly hương, ta vẫn nhớ/ Nhưng tình xa lắm gió mây ơi! ("Tư hương"). Tuy nhiên, tình cảm với cố quốc trong Hồ Dzếnh chỉ đến chừng mức đó, bởi trên thực tế ông nào có chút liên hệ gì với nơi ấy ngoài một nửa dòng máu mang trong mình. Trong khi đó, ông sinh ra trên đất mẹ Việt Nam, mồ côi cha từ bé, lớn lên bằng dòng sữa của bà mẹ Việt Nam lam lũ, đói nghèo… Bởi vậy, tâm hồn Hồ Dzếnh có mối cảm sầu rất sớm, dễ tủi thân, mau nước mắt xót thương cho người khác và cả cho mình. Bằng một sự nhạy cảm hiếm thấy, Hồ Dzếnh đã hiểu biết về nỗi khổ đau và chua xót của người thân. Cậu bé Hồ Dzếnh đã có những suy nghĩ già dặn: “Tôi hiểu biết người đàn bà ấy lắm, người đàn bà buồn khổ sàng từng hạt tấm xuống nong, trong khi trời chiều sàng những giọt hoàng hôn xuống tóc” (truyện “Người chị dâu tôi”). Người mẹ, người chị trong tác phẩm Hồ Dzếnh là những con người tiêu biểu cho những “người đàn bà Việt Nam chân chính” nhẫn nhịn với bổn phận, không một tiếng kêu than hay một lời phẫn uất. Điều này đã lý giải cho những lời ngợi ca đầy trân trọng và cảm phục của Hồ Dzếnh dành cho họ: “Người mẹ Việt Nam”; “người đàn bà chân chính”; “người thiếu nữ Việt Nam gương mẫu” v.v..
Lòng yêu đất nước Việt Nam của Hồ Dzếnh gắn bó khăng khít với lòng yêu mẹ, yêu những người thân yêu. Ông yêu Tổ quốc từ tình yêu những người lao khổ, thiệt thòi. Tình yêu chân thực xót đau ấy đã tạo nên cái âm hưởng ngân nga của văn ông mà ai đọc qua một lần đều nhận thấy. "Hỡi nước Việt Nam, tôi nghiêng lòng xuống Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng nói của Người, vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo. Trên dải đất súc tích những tinh hoa của văn chương, những công trạng lịch sử, tôi còn ghi cả những bóng dáng người xưa tôi thương yêu, và trong số những người này, chị Yên tôi là một” (truyện “Chị Yên”).
Tình yêu quê hương đất nước đi liền với trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, cũng như bao văn nghệ sĩ yêu nước khác, Hồ Dzếnh ý thức rõ nhiệm vụ của kẻ làm trai khi nước nhà nguy biến. Ông hăng hái tham gia cách mạng, trước hết bằng ngòi bút của mình: Ta trả lại cho đàn cung nhớ tiếc/ Cho mùa thu những xác lá vàng rơi… ("Tiếng sơn hà"). Ông kêu gọi thế hệ thanh niên đứng lên phá tan xích xiềng nô lệ: Niên thiếu hỡi, hỡi hồn trai đất Việt/ Đứng lên đi, vì Tổ quốc vinh quang... ("Hoa xuân đất Việt"). Dẫu còn mang hơi hướng “tráng sĩ” của thế hệ trí thức buổi đầu đi theo cách mạng, nhưng tình cảm và nhiệt huyết của ông không thể không ghi nhận:
Ngựa không thèm nhớ đồng xanh cũ,
Ta há mơ gì chút gió quê?
Cờ tuôn ra bao máu đỏ
Ghi câu non biển: Chết không về!
("Máu cờ")
Và Hồ Dzếnh lạc quan, nhìn về chân trời mới của quê hương, với muôn lòng người trai sôi sục, quyết tâm xây dựng lại cuộc đời: Ta nghiêng kính trước xuân hồng đất nước/ Lửa yêu đời thiêu chảy chuyện ngàn xưa ("Tiếng sơn hà"). Nhà thơ mong Tổ quốc sớm vinh quang: Bừng sáng mau lên xuân/ Cho vinh quang quét sạch hết phong trần/ Cho non nước sáng tươi này trẻ mãi… ("Trang sách xưa"). Trong giai đoạn đất nước chuyển mình, những vần thơ Hồ Dzếnh long lanh, bùng lên vẻ đẹp đáng yêu, thể hiện một tâm hồn thiết tha sống, rực lửa đấu tranh vì đại nghĩa trong chiếc nôi quê ngoại.
Rõ ràng Hồ Dzếnh là một khuôn mặt văn học đặc biệt, một cây bút đa tài viết hay ở nhiều thể loại. Đặc biệt, dù cuộc đời có lận đận nhưng ông vẫn gắn bó với văn chương nước nhà và không xa rời cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định: Sự nghiệp văn học và nhân cách văn hóa của Hồ Dzếnh sẽ còn sống mãi trong lòng các thế hệ độc giả cũng như trong sự nghiệp văn học nước nhà. Ông là một tấm gương nhân văn vượt lên số phận, vượt lên hoàn cảnh để chiếm lĩnh những đỉnh cao về văn hóa. Ông sáng tác trong buổi giao thời, hội nhập lần thứ nhất của văn hóa Đông-Tây và đã bắt nhịp rất kịp thời. Văn thơ ông vừa hiện thực phê phán, vừa có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp cách mạng nước nhà. Tác phẩm của ông đến hôm nay vẫn nguyên những giá trị nhân văn, dự báo và đặc biệt thấm đẫm nhân tình thế thái.
TUYÊN HÓA