QĐND - Có thể nói như vậy về đời sống văn hóa -nghệ thuật nước nhà năm 2011 vừa qua; năm mở đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI; năm bản lề toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Trước hết phải kể đến những hoạt động tôn vinh mang tầm quốc tế. Ngày 27-6-2011, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết công nhận Thành nhà Hồ của Việt Nam là Di sản văn hóa của nhân loại. Gần 5 tháng sau, ngày 24-11-2011 nghệ thuật hát Xoan của miền Phú Thọ tiếp tục được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Những sự kiện trên đây thêm một lần nữa khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống và tầm vóc của dân tộc Việt Nam trong nền văn minh nhân loại.
 |
Điện ảnh Quân đội nhân dân đoạt Bông sen vàng phim tài liệu nhựa và nhiều giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17. Ảnh: Thúy Mai
|
Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam được xây dựng vào cuối thế kỷ XIV. Nét đặc biệt của tòa thành này là toàn bộ tường thành và 4 cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, nặng khoảng 25 tấn, xếp chồng khít lên nhau không cần chất kết dính vẫn bảo đảm độ bền vững. Qua hơn 600 năm cùng những biến cố thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, hệ thống tường thành còn khá nguyên vẹn. Tiếc là hầu hết các công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng. Hy vọng là từ nay, với “chức danh” mới của mình, Thành nhà Hồ sẽ tiếp tục được bảo vệ, khảo sát, trùng tu và phục dựng... để phát huy hơn nữa những giá trị của di sản.
Có một điều khá thú vị là tuy hai di sản trên thuộc hai hình thái khác nhau (vật thể và phi vật thể), nhưng đều thuộc về những kinh đô cổ của nước ta. Trong đó, hát Xoan thuộc về vùng kinh đô cổ nhất của dân tộc Việt. Theo truyền thuyết dân gian ở vùng đất Tổ Phú Thọ, nghệ thuật hát Xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước. Các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm ở trung tâm nước Văn Lang xưa, vì vậy hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ. Đây cũng là loại hình âm nhạc có tính chuyên nghiệp, phản ánh trình độ sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của người Việt từ mấy ngàn năm trước...
Mặc dù chỉ mới là kết quả ban đầu, nhưng sự kiện Vịnh Hạ Long đăng quang trong cuộc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, thực sự là một tin vui và là niềm tự hào lớn. Đây là cuộc bình chọn do tổ chức NewOpenWorld phát động trên toàn cầu trong gần 4 năm qua. Việc Vịnh Hạ Long lọt vào tốp 7 có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển du lịch nước nhà cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Xin được nhắc lại ý kiến của ông Phạm Minh Chính -ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh -trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại Quảng Ninh ngay sau khi kết quả trên được công bố vào tối 11-11-2011: “...Tôi chân thành cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế đã tích cực bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới... Để Vịnh Hạ Long xứng đáng với danh hiệu mới, tỉnh Quảng Ninh sẽ đề ra các biện pháp thiết thực để quản lý, bảo tồn và phát huy tốt nhất các giá trị của danh thắng đặc biệt này”.
Bên cạnh những sự kiện mang tầm cỡ quốc tế trên đây, năm 2011 vừa qua cũng diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi tầm cấp quốc gia nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc. Trước tiên phải kể đến cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ hai vừa kết thúc tốt đẹp hồi trung tuần tháng 12-2011, với sự đăng quang của người đẹp Triệu Thị Hà, thiếu nữ dân tộc Nùng ở Cao Bằng. Đây là cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp hình thể, tâm hồn, trí tuệ và tài năng của các thiếu nữ Việt Nam, đồng thời giới thiệu nền văn hóa dân tộc đầy bản sắc của 54 dân tộc trên cả nước. Bởi vậy, những tiêu chí của cuộc thi không chỉ coi trọng sắc đẹp mà còn phải biết múa hát, cắm hoa, nấu ăn, thêu đan, dệt vải, cưỡi ngựa, leo núi v.v... Nghĩa là những người phụ nữ Việt Nam rất truyền thống trong thời... hiện đại!
Cùng có “họ hàng” với cuộc thi sắc đẹp trên đây là cuộc Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam lần thứ nhất, tổ chức cuối tháng 11-2011 tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội). Hơn 230 thí sinh của 54 dân tộc đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng tham gia chương trình tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nói chung và vẻ đẹp đặc trưng trong trang phục của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phát biểu khai mạc chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử khẳng định: “Việc trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần này là sự kiện được đồng bào cả nước vui mừng đón nhận. Đây cũng là dịp để tổng kiểm kê việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc trang phục của từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam chúng ta”.
Những ngày cuối năm, tại đất chèo Thái Bình đã diễn ra Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc đề tài hiện đại. Đây là hoạt động tiếp theo những nỗ lực của ngành sân khấu chèo trong nhiều năm qua, nhằm tìm lời giải cho bài toán bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống trong thời đại ngày nay. Cùng thời gian này, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 được tổ chức tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, với khẩu hiệu “Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập”. Có lẽ trong thời đại hội nhập, vấn đề đổi mới cả điện ảnh (là bộ môn nghệ thuật hiện đại) lẫn sân khấu chèo (là bộ môn nghệ thuật truyền thống) đều nan giải như nhau và điều đó được thể hiện qua sự lúng túng của các Ban giám khảo khi minh định các tiêu chuẩn về cách tân và truyền thống, “ăn khách” và định hướng, nghệ thuật và thị trường... Việc xếp giải vì thế dẫn đến những “tiếng bấc tiếng chì”. Thôi thì cuộc liên hoan nào chẳng có đôi điều lấn cấn. Dù sao đây cũng là những cuộc hội ngộ hiếm hoi đồng nghiệp khắp mọi miền. Vui là chính, thắng lợi là cơ bản!
Và như thế, hai cuộc liên hoan trên đây cũng đã góp thêm những nét sinh động trong bức tranh tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc trong năm Tân Mão 2011. Nếu còn những điều nào đó chưa vui thì có lẽ cũng cần “tiên trách kỷ...”. Vâng, đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà năm qua vẫn tiếp tục bộc lộ những bất cập trong cơ chế chính sách, những kẽ hở trong luật pháp và cả những hạn chế trong năng lực quản lý ở các cấp, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, thậm chí để lại “di chứng” lâu dài. Vụ việc thất thoát hàng chục tỷ đồng ở Cục Điện ảnh, suýt nữa làm hỏng cả một kỳ liên hoan phim quốc gia. Mặc dù đã được phát hiện nhưng quá chậm và qua đó lộ rõ những yếu kém trong cơ chế quản lý tài chính ở một bộ môn nghệ thuật “tốn kém” bậc nhất. Tình trạng “sách đen”, sách nhái... tràn ngập thị trường cùng vấn nạn ăn mặc phản cảm của ca sĩ trên sân khấu cho thấy sự lúng túng, bất lực của các ngành chức năng, trước hết là nhà quản lý văn hóa. Vụ lùm xùm chương trình biểu diễn của ca sĩ Chế Linh là một ví dụ cụ thể cho sự lúng túng, bất cập, lỏng lẻo... trong công tác quản lý. Kể cả việc lỗi hẹn thời hạn công bố và trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú... cũng có nguyên nhân từ chính những quy chế cứng nhắc, lỗi thời cùng những hạn chế về năng lực quản lý của bộ máy chuyên trách. Rất mong những bất cập, hạn chế trên sớm được khắc phục để bức tranh văn hóa đất nước ngày càng tươi sáng trên con đường hội nhập và phát triển!
MAI NAM