Trong cái cảnh chen chúc hoảng loạn của dòng người di tản cuối tháng tư năm ấy, nó-một thằng Mỹ đen con-bị bỏ rơi. Nó ngồi chò hỏ bên một đống rác nơi góc chợ chiều. Chẳng ai thèm quan tâm đến nó, mà nó cũng chỉ biết ngồi nhìn quanh quẩn mọi người qua lại bằng đôi mắt trắng dã, chứ nó cũng không biết tìm ai, hay kêu ai. Ấy vậy, nhưng nó còn may mắn, vì đất nước Việt Nam nghèo khổ nhưng lòng đất Việt bao la… Dì Hai, một người phụ nữ góa bụa đã ngoài tuổi ba mươi, nghe nói chú Hai chồng dì chết từ trận Mậu Thân và không để lại cho dì mụn con nào. Dì Hai thấy nó tội nghiệp, không cha không mẹ, đói khát nên đem nó về nuôi và đặt cho nó cái tên là thằng Tuấn.
Mấy năm sau, xóm Đồng Ông Cộ thực hiện chủ trương di dân lên vùng kinh tế mới, tức là lên xã Tha La 1 ngày xưa. Thêm vài năm sau đó, Tha La 1 đổi tên là xã Tân Thạnh và giờ là một phần của thị trấn Tân Châu ngày nay. Gia đình tôi cùng với bao gia đình khác trong xóm đều đi, dì Hai và thằng Tuấn cũng đi lên vùng đất mới lập nghiệp. Khu kinh tế mới này xưa kia lấy con đường từ ngã tư Đồng Pal vào thẳng đến suối Tha La làm trục chính, chia đều thành 23 lô hình xương cá, mỗi lô cách nhau trăm mét. Nơi đây được thanh niên xung phong lên khai phá trước, làm nhà, đào giếng sẵn, ai lên muốn xí chỗ ở nào thì tùy ý. Hồi ấy, không có chuyện tranh giành đất mặt tiền mặt hậu gì. Vì đất mặt tiền hay mặt hậu thì cũng chẳng có giá trị gì với cái thời đói khổ ấy. Mặt tiền gần đường đất đỏ chỉ thêm hưởng bụi chứ tốt gì. Chính vì vậy mà dân lên trước, những gia đình thân quen thường rủ nhau sống từng cụm ở tận cuối lô cho vui. Nhà dì Hai ở cuối bìa rừng lô 9, còn nội ngoại và gia đình tôi thì cuối lô 12.
Thời ấy con nít không co cụm trong hàng rào nhà như bây giờ, mà từ lô này sang lô khác chơi, kết bạn là chuyện rất bình thường. Có nhiều đứa từ lô một, lô hai vẫn tìm bạn chơi những lô 20. Con nít thời ấy chơi rất vô tư. Nhưng người lớn thì không vô tư như con nít. Mấy gia đình lên sau vốn không phải là người cùng xóm, nên họ ít kết thân và hay dòm ngó, bàn tán chuyện người khác. Họ thấy nhà dì Hai neo đơn, trên bàn thờ có thờ di ảnh chú Hai, đứa con duy nhất thì lại là Mỹ đen, nên họ đồn rùm beng lên là dì Hai lấy Mỹ và cho dì là người đàn bà xấu nết. Họ hầu như cô lập dì Hai ra khỏi cái lô của họ. Họ còn xúi con cháu họ không được chơi với thằng Tuấn Mỹ đen. Đúng là miệng lưỡi người đời đôi khi hơn cả kim đâm dao cắt. Vậy mà dì Hai chẳng bao giờ phân bua hay giải thích điều gì với ai. Dì Hai cứ âm thầm đi làm thuê cuốc mướn, trồng đậu trồng mè nuôi thằng Tuấn.
Vài năm sau, xã có trường học cho con em trong xã được học hành, biết cái chữ cái nghĩa. Nhà nhà đều đưa con đến trường đăng ký học. Dì Hai cũng muốn cho thằng Tuấn đi học, nhưng phải tội là nó không có giấy khai sanh nên không được nhập học. Thầy giáo An là người tử tế, thầy nói với dì Hai:
- Thời buổi này học chủ yếu biết đọc biết viết cho khỏi dốt, chứ làm quan tướng gì mà bày đặt. Chị yên tâm, tui cho thằng Tuấn ngồi học dự thính, tui dạy nó như bao nhiêu đứa khác.
Dì Hai mừng đến chảy cả nước mắt. Thế là cái lớp học của chúng tôi đủ các thành phần, lớn có, nhỏ có, Việt có, Mỹ có… Học và chơi vui không kể xiết. Bàn ghế là thứ ván bìa cưa ra, bào cho láng, trường mái tranh vách đất, nhưng nơi đó là mái trường nhiều kỷ niệm và hạnh phúc nhất của thời thơ ấu chúng tôi. Chúng tôi lớn lên từ những ngày tháng gian khó đó. Chúng tôi trưởng thành từ sự tận tâm của người thầy, từ sự nuôi nấng của cha mẹ và cả sự hồn nhiên của tất cả bạn bè.
Thằng Tuấn lớn nhanh đến kỳ lạ. Càng cao lớn, da nó càng đen bóng, tóc nó càng xoắn tít, hai hàm răng và hai tròng mắt nó trắng nổi bật giữa một cái nền toàn đen. Nhìn nó khác lạ, nhưng mà nó chơi cái trò gì cũng hay, làm gì cũng mạnh mẽ gấp hai ba lần chúng tôi.
Tôi biết hàng xóm không ưa nhà nó, nên có lần tôi đánh bạo hỏi nó:
- Ê Tuấn, họ không ưa mày mà sao tao thấy cái gì mày cũng hay chạy qua giúp họ vậy?
Nó nói:
- Má tao nói, tao là con của má, má đẻ tao ra. Họ muốn nói gì thì tùy họ. Còn con nít thấy người lớn, người già nặng việc phải giúp, đó là má tao dạy. Tiếc gì chút sức mày ơi!
Thằng Tuấn nó sống đơn giản và tốt bụng như vậy đó. Có lần đám con nít chúng tôi đang chơi bông vụ với nhau trước sân trường thì không biết xuất hiện đâu một nhóm chừng bảy tám thằng lơn lớn từ phía Đồng Pal chạy vào lấy hết đồ chơi và còn đòi đánh chúng tôi nữa. Thằng Tuấn đang leo lên cây tràm vàng bắt tổ chim thấy vậy, nó tuột xuống. Hai con mắt trắng của nó long lên sòng sọc:
- Ê, trả hết bông vụ cho tụi tao mày! Còn không thì tụi bây thích gì tao chiều hết!
Đám kia nhào vô xử thằng Tuấn liền, không nói không rằng. Nhưng thằng Tuấn nó khỏe và dũng cảm như một con trâu cổ, không đầy năm phút là đám kia nằm dài rồi lồm cồm bò dậy bỏ chạy mất dép… Đám lau nhau chúng tôi hoan hô thằng Tuấn hết lời. Từ trận đó về sau thằng Tuấn trong mắt bạn bè có số má lắm. Mấy anh lớn tuổi hơn trong xóm cũng nể nó. Nhưng bình thường thì dù học dù chơi gì nó cũng rất hiền và nhường nhịn bạn bè, không bao giờ tỏ vẻ ta đây.
Năm tháng qua đi cùng niềm vui dưới mái trường của chúng tôi là vậy!
Nhưng đùng một cái má thằng Tuấn đổ bệnh, nằm bại liệt không đi làm được nữa. Nó phải nghỉ học để bắt đầu bước vào cái nghề làm mướn làm thuê. Nó cực trên cả cái cực, vừa đi làm vừa chăm sóc tắm rửa, cơm nước, thuốc men cho má nó. Nó không còn đi rong chơi với bọn trẻ chúng tôi nữa. Nó có sức khỏe, nó đào đất có gò mối đem bán cho người ta làm gạch, đổ vườn... để lấy tiền công về nuôi má nó. Nó làm cật lực quanh năm suốt tháng, về đến nhà là nó quanh quẩn với má nó.
Dì Hai biết bệnh mình không qua khỏi. Một hôm dì thì thào với nó:
- Tuấn à, con là đứa con má nhặt được sau khi tàn cuộc chiến. Con không phải do má sinh ra, nhưng má thương con không khác gì khúc ruột. Con là đứa con có hiếu. Sau này nếu có dịp, con phải tìm người này...
Rồi dì Hai đưa cho nó một tấm thẻ bài trắng, có khắc tên họ và những con số gì gì đó bằng chữ Mỹ. Đó là tấm thẻ bài có sợi dây mà nó đeo duy nhất trên người khi dì Hai nhặt được nó năm xưa. Nhưng dì cất đi vì không muốn nó bị kỳ thị thêm ngoài màu da mái tóc vốn có của nó.
Nghe má nói vậy, nó khóc thổn thức:
- Má ơi, con vĩnh viễn là đứa con ruột của má. Nơi này là quê hương của con. Con sinh ra trên mảnh đất này, rồi cuối cùng con cũng sẽ về với nó, má cứ yên tâm dưỡng bệnh đi má!
Ít lâu sau dì Hai mất, nó sống thui thủi một mình. Rồi nó về Mỹ theo diện con lai. Trước khi đi, nó đến từng nhà hàng xóm từ giã, nó nói con đi rồi con sẽ về, con sẽ đem quà về cho mọi người. Nó đi kiếm từng đứa bạn học để chia tay. Tôi nắm chặt bàn tay lúc nào cũng lép nhép mồ hôi của nó, hỏi:
- Mày đi rồi mày có về lại đây không Tuấn?
- Mày yên tâm, tao sinh ra ở quê hương xứ sở này. Má tao nằm lại mảnh đất này. Tao đi là mong kiếm ít tiền cho đời bớt khổ chút thôi. Nhất định tao sẽ về. Tao không muốn mồ mả má tao thiếu bàn tay chăm sóc của tao. Má thương tao lắm. Mày có thương tao thì ngày thanh minh mày nhớ ghé qua dãy cỏ mả của má tao dùm tao nha...
Một thoáng biệt mù mới đó đã ngót hai mươi năm. Tôi nghe nói, qua bên đó, nhờ có tấm thẻ bài mà nó tìm được ba. Nhưng ba nó bị ám ảnh bởi chiến tranh Việt Nam mà sinh ra bệnh tâm thần, rồi cũng mất mà chẳng giúp được nó cái gì. Nó được đi học và đi làm…
Rồi nó trở về thật. Nó cao lớn hơn xưa rất nhiều. Nó đem quần áo và thuốc tây tặng từng nhà trong xóm. Bây giờ thằng Tuấn trong mắt mọi người là một thằng sống có tình có nghĩa. Nó sang nhà tôi chào ba má tôi và thăm tôi. Nó nhờ tôi dẫn nó đi mua vật liệu xây dựng, kiếm thợ xây lại ngôi mả dì Hai thật khang trang. Rồi nó kể tôi nghe bao chuyện vui buồn trên đất Mỹ:
- Tao nhớ tụi mày lắm. Ở Việt Nam tao cực vậy, nhưng qua Mỹ tao cũng không sướng gì hơn!
- Tới đây mày dự định thế nào hả Tuấn?
- Tao ráng làm thêm vài năm nữa, tao sẽ về xứ mình mua đất cất nhà. Tao giữ gìn chăm sóc mồ mả và thờ cúng má tao. Rồi mày với tao sẽ lại lang thang câu cá, hái rau muống bên bờ suối Tha La như thuở xưa...
- Được rồi Tuấn, tao luôn chờ mày!
Thời gian có thể làm con người ta thay đổi. Nhưng thằng Tuấn vẫn mãi mãi là một người Việt Nam da đen, tóc xoăn, sống nghĩa tình và chân thật. Tháng trước nó có điện cho tôi. Nó nói cuối năm nay sẽ về và ở lại luôn. Lòng tôi rưng rưng nhớ thằng bạn xưa… Nó ngồi cuối dãy bàn, cao tồng ngồng chăm chú nghe thầy An giảng bài… Nó lao động tích cực… Nó bênh vực bạn bè như một chiến binh dũng cảm… Nó mồ hôi dầm dề san từng cái gò mối giữa trưa… Nó đội cuộn dây rơm mũ bạc, hai tay bưng di ảnh má Hai ngày nó thành đứa mồ côi… Nó quỳ chấp tay thành khẩn trước mộ má nó ngày về… Và giờ đây có lẽ nó đang bước đi trong mùa tuyết lạnh, nhưng trái tim ấm áp của nó đang nhớ về quê cũ.
Nó, thằng Tuấn bạn tôi, một người Việt da đen, tóc xoăn... và cùng khóc, cùng cười như chúng tôi...
Truyện ngắn của HOÀI CHI