Bà nội tôi kể rằng, khi bà còn bé tí, hai cây gạo to sừng sững có gốc xù xì hàng chục người ôm như thế này rồi. Đêm nằm gối đầu lên tay bà, tôi nghe người kể những chuyện ngày xửa, ngày xưa... Theo đó, vùng quê tôi ngày xưa nghèo lắm, cứ đến mùa “lộc đa hoa gạo” là mùa đói khát và bệnh dịch. Tháng ba ngày tám, bao người bỏ làng ra đi phiêu bạt kiếm ăn. Có nhà mang theo những đứa trẻ. Khi lớn lên thì cha mẹ cũng qua đời, muốn về quê cha đất tổ mà chẳng nhớ nổi tên làng, chỉ nhớ hai cây gạo cổ thụ có hoa đỏ ối ở tỉnh “Thái”, thế mà cũng lần tìm được quê...

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN

Rồi tôi nín thở nghe bà kể về thời bà còn trẻ, chính mắt bà đã được xem chức sắc và trai đinh hàng phủ rước quan nghè vinh quy bái tổ. Bất chợt trời mưa, đám rước đông nghịt cờ lộng quần áo xanh đỏ ẩn dưới gốc cây gạo. Bữa đó mưa to và lâu lắm, thế mà ai nấy vẫn khô ráo chẳng hề hấn gì! Từ đó, mỗi lần ngồi dưới gốc cây, tôi thường hình dung ra bàn tay khổng lồ của các vị thần. Đã đôi lần, tôi cố tình chờ cơn mưa bất chợt ập đến để tôi được nhìn thấy bàn tay thần linh (!).

Lại có lần bác tôi lại kể về “ma cây gạo”, rằng cứ tầm canh ba, các cô gái làng đi bán gạo hay vào đồng gặt lúa thường... gặp các loại ma, quỷ hiện hình khi thì dưới gốc, khi trên cành cây gạo. “Ma cây gạo” có khi là một người đàn bà áo trắng, tóc dài đến gót chân; lúc thì là người đội nón rách, áo tơi đi ra từ cây gạo, hoặc vắt vẻo ngồi thổi tiêu trên cành cao... Dù rất sợ ma quỷ, nhưng sức hấp dẫn của cây gạo Đình Trung vẫn mê hoặc bọn trẻ con chúng tôi. Có đứa quả quyết rằng “ma cây gạo” thật ra cũng chỉ là những người làng ta ngày trước. Họ cũng vì yêu gốc gạo như chúng ta mà lần trở về, vui chơi như hồi còn sống thôi. Bao năm rồi tôi cứ suy tư về câu nói ngày ấy của người bạn và lạ thay càng về già tôi càng thấy đúng!

Nghe nói trước đây từng có những nhà phong thủy, thầy địa lý nổi tiếng tìm về quê tôi. Sau khi ngắm nghía thế của cây cổ thụ hồi lâu, đều chắp tay vái rất thành kính và “phán” rằng: Đất linh kiệt là nhờ hai “cụ” gạo. Thế song long của cây cho thấy đất này là đất học, người làng này thông tuệ, trí dũng, anh minh, mà thủy chung sau trước. Đặc biệt, người đất này chẳng bao giờ chịu khuất phục trước phong ba bão táp, trai tài gái đảm ít đâu bằng... Điều đó, ngay từ nhỏ tôi đã thấy trúng phóc!

Ngày xưa, khi còn ngôi đình cổ, đường làng phải đi vòng sau đình. Hai cây gạo uy nghi, nghênh ngang tọa lạc ở sân đình. Bóng của nó che khuất mái đình cong cong và cả một khoảng không gian rộng. Mùa hè thì mát vô cùng. Người lớn, trẻ con thường hay tụ hội dưới tán râm mát như “cái rạp” bằng cành lá khổng lồ trời ban tặng. Lịch sử bao đời của làng tôi đã đi qua dưới gốc gạo này, những buồn vui của mỗi người và bao người... Đến thế hệ chúng tôi, ngỡ như còn đâu đây những đêm rộn ràng hợp tác, những cuộc mít tinh cổ động đèn đuốc sáng trưng, những cuộc tiễn đưa trai làng ra trận... qua lời kể của cha mẹ, ông bà...      

Mùa này, hoa gạo lại về đỏ ối, “cụ gạo” đã châm lửa đốt trời! Rồi “cụ” lại ban phát cho con trẻ làng tôi niềm vui nhặt những bông hoa đỏ thắm làm trò chơi như chúng tôi một thuở. Những bông hoa to như vốc tay của bác lực điền, cánh dày, đỏ thắm, láng bóng, gói bên trong là nhụy vàng tươi tỏa mùi thơm hăng hắc nồng nàn. Để rồi đến cữ cuối thu là mùa quả gạo chín. Những quả khô nâu sẫm từ trên cành cao vời vợi theo gió heo may mà buông mình nhẹ nhàng đáp xuống. Có quả khi giáp đất hầu như vẫn còn nguyên vẹn, nó lăn lăn vài vòng điệu nghệ trên cỏ xanh, khi dừng lại thì hé mở, lộ một chút bông trắng muốt nõn nà như khóe miệng cười duyên của những người con gái quê tôi. Cũng có những quả dường như hơi vội vàng hấp tấp, ngay khi rời cành đã mở toang đôi tà áo nâu mà xổ bung xòe ra vô vàn những chùm tơ trắng muốt, tựa hồ như trò chơi của những nàng tiên tung bao chùm hoa tuyết từ xứ sở nhà trời... Và những cô bé, cậu bé lại như tôi thuở nào, đi nhặt những “cánh hoa trời” về làm đồ hàng, chơi chán chê thì mang về cho bà để bà nhồi thêm vào chiếc gối ấm êm...

Từ ngày hai cây gạo làng tôi được cấp bằng “Cây Di sản”, tháng ba nào tôi cũng thu xếp để về làng. Về để ngắm nhìn cây gạo, biểu tượng kiêu hãnh của làng mình. Về để đắm mình vào không gian cổ tích mà ông bà, cha mẹ đã giữ gìn cho ta. Về để lại nhặt những bông hoa gạo và tưởng mình vẫn là cô bé, cậu bé ngày nào, mà quên đi bao nỗi niềm nơi đất khách quê người. Về để nhớ, để thương, để tự hào nơi mình đã sinh ra. Và về để khắc ghi hình ảnh hùng vĩ của mùa hoa gạo như ngọn đuốc bung đỏ, vươn giữa trời xanh, thắp sáng niềm tin, vẫy gọi chúng ta trở về với mẹ...

Tản văn của TÂM DUNG