Thế kỷ 20 đồng thời cũng là thế kỷ ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại đối với vận mệnh dân tộc: Sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Cách mạng Tháng Tám (1945), Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), công cuộc Đổi mới (1986)... Đó là những mốc son lịch sử, đồng thời cũng là những mốc son của văn học. Đặc biệt, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như một mốc son cho một thế hệ nhà văn “nhận đường” và cuộc cách mạng ấy

Ký ức Cách mạng mùa Thu

Cách mạng Tháng Tám thường được gọi là Cách mạng mùa Thu. Nó đã đi vào trong tâm thức cộng đồng, đi vào thơ ca, nhạc họa. Trong bài thơ “Đất nước” (1955), nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết:

Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha

 

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa...

leftcenterrightdel

Minh họa: QUANG CƯỜNG

Có những mốc son lịch sử không bao giờ phai mờ trong ký ức con người. Đó là ký ức lương thiện. Cách mạng Tháng Tám là một ký ức lương thiện đối với mỗi người dân Việt Nam nhiều thế hệ nói chung và đối với các nhà văn nói riêng.

Với thế hệ nhà văn tiền chiến (từng sáng tác và nổi tiếng trên văn đàn trước năm 1945) như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính... thì Cách mạng Tháng Tám là “một cuộc tái sinh màu nhiệm” như lời tâm sự của nhà thơ Xuân Diệu. Cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đem đến một chân trời sáng tác mới cho các nhà văn “đi từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”, “từ chân trời của một người đến chân trời của nhiều người” như nhận định của nhà thơ Chế Lan Viên.

Với các nhà văn là “con đẻ của cách mạng” như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Trần Mai Ninh, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hữu Loan... thì Cách mạng Tháng Tám là một mối giao duyên mới. Nhà văn Hoài Thanh đã viết về sự linh diệu của cách mạng đối với văn học, nhà văn Việt Nam: “Đúng như lời anh Xuân Diệu nói với tôi, tôi cảm thấy khắp nơi ở chung quanh tôi và trong lòng tôi một cuộc tái sinh màu nhiệm”. Nhà văn Nguyễn Tuân nhớ lại: “Ngày Cách mạng Tháng Tám, Việt Minh chiếm Phủ Thống sứ (hồi Pháp gọi Bắc Bộ phủ là Phủ Thống sứ), tôi cũng lại khăn đóng áo dài “đi xem”. Đúng, chỉ là một người quan sát thế thôi. Tôi thấy Việt Minh hạ cờ quẻ ly xuống, rồi treo cờ đỏ sao vàng lên. Tôi nhận ra có sự thay đổi, sự chuyển biến lớn lao thực sự. Tôi cũng thích thú, thế là vào hiệu cắt tóc cạo râu. Thấy con người mình như sáng sủa lên. Tôi còn cởi bỏ bộ quần áo dài ta, mặc quần soóc, sơ-mi vải màu cứt ngựa, nhập vào đoàn biểu tình chào mừng cách mạng. Khi trở về nhà hát, bà Chu-chủ nhà hát và là tình nhân của tôi-la lên: “Ông định làm cách mạng đấy à? Đừng có mà đi theo họ!”. Nếu không có cách mạng thì tôi có thể lấy bà ta làm vợ lẽ, cho nên vợ tôi đúng là phải cảm ơn cách mạng nhiều lắm!” (trích trong tập “Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học”, NXB Khoa học xã hội, năm 1995, trang 40).

Nhà thơ Tố Hữu, “con chim đầu đàn của nền thơ cách mạng”, nhớ lại: “Khởi nghĩa xong, đêm 23-8, chúng tôi điện ra Trung ương báo cáo kết quả và đề nghị Chính phủ, Trung ương cử một đoàn đại biểu vào Huế để chính thức nhận lễ thoái vị của Bảo Đại. Đến ngày 28-8, đoàn đại biểu của Chính phủ gồm các anh Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào Huế, được đồng bào hoan nghênh nhiệt liệt. Với niềm vui lớn: Nước ta đã có Chính phủ Trung ương và vị đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ai cũng biết là cụ Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Có câu chuyện vui chứng tỏ người dân mình biết tự trọng dân tộc thế nào: Một bác đang kéo xe cho một tên lính Nhật, bỗng nghe tiếng còi hú, liền vội vàng thả càng xe xuống, làm tên lính đang ngồi trên xe lăn cù xuống đất. Hắn giận lắm. Nếu ngày xưa chắc đã rút gươm. May cho hắn kịp nhớ ra đây là thời kỳ của cách mạng nên lồm cồm bò dậy, cũng đứng thẳng, chờ hết còi để anh kéo xe tiếp tục đưa đi... Dưới sông Hương, cảnh “giang hồ” biến mất, không còn tiếng đàn ca hát cho khách làng chơi nữa. Hỏi ra mới biết, các cô đều đã bỏ nghề, đi học “bình dân” để mau thoát nạn mù chữ. Ai cũng cảm thấy mình được sống trong những ngày thật sự tự do, hạnh phúc, đầy lòng tự hào dân tộc và cả lòng tự trọng cá nhân. Có lẽ bài thơ “Huế tháng Tám” của tôi phản ánh khá trung thực tình cảm của đồng bào mình lúc đó. Một thứ tình cảm mà người ngoài cuộc không biết được, ngay cả bây giờ tưởng tượng ra cũng không dễ viết” (trích trong tập “Nhớ lại một thời”, NXB Hội Nhà văn, năm 2000, trang 140-146).

Bài thơ “Huế tháng Tám” mà nhà thơ Tố Hữu nhắc đến trong hồi ức trên đây, có thể nói là một trong những tác phẩm văn học hay nhất về cuộc cách mạng “long trời lở đất” trong lịch sử dân tộc Việt; có thể so sánh với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, lập nên Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Bài thơ có những câu hôm nay đọc lại vẫn cảm thấy chứa chan hào sảng, bay lên bát ngát:

Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay

                                  cơn gió mạnh

Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa

                                 mặt trời

      ... ...

Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi

Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!

Nhà thơ Xuân Diệu từng viết nồng nàn, đắm say về Cách mạng Tháng Tám: Cái thuở ban đầu Dân quốc ấy/ Nghìn năm chưa dễ đã ai quên. Nghĩa là nhà thơ coi cách mạng như “mối tình đầu” của thi nhân. Còn Nguyễn Tuân thì nghĩ mình như là “tình nhân” của cách mạng. Lúc thăng hoa nhất, thậm chí ông còn viết: “Say mê với ánh sáng vừa được giải phóng, tôi đã là một dạ lữ khách không mỏi của một đêm phong hội mới” (trích trong tập “Ngày đầy tuổi tôi cách mệnh” của Nguyễn Tuân).

Rõ ràng là, dù cách thể hiện có khác nhau nhiều đi chăng nữa thì cuối cùng, các nhà văn qua ngôn từ vẫn chủ yếu giãi bày tình cảm lớn của mình trước biến thiên lịch sử vĩ đại là cuộc Cách mạng Tháng Tám. Có thể coi những dòng tâm sự sau của nhà văn Nguyễn Đình Thi là tiêu biểu cho dấu ấn sâu đậm của cuộc Cách mạng Tháng Tám mãi mãi ghi tạc trong tâm hồn, tình cảm và lý trí của nhiều thế hệ con người nói chung và nhà văn Việt Nam nói riêng: “Những ngày tháng Tám, chúng ta bước từ một thời đại lịch sử sang một thời đại mới. Hàng chục triệu con người thức dậy những khoảng đêm đẫm máu, rỏ nước mắt khóc, vui sướng một niềm vui chưa bao giờ biết, ôm lấy nhau, quàng tay nhau dưới bóng cờ đỏ sao vàng, đi từng đoàn không thấy hết bên nước lụt ngầu đỏ, dưới mưa rơi tầm tã, trước mũi súng ngơ ngác của tụi phát xít Nhật. Cả dân tộc rung chuyển lên cùng một nhịp sống. Mỗi người chúng ta không còn yếu ớt, riêng rẽ. Chúng ta đã tìm lại thấy bao trùm trên chúng ta, bao trùm gia đình, làng xóm chúng ta còn một cái gì lớn lao chung: Ấy là dân tộc. Ý thức về dân tộc chính là ý thức về một đoàn thể chung, lớn lao, thiêng liêng, đã sống tự bao nhiêu nghìn năm, đang tiếp tục vươn lên, mỗi người chúng ta hòa vào trong đó, chiến đấu, xây dựng trong đó, yêu mến, ghét-giận, buồn-vui trong đó. Tinh thần dân tộc, tinh thần đoàn thể rộng lớn ấy đã biến đổi hẳn nét mặt con người Việt Nam cứu sống trở lại con người ấy” (trích trong tác phẩm “Nhận đường”).

Khai sinh một nền văn học mới

Khái niệm văn học mới, trong trường hợp này được hiểu là nền văn học cách mạng (được coi là một trong 3 khuynh hướng chính trên văn đàn trước năm 1945), được hình thành vào những năm 20 của thế kỷ 20, bắt đầu bằng sáng tác (truyện, ký viết bằng tiếng Pháp) của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, thơ ca Xô viết Nghệ Tĩnh, sáng tác của các chiến sĩ cộng sản trong tù đế quốc như: Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Xuân Thủy, Tố Hữu...

Tuy nhiên trước năm 1945, hình thức tồn tại bí mật, hay bán công khai trên văn đàn đã ít nhiều gây khó khăn đối với sự phát triển của văn học cách mạng. Với Cách mạng Tháng Tám, văn học cách mạng từ chỗ chỉ là một khuynh hướng-bộ phận nay trở thành một nền-tổng thể trong ý nghĩa đầy đủ của từ này. Tức là lúc này, văn học cách mạng đã có lực lượng sáng tác, có tổ chức-chỉ đạo sáng tác, có phương tiện xuất bản và phát hành, có lý luận phê bình, có độc giả... Đó là nền văn học mới, phụng sự đường lối “Kháng chiến hóa văn hóa. Văn hóa hóa kháng chiến”. Nhà văn tuân thủ tự giác đường lối, nguyên tắc “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5-1-1952). Năm 1948, Hội Văn nghệ Việt Nam thành lập (9 năm sau, năm 1957, Hội Nhà văn Việt Nam mới được chính thức thành lập). Tạp chí Văn nghệ, Nhà xuất bản Văn nghệ ra đời phục vụ đăng tải sáng tác của văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến.

Năm 1948, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc (lần thứ hai), đồng chí Trường Chinh đã trình bày báo cáo “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam”. Rõ ràng, tác phẩm này trong một thời gian dài được coi là kim chỉ nam hướng dẫn sáng tác văn nghệ đối với văn nghệ sĩ Việt Nam tự giác, tự nguyện tham gia và phục vụ sự nghiệp chung kháng chiến kiến quốc. Thiết nghĩ, hiện nay có không ít người đang muốn hạ bệ Chủ nghĩa Mác nên hăng hái tuyên truyền cho cái gọi là “chủ nghĩa hiện thực không bờ bến”, nhân danh “giải thiêng lịch sử”, cổ xúy cho cái gọi là “phi trung tâm hóa” đề cao “ngoại biên” để nhằm mưu cầu những ý đồ không tốt, đi ngược lại lợi ích chung của đất nước, nhân dân.

Như vậy, nền văn học mới-văn học cách mạng-có đặc trưng cơ bản là phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng-văn hóa. Sáng tác văn học cách mạng, ngoài việc tuân theo nguyên tắc phổ biến chân-thiện-mỹ, còn hết sức phụng sự kháng chiến, vì lợi ích tối cao của dân tộc. Nền văn học mới là nền văn học có nền tảng lý thuyết dựa trên chủ nghĩa duy vật biện chứng Mác-xít, trên nền tảng nguyên lý mỹ học Mác-Lênin. Trong khoảng thời gian 30 năm-từ năm 1945 đến năm 1975-văn học cách mạng chưa chịu sự chi phối của quy luật thị trường như bây giờ. Đó là một nền văn học vô tư, trong suốt, đại nghĩa, sáng tác trên cơ sở của cảm hứng lớn mang tính chất “đại khí”. Cách mạng Tháng Tám đã hồi sinh dân tộc và hồi sinh một nền văn học xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong các nền văn học chống đế quốc trong thế kỷ 20.

Nhà phê bình BÙI VIỆT THẮNG