QĐND - Nằm trong ngõ 82 phố Hàng Khoai, Hà Nội, ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân đúc đồng Lê Khang như một bảo tàng thu nhỏ với đủ loại đồ đồng từ đồ cổ, giả cổ đến hiện đại mà ông có được trong suốt quá trình làm việc và sưu tầm. Bằng những kiến thức tích lũy qua quá trình giảng dạy và thực tế, ông đã nâng cao nghề đúc đồng truyền thống tạo ra nhiều tác phẩm giá trị.
|
Nghệ nhân Lê Khang với sản phẩm do mình làm ra.
|
Là người có nền tảng kiến thức khá vững chắc về nghề đúc cùng với kinh nghiệm có được từ nhiều lần đi thực tế tại các cơ sở sản xuất, nghệ nhân Lê Khang nhận thấy kỹ thuật đúc đồng truyền thống của nước ta vẫn còn không ít hạn chế. Với kinh nghiệm sẵn có, cùng tình yêu với nghề truyền thống nên sau khi về hưu, ông đã mày mò và tìm cách phát triển nghề đúc đồng bằng cách áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại.
Dù đã có tuổi nhưng bằng sự nhiệt huyết của mình, ông hăm hở đi đến các cơ sở sản xuất tại Hà Nội như Ngũ Xã, về các làng quê có nghề đúc đồng như: Làng Đại Bái, làng Vó (Bắc Ninh), làng Nôm (Hưng Yên)… với mục đích vừa làm thuê vừa học nghề. Từ những tinh hoa trong nghề truyền thống kết hợp với những kiến thức, kỹ thuật hiện đại đã tạo nên nét đặc sắc trong nghệ thuật đúc đồng của ông. Tập trung làm ở mảng chân dung, nghệ nhân Lê Khang khéo léo ứng dụng những kiến thức khoa học, đặc biệt là những kiến thức về nhân tướng học vào mỗi sản phẩm.
Ông Khang cho biết: “Làm tượng chân dung, ngoài những yếu tố mỹ thuật, điêu khắc cần thiết, người thợ cũng phải có hiểu biết về nhân tướng học sẽ làm cho bức tượng trở nên có hồn và sống động hơn”. Đây chính là nét riêng biệt của mỗi sản phẩm do chính tay ông làm so với những nghệ nhân khác.
Đến nay, số lượng tượng chân dung do nghệ nhân Lê Khang thực hiện có thể không đếm nổi, ông chỉ nhớ đã từng đúc tượng các danh nhân lịch sử như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di... Các sản phẩm này đều được đặt tại các vị trí trang trọng trong các bảo tàng, các văn phòng lớn nhỏ tại Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước. Ông Khang cũng đã hoàn thành gần 20 pho tượng của các nhà điêu khắc nổi tiếng nước ta và được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hai bức tượng Bác Hồ ở Văn phòng Thành ủy Hà Nội. Đặc biệt, bức tượng Bác Hồ cao 1,6m, đặt tại vị trí đắc địa của Văn phòng Chính phủ do chính tay ông thực hiện đã nhận được nhiều lời khen. Ông Khang chia sẻ: “Để làm ra một bức tượng chân dung Bác Hồ như thế, tôi phải nghiên cứu chi tiết về cuộc đời, sự nghiệp, tính cách của Người và tìm ra đặc điểm nhân tướng học để tạo được cái hồn, khí phách trong bức chân dung đó”.
Là người con của mảnh đất ngàn năm văn hiến, nghệ nhân Lê Khang luôn mong muốn du khách tới tham quan thủ đô Hà Nội khi trở về đều có chút quà mang theo làm kỷ niệm. Họ sẽ không thể mang những bức tượng đồng vừa to vừa nặng vì thế, ông nghĩ ra việc thu nhỏ những danh lam thắng cảnh của Thủ đô để trở thành những món quà lưu niệm ý nghĩa. Đó là Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Tháp Rùa, Rùa ngậm gươm báu, Rùa đội bia…Trong đó, có hình ảnh Khuê Văn Các – biểu tượng truyền thống hiếu học của người Việt được ông nghiên cứu, trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ và trở thành món quà độc đáo, tiện lợi cho mỗi du khách khi tới Hà Nội.
Để hoàn thiện một bức tượng đồng thu nhỏ, theo ông Khang phải mất rất nhiều công sức bởi nó vừa đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh xảo của nghệ nhân, vừa phải chuẩn xác từ lúc mẫu đến khi hoàn thành sản phẩm. Đối với tác phẩm thu nhỏ vua Lý Thái Tổ, cái khó của nghệ nhân là làm sao thể hiện được phong thái của Ngài. Lúc này, ngoài các kỹ thuật về điêu khắc rất cần sự khéo léo, kiên trì của một nghệ nhân. “Khi sản xuất, đòi hỏi người đúc phải là thợ đúc giỏi, hoàn thành xong sản phẩm không được sửa chữa nhiều”, ông tâm sự. Có lẽ, bước khó nhất khi làm ra sản phẩm thu nhỏ là ở khâu làm khuôn, lúc này người thợ phải thực sự uyển chuyển, nhẹ nhàng, đến khi đúc sản phẩm mỗi chi tiết cũng cần sắc nét. Ngoài ra, cách gọt, giũa, đánh bóng và lên màu cho pho tượng cũng rất quan trọng. Nhưng trên hết, đó là cái tâm của nghệ nhân khi tự tay thực hiện mỗi tác phẩm dù lớn hay nhỏ. Ngoài việc tự tay thực hiện các sản phẩm đồ đồng, ông Khang còn là người sửa chữa đồ cổ cho Hội Cổ vật Thăng Long, phục dựng những hiện vật có nguy cơ xuống cấp trong các bảo tàng, sưu tầm đồ cổ, làm các linh vật trong Hoàng thành Thăng Long…
Ông Khang đã giành được nhiều giải thưởng cao quý như: Giải Bàn tay vàng, giải thưởng Tinh hoa văn hóa Việt Nam. Năm 2010, ông được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú. Mặc dù, đã ngoài 70 tuổi nhưng nghệ nhân Lê Khang ngày ngày vẫn tới xưởng cặm cụi làm việc và truyền nghề cho con cháu. Điều ông cảm thấy vui nhất có lẽ là người con trai sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã trở về gia đình nối nghiệp cha và thành lập một công ty riêng. Mặc dù, đây là một nghề vất vả luôn phải làm việc trong môi trường nóng nực, khói bụi nhưng ông luôn cảm thấy tự hào vì mình đã truyền được tình yêu nghề truyền thống tới thế hệ sau cùng gìn giữ và phát triển. Đối với nghệ nhân đúc đồng Lê Khang, tình yêu với nghề dường như không bao giờ vơi cạn bởi ông vẫn tìm thấy ở đó nhiều điều mới lạ luôn cần khám phá, tìm hiểu…
Bài và ảnh: LỆ THỦY