Kịch hát của người Khmer

Xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng thờ cúng thần linh, các dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer sống tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã hình thành những loại hình nghệ thuật diễn xướng và sân khấu dân gian riêng biệt.

Nếu người Kinh nổi tiếng với loại hình Đờn ca tài tử Nam Bộ thì người dân Khmer có quyền tự hào vì góp vào bản sắc văn hóa bằng nhiều thể loại âm nhạc và sân khấu dân gian vô cùng tinh túy, đặc sắc. Trong đó phải kể đến loại hình nghệ thuật Dù kê. Nghệ thuật Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ ra đời từ những năm đầu thế kỷ 19, là loại hình nghệ thuật tổng hợp, kế thừa nhiều loại hình nghệ thuật hàn lâm và dân gian ở khu vực. Với đặc trưng có tích truyện, nghệ thuật biểu diễn tinh tế, ý nghĩa nhân văn sâu sắc nên từ lâu Dù kê được người dân yêu thích và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội của bà con dân tộc Khmer.

leftcenterrightdel
Các nghệ sĩ biểu diễn trong vở “Nàng Xê Đa”

Dù kê còn có tên gọi khác là Lakhôn Bassắc, nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassắc (tức sông Hậu). Nghệ thuật Dù kê ra đời trên cơ sở kế thừa những loại hình nghệ thuật đã có trước đó của dân tộc Khmer như Rô-băm và với đời sống cộng cư có sự giao thoa văn hóa nên nghệ thuật Dù kê đã có những ảnh hưởng bởi sân khấu cải lương Nam Bộ.

Dù kê là loại hình sân khấu ca kịch có cốt truyện rõ ràng, được kết cấu theo chương hồi. Một vở Dù kê được phát triển trên nền nhạc ca hát, đối thoại và động tác diễn. Điểm đặc biệt là mỗi lời hát đều kèm theo các điệu múa, sự kết hợp giữa tay và chân. Các nhạc cụ Khmer cổ truyền thường sử dụng trên sân khấu Dù kê là đàn khưm, giàn nhạc pưnpết (ngũ âm) và nhiều nhạc cụ dân tộc khác.

Ông Sang Sết, nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Trà Vinh, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, đề tài và nội dung kịch bản của sân khấu Dù kê rất phong phú và mang tính giáo dục rất sâu sắc. “Đây là một sản phẩm văn hóa được những nghệ nhân Khmer sáng tạo nên, lấy sân khấu làm nơi biểu diễn các tích trò để ca ngợi và truyền bá tư tưởng Phật giáo, tín ngưỡng dân gian, góp phần giáo dục người dân về lòng nhân ái vị tha, tình yêu quê hương đất nước đậm đà, sâu lắng, đồng thời đề cao đạo lý làm người, hướng thiện, ca ngợi điều tốt đẹp, thiện lương; lên án cái ác, cái xấu; hướng con người đến ý thức đấu tranh chống lại những bất công của xã hội, đem lại cuộc sống yên bình”, ông Sết cho biết.

Khó khăn câu chuyện bảo tồn

Dù kê ra đời dựa trên trí tuệ, tình yêu cái đẹp, hướng thiện của bà con lao động Khmer, là di sản văn hóa của cả dân tộc bởi tính đa dạng, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong cộng đồng. Với sự độc đáo và hấp dẫn của mình, loại hình nghệ thuật Dù kê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình

UNESCO công nhận giai đoạn 2012-2016. Tuy nhiên, với sự phát triển của nhiều loại hình giải trí hiện đại, nghệ thuật sân khấu Dù kê đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Theo các nhà nghiên cứu Dù kê thì học biểu diễn Dù kê không dễ, vì nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố như: Người thể hiện phải có năng khiếu ca, múa, cảm thụ văn học, cảm thụ âm nhạc và diễn xuất.

Ngoài lực lượng chính là nghệ sĩ biểu diễn, vấn đề tác giả kịch bản và đội ngũ đạo diễn cho sân khấu Dù kê cũng đang là trở ngại lớn. Bởi, đây là loại hình tổng hợp nên người viết cũng phải là người có trình độ và am hiểu nghệ thuật Dù kê. Thế nhưng, điều đáng buồn là trong khi tiêu chuẩn diễn viên Dù kê hiện nay phải được đào tạo cơ bản cả văn hóa và nghề nghiệp thì tại các trường trung học phổ thông, có em học hết lớp 12 nhưng lại phát âm tiếng dân tộc không chuẩn hoặc bị “mù chữ dân tộc”. Công tác đào tạo nhân lực cho bộ môn nghệ thuật Dù kê chủ yếu dựa vào việc học “lỏm” hoặc truyền nghề là chính. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê gặp nhiều khó khăn.

Nuôi dưỡng Dù kê trong đời sống

Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê, theo các nhà nghiên cứu, cần tiến hành điều tra, sưu tầm, thu thập và bảo vệ chúng bằng hình thức sách vở, hình ảnh, băng hình, băng tiếng… được lưu giữ ở các kho lưu trữ, viện bảo tàng. Song song với đó cần nuôi dưỡng và phát huy nó trong đời sống xã hội.

Theo ông Lê Hoàng Chung, Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hậu Giang: “Muốn bảo tồn Dù kê cần phải lồng ghép môn nghệ thuật này vào trong các chương trình ca múa nhạc biểu diễn tại địa phương, nhất là vào các dịp lễ, Tết của đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên lưu ý đến việc thành lập các câu lạc bộ Dù kê, khuyến khích các địa phương có đông đồng bào Khmer duy trì sinh hoạt biểu diễn thường xuyên”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trong cuộc hội thảo bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam Bộ, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có đề cập, ngoài việc xây dựng, lập hồ sơ công nhận Di sản văn hóa nghệ thuật sân khấu Dù kê, thì việc chúng ta cần làm ngay lúc này là tìm giải pháp để Dù kê thật sự tồn tại và phát triển. Theo ông, nên mở lớp truyền nghề, đào tạo tác giả, diễn viên, khôi phục những tác phẩm sân khấu truyền thống, đưa nghệ thuật sân khấu Dù kê vào học đường, có bản dịch cho người không biết tiếng Khmer để xem… góp phần thổi hồn di sản, truyền tình yêu nghệ thuật dân tộc cho thế hệ trẻ. “Để bảo tồn di sản cần thiết phải đào tạo được đội ngũ kế thừa và tổ chức các sân chơi xứng tầm để nghệ nhân có thể sống trọn với nghiệp diễn. Song song đó nên có những chính sách, chế độ cho nghệ nhân đang hoạt động trong các đoàn nghệ thuật Dù kê tham gia hoạt động trong loại hình nghệ thuật này. Ngoài ra, mỗi địa phương nên xây dựng kế hoạch tổ chức trại sáng tác nhằm tạo sân chơi cho các tác giả. Đồng thời thu hút nhiều tác phẩm mới cho các đơn vị nghệ thuật Dù kê dàn dựng biểu diễn”, NSND Lê Tiến Thọ đề xuất.

Bài và ảnh: THÚY AN