Tính đến nay, Thùy Dương đã sở hữu 5 cuốn tiểu thuyết. Nhà văn đã nhận được giải B Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ II (2002-2004) của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm "Ngụ cư"; giải C Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ III (2006-2009) của Hội Nhà Văn Việt Nam cho tác phẩm "Thức giấc"; Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2010 cho tiểu thuyết "Nhân gian"…

Năm cuốn tiểu thuyết trải ra trong chiều dài thời gian 21 năm không phải là nhiều nếu so với một số cây bút tiểu thuyết ở nước ta hiện nay. Nhưng với một nhà văn nữ thì đó là con số biết nói. Cuốn tiểu thuyết đầu tay "Tam giác muôn đời" (1992) chưa ánh lên được sắc diện Thùy Dương trong một thể loại được coi là “máy cái” của bất kỳ nền văn chương nào. Khởi sự văn chương bằng truyện ngắn nên đến "Ngụ cư" (2004), Thùy Dương đã vận dụng một kết cấu linh hoạt: Tiểu thuyết bao gồm nhiều “đoạn” (như là những truyện ngắn độc lập) được nối kết bằng một mạch ngầm, một “cấu tứ” khá gây hấn cảm xúc độc giả và giới phê bình. Tiểu thuyết được mở đầu bằng câu chuyện của gia đình số 13-gia đình Tôi-nhân vật kể chuyện: “Khi tôi chuyển về thì ngõ này đã có mười hai nhà trước đó. Nhà tôi là nhà thứ mười ba”. Những câu chuyện thường ngày với hỷ-nộ-ái-ố, tham-sân-si… đủ cả. Một lối quan sát gần, trực diện, kể chuyện trực tiếp khiến cho tiểu thuyết có dáng vẻ và không khí của một phóng sự, chất sống ngồn ngộn, tươi nguyên. Một cuốn tiểu thuyết được nén chặt theo lối viết truyện ngắn khung, gồm một liên hoàn được xuyên suốt bằng một chủ đề. "Ngụ cư" cho thấy sở trường của Thùy Dương không phải là truyện ngắn mà là tiểu thuyết.

leftcenterrightdel
Hai cuốn tiểu thuyết tiếp theo là "Thức giấc" (2009) và "Nhân gian" (2010) ghi nhận thêm những nỗ lực của Thùy Dương với tư cách là một cây bút tiểu thuyết có nhiều hứa hẹn. Dường như xu hướng đi vào khai thác đời sống tâm linh đang được nhà văn triển khai ráo riết. Nhưng vẫn còn cảm giác bề bộn của một công trình mới được mở lắm ngổn ngang, chồng chéo cần đến sự tháo dỡ, sắp xếp. Để bật lên được thật rõ ràng, phải chờ đến khi "Chân trần" (2013) xuất hiện. Tôi gọi đây là phân khúc thứ hai trong tiểu thuyết Thùy Dương. Bức màn bí ẩn của thế giới tâm linh được vén lên từ "Nhân gian", nay bỗng sáng lên những sắc màu mới. Độc giả bị dẫn dụ vào một thế giới vừa hữu hình vừa vô hình, vừa liên tục vừa đứt đoạn, vừa gần vừa xa… Một người phụ nữ của thời hiện đại (nhân vật nữ nhà báo, xưng Tôi, kể chuyện) sống trong một xã hội tiêu dùng, giữa những tiện nghi vật chất và với một quan niệm sống hiện sinh lại bị ràng buộc với một người phụ nữ-tính về huyết thống thì không kề cận, nhưng tính theo đường dây tâm linh thì gần gũi-sống vào thập niên 40 của thế kỷ trước. Cả một thời kỳ lịch sử nhiều quanh co, phức tạp và đầy rẫy tao loạn được tái hiện qua tiềm thức của nhân vật. Sức khái quát của "Chân trần", theo tôi, đã được nâng lên một bước. Đến "Chân trần", theo tôi, Thùy Dương đã kết hợp được cả trực giác-như một tố chất bẩm sinh-và lý tính-như một phẩm chất do được rèn giũa trong thực tiễn sống và nghề nghiệp.

Đọc tiểu thuyết đương đại, người ta rất chú ý đến cách kể chuyện của nhà văn trong mỗi tác phẩm. Tôi tự đặt câu hỏi và tìm cách trả lời: Vì sao Thùy Dương hay sử dụng cách kể chuyện ở ngôi thứ nhất thông qua nhân vật Tôi? Theo dõi tiểu thuyết của nhà văn này thấy trong "Ngụ cư" lối kể chuyện từ ngôi thứ nhất được được nhà văn “nhân bản”: Mở đầu là chủ nhân nhà số 13 kể, nhưng đến nhà số 7 lại tiếp tục được một nhân vật khác xưng Tôi kể chuyện. Như thế là điểm nhìn trần thuật-nói theo lý thuyết tự sự học-đã được mở rộng, di chuyển tạo nên sự linh hoạt của kể chuyện. Đến "Nhân gian" thì ba giọng kể khác nhau đều xưng Tôi: Một là linh hồn liệt sĩ Hoàng (song sinh với nhân vật Hải, chồng Tôi-một trong ba nhân vật tham gia kể chuyện), của Tôi-vợ Hải và của Tôi-một cô gái trẻ, điển hình của thế hệ trẻ, sống hiện đại và hiện sinh. Kể chuyện từ ngôi thứ nhất dễ gây niềm tin về tính chân xác sự kiện trong sự tiếp nhận của độc giả. Hơn thế, còn tạo cảm giác về sự trung thực của câu chuyện được kể vì người kể kể chuyện của mình, rút ruột ra mà kể. Đến "Chân trần" thì có vẻ như tác giả không cần "che chắn" gì nữa, cứ chuyện của Tôi đem ra mà kể, mặc lòng thiên hạ có tin tưởng hay ngờ vực cái sự dốc lòng, mở lòng của người kể chuyện. Hai nhân vật nữ, một trẻ, một già, một ở thời hiện tại, một thuộc về dĩ vãng cứ "thi nhau" kể chuyện, có vẻ như liên miên vô tiền khoáng hậu. Thế rồi trong mê cung ấy, người đọc dần dần tự gỡ rối, tìm ra sợi dây xâu chuỗi các biến cố, sự kiện. Có người cho rằng, nếu cứ cái đà lấy cái Tôi ra mà kể chuyện thì đến một lúc nào đó tác phẩm chỉ còn thu vào trong cái vỏ ốc, triệt tiêu ngoại cảnh và lùi xa các va đập xã hội, tiếng vọng thời đại sẽ có nguy cơ lịm đi. Thật ra nỗi lo lắng đó không có căn cứ nếu biết rằng, nhà văn khi viết là “mở lòng” mình ra với thiên hạ. Dẫu cho: “Tôi đã đóng sập một ngăn trong cuộc sống của mình lại và bắt đầu mở ra một ngăn mới. Sẽ có những gì đợi tôi ở cái ngăn mới này? Ở phía trước này?” ("Nhân gian") thì sẽ đến lúc phải mở thông cánh cửa với thời cuộc vì viết như là một sự "giao kèo” của nhà văn với xã hội. Chính vì thế mà vẫn cần lắng nghe: “Gió đã thổi trên đất nước này lâu lắm rồi. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được trong gió hơi thở của sự sống-bao thế hệ trước truyền lại. Có mùi súng đạn, mùi của máu và những khát vọng sôi sùng sục va đập vào nhau. Mùi bùn non, mùi cỏ tươi và mùi những nụ cam vừa nở” ("Thức giấc").

Viết tiểu thuyết ngắn, thiết nghĩ là theo tinh thần thực tiễn. Và Thùy Dương cũng là một người có đầu óc thực tiễn. Cả năm cuốn tiểu thuyết của Thùy Dương đều chỉ trên dưới 300 trang nên dễ đọc vì sự ngắn gọn, uyển chuyển và linh hoạt. Đơn cử như "Chân trần". Tiểu thuyết không được chia thành chương như theo lối độc giả thường thấy. Chủ yếu là các đoạn được kết dính với nhau bằng hoài niệm, hồi ức (gồm 22 "đoạn", hay là "khúc"). Đặc trưng của tiểu thuyết ngắn là sự giản lược về cốt truyện và nhân vật, thêm vào đó là sự giãn nở hết sức linh hoạt của kết cấu. Hơn thế, viết ngắn có cái khó khăn của sự viết nhưng là cơ hội để thử thách nhà văn, vì nghệ thuật chính là sự rút gọn theo phép “tỉnh lược”. Cuối cùng, viết ngắn cũng là cái “tạng” văn của mỗi người được quy định bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nghề nghiệp. Mọi người đều biết Thùy Dương vốn là nhà báo trước khi là nhà văn. Làm báo thì phải ngắn gọn, linh hoạt, ứng chiến, nhiều thông tin. Rất có thể nghề báo đã “ám” vào nhà văn. Nhưng rất may mắn là “báo không hại văn” ở trường hợp Thùy Dương.

BÙI VIỆT THẮNG