... Đánh một trận, sạch không kình ngạc

Đánh hai trận tan tác chim muông.

... Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường

Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước

... Bị ta chặn ở Lê Hoa, quân Vân Nam nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật!

Nghe Thăng thua ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân...

Đó là những câu hào sảng trong bản hùng văn bất hủ “Đại cáo bình Ngô” của danh nhân Nguyễn Trãi, vị quân sư lỗi lạc trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của dân tộc ta thế kỷ 15.

leftcenterrightdel
Tác giả (bên trái) dưới gốc Dã Hương nghìn tuổi, tháng 2-2018. Ảnh: THẾ PHƯƠNG

Xương Giang là một ngôi thành cổ nằm về phía đông bắc thành phố Bắc Giang, giáp với xã Tân Dĩnh của huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang hiện nay. Cần Trạm là một trạm “dịch vụ” trên tuyến Đông Quan-Pha Lũy, nay thuộc xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang. Khi nhà Minh xâm lược nước ta, đây là một đồn trại hiểm yếu của địch, án ngữ tuyến giao thông huyết mạch xuyên biên giới. Những chiến công hiển hách của nghĩa quân Lê Lợi ở Xương Giang, Cần Trạm... có sự đóng góp tích cực của nhân dân Lạng Giang. Đó là những trận “quyết chiến điểm” có ý nghĩa kết thúc cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta chống giặc Minh xâm lược. Ngày nay, dấu tích của những võ công ấy vẫn còn lưu giữ qua những địa danh ở Lạng Giang, như: Mả Ngô, Bãi Xác, Hố Cát, Nghè Trận, Ao Mưa...

Truyền thống anh hùng thượng võ của nhân dân Lạng Giang được tiếp nối và phát huy suốt chiều dài lịch sử. Đặc biệt trong thời đại Hồ Chí Minh, huyện Lạng Giang hai lần được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước và Anh hùng thời kỳ đổi mới. Toàn huyện có 9 tập thể và 4 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân qua các thời kỳ. Đặc biệt, huyện có 54 bà mẹ được vinh danh là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó 1 mẹ có 4 con liệt sĩ và 9 mẹ có 3 con liệt sĩ hoặc chồng và 2 con liệt sĩ...

Lạng Giang còn là vùng đất Việt cổ có truyền thống văn hóa lâu đời với kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, bao gồm hàng chục lễ hội dân gian đặc sắc và hệ thống di tích lịch sử-văn hóa vô cùng phong phú, trong đó có 15 di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia. Đây cũng là vùng đất khoa bảng có nhiều hiền tài danh tiếng qua các thời kỳ. Đặc biệt, thời Hậu Lê có gia đình hai ông cháu đều là tiến sĩ, người cháu nội về sau được nhà Mạc trọng dụng làm đến chức Thị lang...

Mang theo những điều hiểu biết trên đây về mảnh đất anh hùng và văn hiến bên dòng sông Thương thơ mộng, tôi tìm về Lạng Giang một ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018, mảnh đất tôi được nghe kể đã lâu nhưng chưa có dịp trực tiếp tham quan, tìm hiểu. Gần đây nhất là lời “khoe” của một đồng nghiệp cùng công tác ở Hà Nội nhưng quê gốc ở Lạng Giang, rằng thời đổi mới, Lạng Giang quê anh là huyện “lá cờ đầu” của tỉnh Bắc Giang, các mặt phong trào đều toàn diện. Trước khi được tuyên dương Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới vào năm 2012, đây là huyện 9 năm liên tục được tặng Cờ thi đua “Đơn vị xuất sắc” của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của huyện luôn duy trì hai con số. Tỷ trọng nông-lâm-thủy sản trong cơ cấu kinh tế giảm, “nhường chỗ” cho các ngành công nghiệp, dịch vụ thương mại và xây dựng phát triển trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, nhưng giá trị nông sản tăng, bình quân xấp xỉ 100 triệu đồng mỗi héc-ta đất nông nghiệp. Nhờ vậy, hiện nay số hộ gia đình nông dân thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi năm đã thành phổ biến...

Tôi đem những lời “khoe” ấy của anh bạn đồng nghiệp, làm “quà xã giao” mở đầu cuộc trao đổi với anh Nguyễn Sỹ Khôi, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lạng Giang. Tưởng là anh sẽ hào hứng phấn khởi lắm, nào ngờ đấy lại là nỗi băn khoăn của ban lãnh đạo huyện hiện nay: Bao lâu rồi phong trào huyện mạnh toàn diện, dẫn đầu tỉnh, nhưng bây giờ nhìn lại, thấy huyện nhà chưa có mặt gì nổi trội xuất sắc; nói theo ngôn ngữ thời thượng là chưa có những thương hiệu được gần xa biết đến. Những năm gần đây, huyện đã tiến hành khảo sát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp; trong đó xác định một số vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, như: Vùng sản xuất rau chế biến, thuốc lá, chanh đào, hoa tươi, cây ăn quả có múi, nấm thực phẩm và nấm dược liệu, chăn nuôi gia súc-gia cầm, nuôi trồng thủy sản... Trước mắt, huyện chỉ đạo tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, năm 2017, huyện đã chỉ đạo xây dựng một mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo tiêu chuyển VietGap tại xã Quang Thịnh; hai mô hình sản xuất nấm tại xã Tiên Lục và xã Nghĩa Hưng; một mô hình trồng hoa tại xã Thái Đào. Ngoài ra, còn có ba mô hình trồng rau theo chương trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại ba hộ gia đình ở ba xã: Tiên Lục, Nghĩa Hòa và Đại Lâm.

Tất cả các mô hình trên đây, huyện đều có những cơ chế hỗ trợ về vốn, trang thiết bị, giống, phân, kỹ thuật... cụ thể đối với từng loại mô hình; phân công tập thể, cá nhân phụ trách triển khai thực hiện và xác định rõ lộ trình, thời gian, biện pháp cụ thể. Nhờ vậy, bước đầu các mô hình đều đã đạt được những kết quả khả quan. Chẳng hạn: Mô hình trồng rau an toàn của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tiên Tiến được xây dựng ở thôn Vàng, xã Tiên Lục với quy mô bước đầu là 2.000m2, đã hoàn thành và đi vào sản xuất, dự kiến lợi nhuận xấp xỉ 400 triệu đồng mỗi năm. Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của hộ gia đình ông Nguyễn Mạnh Thắng ở thôn Hạ (xã Nghĩa Hòa) với diện tích hơn 3.000m2 và hộ gia đình ông Nguyễn Công Thuật ở thôn Đại Giáp (xã Đại Lâm) với diện tích hơn 2.000m2, đến nay đã hoàn thành việc xây dựng nhà màng, lưới cắt nắng, hệ thống tưới phun tự động và bắt đầu đi vào sản xuất. Mô hình sản xuất rau hữu cơ trong nhà lưới tại thôn Quang Hiển (xã Quang Thịnh) rộng chục nghìn mét vuông với tổng chi phí 1,3 tỷ đồng, đi vào sản xuất từ tháng 3-2017 và đã hoàn thiện thủ tục liên kết tiêu thụ với Công ty Cung ứng G.O.C và một số cửa hàng rau sạch ở TP Bắc Giang và Hà Nội... Rồi mô hình sản xuất nấm thực phẩm ở hai xã Tiên Lục và Nghĩa Hưng. Địa lan, hoa cúc, hoa ly... của bà con nông dân Lạng Giang thời công nghệ cao, hương sắc chẳng kém gì hoa Đà Lạt và đã có mặt ở thị trường Hà Nội. Còn nấm Tiên Lục và Nghĩa Hưng được sản xuất trong phòng bảo ôn, được đóng gói bao bì bắt mắt, có mã vạch truy xuất hướng dẫn địa lý và đã có mặt trong hệ thống BigC miền Bắc. Trong tương lai, huyện còn hướng đến việc trồng nấm dược liệu nữa!

Câu chuyện về những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khiến tôi nôn nóng muốn được “mục sở thị” ngay. Anh Khôi bấm máy, giới thiệu cho tôi về xã Tiên Lục. Đây là xã thuần nông, nhưng thời đổi mới nông dân và nông thôn đã chuyển mình đáng kể. Hiện tại, toàn xã có gần 500 cơ sở và hộ gia đình sản xuất-kinh doanh quy mô nhỏ và vừa, cùng 5 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, tạo việc làm thường xuyên cho gần 2.000 lao động với thu nhập bình quân từ 4 triệu đồng đến 7 triệu đồng/tháng. Thời công nghiệp và đô thị hóa, nông dân Tiên Lục vẫn cần cù, chịu khó trên mảnh đất cha ông, nhiều người “ly nông” vẫn không ly hương, không để một tấc đất bỏ hoang. Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đến nay xã Tiên Lục đã hình thành các vùng chuyên canh rau sạch tổng cộng hơn hai chục héc-ta ở thôn Ngoèn, thôn Vàng và thôn Tây; đồng thời chỉ đạo tiếp tục mở rộng diện tích các cây ăn quả truyền thống như: Chanh đào, cam, bưởi... Đặc biệt, từ hiệu quả trồng nấm của các hộ gia đình trong xã, đầu năm 2017, được sự hỗ trợ của huyện, xã đã triển khai xây dựng một mô hình hình trồng nấm và rau an toàn tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tiên Tiến ở thôn Vàng...

Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Thịnh hăm hở dẫn chúng tôi về thôn Vàng. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tiên Tiến được hình thành từ một hộ gia đình sản xuất nấm mà cả hai vợ chồng đều là cựu chiến binh thời chống Mỹ. Ban đầu chỉ là kinh tế hộ gia đình, đến năm 2014, khi công việc làm ăn thuận lợi thì nâng cấp thành tổ hợp tác gồm 6 gia đình họ hàng cùng góp công, góp đất, góp vốn. Vợ chồng ông Trần Văn Phan và bà Đoàn Thị Cầu là những “lãnh đạo” chủ chốt của tổ hợp tác. Chồng là sĩ quan chỉ huy cao xạ nên luôn giữ tác phong “con nhà lính” trong điều hành công việc. Vợ vốn là nhân viên tài vụ trường sĩ quan phòng không nên giỏi hạch toán kinh doanh. Mô hình tổ hợp tác Tiên Tiến được sự khuyến khích, giúp đỡ của lãnh đạo địa phương và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Giang. Hằng năm hai ông bà “lãnh đạo” được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật ở huyện, tỉnh; được đi tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở trong Nam, ngoài Bắc, lên tận Đà Lạt, Lâm Đồng... Khi tổ hợp tác trở thành Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tiên Tiến, quy mô sản xuất được mở rộng với 4 phòng nuôi trồng nấm công nghệ cao, huyện đã hỗ trợ đầu tư cho một phòng máy lạnh 150 triệu đồng để bảo quản sản phẩm. Nấm sạch của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tiên Tiến được đóng gói quy chuẩn, bao bì có tem bảo đảm và mã vạch truy xuất, có thị trường tiêu thụ ổn định. Hai năm 2016-2017, cơ sở này đã sản xuất hơn 100 tấn nấm tươi các loại.

Phía sau khu nhà trồng nấm là khu nhà lưới 2.000m2 trồng rau cải và các loại rau gia vị, có hệ thống tưới phun tự động. Ông Trần Văn Phan cho biết: Đầu năm 2017, hợp tác xã đã quyết định đầu tư sản xuất rau hữu cơ với nguồn phân bón từ các nguyên liệu sau khi trồng nấm và phế phẩm thải loại từ nấm, vừa tiết kiệm vật tư, vừa bảo vệ môi trường. Lứa rau đầu tiên đã được thu hoạch hồi cuối tháng 11-2017, tuy chưa nhiều nhưng đã khẳng định một hướng phát triển sản xuất bền vững và hiệu quả của hợp tác xã...

Ngày cuối cùng ở Lạng Giang, tôi được đến tham quan cây Dã Hương, cây cổ thụ nổi tiếng không chỉ khắp trong Nam ngoài Bắc mà còn có tên, có ảnh trong nhiều tài liệu và bộ sưu tập quốc tế. Theo các nhà khoa học thì tuổi của cây đã trên nghìn năm. Trên thế giới chỉ có hai cây Dã Hương nghìn tuổi, nhưng một cây ở châu Phi đã chết nên đây là cây Dã Hương nghìn tuổi độc nhất vô nhị trên thế giới. Hiện nay thân cây xù xì, hang hốc, khoảng chục người dang tay mới ôm xuể, tán cây tỏa bóng một khoảng đất rộng chừng hai sào, ngọn cây cao ước chừng ngang nóc một tòa nhà 12 tầng... Ngọc phả làng ghi rằng, từ thời nhà Lê cây đã được sắc phong là “Quốc chúa Đô mộc Dã đại vương” và năm 1989 đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Nhân dân địa phương tôn kính gọi cây là “cụ” và xung quanh “cụ” có rất nhiều giai thoại tâm linh gắn với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Từ ngày Quốc lộ 1A được nâng cấp và nhất là từ khi xuất hiện trào lưu đi “phượt”, ngày nào cũng có dăm chục du khách và “phượt thủ” về đây chiêm ngưỡng. Một “tua” du lịch về Lạng Giang tham quan cây Dã Hương, các di tích võ công “bình Ngô” ở Xương Giang-Cần Trạm và căn cứ nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đã hình thành...

Chợt nghĩ: Rồi đây những trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lạng Giang cũng sẽ là những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách gần xa. Có thể lắm chứ, nhất là trong thời buổi vấn nạn ô nhiễm môi trường đang trở nên bức xúc ở các thành phố và khu công nghiệp. Và khi ấy, cùng với những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao thì du lịch sinh thái kết hợp tham quan các di tích lịch sử-văn hóa mà điểm nhấn là cây Dã Hương “Quốc chúa Đô mộc Dã đại vương” cũng sẽ là một thương hiệu của phủ Lạng Thương yêu dấu.

Bút ký của MAI NAM THẮNG