QĐND - Tôi có một ấn tượng khá đậm về ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn-tỉnh Quảng Ngãi, từ khi chưa biết mặt ông. Ấy là vì cái hôm ngồi với anh em Hải đội 201 thuộc Vùng Cảnh sát biển 2 đóng ngoài Núi Thành của tỉnh Quảng Nam, được nghe anh em kể về chuyến “giải cứu” hơn 660 người dân Lý Sơn bị mắc kẹt ở cảng Kỳ Hà-Quảng Ngãi chiều Tất niên của năm Ất Mùi vừa qua. Đó là số bà con huyện đảo Lý Sơn vì gặp sóng to gió lớn, không thể đi tàu khách trở ra đảo ăn Tết được. Trong số hơn 660 nạn nhân đủ nam, phụ, lão, ấu hôm đó, có cả vợ chồng ông Chủ tịch UBND huyện đảo. Bữa ăn chiều hôm ấy, ông bà Chủ tịch cũng lĩnh khẩu phần mỗi người một ổ bánh mì kèm một hộp sữa tươi Vinamilk và… ngồi bệt trên sàn tàu “dùng bữa” cùng mọi người…

Ông Thanh là Chủ tịch UBND huyện thì phải gần gũi quần chúng, phải chia ngọt sẻ bùi với bà con, nhất là trong lúc hoạn nạn, thì đã đành! Nhưng ông bắt quý phu nhân lên tàu cứu hộ, cũng “ba cùng” với bà con để ra đảo trong mưa gió làm chi, trong khi tư gia của ông bà ở trong đất liền? Và nữa, nghe nói theo lịch phân công trực Tết Bính Thân của lãnh đạo huyện thì năm nay, ông được đón Giao thừa với vợ con trong đất liền, đến sáng Mồng Hai Tết mới trở ra nhiệm sở?

Một góc đảo Lý Sơn.

Chia tay Vùng Cảnh sát biển 2, tôi mang theo mấy điều băn khoăn trên ra đảo Lý Sơn. Cũng là một dịp may, sáng hôm ấy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh đến dự Lễ khai mạc bầu cử Quốc hội Khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tại điểm bầu cử ở cơ quan Ban CHQS huyện. Không biết có phải tại vì tôi là phóng viên mặc quân phục, đeo sao, đội mũ hay không, mà khi tôi đặt vấn đề xin gặp gỡ ông vài mươi phút là được ông nhận lời ngay, mặc dù xe con đã đỗ chờ ông trước sân hội trường từ khi vang lên tràng vỗ tay kết thúc lễ khai mạc bầu cử. Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra tại phòng giao ban của Ban CHQS huyện. Tôi nêu luôn mấy điều thắc mắc trên đây và ông cũng trả lời luôn:

-  Không phải tôi “bắt” mà là bà ấy xin ra cùng ăn Tết ở đảo với tôi, thậm chí còn “năn nỉ” nữa ấy chớ! Tết vừa rồi, lần đầu tiên ở Lý Sơn có bắn pháo hoa tầm trung mà! Bà con mình ai ai cũng háo hức lắm. Bữa đó nếu không động biển, tàu khách phải neo trú thì chắc còn nhiều bà con trong đất liền ra Lý Sơn ăn Tết nữa. Còn tôi, thử hỏi chiều 30 Tết rồi mà anh em Cảnh sát biển quê hương ở khắp mọi miền vẫn còn dầm mưa đạp sóng đưa bà con quê mình trở ra đảo ăn Tết thì tôi ngồi ở nhà sao được?

Ông Thanh tâm sự: Tình nghĩa quân - dân, tình nghĩa đồng đội thì ở đâu cũng có, nhưng ở Lý Sơn hình như mang một màu sắc tâm linh, một đặc sắc văn hóa hòa quyện trong mọi hoạt động của đời sống cộng đồng, rất riêng mà cũng rất chung. Ví như chuyện du lịch ở Lý Sơn chẳng hạn. Ở đây cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, sản phẩm du lịch còn “thô sơ”, chất lượng dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế… Thế mà mấy năm gần đây, số lượng khách du lịch đến Lý Sơn tăng ngày mỗi nhiều, từ gần 30.000 khách năm 2012 đến năm 2015 đã có hơn 100.000 khách. Năm nay, mới 4 tháng đầu năm mà đã đạt 60.000 khách ra đảo. Ấy là bởi du khách ra với Lý Sơn bằng tấm tình của những con dân đất Việt hơn là nhu cầu khám phá, thụ hưởng của du khách thông thường. Ra với Lý Sơn là đến với hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, nơi gần gũi, gắn bó nhất với Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu…

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức tháng 3 hằng năm ở Lý Sơn.

Tình đồng đội, nghĩa đồng bào ở huyện đảo Lý Sơn cũng có những nét riêng rất… Lý Sơn. Như chuyện bộ đội giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới chẳng hạn, cũng có những cách làm rất thiết thực và độc đáo. Nói riêng ở lực lượng vũ trang địa phương, ngoài việc trích quỹ tăng gia, vốn tự có và sự ủng hộ tự nguyện một phần tiền lương của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thường trực, mấy năm nay, quân dự bị động viên và cán bộ quân sự xã còn có sáng kiến mỗi tháng lên Ban CHQS huyện nhận phụ cấp thì trích lại 10.000 đồng góp vào Quỹ “xóa đói giảm nghèo” của lực lượng vũ trang huyện. Riêng số tiền này mỗi năm đủ mua giúp cho một hộ nghèo một chiếc thúng câu và một tấm lưới để làm ăn. Đó là “giúp cần câu” thiết thực, đúng theo nghĩa đen hẳn hoi. Hoặc như ngoài 5 hộ nghèo đặc biệt khó khăn đang được Ban CHQS huyện trực tiếp đỡ đầu hằng tháng 30 cân gạo mỗi hộ, còn có một trường hợp rất đặc biệt: Bà Dương Thị Nhượng, 63 tuổi, ở xã An Hải, là người tàn tật độc thân, hằng ngày được hưởng 2 bữa cơm từ bếp ăn tập thể của Ban CHQS huyện. Đã mấy năm nay, cứ đến bữa là lại có một chiến sĩ đạp xe mang phần cơm đến tận nhà bà. Riêng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Phẩm, 92 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, thì hằng tháng, Ban CHQS huyện cử nhân viên y tế đến kiểm tra sức khỏe định kỳ cho mẹ, nếu phải lên tuyến trên điều trị thì có chiến sĩ đi theo giúp đỡ. Ngày giỗ 2 liệt sĩ (chồng và con trai của mẹ), anh em đến lo chợ búa, nấu nướng, sắp cỗ… đầm ấm, thân thiết như con cháu trong nhà…

Còn rất nhiều những câu chuyện “dân vận khéo” thiết thực và ân tình của bộ đội Lý Sơn mà tôi được nghe chính bà con nơi đây kể lại. Ông Trương Minh Tùng là thương binh chống Mỹ, cứu nước, vợ ốm đau bệnh tật kinh niên, người con duy nhất của ông bà phải mưu sinh xa quê, là 1 trong 6 đối tượng chính sách vừa được Ban CHQS huyện phối hợp với Hội Cựu chiến  binh huyện và Liên đoàn Lao động địa phương xây tặng một ngôi “Nhà đồng đội”. Ông nói rằng niềm vui của gia đình hôm nhận nhà mới với tình cảm của ông bà khi nhận chiếc bánh chưng mỗi chiều 30 Tết là lớn như nhau; bởi có chứng kiến cảnh ngày cuối năm anh em bộ đội tất bật, tíu tít rửa lá, ngâm gạo, gói bánh… rồi luộc bánh tưng bừng giữa sân cơ quan để kịp phát cho trên dưới 100 hộ gia đình khó khăn trong huyện trước giờ cúng Tất niên của mỗi nhà, mới thấy hết ý nghĩa chiếc bánh chưng của đồng chí, đồng đội mình trao tặng…

Ngoài những đối tượng chính sách như gia đình ông Trương Minh Tùng trên đây, ở Lý Sơn còn có những đồng đội là cựu chiến binh, quân nhân xuất ngũ không thuộc diện được hưởng chính sách “Nhà đồng đội”, nhưng gia đình cũng rất khó khăn, cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Với các đối tượng này, Ban CHQS huyện đã có sáng kiến đề nghị xây dựng một Quỹ “nghĩa tình đồng đội” khá đặc biệt: Được sự nhất trí của Thường vụ Huyện ủy và Thường trực UBND huyện, năm ngoái, Ban CHQS huyện đã vận động cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang đang đóng trên huyện nhà và con em huyện nhà đang làm ăn thành đạt trên mọi miền đất nước chung tay xây “Nhà nghĩa tình đồng đội” cho những đối tượng đặc biệt khó khăn. Rất nhiều cán bộ các ngành đang tại chức trong các cơ quan huyện đã tiên phong hưởng ứng. Kết quả đợt đầu gây quỹ được 120 triệu đồng. Hai đối tượng được bình xét xây nhà đợt đầu là ông Trương Thừa ở thôn Tây, xã An Vĩnh và ông Trương Đình Lắm ở xã An Hải, mỗi nhà trị giá 50 triệu đồng; số tiền còn lại sẽ hỗ trợ mỗi nhà một số dụng cụ nhà bếp.

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lý Sơn tham gia bầu cử Quốc hội Khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Đức Nghĩa

Thượng tá Nguyễn Thành Định, Chính trị viên Ban CHQS huyện Lý Sơn, kể rằng: Ban đầu, trong lãnh đạo và chỉ huy cũng có chút “lăn tăn” về phương thức huy động gây quỹ trên đây. Nhưng cái tâm mình sáng, cái tình mình thật, việc thu chi minh bạch, đối tượng được bình xét dân chủ công khai… nên chủ trương được đồng tình, hưởng ứng cao. Qua đợt đầu này, đơn vị phấn đấu đến năm 2017 sẽ xây tiếp 2 nhà nữa…

Vẫn là nhận xét của ông Chủ tịch huyện: Lực lượng vũ trang huyện đã đảm nhiệm việc gì là lãnh đạo huyện hết sức yên tâm. Tỉ như việc thực hiện dự án trồng rừng phòng hộ và xây dựng cảnh quan huyện đảo, theo gợi ý của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong dịp đồng chí ra thăm và làm việc với huyện Lý Sơn năm 2010. Đến nay, ai cũng thừa nhận chỗ nào cây cối tươi tốt nhất chính là “cây bộ đội”. Những hàng lát hoa, bàng phễu… tỏa bóng hai bên những con đường ven đảo cũng là của bộ đội cả đấy! Còn bà con ngư dân Lý Sơn thì nói rằng: Dù nhiều lần bị khiêu khích, hành hung, cướp phá… nhưng bà con vẫn không rời bỏ ngư trường truyền thống của mình, bởi phía sau đã có tàu, thuyền của các lực lượng chức năng sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ họ…

Có một câu chuyện vừa như giai thoại, vừa như sự tích về địa lý hành chính của Lý Sơn ngày nay. Chuyện rằng: Vào khoảng đầu thế kỷ 17, có 8 người dân xã An Hải thuộc huyện Bình Châu, ra khai khẩn vùng đất phía đông của đảo Lý Sơn, lập thành một quần cư chuyên về trồng trọt. Họ mang theo tên xã trong đất liền ra đặt cho làng mới trên đảo. Cùng thời gian ấy cũng có 7 người dân xã An Vĩnh (Bình Châu) ra khai khẩn vùng đất phía tây, lập làng ngư nghiệp. Khi đã hình thành làng xã thì phải phân chia địa giới quản lý. Hai bên bèn tổ chức một cuộc chèo đua, xuất phát từ dinh Tam Tòa ngày nay, bên nào thắng thì được phần đất rộng lớn hơn. Dân An Hải làm ruộng nên chèo chậm, nhưng lại đa mưu, chèo đến một khúc khuất họ vác xuồng lên bờ chạy tắt. Chạy đến mỏm Đá Hai họ đẩy xuồng xuống nước giả vờ chèo và ngoái cổ… chờ dân An Vĩnh chèo lên. Phần thắng thuộc về An Hải nhưng những người “thắng cuộc” lại áy náy, ân hận khi thấy dân An Vĩnh thua thiệt một cách oan ức, bèn nhường lại cho những người “thua cuộc” một số khu vực để trồng hành, trồng tỏi, phụ giúp thêm cái nghề chài lưới bấp bênh. Trong phần đất “biếu lại” ấy có Hòn Bé, nay trở thành một quần cư sầm uất, gọi là xã An Bình…

Giai thoại (hay sự tích?) trên đây có nhiều cách hiểu, nhưng bao trùm vẫn là cái tình, cái nghĩa của của cư dân Lý Sơn đối xử với nhau. Sống giữa vời vợi trùng khơi cách xa Đất Mẹ, tình đồng loại, nghĩa đồng bào là nhu cầu khách quan và điều kiện cần thiết để tồn tại và mưu sinh; cao cả và thiêng liêng hơn nữa là để thực hành phận sự con dân với cương vực cõi bờ của đất nước. Một phần trách nhiệm ấy là những di sản vật thể đang hiện hữu trên huyện đảo hôm nay; tiêu biểu là những đền, miếu, tượng đài, phần mộ… liên quan đến các thế hệ những hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa từ mấy trăm năm trước. Và nữa, họ hiện hữu trường tồn cùng những di sản văn hóa phi vật thể, trong những câu ca về những chuyến ra đi “Hoàng Sa mây nước trùng trùng…”, những bài hát bá trạo cầu hồn, những điệu hò đưa linh, những lễ khao lề thế…

Quả thật, hiếm có ở đâu như ở Lý Sơn, dấu ấn “nhà binh” trong không gian thực địa và trong tâm tưởng cộng đồng lại dày đặc và sâu đậm đến thế. Đó là di sản văn hóa đặc biệt, để những thế hệ đồng chí, đồng bào hôm nay tiếp nhận và tôn vinh những giá trị văn hóa hữu hình và vô hình ấy mà làm giàu có, phong phú, sinh động hơn tình nghĩa quân - dân và tinh thần đồng đội trên hòn đảo tiền tiêu…
Bút ký của MAI NAM THẮNG