Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trường Sơn là nơi trung chuyển người, hàng hóa, xăng dầu, binh khí kỹ thuật... từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Tính đến khi miền Nam được giải phóng, đã có hàng triệu lượt người cùng lượng hàng hóa lớn vượt Trường Sơn vào Nam phục vụ sự nghiệp đánh Mỹ, ngụy. Trên tuyến lửa này có hàng vạn lượt người làm các nhiệm vụ khác nhau. Họ là dân công hỏa tuyến, TNXP, bộ đội địa phương, lực lượng của các binh trạm thuộc Đoàn 559-sau này là Bộ tư lệnh Trường Sơn, cùng nhiều lực lượng khác.

Góp mặt với lực lượng ấy còn có sự hiện diện của nhiều văn nghệ sĩ và đội ngũ văn công các đoàn nghệ thuật. Từ trong bom đạn và khói lửa chiến tranh ác liệt, gian khổ, các văn nghệ sĩ đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, sân khấu... ca ngợi cuộc chiến đấu trường kỳ, ca ngợi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cũng từ trong gian khổ ác liệt và nhiều mất mát, hy sinh ở Trường Sơn đã sản sinh ra những văn nghệ sĩ nổi tiếng sau này. Những tác phẩm ấy đã đóng góp, làm phong phú, rực rỡ dòng văn học nghệ thuật cách mạng nói chung và làm nên diện mạo văn học nghệ thuật chống Mỹ còn mãi với thời gian.

Đến nay, những tác phẩm ấy vẫn được công chúng đón nhận nhiệt thành, trong đó có nhiều tác phẩm về Trường Sơn trở thành niềm cảm Sự sáng tạo, kiên cường và anh hùng của Bộ đội Trường Sơn trong chiến tranh đã được lịch sử ghi nhận. Đó không chỉ là những tuyến đường bộ trục dọc, trục ngang có tổng chiều dài hơn 20.000km vượt qua núi cao, vực sâu với hàng chục trọng điểm bị đánh phá ác liệt chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới; mà đó còn là tuyến đường ống xăng dầu vượt qua đèo cao, vực sâu dài hàng trăm ki-lô-mét cùng những bến phà, đoạn ngầm, khúc cua... Dù sống, chiến đấu trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về vật chất, dù đứng trước cái sống và cái chết cận kề, song tinh thần dũng cảm, lạc quan, yêu đời và niềm tin chiến thắng, cùng phương châm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, “Sống bám xe, bám đường.

Chết kiên cường dũng cảm” đã giúp “người Trường Sơn” trụ vững. Tại đây, từ trong bom đạn khốc liệt, đã xuất hiện một mặt trận mới-mặt trận tư tưởng-văn hóa. Những tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời ở đây được ví như món ăn tinh thần thường trực và trở thành những viên ngọc bích lấp lánh; trong đó, “đỉnh cao” và phổ biến rộng rãi nhất, được công chúng nhiều thế hệ mến mộ nhất vẫn là văn xuôi, thơ, nhạc.

Người đã góp công lớn để ngọc bích Trường Sơn tỏa sáng là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Khi nói đến Trường Sơn là người người lại nhắc đến Phạm Tiến Duật. Ông được ca tụng là “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, “cây săng lẻ của rừng già”, “nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ” và “ngọn lửa đèn” của một thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ.

Thơ của Phạm Tiến Duật từng được đánh giá “có sức mạnh của cả một sư đoàn” vì giàu cảm xúc, giàu nhạc điệu, giàu hình ảnh, dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc và nói hộ cái tâm hồn, ý chí chung của “người Trường Sơn”. Nhiều tác phẩm thơ của ông được chuyển thể thành nhạc phẩm ăn sâu vào trái tim, tâm hồn các thế hệ người Việt Nam. Đến nay, mỗi khi ngâm ngợi “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” hay “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Gửi em, cô thanh niên xung phong”, “Nghe em hát trong rừng”... của ông, người đọc lại nhớ về Trường Sơn thời lửa đạn, hào hùng mà sục sôi nhiệt huyết cách mạng.

Cùng với Phạm Tiến Duật còn có các nhà thơ khác, như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Khải, Xuân Sách, Phạm Ngọc Cảnh, Ngô Văn Phú... Họ đã sống, viết về Trường Sơn với tất cả cảm xúc, nghị lực và tấm lòng cùng tình yêu quê hương, đất nước. Những tác phẩm thơ của họ mang hơi thở, tình cảm, ý chí, phẩm giá của người lính trên đại ngàn Trường Sơn huyền thoại, khiến người đọc khó có thể không hòa chung nhịp đập trái tim.

Với thế mạnh dễ đi vào tâm khảm, âm nhạc đã làm cho ngọc bích Trường Sơn lấp lánh hơn với những nhạc sĩ tiêu biểu, như: Huy Du, Huy Thục, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Tân Huyền, Hoàng Hiệp, Trần Chung, Nguyên Nhung.... Cho đến hôm nay, những bài hát “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (thơ Phạm Tiến Duật, nhạc Hoàng Hiệp) cùng với các bài hát “Lá đỏ” (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Nguyễn Đình Thi), “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (nhạc Trần Chung, thơ Nguyễn Trung Thu), “Bài ca Trường Sơn” (nhạc Trần Chung, thơ Gia Dũng)... vẫn là những bài ca về Trường Sơn hay nhất, sống mãi với thời gian.

Một trong những người thành công và được nhiều thế hệ khán-thính giả, đặc biệt được người lính yêu thích là nhạc sĩ Vũ Trọng Hối. Ông được ví như cha đẻ của “quân ca Trường Sơn”.

leftcenterrightdel

Minh họa Ngọc bích của đại ngàn Trường Sơn: PHẠM HÀ 

Sau quá trình thâm nhập tuyến lửa, đầu xuân 1966, Vũ Trọng Hối sáng tác bài “Đường tôi đi dài theo đất nước” với những ca từ nhẹ nhàng mà sâu lắng: “Đời giao liên bước tôi đi dài theo, theo đất nước/ Đường tôi đi núi chênh vênh, có mây bay dưới chân giăng thành/ Đời tôi như những con thoi, dệt tình yêu quê hương thống nhất/ Đời tôi như cánh chim bay, cánh chim bay suốt dãy Trường Sơn...”.

Tiếp đó, ông cho ra đời bản hành khúc “Bước chân trên dải Trường Sơn” với những ca từ trong sáng, hừng hực lửa cách mạng: “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/ Đá mòn mà đôi gót không mòn/ Ta đi nhằm phương Nam gió ngàn đưa chân ta về quê hương...”. Sau hai tác phẩm âm nhạc đỉnh cao, nhạc sĩ Vũ Trọng Hối còn cho ra đời hai tác phẩm “Niềm vui anh quân bưu” và “Cô gái sông Ninh” vui nhộn, hài hước, giàu chất lính. Trong một bài viết, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha từng đánh giá, Vũ Trọng Hối thực sự là một nhạc sĩ của người lính Trường Sơn có những giai điệu độc đáo vào loại bậc nhất thời chống Mỹ.

Góp mặt, tạo nên ngọc bích Trường Sơn đầy kiêu hãnh và tự hào là dòng văn xuôi với những tên tuổi đã đi vào nền văn học nghệ thuật nước nhà, trong đó có những “tượng đài” sừng sững, như: Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Phạm Hoa...

Trong dòng văn xuôi Trường Sơn thời kỳ này không thể không nhắc đến Nguyễn Minh Châu với nhiều tác phẩm để đời như: “Dấu chân người lính”, “Cửa sông”, “Cỏ lau”, “Lửa từ những ngôi nhà”, “Mảnh trăng cuối rừng”... đã đạt đến những chuẩn mực trong sáng tạo hình tượng dưới nhiều góc độ. Trong bài “Nhớ Nguyễn Minh Châu”, nhà văn Phùng Văn Khai hiện là Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội đã tuôn những dòng chữ đầy cảm xúc: “Bây giờ, vẫn còn rất nhiều, rất nhiều cô cậu sinh viên mê văn chương Nguyễn Minh Châu. Trong số những gương mặt trẻ trung trên giảng đường đại học hôm nay, ai là Nguyệt, là Lãm, là Hằng của hôm qua? Ánh trăng xanh của ông đã rọi xuống bao nhiêu năm và sẽ tỏa sáng bao nhiêu năm nữa trên các trang sách trong những mái đầu xanh mát. Nghệ thuật văn xuôi Nguyễn Minh Châu là thứ nghệ thuật cần thiết của đời sống...”.

Một trong những nhà văn Trường Sơn mà tôi yêu mến là Đại tá Phạm Hoa, nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) và là một trong những người khởi xướng Dự án "Công viên đồi hoa trắng" của Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh sau này. Ông đến với viết văn sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của một chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Các tác phẩm của nhà văn Phạm Hoa viết về lính Trường Sơn khiến người đọc nhớ mãi bởi sự dung dị đọng đầy cốt cách, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Trong các tác phẩm mà nhà văn Phạm Hoa đã xuất bản, tôi đặc biệt ấn tượng với tập truyện ngắn xuất bản năm 1986, có tên “Đừng quên mùa hoa săng lẻ”. Vì trong tác phẩm này, Phạm Hoa đã làm rõ chất lính Trường Sơn qua các nhân vật điển hình cả trong chiến tranh và hậu chiến một cách riêng cùng chất văn mang cốt cách con người ông được thử thách và rèn luyện trên tuyến lửa.

Ngày nay, cho dù cuộc chiến ở tuyến lửa Trường Sơn đã lùi vào dĩ vãng gần nửa thế kỷ, nhưng những tác phẩm văn học nghệ thuật, những viên ngọc bích về đại ngàn huyền thoại Trường Sơn vẫn tỏa sáng, lấp lánh và là tài sản quý đóng góp xứng đáng vào nền văn hóa Việt Nam đương đại.

MẠNH THẮNG