Con người, như chúng ta đều biết, là một sinh vật mang tính xã hội. Và vì thế, ở bất cứ lứa tuổi nào, cảnh ngộ nào, con người cũng có nhu cầu giao tiếp, cộng hưởng, can dự vào tâm thức chung của xã hội. Nhìn từ góc độ đó, trong giai đoạn hiện nay, đại đa số những người về hưu cũng như những người đang ở độ tuổi làm việc đều thích lên mạng không chỉ để tìm kiếm những thông tin cần thiết mà còn để tham gia các diễn đàn xã hội. Thực tế cho thấy, số lượng người về hưu lên mạng tìm kiếm thông tin và tham gia các diễn đàn, mạng xã hội đang ngày một nhiều thêm, với nội dung ngày càng phong phú, thú vị và cũng phức tạp hơn...
Tại nhiều nước trên thế giới, việc khuyến khích người đứng tuổi truy cập internet và các diễn đàn xã hội được coi là một trong những trọng tâm của các dự án công. Ở phương Tây, những người lớn tuổi, trong đó đa phần là người về hưu, được coi là đội ngũ khách hàng tích cực và gia tăng mạnh nhất của internet. Chính quyền triển khai rất nhiều dự án để tạo thêm điều kiện cho những người lớn tuổi tiếp cận với internet. Đi đầu trong những hoạt động này là Cộng hòa Liên bang Đức, với tỷ lệ người sử dụng internet từ 50 tuổi trở lên chiếm tới 50%. Tại Israel, tỷ lệ này là 45%, tại Hà Lan là 25%, còn tại Mỹ là 43%... Chính quyền Australia đã triển khai dự án Telstra–Tech Savvy Seniors Program-một dự án online bao gồm một số lớp và giai đoạn truyền bá các kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh. Mục tiêu chương trình quốc gia “Be Connected” của nước này là nhằm bảo đảm cho từng công dân Australia có cơ hội tiếp cận với internet. Bưu điện Australia và Hiệp hội Các câu lạc bộ máy tính Australia dành cho những người lớn tuổi (Australian Seniors Computer Clubs Association) cũng triển khai chương trình tương tự... Nước Nga trong những năm gần đây cũng đã bắt đầu quan tâm tới vấn đề này. Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội Những người về hưu Nga, hiện chỉ có khoảng 15% số người Nga lớn tuổi có kỹ năng làm việc với máy tính. Hơn 2,3 triệu người Nga lớn tuổi có nguyện vọng được học cách sử dụng máy tính và các dịch vụ trên mạng. Chính quyền Nga đang triển khai một chương trình cấp liên bang nhằm đào tạo mỗi năm khoảng 50 nghìn người tiếp cận với internet...
 |
Minh họa: ANH KHOA. |
Ở Việt Nam hiện chưa có con số thống kê cụ thể số lượng người đã nghỉ hưu là bạn thường xuyên của internet cũng như các diễn đàn xã hội. Và hình như chúng ta cũng chưa triển khai những dự án riêng nhằm vào đối tượng này. Tuy nhiên, xét theo thực tế, tỷ lệ người lớn tuổi, đặc biệt là đội ngũ những người về hưu, sử dụng internet với các mục đích khác nhau đang ngày một lớn. Internet đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của nhiều tầng lớp người dân ở các độ tuổi khác nhau và đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của những người đã nghỉ hưu.
Nhìn trên góc độ xã hội, đối với không ít người về hưu sử dụng internet, các diễn đàn trên mạng, đặc biệt là Facebook, đã trở thành địa điểm chính để kết nối tâm trạng và suy tư với phần thế giới còn lại. Nhiều người về hưu giãi bày trên các diễn đàn xã hội để bộc lộ rõ hơn chân dung cũng như tâm trạng của mình giữa những ngổn ngang của cuộc sống hôm nay...
Có những người về hưu tham gia mạng xã hội như một sự tiếp nối những gì họ vẫn làm khi còn công tác. Vẫn những mối quan hệ và những mối quan tâm như thế, với nhãn quan không thay đổi. Có điều, khi đã nghỉ hưu rồi, có thêm thời gian để quan sát chung quanh, để suy ngẫm, những gì mà họ thể hiện trong các giao lưu trên mạng có phần sâu sắc hơn, thể tất nhân tình thế thái hơn... Điều kiện xã hội mới cũng giúp họ thể hiện bản thân một cách rộng rãi và đa diện hơn, nhưng họ không hề lạm dụng điều này để thay đổi những đánh giá đã được xác định, họ không đổi trắng thay đen... Và họ cũng nhìn lại những sự kiện mà họ cho là quan trọng trong quá khứ một cách chuẩn mực hơn, nhân văn hơn, bớt những gay gắt không đáng có. Họ cũng biết cách tiếp nhận những sự kiện mới trong đời sống một cách cởi mở, khoan hòa, không định kiến... Không ai bó buộc họ nhưng họ không bao giờ quá đà trong cách nhìn nhận và suy tưởng, không đưa ra những kết luận mang tính cực đoan hay quy chụp... Trang Facebook của những người này thường tỏa ánh sáng của sự tử tế và lạc quan, rất có giá trị an ủi, trấn tĩnh, động viên một xã hội đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề không dễ dàng như chúng ta hiện nay...
Có những người về hưu tham gia mạng xã hội như một trò giải trí, kéo mình lại gần với thiên nhiên xung quanh, cố tình tránh xa mọi vấn đề gay gắt trong xã hội. Dường như họ đã quá mệt mỏi vì những bổn phận khi còn công tác nên khi đã “rửa tay gác kiếm”, họ cố gắng tìm niềm vui trong những gì tự nhiên nhất mà trước đây họ đã không có thời gian để mắt tới... Họ hay đăng lên những hình ảnh vui tươi và xúc động từ quá khứ tràn đầy những sự kiện tốt đẹp của mình; những tấm ảnh hoa lúc nở lúc tàn, những danh lam thắng cảnh mà họ mới có dịp tới thăm... Họ kể lại những câu chuyện ngụ ngôn mang tính cổ học tinh hoa... Những người này không phải không ưu thời mẫn thế nhưng họ bộc lộ các quan điểm xã hội của mình một cách kín đáo và tinh tế, ý tại ngôn ngoại... Họ tránh những cuộc tranh luận gay gắt trực diện dễ làm tổn thương bất cứ ai không may liên đới...
Cũng có những người khi về hưu rồi thì xuất hiện trên các diễn đàn xã hội và đặc biệt là Facebook cá nhân với một phong thái khác trước nhiều. Họ thay đổi giọng nói và cách nhìn. Có cảm giác khi còn công tác, họ đã sống không đúng với thực chất mà chỉ chiều theo hoàn cảnh để tồn tại và duy lợi nên khi rời ra làm người hưu trí, họ mới bộc lộ tất cả những gì là thực tâm của mình. Ngay cả khi nhìn về quá khứ, họ cũng chỉ đưa ra những chi tiết mang tính biện minh cho cá nhân họ và phủ nhận tất cả những gì không làm họ vừa ý... Họ hay đòi hỏi ở những người đương chức những việc làm mà khi còn công tác, chính họ đã không thực hiện được... Đó có thể xem là biểu hiện “tự diễn biến” của một bộ phận có lẽ cũng không nhỏ các cựu cán bộ đứng tuổi, những người đã nghỉ hưu...
Internet tạo ra thế giới ảo nhưng lại giúp nhìn nhận rất thật chân dung của những người sử dụng nó, đặc biệt là trên các diễn đàn xã hội. Cẩn trọng và trung thực, đó có lẽ là yêu cầu trước tiên cần thiết đối với mọi người trong những cuộc chơi ở thế giới ảo, đặc biệt là những người đứng tuổi, những người về hưu. Bởi hơn hết với họ, thời gian thật cho cuộc sống không dài, một lời thốt ra trên mạng “tứ mã nan truy”, thời gian để sửa chữa những sai lầm chí tử cũng không bao giờ là còn nhiều cả...
THÁI HOÀNG ANH