Người phụ nữ hốt hoảng lùa theo, nhanh tay túm được sợi dây thừng kéo ghì nó lại rồi đứng thở hổn hển. Trong làn gió bụi, chợt ngoài cổng xuất hiện một người lính vai đeo ba lô đi vào. Người phụ nữ vui sướng reo lên:

- Ôi, anh đã về! - Nói rồi, chị ném sợi dây thừng xuống đất, lao nhanh ra phía cổng.

Người lính đứng khựng lại ngơ ngác. Còn người phụ nữ ngỡ ngàng nhận ra người đàn ông đang đứng trước mặt không phải là chồng mình.

- Kìa Xoan, tôi là Hùng, người cùng đơn vị anh Nam đây mà.

- Ôi, thế mà em cứ tưởng nhà em về. - Xoan nói giọng mếu máo.

- Thôi Xoan cứ bình tĩnh, ta vào nhà rồi nói chuyện. - Hùng nói cố giấu đi vẻ lúng túng.

Hùng bước theo sau người phụ nữ vào nhà. Đặt chiếc ba lô xuống ghế, quay sang hỏi vợ bạn:

- Thế bà cụ đi đâu mà có mình Xoan ở nhà vậy?

- Mẹ em mất được một tháng nay rồi anh ạ. Bà mất do đột qụy trong lúc em đang ngoài đồng. Hôm bà mất, em cũng không kịp báo tin cho nhà em.

- Trời! Vậy mà bọn anh không hề biết. Thôi để anh vào thắp cho cụ nén hương.

Xoan đến bên bàn thờ, thắp một nén nhang cắm vào bát hương rồi cùng Hùng chắp tay vái, lạy mẹ.

Lúc này, Hùng mới để mắt đến vợ Nam, cô trạc tuổi hai mươi ba, khuôn trăng đầy đặn, cặp mắt buồn xa xăm toát lên vẻ đẹp thánh thiện.

- Vậy Xoan ở có một mình thôi sao?

- Em ở với bà thím.

Rồi như một sự kìm nén lâu ngày giờ mới gặp được người để hỏi, cô quay ngoắt người lại:

- Anh Hùng này, anh Nam nhà em không hiểu có chuyện chi mà từ ngày nhập ngũ đến giờ chưa một lần về thăm nhà, thư từ cũng rất ít. Anh nói thật với em đi, có đúng nhà em gặp điều gì chẳng lành hay không?

Thấy Hùng im lặng, Xoan nghĩ, liệu có điều gì bất ổn hay không mà anh ấy có vẻ giấu mình? Không gặng hỏi thêm, Xoan lặng lẽ đi xuống bếp. Đến giờ, Hùng mới có thời gian quan sát kỹ ngôi nhà đồng đội. Căn nhà cấp bốn thoáng rộng, trên góc tường, ngọn đèn điện neon mờ tối không đủ chiếu sáng cho căn phòng, nhưng cũng đủ cho Hùng nhận ra ngôi nhà lạnh lẽo vốn thiếu hơi ấm đàn ông. Giữa nhà kê bộ ghế sofa cũ mèm và cái tủ ba ngăn, bên trong đặt trang trọng một tấm huân chương kháng chiến màu ố vàng cùng di ảnh người cha quá cố. Trên tường treo một tấm ảnh đen trắng chụp ngày cưới vợ chồng Nam, cô dâu chú rể cười rất tươi.

Một lúc sau, từ dưới bếp, Xoan bê lên mâm cơm nhìn rất tươm tất. Một đĩa cá chiên vàng, tô canh chua thơm phức, bát cà pháo và đĩa đậu phụ luộc. Xoan đến bên bàn thờ lấy chai rượu đế vừa thắp hương rót đầy chén, đon đả mời:

- Anh ăn cơm đi cho nóng. Có cá tẩm bột chiên giòn nhắm với rượu ngon đấy. Ngày còn ở nhà, chồng em thích món cá chiên chấm muối tiêu chanh ớt lắm anh ạ.

Tối hôm đó cơm nước xong, Hùng ngồi đối diện, chậm rãi kể cho Xoan và bà thím nghe về chuyện của Nam: Năm 1972, sau khóa huấn luyện, Nam được điều về làm tiểu đội trưởng thuộc Trung đội Tên lửa A72. Một lần, tiểu đội do Nam phụ trách gồm Hùng và một chiến sĩ nữa có nhiệm vụ vào điểm phục kích đón lõng máy bay địch. Sau gần một giờ chờ đợi, một tốp trực thăng địch xuất hiện quần đảo nhiều vòng để chuẩn bị đổ quân. Nam đưa mắt ra hiệu cho Hùng và chiến sĩ trẻ căn chỉnh cự ly chính xác rồi bóp cò. Chiếc trực thăng địch trúng đạn nổ tung. Tuy nhiên, bọn địch trên số trực thăng còn lại cũng phát hiện được vị trí của tổ phục kích. Chúng quây lại phóng rốc két và không may, Nam dính mảnh đạn, đổ gục. Từ phía sau, Hùng lao tới xé áo băng bó vết thương cho Nam:

- Nam ơi, cố lên, mày phải sống, ngày toàn thắng đang đến gần, mẹ và vợ đang chờ mày ở nhà.

Lúc này, khuôn mặt Nam đau đớn tái nhợt, vết thương giữa bụng tuy được băng bó nhưng vẫn rỉ máu. Một lúc sau, Nam nói giọng yếu ớt:

- Tao chắc không qua khỏi, ­mày cầm cuốn nhật ký trong ba lô về đưa cho vợ tao. Trước đó tao có linh tính về sự ra đi bất cứ lúc nào nên đã viết di nguyện cho cô ấy. Còn việc này nữa, nếu còn sống, mày hứa sẽ thay tao chăm sóc cho cô ấy và mẹ được không?

Câu chuyện là vậy. Sau ngày đất nước thống nhất, đơn vị cho Hùng nghỉ phép về thăm gia đình, giờ anh đến trao cho Xoan kỷ vật mà Nam gửi về.

Cầm cuốn nhật ký của chồng trên tay, Xoan chết lặng đi hồi lâu rồi òa lên khóc nức nở. Nước mắt Xoan nhòa đi, sau khi đọc di nguyện của chồng: “Em thân yêu, khi em nhận được cuốn nhật ký, rất có thể anh không còn trên cõi đời này nữa. Chúng mình cưới rồi ở bên nhau chẳng được bao lâu, sau đó anh ra đi biền biệt cho đến tận bây giờ. Chiến tranh đang ở giai đoạn khốc liệt, người lính như các anh nay sống mai chết. Hãy nghe anh, người mang cuốn nhật ký này về sẽ thay anh chăm sóc cho em. Vĩnh biệt em!”.

Đọc những lời trăng trối của Nam mà lòng Xoan đau quặn thắt. Từ giờ phút này, Xoan vĩnh viễn mất đi người chồng mà bấy lâu nay cô hết lòng thương yêu. Đành rằng chiến tranh, hy sinh mất mát là lẽ thường tình, nhưng sự ra đi đột ngột của Nam khiến cô thấy hụt hẫng. Cô nhớ lại những ngày bên chồng tuy rất ngắn ngủi nhưng đã để lại trong cô những tình cảm sâu đậm. Nam là mẫu đàn ông lý tưởng, học giỏi, thông minh, lại hiếu thuận với cha mẹ và yêu vợ hết mực. Tiếc rằng những ngày hạnh phúc bên Xoan, Nam lại không thể cho cô một đứa con. Giờ nghĩ lại, cô càng thấy đau xót và thương anh vô hạn.

leftcenterrightdel
 Minh họa: THÁI AN

Đêm hôm đó, trên chiếc giường rẻ quạt trong buồng, bà thím nằm một góc, chăn trùm kín đầu ngáy rọt rẹt phì phò, còn Xoan nằm nghiêng quay mặt ra ngoài sầu muộn. Trên tấm phản gỗ ngoài kia, Hùng nằm nhìn trân trân lên trần nhà trằn trọc khó ngủ, hình ảnh chiến trường mồn một hiện về trong ký ức...

Tờ mờ sáng hôm sau, khi con gà trống sau nhà cất tiếng gáy cũng là lúc Xoan giật mình tỉnh giấc. Nhìn ra ngoài không thấy Hùng đâu, không kịp xỏ dép, cô lật đật chạy ra thì thấy trên bàn một mảnh giấy với dòng chữ viết vội: “Anh phải về đơn vị gấp, Xoan ở lại mạnh khỏe. Sau này, nếu còn cơ hội nhất định anh sẽ trở về gặp em. Anh Trần Hùng”.

*  *  *

Cũng vào một chiều hè, Xoan vừa đi làm đồng về đang ngồi nghỉ bên bậu cửa thì bất ngờ từ ngoài cổng, Hùng đột ngột trở về. Xoan mừng rỡ chạy ra nói không thành tiếng: "Ôi, anh Hùng đã về!". Rồi cô ôm mặt ngồi thụp xuống nức nở.

Sau ngày Hùng về trao kỷ vật của chồng cho cô, tình cảm giữa hai người được nhen nhóm dần qua những bức thư động viên họ viết trao gửi cho nhau. Với Xoan, nỗi đau chồng hy sinh dần dà cũng nguôi ngoai, nhường chỗ cho tình cảm với người lính bạn chồng. Bao đêm dài hồi hộp lo lắng, Xoan sợ một ngày chiến tranh lại cướp mất Hùng như từng cướp Nam từ cô năm nào.

Giờ thì cô thực sự vui mừng khi Hùng đã nguyên vẹn trở về. Mười ngày phép ngắn ngủi, Hùng đưa Xoan ra chính quyền xã xin đăng ký kết hôn rồi dành hết những gì có thể để bù đắp cho Xoan. Nhìn Xoan đang ngập tràn trong hạnh phúc, Hùng thấy nghẹn lòng không nỡ nói ra việc mình sắp phải ra đi nhận một nhiệm vụ mới. Cho mãi đến sau này mỗi khi nghĩ lại, Xoan đã không ngờ những ngày ngắn ngủi ấm áp bên người đàn ông ấy lại là phút biệt ly cuối cùng. Hùng đã ra đi mãi trong khi làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn láng giềng.

*  *   *

Lâu lắm rồi, Bình mới được đi tranh thủ về thăm bà nội. Nhìn bà nội mái đầu bạc trắng, người gầy tóp teo mà lòng Bình xót xa. Bình nhớ như in ngày còn bé, mẹ thường đưa Bình về quê thăm bà. Lúc đó, Bình lon ton chạy theo sau mẹ, ngắm nhìn dưới chân cầu dòng nước đục trôi lững lờ kéo theo những cụm lục bình hoa màu tím ngắt. Nhà bà nội nằm khuất dưới một lùm cây cao xanh, về mùa khô lá vàng rơi rụng kín mặt sân, gợi nhắc cho Bình một kỷ niệm. Tối hôm đó, ngồi trên chiếc chõng tre ngoài hiên, bà đã kể cho Bình nghe câu chuyện xảy ra nhiều năm về trước:

- Năm ấy, bố cháu được đơn vị cử về địa phương xác minh lý lịch cho một chiến sĩ, rồi tranh thủ về thăm bà. Được vài ngày, bố cháu qua nhà trao cho mẹ cháu cuốn nhật ký bố Nam trước lúc hy sinh gửi về. Vào chiến trường được hơn một năm, bố cháu được lệnh chuẩn bị đi làm một nhiệm vụ mới. Trước lúc lên đường, cấp trên cho bố nghỉ phép thăm gia đình, rồi xin phép bà đưa mẹ Xoan ra ủy ban xã đăng ký kết hôn. Hôm đó, bà làm mấy mâm cơm mời anh em họ hàng và bà con lối xóm đến chia vui cùng bố mẹ cháu. Vậy là bố lấy và ở với mẹ cháu chỉ vẻn vẹn có ngần ấy thời gian, rồi sau đó hy sinh khi đang làm nhiệm quốc tế bên nước bạn.

***

 Hôm nay bà Xoan mới có thời gian rỗi ngồi trò chuyện cùng con dâu. Con dâu bà là cô giáo dạy tiểu học trường làng, xinh xắn dễ thương. Bình và Thắm gặp nhau khi cùng tham gia một cuộc giao lưu văn nghệ. Sau ngày cưới, Bình đón bà nội về ở chung với gia đình. Chẳng vậy mà xóm giềng người ta truyền tai nhau mẹ liệt sĩ Hùng ở chung với nàng dâu vợ liệt sĩ Nam cùng cậu con trai, rất hạnh phúc. Thậm chí họ còn thêu dệt đó là kịch bản được sắp sẵn của hai liệt sĩ. Giờ đây nhớ lại những tháng tủi buồn đã qua, bà thấy vui khi cậu con trai giỏi giang, lấy được vợ hiền lại sinh cho họ tộc một cậu con trai kháu khỉnh. Sáng nay, đứng thắp hương trước bàn thờ hai người đàn ông liệt sĩ, bà cảm động khấn:

- Hai ông sống khôn chết thiêng hãy về phù hộ độ trì cho gia đình vợ con được bình an hạnh phúc. Thằng Bình nhà mình đã trở thành quân nhân, lấy vợ và sinh được con trai...

Chiều 30 Tết, trời bỗng hửng nắng, ngoài ngõ mùa xuân đang đến thật gần. Sau khi làm cơm cúng gia tiên, cả gia đình bà Xoan ngồi quây quần bên nồi bánh chưng sôi sùng sục trò chuyện râm ran. Thằng cu Tèo có lẽ là vui nhất, ngồi lên lòng mẹ chưa ấm chỗ, lại lon ton chạy sang ôm cổ bố rồi nhìn cố nội cười toe toét. Rồi như chợt nhận ra bà Xoan mới là nhân vật quan trọng nhất, nó bèn chạy sang sà vào lòng bà nũng nịu. Nhìn nét mặt ai nấy đều rạng ngời, bà Xoan cảm động nước mắt rưng rưng. Giờ này, dưới suối vàng, hai người đàn ông liệt sĩ chắc mãn nguyện khi nhìn thấy cảnh gia đình vợ con đoàn tụ sum vầy.

Truyện ngắn của PHẠM CÔNG THẮNG