Những câu hỏi Thơ đến từ đâu? Thơ cần thiết cho ai? Thơ đi về đâu?... dường như thể hiện một nỗi âu lo từ bình diện mỹ học, ý thức văn nghệ hơn là việc đề cập trường hợp cụ thể. Đó là những câu hỏi có tính vĩ mô trước hiện tình của thơ ca đương đại. Nhưng, theo “phép biện chứng” của Lênin: “cần xem xét cái cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể” thì với cách nhìn gần hơn vào trường hợp Nguyễn Hồng Vinh, câu trả lời có thể được tìm thấy, một cách dung dị mà thuyết phục.
    |
 |
Tác giả Nguyễn Hồng Vinh (thứ hai, từ phải sang) dưới tán nhãn cổ thụ ở cù lao Cồn Sơn (Cần Thơ). Ảnh: HỮU TÌNH |
Nguyễn Hồng Vinh đến với thơ ca khá muộn. Sau những bộn bề của công việc quản lý công tác báo chí, xuất bản, khoảng mươi năm gần đây, anh mới chuyên tâm hơn cho những rung cảm thi ca trong tâm hồn mình; nói đúng hơn, gần đây anh mới dành thời gian lắng nghe tiếng lòng mình ngân lên nhịp điệu của thi ca. Thơ đến từ đâu? Thơ đến từ những khoảnh khắc diệu kỳ và tinh tế ấy. Là địa hạt của sự chủ quan, thơ luôn luôn là sự bày tỏ ở chiều kích riêng tư nhất tâm hồn thi sĩ. Ai đó có thể hoài nghi những cảm xúc hời hợt, những tô vẽ khéo léo, những kỹ thuật giả trang tân kỳ… nhưng với Nguyễn Hồng Vinh, anh cứ giản dị, tự nhiên cất lên tiếng vọng từ chính trái tim mình:
Hẹn em giêng hai gặp lại
Quan họ thao thiết triền sông
(Phút xuân)
Cái dùng dằng thao thiết của đôi bờ quan họ, của kẻ ở người về, của giêng hai lúng liếng mà chênh chao, của xuân vui đầm ấm và những đợi chờ hy vọng, thắp lên ở đó trong phút xuân huyền diệu của lòng người, được Nguyễn Hồng Vinh thể hiện tinh tế, lắng sâu. Tiếng thơ ấy rung ngân tự trong lòng, làm mềm ấm lại mạch xuân qua thời gian, nuôi dưỡng những giấc mơ bãi bờ hoa trái. Những hội hè đình đám, những yếm áo lơi nghiêng, những e ấp đợi chờ, những mắt nhìn xao xuyến, tưởng chừng mong manh quá đỗi, nhưng diệu kỳ thay, lại giúp con người đi qua dông bão, giữ con người ở lại trong những niềm tin vời vợi vào tình yêu:
Những vết đứt thời gian còn đọng
mỗi ngón tay
Gặp anh bỗng dịu thon trở lại
Tim gõ nhịp như buổi nào chạm ngõ
Đêm tựa nhau gió thốc hiên nhà
(Nguồn ấm mùa xuân)
Thơ rốt cuộc là cần thiết cho ai? Câu trả lời nằm trong những điều bình dị nhất. Thơ cần cho khoảnh khắc sống của người thi sĩ, trước tiên và sau cùng. Thơ rồi sẽ đến với độc giả, nhưng, từ bản chất, thơ là địa hạt của lòng người, nên điều riêng tư luôn là nơi nương náu của những gì tinh diệu nhất, lắng sâu nhất. Nguyễn Hồng Vinh làm thơ, hẳn chẳng cầu mong gì một ngày nào đó trở nên tượng đài hay danh gia, trước tác. Tiếng thơ của anh là hơi lửa ấm, trong tình yêu đất nước, yêu con người và đời sống thường nhật. Đó có thể là những mối tình còn vấn vương mãi theo năm tháng, là những kỷ niệm về nước Nga trong thanh xuân tươi trẻ, là nỗi nhớ mẹ khôn nguôi từ ký ức nhọc nhằn, là âu lo về thời cuộc bon chen điên đảo. Ở mỗi chủ đề, mỗi mạch cảm xúc, suy tư, ta đều có thể dẫn ra những câu thơ đượm hơi ấm bình dị như thế:
Kỷ niệm xưa vội nhòa nhạt tàn phai
Như trận mưa, xóa hình ta trên ghế đá
(Lòng người - Ai biết?)
Ơi có phép thần màu nhiệm
Gặp em trên dòng sông xanh
Đêm trắng Nê-va tháng 6
Thổi bùng ngọn lửa yêu tin
(Hoài niệm tháng 6)
Cốm dẻo thơm trong lá sen em gói
Quyện hương cà phê buổi sớm Hồ Tây
(Ký ức Sầm Sơn)
Năm tháng có thể đi qua trên hình hài, nhưng tình yêu thì luôn đập mãi một nhịp trẻ trung trong trái tim thi sĩ. Tình yêu ấy nuôi dưỡng tâm hồn, cất giữ trong nó phép màu của sự hồi sinh. Thơ Nguyễn Hồng Vinh khá ấm áp ở chủ đề này. Bởi thế, đọc thơ tình yêu của anh, người ta thấy đồng cảm, thấy được sẻ chia và không xa lạ. Đó là những vấn vương từ hơi ấm của lòng người truyền qua nhau trong hành trình cuộc sống:
Cuộc đời giăng mắc nhớ thương
Tôi và em cứ vấn vương... bao giờ?
(Bao giờ?)
Đó là niềm bâng khuâng, gợi nhớ mối tình nảy nở năm xưa từ trong giao thoa mùa hạ và mùa thu:
Có thể em vẫn nhớ
Có thể em đã quên
Giữa giao mùa thu-hạ
Nắng và mưa cũng chờ!
(Hình như và có thể)
Nguyễn Hồng Vinh được biết đến nhiều hơn trong cương vị là một chính khách, một nhà quản lý văn hóa, văn nghệ, báo chí. Tuy nhiên, giữa những bề bộn của công việc, cảm xúc, suy tưởng thơ ca vẫn như một suối nguồn êm ả, tưới tẩm và nuôi dưỡng tâm hồn thi sĩ. Thơ anh là nhịp lắng đọng của lòng, là âm hưởng trữ tình rung ngân trong mỗi trải nghiệm, đi, sống và viết. Từ nước Nga xa xôi mà thân yêu đến quê nhà Việt Nam gần gũi, gắn bó; từ những chủ đề lớn lao của đất nước, dân tộc đến những góc nhỏ vườn nhà, đến cỏ cây hoa trái, đến những lặng thầm xen giữa ồn ã thế cuộc, Nguyễn Hồng Vinh biết chắt nhặt, vun trồng để mầm thơ cựa mình trỗi dậy:
Nước Nga trong tôi và tôi trong
nước Nga
Với tuyết trắng mùa đông và đêm trắng
mùa hè
Sóng sông Hồng gọi sóng Von-ga
Trăng dát bạc nghiêng đồi chè
lượn sóng
(Nước Nga trong tôi)
Lại tình cờ gặp em bên biển
Mười năm trôi vùn vụt đâu ngờ
Sóng vẫn cồn lên ào ạt xô bờ
Như chiều nào tóc mơn man đôi má
(Ký ức Sầm Sơn)
Thơ cần nhất ở nhịp điệu, sự thành thực của cảm xúc, những rung vang của chữ nghĩa. Đọc thơ Nguyễn Hồng Vinh, điều đáng trân trọng là anh không cố làm dáng hay tô vẽ cầu kỳ. Thơ cứ tự nhiên như hơi thở, như tiếng thì thầm của yêu tin vọng từ trái tim biết lắng nghe và chờ đón:
Cứ hiểu là như thế
Núi đồi vẫn níu chân
Và sương mù bảng lảng
Đang choàng vai chúng mình
(Dùng dằng)
Đôi khi, những dùng dằng vương vấn lại thành nỗi ưu tư suốt cả cuộc đời. Ở phía những dư ba, ký ức nào có ngủ yên. Nhịp đập của trái tim đã vượt lên sự nhọc nhằn năm tháng, giữ lại nét thanh tân trong cảm nhận về tình yêu và sự gặp gỡ, gắn bó hay rời xa:
Thời gian như tên lao
Giật mình “xưa nay hiếm”
Chữ NHÉ thành chiêm bao
(NHÉ)
Có thể, chỉ một lời ước hẹn, một cái cúi đầu chờ đợi, một ánh mắt, một khóe môi, một làn hương cũng đủ làm người ta đi trọn một đời với bao niềm nhung nhớ. Và, cũng có thể, chỉ chừng ấy thôi mà thành lỡ dở, thành giấc chiêm bao chập chờn theo tháng năm. NHÉ, khẽ khàng đến vậy, sao ẩn chứa bao điều dâu bể! Đến khi, tuổi “xưa nay hiếm” ùa về, mới nhói lòng trước chiêm bao chưa một lần xưa cũ. Cảm xúc thơ đọng lại trong niềm thảng thốt, đầy tiếc nuối, ấy nhưng hồn thơ không hề tuyệt vọng!
Như đã nói, những cảm xúc thế sự vẫn chiếm một mảng khá nổi bật trong thơ Nguyễn Hồng Vinh. Ở đây, thế sự là bao ngổn ngang của lòng người trước cuộc đời còn nhiều gập ghềnh, là những điều còn chưa thuận mắt, vừa tai, khiến con người không khỏi trăn trở, ưu tư:
Những khổ đau, oan trái
Giữa cái thiện lòng tham
Danh lợi và chức quyền
Cứ đan xen thường nhật
(Vô đề 1)
Đằng sau bao thăng trầm, biến cải, sau bao đua chen danh lợi, đọng lại là tình người, là những điều tâm huyết với đời, với người, làm nên phẩm giá vĩnh hằng:
Ngẫm ra đều phù vân
Hão huyền và ảo tưởng
Chỉ tình người còn đọng
Giữa bộn bề trái ngang...
(Vô đề 3)
Thơ khởi xuất tự lòng người, nơi trái tim tha thiết rung ngân. Thơ cần cho tâm hồn như một sự giải phóng, một sự ký thác, một tiếng nói sẻ chia. Thơ đi đến cuộc đời để nối kết con người trong tính thiện. Với Nguyễn Hồng Vinh dù là thơ thế sự hay tình yêu, dù viết về em hay về mẹ, về nước Nga xa xôi, đến làng quê, phố xá, ta đều nhận ra sự giản dị, chân thành và nhịp điệu bình thản. Đó là hệ quả của sự từng trải, của nhịp tim đã rung với không ít va đập từ đời. Chính vì thế, đến với thơ Nguyễn Hồng Vinh, người đọc có thể cảm nhận được những lắng đọng sâu xa qua những tháng năm, dù có lúc gió dông vẫn không cạn vơi nhiệt thành và niềm yêu tin cuộc sống, làm nên lửa ấm trang thơ.
HỒNG ANH