Ông từng là đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, và tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa III, IV, V, VI, VII, viii, ix; từng là Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tổng biên tập Báo Văn nghệ, những ấn phẩm văn chương được coi là danh giá nhất nước ta.

Hữu Thỉnh là thế, ông sinh năm 1942, tại làng Phú Vinh, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, trong một gia đình nông dân có truyền thống Nho học. Theo nhà thơ kể thì ông đã trải qua tuổi ấu thơ không dễ dàng, sáu năm đi ở với bác ruột, mười tuổi đi phu làm đủ mọi thứ lao dịch cho các đồn binh Pháp ở Vân Tập, chợ Vàng, Thứa, Thanh Vân... Chỉ sau năm 1954, khi dân tộc Việt Nam làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, lập lại hòa bình ở miền Bắc, Hữu Thỉnh mới thực sự được cắp sách tới trường.

Hữu Thỉnh là thế, ông từng khoác áo lính, lính tăng thiết giáp, lính trận. Năm 1963, sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng trai Nguyễn Hữu Thỉnh nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Trung đoàn 202. Hữu Thỉnh từng có mặt ở các chiến trường ác liệt, như: Đường 9-Nam Lào (năm 1970, 1971); Quảng Trị (năm 1972); Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh (xuân 1975). Cuộc đời binh nghiệp ghi dấu rất sâu đậm và đầy ấn tượng trong sáng tạo thi ca của ông.

Hữu Thỉnh là thế, một nhà quản lý tận tụy và uyển chuyển trong lĩnh vực văn nghệ. Khi là người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam, Hữu Thỉnh thể hiện vai trò đầu tàu của mình rất rõ rệt, được nhiều người thừa nhận. Hội Nhà văn Việt Nam, như ai đó từng nói chín người mười ý, điều hành, kết nối, tổ chức các hoạt động chẳng dễ dàng gì. Ông là người tình nghĩa, có sức chịu đựng, biết lắng nghe, biết dung hòa và khi cần quyết liệt cũng chẳng ngại mới trụ vững mấy khóa liền ở Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Người ta kể, tất cả điếu văn tiễn hội viên về cõi khác đều tự Hữu Thỉnh viết. Viết tay, cẩn trọng từng câu, từng chữ, từng dấu, như cách thủ thỉ với người vừa qua đời vậy, rưng rưng ân nghĩa và chân thật. Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức và lan tỏa như các Ngày Thơ Việt Nam, Liên hoan thơ quốc tế, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài... có phần đóng góp không nhỏ của ông.

leftcenterrightdel
Nhà thơ Hữu Thỉnh. Ảnh: NGUYỄN HỒNG

Chuyện nhà thơ Hữu Thỉnh nhiều, đời một người đã gần tám mươi, biết bao sóng gió, thăng trầm, khi làm dân, lúc làm lính, làm cán bộ, hết chiến tranh đến hòa bình. Tôi muốn nói rằng, với Hữu Thỉnh đời chính là thơ. Cái lộc lớn nhất trời cho ông, tôi nghĩ là thơ. Người được nhiều giải thưởng văn học cao quý như Hữu Thỉnh khi tự bạch về nghề viết chỉ nói rất gọn gàng thế này: “Tôi rất tin: Thơ là kinh nghiệm sống”. Bởi thế chẳng lấy làm lạ khi đọc thơ của ông, ta ngẫm thấy cuộc đời hiện lên sâu đằm trong đó. Tuy nhiên, đời không chỉ riêng lẻ của một người, dù nổi tiếng đến mấy mà luôn gắn với quê hương, đất nước trong bão dông thời cuộc, những chặng lịch sử đầm đìa mồ hôi và máu.

Hữu Thỉnh là thế, ông có những thi phẩm nổi tiếng được công chúng ghi nhận, như: Đường tới thành phố (trường ca); Từ chiến hào tới thành phố (trường ca và thơ ngắn); Thư mùa đông (tập thơ); Thương lượng với thời gian (tập thơ); Trường ca Biển; Trăng Tân Trào (trường ca)... Ông nhận được nhiều giải thưởng văn học: Báo Văn nghệ (2 lần); Hội Nhà văn Việt Nam (2 lần); Bộ Quốc phòng; Đông Nam Á, Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trường ca, thơ ngắn của ông vừa có tầm khái quát rộng lớn, vừa gần gũi như cuộc đời mỗi người. Hình ảnh dân tộc, hồi quang quá khứ, ngẫm suy thời cuộc, cay ngọt phận người, đắm đuối yêu thương, khắc khoải mong nhớ, đắng đót kiếp phận... Tất cả được bảo lưu trong thơ Hữu Thỉnh như sự bảo lưu tâm hồn thi sĩ vậy.

Năm 1976, lúc ấy đang ở Trường Sơn, tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc trường ca Sức bền của đất in trên Báo Văn nghệ. Mạch thơ về quê hương đầy hoài niệm, thường lấy người mẹ, người vợ làm nhân vật trung tâm của Hữu Thỉnh đầy ám ảnh. Thơ Hữu Thỉnh không ồn ào, cao giọng mà luôn nén lại, lắng xuống dù dòng xúc cảm luôn mãnh liệt, dạt dào. Trên ruộng làng, hình bóng mẹ hiện lên chân thực: Xòe tay tính tháng tính năm/ Tính người nào biết xa xăm cõi người/ Gié thơm ai đã gặt rồi/ Đồng quang, bóng mẹ nắng nôi một mình... (Trông ra bờ ruộng). Thơ ông mang nỗi xót xa quê nghèo, nước nghèo, không chỉ một đời, không chỉ một thời mà nhiều đời, nhiều thời nối tiếp nhau. Cuốc kêu từ ngày cây tre chưa đủ lá đan sàng/ Trên đất ướt có người đến ở/ Họ bắt đầu như một chiếc rễ nâu/ Họ làm ra mọi thứ để nuôi nhau/ Mong con cái có ngày mở mặt/ Trời tối thì cậy ngọn đèn/ Ngọn đèn bấc thắp bằng dầu lạc/ Ngọn đèn bấc gió nhiều phen cướp mất... (Nghe tiếng cuốc kêu). Nước đã nghèo lại còn chẳng mấy khi yên. Giặc phương Bắc, giặc phương Tây. Bao thế hệ nối tiếp nhau đánh giặc, lẽ sống không thể nào khác được. Đọc mà quặn thương người phụ nữ Việt Nam xiết bao: Cuốc kêu từ ngày em lạy mẹ, lạy cha/ Đi theo một sợi tơ hồng/ Về với anh thành vợ thành chồng/ Tình yêu nhiều đứt nối/ Ta xin rừng một chiếc giường con/ Xin đất một chiếc ấm nhỏ/ Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường níu chiếu đợi anh... (Nghe tiếng cuốc kêu).

Đời, đáng kể với Hữu Thỉnh là những năm bộ đội. Nên không khó giải thích lắm vì sao thơ Hữu Thỉnh ám ảnh đến thế khi viết về người lính. Tất nhiên, muốn viết hay phải có tài. Tự sự bề bộn nóng hổi bao nhiêu thì trữ tình tha thiết sâu lắng bấy nhiêu trong thơ ông viết về chiến sĩ. Những bài thơ như nhật ký đường ra trận hay ghi lại thời khắc lịch sử đặc biệt đều rất Hữu Thỉnh. Ông viết về người lính trong chiến tranh chống Mỹ: Họ làm nên những chiến trường dông bão vì mục đích giành lại Tự do xanh quá mênh mông quá. Cách nói này không phải ai cũng có: Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng/ Một nửa nhân dân ngày mai về nhận mặt... để có thời khắc chiến thắng lộng lẫy: Cờ bay lộng trên dinh Độc Lập/ Những cánh quân sum họp những chân trời... Có thể khẳng định rằng trường ca Đường tới thành phố có những câu thơ tôi vừa trích dẫn ấy là tác phẩm xuất sắc viết về chiến tranh và người lính của văn học chống Mỹ. Một thi phẩm có sức vóc vạm vỡ về nội dung và nghệ thuật, vừa dày dặn hiện thực vừa có chiều sâu văn hóa. Trong đó có những câu thơ thuộc tốp hay nhất của thi ca Việt từ trước tới nay như: Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền, hay: Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc... Nhắc tới Hữu Thỉnh, chắc nhiều người không quên bài thơ Phan Thiết có anh tôi. Thật xúc động, không chỉ nỗi đau xót mà còn có khát vọng hòa bình của những người lính, của dân tộc Việt Nam: Không nằm trong nghĩa trang/ Anh ở với đời anh xanh vào cỏ/ Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình/ Đồi ở đây cũng là con của mẹ...

Trường ca Biển ghi dấu thành công của Hữu Thỉnh trong sáng tác về người lính thời bình đang bảo vệ biển, đảo, chủ quyền đất nước. Đây là tác phẩm xuất sắc viết về biển, đảo từ trước đến nay, tôi cho là thế. Trường Sa: Đảo hiện ra thử thách bạc màu/ Bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ quốc. Trường Sa: Đảo nhỏ quá nói một câu là hết/ Có gì đâu chỉ cát với chim thôi/ Cát và chim và thêm nữa chúng tôi... Trường Sa: Chúng tôi là lính đảo thời bình/ Phải gồng mình cả khi yên tĩnh nhất... Thương lắm, Trường Sa là thế này đây: Đôi khi tối đèn tắt lửa/ Ta bỗng dưng thành hàng xóm của ta... và: Trường Sa biển/ Trường Sa trời/ Có câu song sóng có lời tăm tăm...

Không từng trải, không có kinh nghiệm sống làm sao sinh được những câu thơ xoáy lòng như vậy. Có tài ư? Tài chỉ mới là hơn một nửa, còn tâm hồn, tâm thức, tâm điệu được tương sinh từ trải nghiệm sống của một người lính thi sĩ nữa. Thơ Hữu Thỉnh vốn đa nghĩa, cái hay không chỉ nằm ở bề mặt mà thường ẩn giấu sâu sắc ở tầng sâu. Đây là một ví dụ: Gà buốt gáy lười dăm tiếng khản/ Ca bát khua cho đỡ bất thường/ Núi giấu trong lòng trăm thứ quặng/ Anh bòn không kiếm đủ rau ăn... (Thư mùa đông). Như có một trăn trở dằn vặt kín đáo giấu trong thi ngôn bình dị kia.

Hữu Thỉnh là thế đấy, khi anh chọn được cách nói riêng cho thơ mình, vừa truyền thống vừa hiện đại, thảng thốt bâng lâng mà chiêm nghiệm suy tư, nhẹ nhàng mà dằn vặt, thoáng mà đậm... Thơ gùi gánh bao chuyện đời và thấm đẫm tình người. Tôi chưa đọc nhiều thơ tình của anh nhưng quá yêu Thơ viết ở biển. Những thi phẩm như thế sẽ sống lâu, rất lâu với thời gian, bởi thế giới này không bao giờ hết những người yêu nhau: Anh xa em/ Trăng cũng lẻ/ Mặt trời cũng lẻ/ Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút/ đã cô đơn/ Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn/ Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím/ Sóng chẳng đi đến đâu/ nếu không đưa em đến/ Dù sóng đã làm anh/ Nghiêng ngả/ Vì em.

Với Hữu Thỉnh, thơ là cuộc sống có đủ cung bậc thuộc về con người. Thơ là kinh nghiệm sống, ông nói thế, nhưng tôi rất tin rằng thơ là tâm hồn của Hữu Thỉnh. Tâm hồn đa mang, đa cảm của một nông dân, một người lính, một thi sĩ. Một tâm hồn phản chiếu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt cùng những chọn lọc từ quá trình giao thoa, kết nối bạn bè thế giới. Ứng xử thơ ca cũng như ứng xử với cuộc đời: Tận tụy, đam mê, chân thành, tinh tế. Hữu Thỉnh là thế đấy!

Hà Nội, ngày 30 tháng 4 năm 2020

NGUYỄN HỮU QUÝ