QĐND - Với mỗi người lính, đặc biệt là những cựu chiến binh trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ca khúc “Hành quân xa” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991) chính là hình ảnh bản thân và những khó khăn họ đã từng phải đối mặt, vượt qua. Do là ca khúc về người lính, của người lính nên có thể nói, “Hành quân xa” đã trở thành liều thuốc tinh thần giúp người lính vượt qua những chặng hành quân gian lao, vất vả: “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ/Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng, chí căm thù, bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”…

Một câu hỏi chung được đặt ra: Bộ đội ta hát “Hành quân xa” ở đâu, khi nào? Và nhận được nhiều câu trả lời: Trong các buổi sinh hoạt văn nghệ; khi tham gia hoạt động huấn luyện trên bãi tập; ngay trong chiến hào trong khoảng lặng mênh mông giữa hai trận đánh; giữa các cuộc hành quân dưới trăng rừng Trường Sơn. Tuy nhiên, đó chỉ là những khoảnh khắc cho phép “Hành quân xa” vang lên hào sảng cùng bộ đội, nhưng rất hạn chế trong điều kiện thực tế chiến tranh. Vậy tại sao “Hành quân xa” vẫn luôn có vị trí xứng đáng trong tâm hồn mỗi người lính nhiều thế hệ? Bởi nó phán ánh đúng tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, quyết tâm của người lính khi hành quân ra mặt trận. “Hành quân xa” đã âm thầm vang lên trong mỗi người lính, trở thành sức mạnh để họ vượt suối, băng ngàn tiến về phía “đâu có giặc là ta cứ đi”…

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991). Ảnh tư liệu

 

Có nhiều bài hát được các nhạc sĩ sáng tác ngay tại mặt trận. Cũng chính vì hoàn cảnh ra đời đặc biệt ấy nên những “đứa con tinh thần” của họ được người lính trận đón nhận. “Hành quân xa” được sáng tác như thế và đã “hành quân” cùng người lính hơn 60 năm qua. Kể về chuyện này, nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng viết: "Thu Đông 1953, tôi mới đang tuổi thanh niên, xuất phát từ Đại Từ, đi bộ cùng đơn vị súng cối, thuộc đơn vị 308. Cán bộ cấp trên phổ biến về Chiến dịch Trần Đình xong, thì bộ đội ta nảy ra thắc mắc, tranh luận: Trên bản đồ nước ta làm gì có địa danh "Trần Đình". Rồi một anh ra vẻ hiểu biết nói: Có lẽ ta hành quân nghi binh, qua Nghĩa Lộ rồi về đánh đồng bằng. Người khác nói: "Vô lý, tốn sức, mất thì giờ". Một anh nào đó cất cao giọng cho tất cả đơn vị nghe rõ: "Thôi, dẹp thắc mắc nhé! Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi!". Tôi ngồi đấy nghe, trong đầu như lóe lên một tia chớp, vội vào sổ tay câu nói có tính chiến lược ấy, và sau tôi cho vào đoạn kết của bài…".

“Hành quân xa” cũng chính là ca khúc mở đầu cho một tổ khúc được ví như “bộ sử thi âm thanh” về trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” được Đỗ Nhuận sáng tác trong giai đoạn cuối của kháng chiến chống Pháp. “Trên đồi Him Lam” (1954) cất lên trong đêm đánh trận đầu tiên của Chiến dịch Điện Biên Phủ và “Chiến thắng Điện Biên”  (1954)-hành khúc chiến thắng của cả dân tộc được xướng trong trận cuối cùng, vào thời khắc lịch sử kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây cũng là bước ngoặt đưa tên tuổi Đỗ Nhuận đến với hành khúc-một dòng chảy mạnh mẽ trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam; đưa tác phẩm của ông trở thành những “ca khúc đi cùng năm tháng”.

Cũng theo nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tên chính thức của bài hát này là "Hành quân xa". Sau này cũng có lúc nhạc sĩ lấy câu cuối của bài hát mà đặt tên, thành ra bài hát này có hai tên. Cái tên "Đâu có giặc là ta cứ đi" mang một ý nghĩa chiến lược bởi: Kẻ thù dù là Pháp hay Mỹ, ngụy, hay một thế lực thù địch nào khác sau này thì cũng đều là "giặc". Bởi vậy, bộ đội ta vẫn hát bài hát đó, bên cạnh những bài mới…

Có một thắc mắc vẫn chưa có câu trả lời chính xác: Ai là người nói câu nói sau này được Đỗ Nhuận coi là gợi ý quan trọng để ông viết “Hành quân xa”: “Đâu có giặc là ta cứ đi”? Đó là Chính trị viên Đại đội 267, Trung đoàn 102 Đại đoàn 308 Đỗ Đình Sửu khi nói với chiến sĩ: "Địch đang theo dõi riết chúng ta! Không nên bàn tán đường này hướng nọ. Ta đi đâu là theo mệnh lệnh. Đời chúng ta là đời chiến đấu. Đâu có giặc là ta cứ đi!". Như một số tài liệu đã công bố? Hoặc có thể là một cán bộ, chiến sĩ nào đó khác trong đoàn quân? Tuy nhiên, có lẽ điều đó cũng không quan trọng bởi chính Đỗ Nhuận bằng “Hành quân xa” đã nói thay những người lính, thay tâm nguyện của cả dân tộc mà đại diện là những người con ưu tú đang hướng về phía mặt trận, nóng lòng mong muốn chiến đấu, chiến thắng kẻ thù, giải phóng đất nước…

NGUYỄN ĐỖ