QĐND - Tháng trước, tôi nhận được công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam mời về dự và đọc tham luận tại Hội thảo khoa học “Văn hiến Hà Nam truyền thống và hiện đại”. Văn hiến Hà Nam là một bộ phận đặc sắc của nền văn hóa Bắc Bộ nói riêng và kho tàng văn hóa Việt nói chung, nhưng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu thấu đáo. Lại nghe nói sẽ có rất nhiều đại trí thức đăng đàn tại hội thảo, như Giáo sư Nguyễn Thị Doan-Phó Chủ tịch Nước, Giáo sư-Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, Giáo sư Hoàng Chương-Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam… Thực tình tôi hơi bị “ngợp”, toan viện lý do vì việc cơ quan để cáo lỗi… Nhưng nhắc đến Hà Nam, trong tôi bỗng sống dậy một miền ký ức dạt dào…

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền gió lào cát trắng miền Trung. Làng tôi nằm ở ngã tư của 2 con đường chiến lược 15A chạy dọc Trường Sơn và đường 12A nối cảng biển Hòn La-Cử Gianh với Tây Trường Sơn. Cạnh đó là đoạn đường sắt cũng là trọng điểm ác liệt thời chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ.

Hồi ấy, làng tôi có một đơn vị Thanh niên xung phong toàn người Hà Nam về ở trong các nhà dân để bảo vệ đoạn đường sắt kể trên. Người ta gọi đó là đơn vị Thanh niên ba sẵn sàng, nhưng dân làng tôi quen ngắn gọn, gọi là các o, các chú Sẵn Sàng. Đơn vị này đa phần là nữ. Các o Hà Nam đẹp ơi là đẹp, da trắng tóc xanh, ăn nói dịu dàng, hát hay đáo để, nhất là hát chèo… Dùi đục mắm cáy như mấy bác sơn tràng làng tôi, vậy mà cũng phải công nhận: Con gái Hà Nam da trắng tóc xanh. Mỗi khi chồng gọi thì thưa anh gọi gì. Con gái quê miềng tay cẳng đen sì. Mỗi khi chồng gọi thì chi chi rứa hề? Ban đêm, các o Sẵn Sàng vác cuốc xẻng ra đường tàu san lấp hố bom. Ban ngày, các o học văn hóa và tập văn nghệ. Khắp thôn xóm ngày ngày vang vang những làn điệu chèo của các o các chú Sẵn Sàng.

Đội chèo làng Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam trong Lễ hội Tịch điền đầu năm.

Thời đó làng tôi không chỉ đói cơm gạo mà còn đói cả văn hóa-nghệ thuật. Văn công, phim ảnh thì hầu như chẳng bao giờ có. Cả làng chỉ 3 nhà có đài bán dẫn ô-ri-ông-tông nhưng thường mở rất nhỏ vào buổi tối, chủ yếu chỉ để áp tai nghe tin tức chiến trường và dự báo thời tiết, vì pin đài rất hiếm. Đám thanh niên làng tôi gọi vui đó là những chiếc đài “ông-tông-áp-tai”. Chỉ có văn nghệ của các o, các chú Sẵn Sàng Hà Nam là được nghe vô tư xả láng. Suốt cuộc chiến tranh phá hoại của tàu bay Mỹ, đơn vị Sẵn Sàng mấy lần thay quân, vẫn chỉ là các o các chú quê Hà Nam với tiếng hát chèo í a ngày ngày vang vang khắp xóm. Dân làng tôi đâm ra mê chèo, nghiện chèo. Đám con nít tụi tôi cũng tấp tểnh học chèo, rồi thuần thục chèo. Nhiều hôm quản ca lớp học bắt nhịp đồng ca đầu giờ hẳn một đoạn chèo Sẵn Sàng rất rôm rả mà chẳng biết đó là làn điệu chi.

Cùng thời gian này, Nhà nước có chủ trương sơ tán một số trẻ con ở vùng tuyến lửa ra miền Bắc để tránh máy bay Mỹ, gọi là đi K8. Làng tôi có hơn ba chục đứa, hầu hết là con cháu cán bộ xã và huyện được đi K8 ra Hà Nam. Sau mấy năm lũ chúng trở về mang theo cái giọng pha Bắc lơ lớ cùng những làn điệu mượt mà của chiếng chèo Nam. Thành ra hát chèo trở thành món chủ lực trong các đêm liên hoan văn nghệ của các chi đội, chi đoàn, trường học chúng tôi hồi ấy… Bây giờ ở làng tôi, thỉnh thoảng vẫn có người hát chèo ru con và hát chèo trong đám cưới hoặc các cuộc hội họp. Những làn điệu hát sắp, ngâm sổng, song loan, sa lệch, đào liễu, nói đếm… vẫn còn sống mãi với dân làng tôi…

Tôi lớn lên, ra Hà Nội lập nghiệp từ thời Đổi mới, đến nay đã mấy dịp về công tác Hà Nam, cả trước và sau khi được chia tách từ tỉnh Hà Nam Ninh cũ, nhưng chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ về văn hóa Hà Nam và nhất là chiếng chèo Nam, một chiếng chèo nổi tiếng của đồng bằng Bắc Bộ từng gắn liền với tuổi thơ tôi và quê hương tôi những năm chống Mỹ cứu nước. Thỉnh thoảng tôi có được nghe, được xem những trích đoạn, những hoạt cảnh hoặc vở diễn chèo truyền thống và hiện đại trên ra-đi-ô, trên ti-vi và trên sân khấu do các nghệ sĩ chèo Hà Nam thể hiện, rằng hay thì thật là hay, nhưng thực tình vì nhiều lý do chủ quan và khách quan nên tôi cũng không mấy ấn tượng.

Mãi đến cuối năm 2009, tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức ở thành phố Hạ Long-Quảng Ninh, tôi được xem trọn vẹn vở “Đợi đến mùa xuân” của Đoàn chèo Hà Nam (kịch bản của nhà văn Xuân Trình, chuyển thể Trần Đình Văn, đạo diễn Vũ Ngọc Minh). Đây là vở chèo đề tài hiện đại, được các nghệ sĩ dàn dựng và thể hiện rất… truyền thống, đã giành được 1 Huy chương vàng (HCV) và 3 Huy chương bạc (HCB) của hội diễn. Hai năm sau, tháng 11-2011, tôi lại được xem vở “Cõi Thiêng” của Nhà hát Chèo Hà Nam, tại Hội diễn toàn quốc sân khấu chèo đề tài hiện đại, tổ chức tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Lần ấy, “Cõi Thiêng” cũng đã giành được 1 HCV và 2 HCB của hội diễn và ấn tượng về một đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp của Hà Nam cũng sâu đậm hơn trong tôi.

Nhà hát Chèo Hà Nam biểu diễn chào mừng Hội thảo “Văn hiến Hà Nam-Truyền thống và hiện đại”. Ảnh: MINH SANG

Qua tìm hiểu tôi được biết: Năm 1997 sau khi tỉnh Hà Nam được tái lập thì Đoàn chèo Hà Nam cũng được tái dựng sau đó chỉ vài tháng. Từ đó đến những năm cuối thập niên thứ nhất của thế kỷ 20 là cả một chặng đường dài phấn đấu vượt mọi khó khăn thử thách để đạt những thành quả đáng trân trọng. Tính đến cuối năm 2009, Đoàn đã dàn dựng được 17 vở diễn gồm cả chèo truyền thống và hiện đại, đầy ắp hơi thở cuộc sống đương đại, tham dự đều đặn Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc hàng năm, được Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao các giải thưởng xuất sắc: “Bài thơ treo dải yếm đào” – HCB năm 1997, “Tỉnh rượu lúc tàn canh”- 1 HCV, 2 HCB năm 2000, “Súy Vân” – 2 HCV, 2 giải xuất sắc, 2 HCB năm 2001, “Trống giục sang canh”- giải C năm 2002, “Hoa đồng nội”- 3 HCV năm 2005, “Thắm mãi lòng son” - giải C năm 2006, “Đợi đến mùa xuân”- 1 HCV, 3 HCB năm 2009 v.v... Bên cạnh giải thưởng cho các vở diễn dài, đoàn còn vinh dự nhận nhiều giải thưởng khác, như: 1 giải Nhì, 1 giải Tài năng triển vọng tại Hội thi tài năng trẻ sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2003; 2 giải C tại Liên hoan dân ca Việt Nam năm 2009 v.v…

Đến tháng 10-2010, UBND tỉnh Hà Nam ra Quyết định thành lập Nhà hát chèo Hà Nam, trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy và biên chế của Đoàn nghệ thuật chèo Hà Nam với chức năng nhiệm vụ: Xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của quê hương, đất nước, phục vụ nhân dân; hướng dẫn nhằm nâng cao nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chèo của xã hội, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh; tổ chức nghiên cứu khôi phục, bảo tồn, phát triển và truyền bá nghệ thuật chèo truyền thống, đồng thời thử nghiệm các sáng tác mới, phong cách biểu diễn mới; phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho các nghệ sĩ diễn viên, nhạc công….

Như vậy, từ “Đoàn nghệ thuật” nâng cấp lên “Nhà hát” là một bước ngoặt của đơn vị, với qui mô tổ chức và chức năng, nhiệm vụ lớn hơn và nặng nề hơn. Tuy nhiên hiện tại cái danh xưng “Nhà hát” vẫn đang là một áp lực, một thách thức lớn của đơn vị. Bởi vì, bên cạnh những khó khăn chung của bộ môn nghệ thuật truyền thống trong thời đại ngày nay, Nhà hát chèo Hà Nam còn có một khó khăn nan giải từ hàng chục năm nay là vấn đề nhân lực. Theo biểu biên chế thì Nhà hát phải có ít nhất 80 cán bộ, diễn viên, nhân viên để thực hiện các nhiệm vụ biểu diễn, nghiên cứu, đào tạo… Trong đó riêng công tác biểu diễn phải có trên 60 người để hoạt động với quy mô hai đoàn nghệ thuật. Tuy nhiên hiện tại sau hơn 5 năm thành lập, Nhà hát chèo Hà Nam chỉ mới có hơn 40 người thuộc các bộ phận. Riêng về biểu diễn thì Nhà hát chèo chỉ mới đủ biên chế 1 đoàn nghệ thuật và chỉ có thể hoạt động theo mô hình 2 đội biểu diễn.

Được biết, từ nhiều năm nay Đoàn chèo Hà Nam trước đây và Nhà hát chèo Hà Nam hiện nay luôn luôn nhận được sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo địa phương. Còn nhớ ngay sau khi tái lập năm 1997, tỉnh đã cho phép đoàn tuyển chọn và gửi đi đào tạo tại Trường Cao đẳng nghệ thuật Thái Bình hơn 20 tài năng trẻ. Vậy nhưng trải qua năm tháng bươn trải trong cơ chế thị trường, hiện tại còn rất ít người trong số ấy trụ lại được với đoàn. Mới đây, đề án tuyển sinh tạo nguồn nhân lực của Nhà hát cũng đã được tỉnh phê duyệt và đôn đốc triển khai thực hiện. Tuy nhiên việc tuyển chọn, mời gọi, thu hút tài năng, nhất là tài năng trẻ, đối với Nhà hát chèo Hà Nam vẫn vô cùng chật vật khó khăn. Và vì vậy hiện nay, bên cạnh những nghệ sĩ đã thành danh và lớn tuổi, như: Lương Duyên, Mạnh Hùng, Tuyết Lan, Hải Yến, Trang Nhung, Thế Hiển, Bích Ngọc, Hồng Nhạn, Xuân Quý, Quang Vị, Mạnh Thắng, Việt Dũng v.v… thì Nhà hát chèo Hà Nam thật hiếm những gương mặt mới báo hiệu những ngôi sao triển vọng… Như vậy, về lâu dài thì công tác tuyển dụng, đào tạo diễn viên, nhạc công, công nhân kĩ thuật là vô cùng cần thiết, cần được tỉnh quan tâm hơn nữa, thiết thực hơn nữa, như: đầu tư trang thiết bị, tăng cường kinh phí sự nghiệp, có chế độ ưu đãi đặc thù cho các diễn viên, nhạc công; tích cực phát hiện vun trồng tài năng và có chính sách “thảm đỏ” thu hút nhân tài nghệ thuật như một số địa phương khác đã và đang thực hiện...

Nghe nói, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đang xúc tiến dự án nhà công vụ dành cho Nhà hát chèo để không chỉ thiết thực giúp các cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ của Nhà hát ổn định cuộc sống gia đình, yên tâm cống hiến phục vụ tỉnh nhà, mà còn là yếu tố góp phần thực hiện chính sách thu hút nhân tài, bổ sung nguồn nhân lực mới và trẻ cho lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật của địa phương. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một giải pháp tình thế, giải quyết một khúc mắc cụ thể. Về cơ bản và lâu dài, cần có một dự án chiến lược khả thi và toàn diện nhằm củng cố Nhà hát chèo Hà Nam nói riêng và chấn hưng “Chiếng chèo Nam” nói chung-một trong “tứ chiếng" chèo nổi tiếng của châu thổ sông Hồng và đồng bằng Bắc Bộ.

Ghi chép của MAI NAM THẮNG