Trong số hàng trăm bài thơ được in trong sách giáo khoa bậc tiểu học và trung học phổ thông, tôi thích nhất bài thơ “Chú đi tuần” của tác giả Trần Ngọc. Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ: Trong đêm khuya phố vắng/ Súng trong tay im lặng đi tuần giữa đêm đông rét buốt ở thành phố cảng Hải Phòng, thương yêu các em nhỏ miền Nam như người ruột thịt, cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi và thôi thúc tôi trở thành bộ đội.
    |
 |
Đại tá Trần Ngọc, Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam (năm 1992). |
Đầu năm 1994, khi về nhận công tác tại Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính của Báo Quân đội nhân dân (QĐND), tôi mới biết tác giả của bài thơ “Chú đi tuần” lại có thời gian rất dài là trưởng phòng này.
Bác Trần Ngọc khi đó đã ngoài 60 tuổi nhưng còn rất khỏe và minh mẫn. Vừa nghỉ hưu ở Báo QĐND, bác đã được mời làm Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam. Nhà bác lúc ấy ở ngay cạnh phòng làm việc của chúng tôi nên chúng tôi thường xuyên được gặp bác, được bác truyền đạt kinh nghiệm viết về kinh tế-xã hội-nội chính trên Báo QĐND.
Bác Trần Ngọc kể với chúng tôi rằng, bài thơ “Chú đi tuần” bác viết vào đầu năm 1956, khi đó, bác mới 26 tuổi, giữ chức vụ chính trị viên đại đội bảo vệ thành phố Hải Phòng vừa mới được giải phóng. Vào một đêm lạnh giá, sau khi đi kiểm tra việc tuần tra canh gác của đơn vị nơi các cháu học sinh miền Nam học nội trú gần cảng Hải Phòng, cảm xúc trào dâng trước các cháu miền Nam, bác đã ngồi đến gần sáng để viết bài thơ này. Bài thơ như một lời tự sự từ đáy lòng mình. Các từ láy “hun hút”, “lạnh lùng” diễn tả thấm thía cái lạnh buốt xương của mùa đông miền Bắc mà lần đầu tiên các cháu học sinh miền Nam phải nếm trải. Hai câu thơ lục bát hạ xuống cuối khổ thơ cũng nhẹ nhàng, bình dị nhưng lại tràn đầy cảm xúc, diễn tả tinh tế khung cảnh lạnh lẽo, vắng lặng của đêm mùa đông nơi thành phố cảng và khắc họa hình ảnh anh bộ đội: Nép mình dưới bóng hàng cây/ Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi!/ Rét thì mặc rét cháu ơi!/ Chú đi giữ mãi ấm nơi cháu nằm.
Bài thơ thể hiện tấm lòng yêu thương mênh mông của tác giả đối với học sinh miền Nam, sẵn sàng dành tất cả để canh giữ giấc ngủ của các cháu được bình yên. Nói rộng hơn, đó còn là tình cảm của nhân dân miền Bắc luôn hướng về miền Nam thân yêu, ruột thịt.
Ngay ngày hôm sau, chú bộ đội Trần Ngọc đã đến bưu điện thành phố, gửi bài thơ cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội với lời đề tặng các cháu học sinh miền Nam. Bài thơ có tiêu đề là “Đêm nay đi tuần” được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Khoảng một tháng sau đó, Trần Ngọc nhận được tặng phẩm của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (thay cho nhuận bút) là một hộp thuốc đánh răng. Bài thơ được đưa vào sách giáo khoa lớp 3 từ bao giờ bác Trần Ngọc cũng không biết. Cuối năm 1959, khi đó bác Trần Ngọc là giáo viên Trường Sĩ quan Lục quân, dẫn học viên đi tập chiến thuật. Giờ nghỉ, bác và các học viên ngồi tản ra dưới bóng cây gần một trường cấp 1 (nay gọi là tiểu học), bỗng nghe thấy các em học sinh trong lớp đọc thuộc lòng bài thơ này. Bác rất ngạc nhiên rồi chờ đến cuối giờ học, hỏi cô giáo thì mới biết bài thơ do mình sáng tác ngày nào đã được đổi tên là “Chú đi tuần” và trích đăng trong sách giáo khoa...
Vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008, tôi nhận được điện thoại của bác Trần Ngọc mời đến nhà thông báo tin mừng, bài thơ “Chú đi tuần” của bác sau một thời gian khá dài bị đưa ra khỏi sách giáo khoa cải cách giáo dục, nay đã được đưa trở lại trong cuốn Tiếng Việt lớp 5, tập II. Bác vừa nhận được món quà Tết gồm thư chúc Tết của Nhà xuất bản Giáo dục, tập sách Tiếng Việt lớp 5, tập II có in lại bài thơ “Chú đi tuần” và tiền nhuận bút 100.000 đồng.
    |
 |
Nhà báo Trần Ngọc khi mới về nhận công tác tại Báo Quân đội nhân dân (tháng 1-1965). Ảnh tư liệu |
Tôi đã được đọc rất nhiều tác phẩm báo chí của nhà báo Trần Ngọc, nhưng tác phẩm thơ của bác thì mới chỉ được đọc một bài “Chú đi tuần”. Thắc mắc điều này với bác, tôi đã nhận được câu trả lời: “Thực ra mình sáng tác được khá nhiều thơ, nhưng khi đọc lại và ngẫm nghĩ, mình thấy chưa đạt chất lượng để đăng báo, in sách nên chỉ giữ lại làm kỷ niệm thôi”.
Nghe bác nói vậy, chúng tôi lại càng kính trọng “Chú đi tuần” Trần Ngọc.
Chú đi tuần
Gió hun hút lạnh lùng
Trong đêm khuya phố vắng
Súng trong tay im lặng,
Chú đi tuần đêm nay
Hải Phòng yên giấc ngủ say
Cây rung theo gió, lá bay xuống đường...
Chú đi qua cổng trường
Các cháu miền Nam yêu mến.
Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến
Các cháu ơi! Giấc ngủ có ngon không?
Cửa đóng che gió kín, ấm áp dưới mền bông
Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé!
Trong đêm khuya vắng vẻ,
Chú đi tuần đêm nay
Nép mình dưới bóng hàng cây
Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi!
Rét thì mặc rét cháu ơi!
Chú đi giữ mãi ấm nơi cháu nằm.
Mai các cháu học hành tiến bộ
Đời đẹp tươi khăn đỏ tung bay
Cháu ơi! Ngủ nhé, cho say...
Thân yêu tặng các cháu học sinh miền Nam
TRẦN NGỌC
|
ĐỖ PHÚ THỌ