Về văn nghệ, việc xuất hiện Phong trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn, mỹ thuật Đông Dương và Viễn Đông âm nhạc với lứa họa sĩ và nhạc sĩ đầu tiên bắt đầu sự nghiệp của mình. Tất cả khi ấy đều còn rất trẻ, chỉ từ mười sáu tuổi đến trước tuổi “tam thập nhi lập”, nhưng đã bắt đầu tạo ra một diện mạo văn nghệ Việt Nam mà đến hôm nay còn đầy hiển hách với giá trị vàng son của nó. Tất cả đã tạo ra một thế hệ “chín sớm”. Chín sớm một cách tự nhiên chứ không phải chín ép. Giải thích về hiện tượng này, về thế hệ này theo cách nghĩ của người viết bài này, đó là do tác động xã hội cũng rất tự nhiên dành cho dải đất Việt Nam nằm bên thềm lục địa phía Đông Nam châu Á. Với vị trí địa lý đặc biệt của mình, Việt Nam đã bao đời luôn luôn chịu tác động của hai nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ. Việc tiếp nhận và duy trì được bản sắc văn hóa riêng của mình đã là một bản lĩnh diễn ra âm thầm, bền bỉ suốt chiều dài lịch sử. Nhưng khi người Pháp xâm lược Việt Nam, mang theo nền văn minh phương Tây đến xứ sở này thì chính nền văn minh ấy như những giọt của chất xúc tác vô cùng quan trọng. Nó đã đẩy nhanh phản ứng như phản ứng hóa học vốn lâu nay bị tù đọng, không có sự nhảy vọt. Bởi thế, chính nhờ những giọt xúc tác lạ lẫm này, thập niên 1930 đã hình thành nên một thế hệ văn nghệ Việt Nam hiện đại rất non trẻ nhưng đầy bản lĩnh và thành tựu. Đấy là một thế hệ “chín sớm”. Sau thế hệ “chín sớm” này do hoàn cảnh lịch sử của mình, Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh rung chuyển nhân loại. Đó là chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chính hai cuộc chiến tranh này đã tạo ra một thế hệ con cháu thế hệ “chín sớm”, nhưng do đặc điểm chiến tranh cần có thời gian lùi xa để chiêm nghiệm, suy ngẫm và đánh giá nên đạt được những thành tựu muộn hơn so với thế hệ “chín sớm” và được gọi là thế hệ “chín muộn” (vì cũng không chịu chín ép...). Tuy nhiên trong bài viết này, vấn đề đặt ra là dành cho thế hệ “chín sớm”.
|
Tuyệt tác “Hai thiếu nữ và em bé” của danh họa Tô Ngọc Vân được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2013. |
Vì cái mốc là thập niên 1930 nên những người thành danh ở thập niên này mà lại trước tuổi “tam thập nhi lập” thì thường sinh khoảng năm 1901 trở đi, như họa sĩ Tô Ngọc Vân, vốn đã có triển lãm riêng khi mới 26 tuổi; Thế Lữ-người khởi sự Thơ mới khi 25 tuổi.
Những người trẻ tuổi của thế hệ “chín sớm” cứ thay nhau xuất hiện suốt thập niên 1930. Không thể nào quên Vũ Trọng Phụng-vua tiểu thuyết với “Số đỏ”, “Giông tố”... sinh năm 1912, chỉ viết văn trong 9 năm (từ 1930 đến 1939) rồi mất (1939) nhưng đã để lại một văn nghiệp tầm cỡ nhân loại. Cũng như thế là Hàn Mặc Tử-thi bá với những “Lệ Thanh thi tập”, “Gái quê”, “Đau thương”... nổi tiếng từ giải nhất cuộc thi thơ của Mộng Du thi xã với bài “Thức khuya” được cụ Phan Bội Châu yêu mến, họa lại và khen ngợi. Sinh năm 1912, Hàn Mặc Tử chỉ mất sau Vũ Trọng Phụng một năm (1940).
Trẻ hơn Vũ Trọng Phụng về tuổi đời và cũng nổi tiếng trong thập niên 1930 là nhà văn Nguyên Hồng. Nguyên Hồng sinh năm 1918. Năm 20 tuổi (1938) đã nổi tiếng với tiểu thuyết “Bỉ vỏ”. Còn trẻ hơn mà thành danh sớm chính là nhà thơ Chế Lan Viên. Cùng trong Nhóm thơ Bình Định, cùng là Bàn thành tứ hữu, là long-lân-quy-phượng (Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên), Chế Lan Viên xuất bản “Điêu tàn” năm 1937. Năm ấy ông mới có 17 tuổi. Cũng phải nói thêm, cũng năm ấy có một người Huế làm thơ in trên Báo Tiếng Dân với một giọng điệu khác và sau này cực kỳ nổi tiếng. Đó là nhà thơ Tố Hữu. Ít hơn Chế Lan Viên và Tố Hữu một tuổi nhưng Tế Hanh đã nổi tiếng với tập “Hoa niên” cuối thập niên 1930. Đồng niên với Tế Hanh là Lưu Hữu Phước thì lại nổi tiếng với những hành khúc yêu nước. Sau Lưu Hữu Phước một năm, Đỗ Nhuận cũng là một nhân vật ngang ngửa với Tố Hữu bởi những bài ca yêu nước xuất hiện cùng thời. Khi Tố Hữu làm thơ trong tù rồi vượt ngục thì Đỗ Nhuận lại vào tù rồi viết những bài ca trong tù. Đến đầu năm 1945, sau khi viết hành khúc “Du kích ca” thì cũng cùng các đồng chí vượt ngục, kịp về tham gia Cách mạng Tháng Tám.
Người trẻ nhất trong số những người kể trên mà lại nổi tiếng sớm nhất, ở tuổi 16, đó là Văn Cao. Văn Cao sinh vào mùa đông giá lạnh năm 1923, ở miền cửa biển Hải Phòng. Vậy mà năm 1939, dường như là một khóc thương dành cho Vũ Trọng Phụng ra đi mùa thu năm ấy, Văn Cao đã viết “Buồn tàn thu” để rồi giai điệu mang âm hưởng ca trù này đi khắp đất nước. Ngay năm sau, khi Hàn Mặc Tử từ trần ở trại phong Quy Hòa, Quy Nhơn thì Văn Cao lại đến Huế, nơi Hàn Mặc Tử từng học trường Pellerin. Và ở đó, không chỉ viết bài thơ “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, Văn Cao còn tìm ra cảm hứng để năm 18 tuổi đã viết bản trường ca “Thiên thai” bất hủ mà các nhà du hành vũ trụ Mỹ đưa vào những giai điệu tuyển chọn để mang theo nghe khi lang thang trong vũ trụ. Và cũng từ đấy, bên cạnh những ca khúc trữ tình như: “Cung đàn xưa”, “Thu cô liêu”, “Suối mơ”, “Bến xuân”, Văn Cao viết những hành khúc yêu nước như: “Thăng Long hành khúc ca”, “Đống Đa”... 21 tuổi, ông đã viết “Tiến quân ca” dành cho đội quân cách mạng Việt Minh mà bây giờ là Quốc ca Việt Nam. Văn Cao cứ thế “chín sớm” cùng cách mạng Việt Nam, với “Chiến sĩ Việt Nam” dành cho bộ binh, “Không quân Việt Nam hành khúc” như một tiên đoán về quân chủng này cũng như “Hải quân Việt Nam hành khúc”. Và chợt yêu quý những người du kích áo chàm từ Khởi nghĩa Bắc Sơn qua “Bắc Sơn”-cho vở kịch cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng công diễn mùa hè năm 1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cũng năm ấy, ông viết “Công nhân Việt Nam”. Cách mạng “chín sớm” cứ đưa Văn Cao đi từ đỉnh cao này sang đỉnh cao khác. Sau “Thiên thai”, Văn Cao viết “Trương Chi” với một sáng tạo ra nhịp chèo thuyền (Barcarolle) rất Việt. Cho đến sau chiến thắng Lũng Lô thì lại sáng tạo thêm một nhịp chèo thuyền mới trong “Trường ca sông Lô”: Vui hát ca hòa vui hát ca hòa dân buông lưới, Phan Lương vui bóng thuyền... Ở giữa đó là những đỉnh như: “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Toàn quốc thi đua”... Và đặc biệt là hành khúc dự báo ngày trở về Hà Nội được viết từ năm 1948, năm Văn Cao 25 tuổi. “Tiến về Hà Nội” khi ra đời bị phê phán là “lạc quan tếu” nhưng thiên tài trên những phê phán giáo điều đó là Văn Cao đã mường tượng trong tưởng tượng ra đúng một hiện thực mà sau đó 6 năm, ngày 10-10-1954, đã hiện ra đúng như thế giữa phố phường Hà Nội.
Tất cả họ đã làm nên một thế hệ văn nghệ “chín sớm” mà ta quen gọi là thế hệ văn nghệ tiền chiến. Họ cùng nhau tìm ra cái tôi của con người mà từ lâu bị khuất lấp trong quần thể, trong đám đông. “Chín sớm” đã trở thành khát vọng của nhiều văn nghệ sĩ thế hệ sau. Cũng nhờ khát vọng này, thế hệ chống Pháp lại tìm đến cái ta tập thể thăng hoa bởi ý thức cách mạng. Tập thể khác quần thể, đám đông, bầy đàn là sự cộng sinh của những cá nhân mạnh. Cũng thành danh khi còn trẻ trung là những Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Lương Ngọc Trác, Huy Du, Việt Lang, Hoàng Lộc, Trần Đăng, Hoàng Cầm... Tuy nhiên, họ cùng thế hệ tiền chiến lăn xả vào cuộc kháng chiến vĩ đại đến thế hệ chống Mỹ, khát vọng ấy vẫn cháy bỏng trong những văn nghệ sĩ lớp con cháu của thế hệ tiền chiến. Vậy là cả ba thế hệ cùng dấn thân chung một chiến hào: Thế hệ tiền chiến, thế hệ chống Pháp, thế hệ chống Mỹ. 19 tuổi, anh lính Đỗ Chu đã có tập truyện ngắn “Hương cỏ mật”. 20 tuổi, anh lính Lưu Quang Vũ đã có tập thơ in cùng Bằng Việt lúc ấy 27 tuổi-tập “Hương cây-Bếp lửa”. Cũng 20 tuổi, Bế Kiến Quốc đã đoạt giải nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1969. Người được giải nhất là Phạm Tiến Duật cũng mới có 28 tuổi. Ở giải thi thơ năm 1972, Hoàng Nhuận Cầm cũng chỉ 20 tuổi. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là những khởi đầu mang khát vọng “chín sớm”. Cuộc chiến tranh thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ rất cần có thời gian để lùi lại, ngẫm nghĩ, nhất là kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đấy là thời đại xác lập của văn nghệ “tự ý thức”. Bởi thế, mãi đến sau khi đổi mới, chúng ta mới có những tác phẩm tầm cỡ, có tiếng vang trong nước và thế giới như: “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc?Trường, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp... Lúc ấy họ đã ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, đã “chín muộn”. Trong bài thơ “Máu xanh”, tôi cũng đã viết về thế hệ mình như thế: Một thế hệ hiến dâng trọn vẹn, hiến dâng vô danh/ Cắn chặt răng không khóc/ Cháy thành lửa, tắt thành vuông cỏ mọc/ Chín muộn như không thể chín tự nhiên. Tại thời điểm đó, nhất là sau khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam, ngày 10-7-1995 đã xuất hiện một thế hệ họa sĩ trẻ “chín sớm” của thời mở cửa. Tranh của họ đã được triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới và được người yêu tranh trên khắp tinh cầu mang về treo ở nhà mình. Tuy không trẻ như thời tiền chiến với bộ tứ “Nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn” (tức là Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn) nhưng cũng có thể có độ tuổi sánh với bộ tứ “Sáng-Nghiêm-Liên-Phái” (tức là Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái) thời chống Pháp và bộ tứ trưởng thành từ khóa hội họa kháng chiến: Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Mai Long, Lê Huy Hoa. Đó là những Hoàng Hồng Cẩm, Đặng Xuân Hòa, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Hồng Việt Dũng, Đinh Quân... Cũng là do lợi thế của hội họa mà nên.
Bây giờ, văn nghệ đang ở thời đại 4.0. Chất xúc tác công nghệ này liệu có thể khiến cho khát vọng “chín sớm” sẽ hiện hữu trở lại thành một thế hệ như thế hệ cha ông khi xưa? Đấy là một câu hỏi mà rất nhiều người đang trông chờ, nhất là những người thân thuộc thế hệ “chín muộn” như chúng tôi. Biết bao nhiêu điều kiện thuận lợi đang dành cho họ để có khả năng tạo ra bước đột phá cho thế hệ của mình. Chúng ta có quyền hy vọng không? Hay như thế hệ hội họa thời mở cửa?
Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA