QĐND - Kỷ niệm 69 năm thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944/22-12-2013) và 40 năm thực hiệp Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973-2013), Nhà xuất bản Công an nhân dân phối hợp với Quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi” xuất bản cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” của nhà văn, nhà báo, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng.
Thi hành Hiệp định Pa-ri, cuối năm 1973, hàng trăm tù binh phi công Mỹ đã được Chính phủ Việt Nam trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ. Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng sự thật về những “phi công Mỹ ở Việt Nam” dường như vẫn là một câu hỏi lớn, được dư luận Mỹ và cả thế giới đặc biệt quan tâm. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi nhiều lý do liên quan đến bí mật quân sự, đến công tác ngoại giao và an ninh quốc gia… mà đề tài này trong suốt một thời gian dài, luôn được coi là “nhạy cảm” và rất ít được nói đến trong các tác phẩm phát hành công khai.
Đặng Vương Hưng, từng là một nhà báo chuyên viết phóng sự và tư liệu về đề tài chiến tranh. Ông là tác giả ý tưởng sưu tầm và giới thiệu Những bức thư thời chiến; là người khởi xướng và tham gia tổ chức nhiều cuộc vận động độc đáo: Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến (2008 - 2010) của Bộ Quốc phòng; Sưu tầm và Tuyên truyền Kỷ vật lịch sử Công an nhân dân (2012 - 2015) của Bộ Công an... Do yêu cầu công tác, ông đã có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhân chứng, tài liệu quan trọng một thời của cả phía Việt Nam và phía Mỹ. Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc một số thông tin “hậu trường chính trị”, nhưng lại mang tính “bên lề sân cỏ”, Đặng Vương Hưng đã dành tâm huyết nhiều năm để hoàn thành cuốn sách này, với những chi tiết đời thường thú vị, nhưng mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc. Và nhiều vấn đề mà lâu nay dư luận quan tâm đã được giải đáp một phần trong cuốn sách. Ví dụ: Viên phi công Mỹ nào bị bắn rơi đầu tiên ở Việt Nam? Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khởi đầu cho lịch sử quan hệ Việt - Mỹ như thế nào? Trong thời gian chiến tranh, phi công Mỹ bị bắn rơi ở Việt Nam, bị bắt làm tù binh đã được giam giữ ở những đâu? Họ được ăn ở, sinh hoạt và đối xử như thế nào? Đặc biệt, Lầu Năm Góc đã tổ chức một cuộc tập kích đường không quy mô và rất kỳ công để giải cứu tù binh phi công Mỹ, nhưng bất thành ra sao? v.v..
|
Bìa cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” |
Hoặc nữa: Cơ cấu tổ chức của trại tù binh phi công Mỹ ở Hỏa Lò hồi ấy như thế nào? Có phải tù binh phi công Mỹ tại Hỏa Lò được ăn uống theo chế độ “đặc táo”? Họ được tạo điều kiện chơi thể thao, thưởng thức văn nghệ, tham quan danh lam thắng cảnh của Thủ đô ra sao? Những tù binh phi công Mỹ nào đã được mời tham gia đóng phim cho Việt Nam? Và cả chuyện một nữ tù binh duy nhất ở Hỏa Lò, xinh đẹp, đỏng đảnh với bức thư gửi ông Trưởng trại để xin… nuôi một con mèo!
Với tinh thần tôn trọng sự thật của lịch sử, Đặng Vương Hưng đã cố gắng cung cấp cho bạn đọc cái nhìn trung thực, khách quan và từ nhiều phía. Cuốn sách còn có một số bài viết về phi công Mỹ ở Việt Nam đã đăng tải trên báo chí, do các đồng nghiệp thực hiện. Ngoài ra, còn có một số tài liệu hết sức thú vị, như bức thư của Đại tướng Ronald Robert Fogleman, cựu Chỉ huy trưởng Lực lượng Không quân Mỹ, gửi Trung tá Trần Sự, nguyên tỉnh đội trưởng Quảng Bình thời chống Mỹ, với nội dung như một lời xin lỗi muộn mằn người dân Việt Nam sau chiến tranh. Đặc biệt là phần ảnh tư liệu minh họa do Đại tá Trần Trọng Duyệt, nguyên Trại trưởng Trại giam Tù binh Mỹ cung cấp; tài liệu của ông Đặng Xuân Xiêm, nguyên Quản giáo Trại giam tù binh phi công Mỹ gửi tặng; tài liệu của thân nhân gia đình cố Thượng tướng Đào Đình Luyện và nhiều nhân chứng khác bổ sung...
Trong buổi ra mắt cuốn sách do NXB Công an nhân dân và Quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi” tổ chức tại Bảo tàng Phòng không-Không quân (Hà Nội) vào trung tuần tháng 12 vừa qua, rất nhiều nhân chứng-những “nhân vật đặc biệt” liên quan đến vấn đề phi công Mỹ ở Việt Nam-đã có mặt và giao lưu với độc giả, như: Đại tá Trần Trọng Duyệt; ông Đặng Xuân Xiêm; bà Trần Thị Liên (chuyên tiếp phẩm cho tù binh Mỹ ở Hỏa Lò); bà Nguyễn Thị Yến (nữ cứu thương vụ Mỹ tập kích giải cứu tù binh ở Sơn Tây); ông Lê Việt Tiến (nguyên phó Ty công an Sơn Tây thời chống Mỹ); chị Lê Thị Nga (nạn nhân bị thương trong vụ tập kích ở Sơn Tây) v.v..
Phát biểu tại buổi giới thiệu cuốn sách trên đây, Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Xây dựng lực lượng của Bộ Công an, nhấn mạnh: Đây là một món quà rất ý nghĩa, nhân kỷ niệm 40 năm sự kiện trao trả tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam; tiến tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 60 năm Giải phóng Thủ đô (1954 - 2014); 70 năm truyền thống của QĐND Việt Nam và 70 năm khởi đầu lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (1944 - 2014)… Hy vọng, cuốn sách sẽ góp phần giải đáp nhiều vấn đề mà dư luận quan tâm liên quan đến chuyện tù binh phi công Mỹ tại Việt Nam trước đây, đặc biệt thấy rõ chính sách khoan hồng, nhân đạo, tôn trọng nhân quyền của Nhà nước ta và truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam.
MAI TRANG