Với mỗi cán bộ, chiến sĩ, hành khúc là người bạn, là liều thuốc tinh thần để họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hy sinh.
Nếu trong những ngày Cách mạng Tháng Tám, những hành khúc của Văn Cao như: “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam” cùng “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, “Cờ Việt Minh” của Vương Gia Khương v.v.. cổ vũ những bước chân khởi nghĩa thì ngay sau Cách mạng Tháng Tám, những hành khúc của Lưu Hữu Phước như: “Tiếng gọi thanh niên”, “Lên đàng” cùng “Đoàn Giải phóng quân” của Phan Huỳnh Điểu, “Nam Bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn đã góp sức động viên những bước chân chiến sĩ Nam Bộ chống xâm lược. Ngay sau khi ấy, Lưu Hữu Phước có thêm “Đoàn quân ma” về những người du kích Nam Bộ thì ở ngoài Bắc, “Du kích ca”, “Nhớ chiến khu” của Đỗ Nhuận cũng đang phổ biến rộng rãi, Văn Cao thì có thêm “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam” và “Bắc Sơn”...
    |
 |
Hành khúc luôn vang lên trên sân khấu chiến sĩ. Trong ảnh: Ca khúc "Viết tiếp bản hùng ca bầu trời Tổ quốc", sáng tác Ngọc Khuê, do đoàn Văn công Phòng không-Không quân trình diễn tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quân năm 2018. Ảnh: HÀ ANH |
Trên đường kháng chiến, khi Lương Ngọc Trác hùng tráng với “Trường chinh ca” thì Việt Lang lại luồn chất trữ tình vào nhịp hành khúc ở “Đoàn quân đi”. Ở Nam Bộ là “Tiểu đoàn 307” của Nguyễn Hữu Trí-Nguyễn Bính, rồi “Tầm vu” của Đắc Nhẫn-Quốc Hương. “Du kích Ba Tơ” của Dương Minh Viên và đoạn hành khúc trong “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương giục giã Trung Bộ quật cường. Cũng như thế, những đoạn hành khúc trong “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Sông Lô” của Văn Cao... cũng làm náo nức nhịp quân đi ở khắp các mặt trận. Thời kỳ này, Văn Cao đã có trước một hành khúc dự báo cho ngày thắng lợi. Đó là “Tiến về Hà Nội”.
Chiến dịch Biên Giới, Văn Cao viết “Tiểu đoàn Lũng Vài” thì Văn Chung có “Vào Đông Khê”. Cũng chính lúc ấy xuất hiện bài “Vì nhân dân quên mình” của Doãn Quang Khải sau này trở thành bài quân ca. Và khi quân ta hành quân lên Tây Bắc thì có “Thời cơ đến”, một sáng tác tập thể của những người lính, rồi “Qua miền Tây Bắc” của Nguyễn Thành.
Khi đại đoàn quân ta tiến vào Điện Biên Phủ thì bên cạnh “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân, Đỗ Nhuận đã bừng khởi một chùm hành khúc mở đầu là “Hành quân xa”. Sau đó, khi ta đánh Điện Biên Phủ là “Trên đồi Him Lam” và cuối cùng khi thắng lợi là “Giải phóng Điện Biên”.
Sau hội nghị Geneva, đất nước tạm chia làm hai miền, ở miền Bắc, lực lượng quân đội nhanh chóng xây dựng chính quy, hiện đại, những hành khúc lại theo chân người lính đến thao trường. Đó là “Bài ca cách mạng tiến quân” của Đỗ Nhuận. “Tiến bước dưới quân kỳ” của Doãn Nho và “Lực lượng ta hùng mạnh” của Hoàng Việt. Khi ấy, lực lượng vũ trang bí mật hoạt động ở miền Nam. Những bước chân âm thầm ấy vẫn có “Khúc quân hành” của Phan Thễ giục giã để rồi đi tới “Giải phóng miền Nam” của Huỳnh Minh Siêng (tức Lưu Hữu Phước). Rồi sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, những chiến sĩ Giải phóng quân đầu tiên lại lên đường với “Hành khúc giải phóng”, “Bài hát Giải phóng quân” của Lưu Nguyễn-Long Hưng (cũng là Lưu Hữu Phước) và lại dõng dạc hùng tráng với “Mỗi bước ta đi” của Thuận Yến.
Khi chiến tranh phá hoại bắt đầu lan ra miền Bắc, cả nước sôi sục với lòng căm hờn tột bậc. Hàng loạt hành khúc ra đời như những tiếng thét căm hờn trước quân xâm lược. Đó là “Giặc đến nhà ta đánh” của Đỗ Nhuận, “Đánh đích đáng” của Ngô Sĩ Hiển, “Từng bước đi vững chắc” của Văn Chung, “Không cho chúng nó thoát” của Hoàng Vân, “Thà chết bảo vệ Tổ quốc” và “Anh vẫn hành quân” của Huy Du-Trần Hữu Thung.
Sau đó là một thời kỳ rực rỡ của hành khúc. Hành khúc Việt Nam đã góp thêm gương mặt mới mẻ của mình vào thể loại vừa hùng tráng, vừa trữ tình. Đó là Nguyễn Xuân Khoát với “Theo lời Bác gọi”, lời thơ Lê Kỳ Văn. Vũ Trọng Hối với “Bước chân trên dải Trường Sơn”. Huy Thục với “Kèn xuất trận”, thơ Tô Đức Chiêu và “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Thanh Phúc với “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”. Bên cạnh các nhạc sĩ quân đội, các nhạc sĩ ngoài quân đội cũng tấu lên những nhịp đi rực cháy ý chí chiến đấu. Đó là Lưu Cầu với “Miền Nam ơi chúng tôi đã sẵn sàng”, “Lửa căm thù rực cháy khắp hai miền”. Phạm Tuyên với “Bám biển quê hương”. Hoàng Vân với “Bài ca pháo kích”. Hồ Bắc với “Trên đường Hà Nội”. Văn Dung với “Giải phóng quân ta đi”. Trọng Bằng với “Những dũng sĩ Núi Thành” v.v...
Cuộc chiến tranh càng đến hồi khốc liệt, nhịp hành khúc càng rắn rỏi, giục giã. Huy Du sau “Bài ca pháo binh” rồi “Chưa hết giặc là ta chưa về” với bút danh Huy Cầm lại có “Bài ca Đường 9”. Trọng Loan sau “Phải giết lũ giặc Mỹ” là “Bài ca Cồn Cỏ”, Doãn Nho với “5 anh em trên một chiếc xe tăng”, Văn An với “Ta đi giữa mùa xuân”, Hoàng Hà với “Cùng hành quân giữa mùa xuân” trong bút danh Cẩm La v.v.. Nhịp hành khúc xuyên qua không gian bằng làn sóng điện đến những đoàn quân dọc Trường Sơn, những đoàn quân đang hành quân trên các mặt trận. Ở chiến trường Nam Bộ có “Hành quân đêm” của Xuân Hồng-Trí Thanh, “Bài ca thanh niên miền Nam anh hùng” của Lê Quỳnh (tức Hoàng Việt). Ở miền Trung là những hành khúc của Thuận Yến, Hồ Thuận An (tức Trần Hoàn) v.v...
Cứ thế, nhịp hành khúc giục giã bước quân đi cho tới ngày toàn thắng.
Nhịp hành khúc qua gần 45 năm đất nước độc lập, tự do tuy không còn vạm vỡ, hoành tráng như thời chiến đấu nhưng những cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới giữa lúc cả nước thanh bình cũng mang đến những tình cảm sâu nặng mới trong bước đi của chiến sĩ hôm nay. Với Quân đội ta, nhịp hành khúc như một người bạn đồng hành lạc quan khiến cho những bước chân chiến sĩ không bao giờ rã mỏi. Càng đi càng “chân cứng đá mềm”. Càng đi càng “Hát mãi khúc quân hành”...
NGUYỄN THỤY KHA