Buổi chiều cuối năm Nhâm Tuất 1982 buốt lạnh, xám sẫm như ùa ra từ bức tranh “Những người ăn khoai” của Van Gogh. Tôi và Trần Vũ Mai đang “nhâm nhi” tại quán Tiêu Điều, sau đó, thêm nhạc sĩ Đặng Đình Hưng. Một lúc sau, một ông già nhỏ thó, tóc cước, râu cước bước vào. Khi được ông Hưng giới thiệu, tôi mới biết đấy là Văn Cao. Cũng nghe ông Hưng giới thiệu về tôi, Văn Cao ôm lấy tôi và nói: “Tao ôm những giọt mưa đồng hành của tao” (“Những giọt mưa đồng hành” là bài thơ tôi được giải thưởng Báo Văn nghệ 1981-1982). Để cho tôi có được giây phút đầu tiên đầy cảm động ấy, Văn Cao đã lặng lẽ, lầm lũi vượt qua chặng thời gian ngót ba mươi năm dằng dặc-một khoảng thời gian tưởng như đi chậm vài thế kỷ. Cũng chính lúc ấy, chúng tôi nhận nhau là đồng hương vì cùng ở Hải Phòng, là đồng môn vì cùng học trường Ngô Quyền (tức Bonnal cũ). Và hơn hết là một tình vong niên.

Chiều hôm ấy, chúng tôi uống khá say. Văn Cao uống từng nhấp chậm rãi. Ông ít nói và đôi khi vuốt râu...

*

*    *

Sau buổi chiều kỳ ngộ đó, tôi có dịp gặp Văn Cao nhiều lần tại căn gác nhà 108 Yết Kiêu, Hà Nội. Và cũng nhiều lần song hành cùng ông trên các miền đất nước. Đấy là những chuyến đi trung du mùa thu năm 1984, là chuyến đi dài qua Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang, Sài Gòn và Cần Thơ mùa hè năm 1985. Rồi những dịp cùng về hội trường ở Hải Phòng (1985, 1990). Và cuối cùng là chuyến lưu diễn “Đêm nhạc Văn Cao” mùa đông năm 1994.

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh tư liệu

 Gần gũi và trò chuyện nhiều cùng ông, tôi bắt đầu viết những bài báo giới thiệu Văn Cao từ mùa thu năm 1985, cho đến nay đã ngót 100 bài. Đặc biệt đầu năm 1987, ông đã nhờ tôi tuyển chọn giúp tập thơ “Lá” từ những cuốn sổ tay cũ kỹ, gián nhấm và phủ bụi của ông. Đấy là lần tôi được tiếp xúc khá kỹ càng với những gì có được của Văn Cao. Tuy nhiên, đấy là việc làm tình cảm với ông nên trong tập thơ “Lá” khi ấn hành, tên tôi không được ghi trong phần tuyển chọn. Ngay cả bài viết giới thiệu tập thơ cũng bị loại bỏ. Mãi đến mùa xuân năm 1991, bài được in ở Tạp chí Cửa Việt và được tặng thưởng. Và cuối năm 1993, bài viết ấy lại được chọn làm bài giới thiệu cho “Tuyển tập thơ Văn Cao” của Nhà xuất bản Văn học. Tôi đã viết tiểu thuyết chân dung “Văn Cao-người đi dọc biển”, NXB Lao động ấn hành năm 1992. Ông đọc và rất ưng ý.

*

*    *

Sau Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ V một tháng, ông vào viện và ngày 10-7-1995, ông nằm bất động sau cuộc chuyển cõi nhẹ như ngủ. Bệnh ung thư đã không dám làm đau đớn một người như Văn Cao, mặc dù bà Nghiêm Thúy Băng (vợ Văn Cao) đã chuẩn bị rất nhiều thuốc giảm đau cho giây phút buồn thương này. Ông nằm bất động giữa nước mắt người thân.

Mới mùa đông năm 1994, ông lần đầu tiên sau bao năm xa Hải Phòng được Thành ủy Hải Phòng chính thức mời về. Khi sinh ra, ở chân nhà máy bên kia đường. Còn khi trở về với tuổi 72, thì ngồi giữa những tràng vỗ tay trong Nhà hát Tháng Tám bên này đường. Cái vòng khép lại 72 năm dường như báo trước điều gì.

Mới vài ngày trước đó, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo từ Pháp về tới bệnh viện thăm ông. Những bông sen trắng đã chớm héo. Tác giả Quốc ca ngồi mệt mỏi nhìn nhà soạn nhạc giao hưởng hiện đại đã từng lấy nét nhạc Quốc ca làm chủ đề cho tác phẩm của mình. Bệnh tình đã buộc ông không uống được rượu vài ngày trước. Sau một ngày chủ nhật mưa khép lại một kỳ nắng gắt, sớm ngày đầu tuần thứ hai của tháng 7, năm nước Việt Nam mới tròn nửa thế kỷ, bài Quốc ca cũng đã tròn 50 năm vẻ vang, người viết Quốc ca đã lặng lẽ ra đi khỏi cõi đời.

*

*    *

 Ngày rằm tháng sáu âm lịch là ngày đưa tiễn Văn Cao về nơi an nghỉ cuối cùng. Hoa và hoa đến không cầm nước mắt. Dòng người theo linh cữu ông dường như không dừng lại. Không còn là ngôi mộ, mà là núi hoa dành cho Văn Cao.

Trước cửa nhà 108 Yết Kiêu có một cây sấu nhỏ. Sấu nở hoa trắng rồi rắc đầy căn nhà nghệ sĩ vào đầu hạ. Sấu vàng lá rồi cũng theo gió rơi đầy căn nhà nghệ sĩ vào cuối thu. Nó hệt như tâm hồn ông đứng qua bao thăng trầm. Ở đấy, vượt lên trên một cái chợ ồn ào, lẹp nhẹp như chính đời sống cần lao, cây sấu đã xanh biếc như một ăng-ten cực nhạy. Ở đấy, trong căn gác bao năm, có một người nghệ sĩ ngồi lặng im trước ly rượu như một người thiền qua thời gian. Điều kỳ lạ nhất là trước khi Văn Cao ra đi, cây sấu ấy-cây sấu như thu hút linh hồn ông-đã bị gãy gục trước một cơn bão. Dường như cả cây và người đều bay vào cõi Thiên Thai.

“Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao

Theo lời Văn Cao kể: Mùa xuân Ất Mão 1975, khi những cánh quân bí mật vây hãm quanh Buôn Ma Thuột để làm một cuộc “Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn” thì Văn Cao cũng vừa hoàn thành xong bản giao hưởng thính phòng “Anh Bộ đội Cụ Hồ”.

Đã bao nhiêu năm Văn Cao như chìm dần vào im lặng. Những bản nhạc “Hàng dừa xa”, “Sông Tuyến”, “Biển đêm” cùng bài hành khúc “Dưới cờ giải phóng” là tất cả những gì ông có thể gửi tới bằng tin yêu, bằng hy vọng tới miền Nam. Nơi đó, ông đã có những năm tháng tuổi trẻ đến với sông Hương xứ Huế, để rồi từ sông Hương bay tới chốn Thiên Thai. Nơi đó, ông đã có những năm tháng yêu đương ở vùng Phú Nhuận-Sài Gòn. Và ở đấy, hình như ông đã có một cái gì tuy chưa hẳn là gia đình nhưng đã vượt quá tình yêu. Không ai biết rằng trong chuyến cuối cùng đi với Hà Đăng Ấn vào Quảng Ngãi, ông còn có ý định vào cả Bình Định-Quy Nhơn. Tính Văn Cao vốn đa cảm. Bao nhiêu năm rồi, tuy ấm êm gia đình dù trong cô đơn, nghèo túng, Văn Cao vẫn còn một nỗi niềm về phương ấy khó nói thành lời. Người vợ tảo tần của ông-bà Băng dường như cũng cảm thông những đau đáu của chồng. Nhưng biết làm sao. Đất nước còn cắt chia. Chắc gì đây đã là mùa xuân cuối cùng?

Những ngày đầu năm 1976 cũng rạo rực không khác gì năm 1946. Lần đầu tiên sau 30 năm, cả hai miền cùng ăn chung một cái Tết thống nhất. Niềm hân hoan chợt dậy lên trong lòng Văn Cao. Và Văn Cao khẽ khàng ngồi vào đàn. Một nét gì đó có nhịp điệu của “Làng tôi” khi xưa bởi vì xuân này, bao người lính sẽ trở về bên mẹ hiền, những giai điệu dù có cùng tuyến nhưng vẫn có gì dịu dàng hơn, thanh thản hơn. Và những câu đầu tiên của bài hát “Mùa xuân đầu tiên”: Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn. Văn Cao thấy cần phải nhắc lại âm nhạc này những lời phải vượt qua phần kể tả của sự trình bày. Và lời ca lại nối tiếp: Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Người mẹ nhìn đàn con nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Nước mắt trên vai anh, giọt rơi ấm đôi vai anh/ Niềm vui phút giây như đang long lanh. Không khí khải huyền dâng lên bất tận. Nỗi cảm thán vừa như thắt lại nghẹn ngào, vừa như bật ra nức nở: Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao, trong xuân vui đầu tiên/ Ôi giờ phút chia tay anh đầu tiên, một cuộc đời êm ấm/ Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người...

Bản valse cho ngày toàn thắng của Văn Cao thật sâu lắng, không ồn ã. Ngay lập tức, Nhà xuất bản Âm nhạc Moscow đã dịch sang tiếng Nga và ấn hành. Nhưng ở Hà Nội, đã mấy ai biết niềm vui này của Văn Cao trong một mùa xuân đầu tiên nữa. Mãi sau 20 năm khi bài hát được viết ra, người mến mộ âm nhạc mới dần dà cảm nhận được niềm hạnh phúc chứa chan trong nhịp dịu dàng của điệu valse này.

Đời Văn Cao có hai mùa xuân đầu tiên chứng kiến cảnh đất nước liền một dải. Đó là mùa xuân năm 1946 khi trên đường hành phương Nam, nghe tin Quốc hội khóa I chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca Việt Nam và mùa xuân năm 1976 khi trở lại Sài Gòn sau 35 năm xa. Từ mùa xuân năm 1996 đến nay là những mùa xuân vắng Văn Cao. Vắng ông, nhưng những giai điệu mùa xuân của ông thì còn lại mãi mãi.

NGUYỄN THỤY KHA