Gương mặt người chiến thắng khắc sâu những nét khổ đau; thời gian càng lùi xa càng thấy rõ hơn điều đó. Trong cuộc đối mặt với các thế lực xâm lược hung bạo, dân tộc ta phải gồng mình lên để chiến đấu và chiến thắng bằng sức mạnh của lòng yêu nước nồng nàn, bằng trí tuệ của chiều sâu văn hiến kết tụ lại từ mấy nghìn năm. Nói bao nhiêu, viết bao nhiêu cũng không hết, không đủ về sự hy sinh của dân tộc. Thơ cũng vậy, dù đã có một dòng thi ca tưởng niệm và tri ân chảy suốt 73 năm qua nhưng dường như vẫn chưa phủ thấm hết những miền thương đau vời vợi trên dải đất hình chữ S này. Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2020) Báo Quân đội nhân dân (QĐND) Cuối tuần giới thiệu một số bài thơ hay về đề tài thương binh, liệt sĩ từ trước tới nay. Thay mặt bạn đọc, những người làm báo QĐND Cuối tuần xin chân thành cảm ơn các nhà thơ đã nói hộ tấm lòng của nhân dân đối với các thương binh, liệt sĩ.
Trang thơ do nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tuyển chọn và giới thiệu.
* Viếng bạn
Hôm qua còn theo anh
Đi ra đường quốc lộ
Hôm nay đã chặt cành
Đắp cho người dưới mộ...
Đứa nào bắn anh đó?
Súng nào nhằm trúng anh?
Khôn thiêng xin chỉ mặt,
Gọi tên nó ra, anh!
Tên nó là đế quốc?
Tên nó là thực dân?
Nó là thằng thổ phỉ
Hay là đứa Việt gian?
Khóc anh không nước mắt,
Mà lòng đau như thắt,
Gọi anh chửa thành lời
Mà hàm răng dính chặt.
Ở đây không gỗ ván
Vùi anh trong tấm chăn
Của đồng bào Cửa Ngăn
Tặng tôi ngày phân tán...
Mai mốt bên cửa rừng
Anh có nghe súng nổ
Là chúng tôi đang cố
Tiêu diệt kẻ thù chung!
HOÀNG LỘC
* Phan Thiết có anh tôi
Anh không giữ cho mình dù chỉ là
ngọn cỏ
Đồi thì rộng, anh không vuông đất nhỏ
Đất và trời Phan Thiết có anh tôi!
Chính ở đây anh thấy biển lần đầu
Qua cửa hầm
Sau những ngày vượt dốc.
Biển thì rộng căn hầm quá chật
Khẽ trở mình cát đổ trắng hai vai...
Trong căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi
Tim anh đập không sao ghìm lại được
Gió nồng nàn hơi nước
Biển như một con tàu sắp sửa
kéo còi đi!
Những ngôi sao tìm cách sáng
về khuya
Những người lính mở đường đi lấy nước
Họ lách qua những cánh đồi tháng chạp
Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi
Biển ùa ra xoắn lấy mọi người
Vì yêu biển mà họ thành sơ hở
Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ
Mất chỉ còn cách nước một vài gang
Anh ở đây mà em mãi đi tìm
Em hy vọng để lấy đà vượt dốc
Tân Cảnh
Sa Thầy
Đắc Pét
Đắc Tô
Em đã qua những cơn sốt anh qua
Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp
Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết
Em một mình đứng khóc ở sau xe
Cánh rừng kia, trận mạc còn kia
Vài bước nữa thì tới đường Số Một
Vài bước nữa
Thế mà
Không thể khác
Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi?
Em chưa hay cánh đồi ấy tên gì
Nhưng em biết ngày ngày
anh vẫn đứng
Anh chưa biết đã tan cơn báo động
Chưa biết tin nhà, không nhận ra em...
Không nằm trong nghĩa trang
Anh ở với đồi, anh xanh vào cỏ
Cỏ ở đây thành nhang khói nhà mình
Đồi ở đây cũng là con của mẹ
Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em!
Tiếng còi xe Phan Thiết bước vào đêm
Đèn thành phố soi người đi câu cá
Anh không ngủ, người đi câu không ngủ
Biển đêm đêm trò chuyện
với hai người...
Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi!
HỮU THỈNH
*Núi đôi
Bảy năm về trước em mười bảy
Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì anh tới, bữa em sang.
Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi
Em vẫn đùa anh sao khéo thế
Núi chồng, núi vợ đứng song đôi.
Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới
Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau
Mới ngỏ lời thôi đành lỡ hẹn
Ai ngờ từ đó mất tin nhau.
Anh vào bộ đội lên Đông Bắc
Chiến đấu quên mình năm lại năm
Mỗi bận dân công về lại hỏi
Ai người Xuân Dục, Núi Đôi chăng?
Anh nghĩ quê ta giặc chiếm rồi
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi
Mỗi tin súng nổ vùng đai địch
Sương trắng người đi lại nhớ người.
Đồng đội có nhau thường nhắc nhở
Trung du làng nước vẫn chờ trông
Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
Em vẫn đi về những bến sông.
Náo nức bao nhiêu ngày trở lại
Lệnh trên ngừng bắn anh về xuôi
Hành quân qua tắt đường sang huyện
Anh nhớ thăm nhà thăm Núi Đôi.
Mới đến đầu ao tin sét đánh
Giặc giết em rồi, dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa
Em sống trung thành, chết thủy chung.
Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em.
Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo
Em còn trẻ lắm, nhất làng trong
Mấy năm cô ấy làm du kích
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng.
Từ núi qua thôn đường nghẽn lối
Xuân Dục, Đoài Đông cỏ ngút dày
Sân biến thành ao nhà đổ chái
Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay.
Cha mẹ dìu nhau về nhận đất
Tóc bạc thương từ mỗi góc cau
Nứa gianh nửa mái lều che tạm
Sương trắng khuây dần chuyện xót đau.
Anh nghe có tiếng người qua chợ:
Ta gắng, mùa sau lúa sẽ nhiều
Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu!
Nhưng núi còn kia, anh vẫn nhớ
Oán thù còn đó, anh còn đây
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Đã trọn niềm tin gửi đất này.
Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em: Đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.
Anh đi bộ đội, sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
VŨ CAO
* Những ngọn sóng tỏa hương
Hai tư năm - Gạc Ma
Lật sóng tìm quá khứ
Thềm lục địa đây rồi
Ngày Trường Sa bầm đỏ
Nỗi đau nào khép cửa
Nỗi đau nào cài then
Ngọn gió thiêng vuốt biển
Biển cúi mình trang nghiêm
Khói nhang trùm mộ sóng
Đặc quánh những tầng buồn
Tiếng vọng từ sâu thẳm
Se thắt lòng đại dương
Với anh - người chiến sĩ
Tổ quốc giữa tim mình
Tượng đài là lũy thép
Của tấm lòng kiên trung
Nơi các anh ngã xuống
Máu đã thắm san hô
Anh linh hòa sóng biếc
Cứ tỏa hương từng giờ
Tháng 5-2012
TRẦN MAI HƯỜNG
* Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc
Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.
- Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các chị lắm phải không, thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi cùng bao vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che.
- Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào
Bao lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.
- Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.
VƯƠNG TRỌNG
* Khát vọng Trường Sơn
Nằm kề nhau
Những nấm mộ giống nhau
Mười nghìn bát hương
Mười nghìn ngôi sao cháy
Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng
Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn
Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn
Mười nghìn đôi tay mở rừng, xẻ núi
Mười nghìn đôi chân bám trên trọng điểm
Mười nghìn đôi mắt ngước hái mây chiều...
Mười nghìn ngọn đèn thắp miền giông bão
Mười nghìn bếp ấm giữa lòng rừng xanh
Mười nghìn cơn mưa, mười nghìn cơn nắng
Mười nghìn trận sốt bạc rừng nguyên sinh
Mười nghìn chiếc gậy của thời đôi mươi
Mười nghìn nếp nhăn hằn lên trước tuổi
Mười nghìn vết đau, mười nghìn vòng trắng
Mười nghìn mái tóc bị phát quang dần...
Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn
Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn
Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc
Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta
Mười nghìn con đò thương về bến đợi
Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa...
Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa
Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn
Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương
Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng
Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng...
Mười nghìn khát vọng được về bên nhau!
NGUYỄN HỮU QUÝ
* Dáng đứng Việt Nam
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt/
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn/
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng
Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.
LÊ ANH XUÂN
* Đám cưới một linh hồn
Người chiến binh để lại một chân trên cánh đồng Chó Ngáp
Nửa đời bôn ba chắp nối một lời nguyền
Gặp lại người yêu giữa Trường Sơn ngàn bia mộ
Lời hẹn ba mươi năm
Giờ hóa cỏ xanh rờn.
Anh đã ngoại ngũ tuần
Người yêu anh vẫn trẻ
Anh cưới em
Anh cưới một linh hồn
Bông huệ trắng thơm tím chiều hoang vắng
Ly rượu buồn anh tưới đẫm hoàng hôn.
Giờ thì em đã vu quy
Em đã vu quy
Như lời xưa hai đứa mình hẹn ước
Mà bên anh hư ảo một hình hài
Trời xanh ngắt
Mây giăng tà áo cưới
Dấu chân tròn... lá rừng xanh mắt ai!
VŨ BÌNH LỤC
* Vô danh
Không về
những người hy sinh ngoài mặt trận
hồn ẩn vào cây rừng ngọn cỏ
cháy những đêm chập chờn.
Nhiều người được trở về với mẹ
không vẹn nguyên hình hài
những bàn chân, bàn tay, những hốc mắt nằm lại
vô danh thành đất đai.
Họ cố giấu sự mất mát đời mình
bằng bàn chân không động mạch
bằng ống tay áo lép thỏng vào khoảng không di động
vô danh lẫn vào cực nhọc đời thường
bàn chân từng bấm xuống bùn cấy cày trên đất mẹ
như những hạt giống gieo niềm tin vững chãi lội ngược gió
mọc lên bờ bãi mỡ màu.
Bàn tay đan nhiều nốt chai chờ mọc thành sao
những con chữ mang hình hài mơ ước
từng giơ cao xung phong đi vào cái chết
siết thành vòng tin cậy mến yêu nhau!
Đôi mắt in những ảnh hình thật sâu
dáng mẹ cha, nét quê hương bấu chặt lòng rưng rức
lại rạo rực trong lòng khi khép mắt
hiện lên những yêu dấu chờ mong...
Giờ trở nên vô danh
hồn dấu chân theo nhòe cát bỏng
hồn cái nhìn dồn vào khoảng trống
hồn vòng ôm thành mắt xích đứt rời.
Những mất mát vô danh đồng đội của tôi
thời gian trở về đời thường thịt da còn nhớ màu quân phục
có nhiều đêm trong mơ tôi bật khóc
sáng dậy cầm tay mình trống vắng những đốt tay...
TRẦN QUANG ĐẠO