QĐND - Lâu lắm rồi mới có dịp trở lại Lai Châu. Chiều hôm trước, nhận được lời mời lên dự Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu lần thứ nhất do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tài trợ tổ chức và tư vấn đầu tư, suốt ngày hôm ấy, tôi rạo rực, bồn chồn như được lời hẹn hò của cô bạn từ thuở hoa niên vừa chắp nối sau mấy mươi năm biền biệt. Lại còn lên mạng khoe, rồi đoán già đoán non: Không biết sáng mai sẽ đi theo Quốc lộ số 6 qua Mai Châu mùa em thơm nếp xôi hay ngược Sơn Tây, qua cầu Trung Hà để rồi vượt đèo Lũng Lô anh hò chị hát? Chao ơi, đi ngả nào cũng thật tuyệt!

Thế mà sáng hôm sau, ô tô chở mấy anh em chúng tôi lại vòng theo đường Vành đai 3, qua cầu Thăng Long, bắt vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai, lao vun vút nhằm hướng Vĩnh Phúc, Phú Thọ... Nghe tôi thắc mắc ra vẻ thành thạo, rằng là cứ tưởng… cứ tưởng… chú lái xe hỏi: Anh có hay lên công tác Lai Châu không? Tôi đành thú nhận là lần lên Lai Châu gần đây nhất cách nay chẵn 12 năm. Hồi đó, Quốc lộ số 6 đang nâng cấp, chúng tôi phải đi hướng Sơn Tây qua Yên Bái, rẽ sang Cò Nòi, tối mịt mới đến thị xã Lai Châu cũ. Xế chiều hôm sau thì đến Tam Đường, thủ phủ của tỉnh Lai Châu hiện nay. Chú lái xe ồ lên thân ái: Bây giờ mà đi như thế là mua đường bác ơi! Cao tốc Hà Nội - Lào Cai nay chỉ mất tròm trèm 3 giờ đồng hồ, thêm chừng 4 giờ lên Sa Pa, vượt đèo Ô Quý Hồ dọc dãy Hoàng Liên Sơn nữa, vị chi là mất khoảng 7 giờ tất thảy…

Chao ơi, nghĩa là bây giờ từ Hà Nội lên Tam Đường chỉ còn một phần ba thời gian hành trình so với trước đây? Ấy là tôi đang so sánh với chuyến trải nghiệm cách nay tròn một con giáp. Dịp ấy, để chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2004), Bộ Văn hóa - Thông tin lúc đó tổ chức một đoàn văn nghệ sĩ lên du khảo văn hóa miền Tây Bắc. Bấy giờ, tỉnh Điện Biên cũ đang có hai chuyện thời sự nóng hổi, ngồi đâu cũng được nghe bàn tán. Một là, Quốc hội đã thông qua nghị quyết chia tách tỉnh Điện Biên thành 2 tỉnh mới, công việc ra “ở riêng” đã được bắt tay xúc tiến. Hai là, nay mai hoàn thành Thủy điện Sơn La, thị xã Lai Châu sẽ chìm gần như toàn bộ dưới lòng hồ…

Chuyện thứ nhất tất nhiên là ai cũng vui. Bởi ai cũng nhìn thấy cơ hội phát triển của mấy huyện phía Tây và Tây Bắc tỉnh Điện Biên, vốn đất rộng người thưa, địa hình trắc trở. Nhưng chuyện thứ hai thì buồn vui lẫn lộn. Cái lợi của Thủy điện Sơn La thì rõ quá rồi. Lại nghe nói đây sẽ là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào thời điểm ấy thì tự hào lắm chứ! Nhưng mà để có được những cái lợi, cái tự hào ấy, nhiều làng bản, phố xá, ruộng đồng… sẽ phải hy sinh. Hàng vạn bà con các dân tộc nơi đây sẽ phải tái định cư về những miền đất mới; kéo theo bao hệ lụy do tập tục, thói quen, trình độ.... ảnh hưởng không chỉ chuyện sinh hoạt thường ngày mà còn là nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, an ninh… nữa. Bởi vậy mà không buồn, không lo sao được?

Một góc thành phố Lai Châu hôm nay. Ảnh: Nguyệt Minh

 

Hình như cũng vì những chuyện buồn vui xen trộn trên đây mà lần ấy gặp lại Lai Châu, tôi có cảm giác cái thị xã miền biên viễn này đẹp hơn rất nhiều so với những lần trước đây tôi đã đến. Đêm ấy, trăng thượng tuần tháng Ba đã gác ngang đỉnh núi, tôi cùng mấy đồng nghiệp ở tận miền Nam lần đầu tiên lên Lai Châu, vẫn lang thang trên những con phố bảng lảng sương lam, miên man tĩnh mịch. Lòng chợt ngân lên những câu thơ đắm đuối của một nhà thơ thời chống Mỹ: Trái tim đập không một ai nhìn thấy/ Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu/ Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu… Kia kìa, cuối con dốc dài kia là chiếc cầu treo Hang Tôm, nghe nói đẹp và hiện đại nhất Đông Dương suốt thời Pháp thuộc. Những đêm trăng huyền ảo thế này, chiếc cầu trông càng đẹp, cứ như một điệu xòe nối đôi bờ sông Đà đang rì rào, rì rào bản trường ca từ thời tiền sử… Bên kia sông là xã Lê Lợi của huyện Sìn Hồ, có dinh thự vua Thái Đèo Văn Long, một công trình tráng lệ theo phong cách châu Âu. Hồi trước ở dinh này, đối diện với sàn múa xòe suốt ngày đêm huyên náo đủ ngón ăn chơi là phòng giam cầm, tra tấn các chiến sĩ yêu nước, một cách lung lạc tinh thần cách mạng cực kỳ nham hiểm. Ngược lên chút nữa là bản Trang, cũng thuộc xã Lê Lợi, có tấm bia khắc thơ của đức Lê Thái Tổ trên vách đá ngọn núi Pú Huổi Chỏ. Đó là lý do vì sao địa danh này được mang tên vị anh hùng dân tộc đã đánh tan quân xâm lược nhà Minh. Cổ sử chép rằng: Vào đầu thế kỷ 15, tại vùng đất này, tù trưởng châu Ninh Viễn - thuộc Lai Châu ngày nay - là  Ðèo Cát Hãn đã 2 lần làm phản, câu kết với giặc Minh âm mưu chia cắt miền đất phía Tây Bắc. Mặc dù triều đình nhà Lê đã thực hành chính sách khoan dung mềm dẻo nhưng Đèo Cát Hãn vẫn bất tuân, lại còn hung hăng mở rộng lãnh địa xuống tận vùng Mường Muổi, thuộc tỉnh Sơn La ngày nay. Bởi vậy sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm, năm 1431, Lê Lợi đã cầm quân lên dẹp yên đám tạo phản, thống nhất bờ cõi. Tháng 1-1432, trên đường hồi cung, Lê Lợi đã đề thơ lên vách đá nhằm răn đe những kẻ phản nghịch nơi phên giậu của Tổ quốc. Thơ rằng:

Bọn giặc cuồng sao dám trốn tránh. Tội đáng chết.

Dân ngoại biên đã từ lâu đợi ta đến cứu sống.

Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có.

Ðất đai hiểm trở từ nay không còn (bọn chúng nữa).

Hình bóng cây và tiếng gió thổi, hạc kêu cũng làm quân giặc kinh sợ.

Non sông này nhập vào một bản đồ, đề thơ khắc lên núi đá.

Chắn giữ bờ tây nước Việt ta.

(Ngày lành tháng Chạp năm Tân Hợi)

Tấm bia đá không chỉ là một hiện vật vô giá mà còn là một trang sử hào hùng của cha ông ta để lại. Nhưng rồi hiện vật - địa chỉ này cùng với những công trình kiến trúc độc đáo như Cầu Treo, dinh thự vua Thái… rồi cả cái thị xã nhỏ xinh như “chiếc khuy áo cài lên ngực đất nước” này nữa, tất cả sẽ chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện nay mai. Hôm ấy, trong nỗi niềm cảm xúc trào dâng, tôi đã viết bài thơ "Ký ức mộc miên", mở đầu là những câu hỏi bâng khuâng nuối tiếc:

Xin ngoảnh lại Lai Châu lần nữa

Mai anh về biết có còn không?

Ngày thị xã hóa hồ trên núi

Hoa mộc miên còn thắp giữa đồng?...

Thấm thoát đã 12 năm, tròn một giáp, là đơn vị thời gian rất ý nghĩa trong tâm thức Á Đông. Ấy cũng là quãng thời gian tỉnh Lai Châu trước đây được chia tách thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Tên vẫn như xưa nhưng tỉnh thì còn hết sức non trẻ. 12 năm thành lập, Lai Châu hôm nay đã có những tiến bộ vượt bậc. Thị trấn Tam Đường năm nào đám “du khảo” chúng tôi tìm mỏi chân, mỏi mắt mà kiếm không ra ngôi quán khả dĩ phục vụ tàm tạm hơn chục cái dạ dày đang réo như sôi, thì hôm nay đã là một đô thị sầm uất, có nhiều điểm còn hơn hẳn những thành phố vùng xuôi. Tỉ như hai cái hồ nhân tạo rộng ngót trăm héc-ta, được quy hoạch bài bản thẩm mỹ, tạo thành 2 điểm nhấn ngoạn mục giữa trung tâm thành phố mùa nào cũng xanh, sạch và tất nhiên là đẹp. Còn nhớ ngày mới thành lập, tổng thu ngân sách toàn tỉnh xấp xỉ 23 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm 2015 vừa qua, tổng thu ngân sách toàn tỉnh là 1.000 tỷ đồng, tăng hơn 40 lần. 12 năm qua, Lai Châu đã thu hút được 124 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 205.000 tỷ đồng. Các dự án đầu tư tập trung vào những lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, trung tâm thương mại, du lịch, y tế… Trong đó, nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động có hiệu quả, như: Các dự án Thủy điện Nậm Na 2, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Chu Va, Nậm Lụng v.v… và một số dự án khác, như: Nhà máy Gạch Tuynel Tam Đường, nuôi cá nước lạnh, sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thủy sản, trồng cao su ở Sìn Hồ và Phong Thổ v.v..

Dẫu rằng hiện tại, thu ngân sách của tỉnh chưa đủ chi thường xuyên, nhưng những kết quả trên đây vẫn hết sức có ý nghĩa đối với mảnh đất thuộc loại nghèo khó nhất nước. Hiện tại, Lai Châu đang kêu gọi đầu tư vào 21 dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực có tính cạnh tranh cao so với nhiều địa phương khác. Đặc biệt, Lai Châu là tỉnh có tiềm năng du lịch rất lớn. Lai Châu nằm trong tốp 10 “nóc nhà” Đông Nam Á, tập trung ở vùng biên giới Việt - Trung với nhiều đỉnh núi cao, như Pu Ta Leng, Sừng Trâu, Khang Su Văn… Lai Châu có đường biên giới dài 265 cây số với các khu kinh tế dịch vụ cửa khẩu tiếp giáp Trung Quốc, một thị trường có khả năng khai thác du lịch lớn. Đây lại là địa phương “gạch nối” hai khu du lịch nổi tiếng là Sa Pa và Điện Biên Phủ, có khí hậu điển hình của vùng núi đá cao, mát mẻ quanh năm, không bị ảnh hưởng bởi gió Lào khô; có hệ thống hang động hoang sơ như: Pu Sam Cáp, Tiên Sơn, Tả Phìn, Hang Thẩm Tạo, Hang Dơi v.v.. Nền văn hóa địa phương rất đa dạng của 20 dân tộc anh em với nhiều lễ hội đặc sắc, như: Lễ hội Gầu tào, Tú Tỉ, Nàng Han, Xòe Chiêng... Hiện tại, Lai Châu đã có nhiều điểm du lịch trong danh sách du lịch quốc gia, như: Đèo Hoàng Liên Sơn, cao nguyên Sìn Hồ, động Tiên Sơn, Khu dịch vụ du lịch - thương mại cửa khẩu Ma Lù Thàng, khu di tích bia Lê Thái Tổ, “tua” du lịch lòng hồ Mường Lay và du lịch sinh thái Pu SamCáp v.v.. Đó là lý do và cũng là cơ sở để Lai Châu được Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chọn là một trong những địa phương hợp tác tư vấn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Và Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu lần thứ nhất là hoạt động mở đầu của chương trình hợp tác ấy.

Lần này trở lại Lai Châu tham dự sự kiện hứa hẹn nhiều niềm vui trên đây, niềm vui đầu tiên là tôi được biết tấm bia đá 15 tấn khắc bài thơ của đức Lê Thái Tổ đã được di dời lên vị trí cao hơn và khôi phục lại cảnh quan gần như nguyên gốc, trước khi đập Thủy điện Sông Đà tích nước. Được biết, việc di dời tấm bia về nơi chiêm bái mới là một kỳ công được quân và dân trong vùng hết sức ủng hộ. Thêm một hình ảnh thú vị nữa: Những ngày tháng Tư này, dọc đường lên Lai Châu, tôi vẫn gặp chói chang những vòm mộc miên bên trập trùng núi đá miền biên viễn. Lại nhớ câu thơ viết 12 năm trước: Lai Châu hỡi, xin đừng chìm khuất/ Nét hoa văn thổ cẩm ngời ngời/ Nhịp móng gõ râm ran phiên chợ/ Điệu khèn môi vấn vít mắt mời… Lai Châu ạ, xin đừng phai nhạt/ Vết mực giây vai áo học trò/ Mai thị xã theo em về phố mới/ Để mộc miên trầm tích với hồ… Mộc miên ấy chỉ là cái cớ để tôi gửi gắm kỳ vọng về sự bảo tồn, phát triển những đặc sắc văn hóa Lai Châu trên con đường đổi mới và hội nhập hôm nay. Và thật mừng, tất cả vẫn còn đây, nhờ ý thức văn hóa của cộng đồng và đặc biệt là nhận thức về vai trò của văn hóa đối với mục tiêu phát triển bền vững của các nhà quản lý và các cấp lãnh đạo; mà kỳ công của những người thợ đã cật lực xẻ núi đào đường di dời tấm bia lịch sử của cha ông để nhường lưng núi cho lòng hồ thủy điện thời công nghiệp hóa, là một minh chứng sinh động.

Văn hóa là nội hàm, là hồn cốt của du lịch. Nếu chúng ta tước bỏ những yếu tố của văn hóa thì du lịch cũng trở nên vô nghĩa. Hay nói cách khác: Du lịch là hoạt động văn hóa của con người để thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi, trải nghiệm, khám phá và cảm nhận những xứ sở ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình. Ở chiều ngược lại, nhờ có hoạt động du lịch mà các di sản văn hóa, các giá trị nhân văn được khôi phục, tôn vinh và phát triển… Đó là những điều tôi được nghe từ ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV và các nhà đầu tư trong chuyến lên Lai Châu lần này. Tất nhiên, còn phải chờ thực tế trả lời. Nhưng dẫu sao, với những gì đã nghe, đã thấy, thêm một lần hy vọng mãi mãi ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu; như 12 năm trước tôi đã từng kỳ vọng và hôm nay đã được đáp đền bằng những vòm mộc miên không phải từ ký ức…

Bút ký của MAI NAM THẮNG