QĐND - Cứ vào đêm Giao thừa hằng năm, khi những đứa trẻ nhà tôi háo hức chờ đón màn bắn pháo hoa ở trung tâm thành phố, tôi lại nhớ đến những “màn pháo hoa” của tuổi thơ, nơi những đứa trẻ nhà quê chưa một lần lên phố.
Quê tôi là một làng ven sông Kinh Thầy. Đứa con ông chú tôi sống ở phố, Tết năm nào cũng được bố mẹ cho về quê ăn Tết và không quên kể cho chúng tôi nghe về đêm pháo hoa rực rỡ chào mừng năm mới. Lúc ấy tôi chỉ biết lặng im nghe và mong ước mình được sống ở phố, được xem đêm pháo hoa lung linh, muôn màu muôn sắc trên bầu trời.
Nhưng nhà tôi ở quê làm sao mà ra phố? Thế là bọn trẻ con chúng tôi nghĩ ra cách làm pháo hoa cho riêng mình. Chúng tôi chọn những cây điền thanh khô róc, đã được bóc vỏ rồi đốt, làm sao để chúng không cháy hết, rồi đem giã nhỏ thành thứ bột mịn, đen nhánh. Bột than điền thanh được đong bằng cái chén sứ cũ thành những phần đều nhau. Chúng tôi dùng giấy từ vở học sinh đã loại ra để làm pháo. Bột than được gói lại bằng giấy, đầu kia được bịt lại bằng đất sét vừa để giữ cho bột than khỏi rơi vừa là phần để đẩy pháo hoa lên trời. Công việc “sản xuất” pháo hoa tuy không phức tạp, nhưng mặt mũi, áo quần chúng tôi thường đen nhẻm vì bụi và muội than bám vào. Có lẽ cũng vì thương bọn trẻ chúng tôi ở quê thiệt thòi nên ba, mẹ chúng tôi không la mắng vì trò chơi này. Vào đêm Ba mươi Tết, mỗi đứa trẻ chúng tôi cũng để dành được từ mười đến hai mươi quả pháo hoa điền thanh tự chế.
Làng tôi gần sông, vì thế bọn trẻ chúng tôi lấy bờ sông là nơi tập kết “bắn pháo hoa”. Cũng là bởi vì than điền thanh nhạy bắt lửa, nếu chơi trong làng dễ xảy ra hỏa hoạn. Hồi ấy phần lớn trong làng là nhà gianh, lợp lá mía, rạ nên dễ cháy. Vào giờ “bắn pháo hoa”, bọn trẻ chúng tôi xòe diêm châm lửa vào bầu giấy đựng than rồi huơ mấy vòng tay cho than cháy đều rồi ném lên trời. Bột than cháy tung ra thành những chùm sáng đỏ li ti, hoa cà, hoa cải rất đẹp. Mỗi đứa trẻ sản xuất kiểu pháo hoa kích thước khác nhau. Tôi nhỏ hơn trong đám nên làm pháo hoa bé hơn và thường chỉ ném được tầm thấp. Màn bắn pháo hoa đêm Ba mươi Tết của chúng tôi thường diễn ra đến cả tiếng đồng hồ, tiếng cười vui, tiếng trầm trồ khen ngợi.
Bây giờ đêm pháo hoa tuổi thơ đã xa vời vợi. Trẻ con quê tôi không còn làm pháo hoa nữa. Thay vào đó là những cây pháo bông, pháo giấy. Mấy năm nay thực hiện xã hội hóa việc bắn pháo hoa nên trung tâm huyện tôi cũng trở thành một điểm bắn pháo hoa phục vụ bà con vui Tết. Những đứa trẻ quê tôi tha hồ được ngắm pháo hoa đón Giao thừa, nhưng màn pháo hoa “điền thanh” thì vẫn còn in đậm trong tâm trí tuổi thơ tôi...
Tản văn của Nguyễn Đình Xuân