Trong vô số các tác phẩm văn học có giá trị, không ít tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự đã được chuyển soạn thành kịch bản phim, kịch múa, kịch nói, cải lương, kịch hát... được đông đảo công chúng đón nhận. Nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu đã được chuyển thể thành công: Phim “Chị Dậu” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố); “Mẹ vắng nhà” (chuyển thể từ truyện ngắn “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi); “Bến không chồng” (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Dương Hướng); “Đừng đốt” (chuyển thể từ nhật ký Đặng Thùy Trâm)... Vở kịch “Miền xa thẳm”, ca khúc “Miền xa thẳm” (chuyển thể, lấy ý tưởng sáng tác từ tiểu thuyết cùng tên của Phạm Hoa); “Ký ức lửa”, “Khúc tráng ca ngày ấy”, “Người Hà Nội” (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Chu Lai); “Khát vọng” (chuyển thể từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của Nguyễn Quang Thiều); “Mười ba bến nước” (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Sương Nguyệt Minh)...
Thực tiễn của cuộc trường chinh đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta đã khơi gợi cho các nhà văn, nhà thơ những cảm hứng bất tận để họ nhận thức đủ đầy, ý thức được các giá trị nhân văn mà cuộc chiến tranh chính nghĩa mang lại. Thời kỳ chống Pháp, văn học đã nhào nặn lên từ thực tiễn của kháng chiến với hình tượng trung tâm là những người lính thật thà, chất phác, dung dị và hồn nhiên với tâm thức của người nông dân. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tạo nên điểm nhấn của văn học giai đoạn này. Có thể kể những tác phẩm có tính chất kinh điển như: Tập thơ “Từ ấy” và “Việt Bắc” của Tố Hữu; bài thơ “Đất nước” và tiểu thuyết “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi; trường ca “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm...
Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ vẫn ngời sáng và xuất hiện trong nhiều tác phẩm có giá trị cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật, góp phần tích cực vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ví như: “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu; “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi; “Hòn Đất” của Anh Đức... Thể loại trường ca ở thời kỳ văn học chống Mỹ, cứu nước cũng gặt hái được nhiều thành công với các tác phẩm như: “Bài ca chim Chơ Rao”, “Đam San”...
    |
 |
Một cảnh trong vở diễn “Rặng trâm bầu” (Nhà hát Chèo quân đội) tham gia Hội diễn nghệ thuật toàn quân 2018. Ảnh: NGUYỄN VĂN |
Bước vào thời kỳ đổi mới, bức tranh văn học nước ta khá sôi động, đa dạng trên cả bình diện sáng tác, tiếp nhận tác phẩm lẫn nghiên cứu, lý luận, phê bình, làm phong phú đời sống tinh thần, văn hóa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, tiếp nhận ngày càng cao của đại bộ phận công chúng. Các tác giả viết về đề tài chiến tranh cách mạng (CTCM) với cái nhìn sâu sắc, toàn diện, chân thực hơn. Một số nhà văn có tên tuổi cũng đã khắc họa chiến tranh khác hẳn các sáng tác trước đó, như: “Mưa đỏ” của nhà văn Chu Lai; “Biệt cánh chim trời” của nhà văn Cao Duy Sơn. Trên diễn đàn văn học, xuất hiện một số hiện tượng mới trong sáng về đề tài lực lượng vũ trang (LLVT) và CTCM như: “Quân khu Nam Đồng” (tự truyện tập thể của tác giả Bình Ca)...
Tuy nhiên, dưới tác động của kinh tế thị trường, của chủ trương xã hội hóa, của công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế, đã có thêm nhiều thể loại văn học mới ra đời, tác động đến các xu hướng vận động văn học hiện nay. Bên cạnh xu hướng tích cực, đã xuất hiện không ít vấn đề, hiện tượng phức tạp như: Xu hướng thương mại; xu hướng bạo lực, giật gân, câu khách, tập trung phê phán cái xấu, cái ác, thể nghiệm, cách tân hình thức, cải biên, nghệ thuật đại chúng… Cũng bởi lẽ đó, tác phẩm văn học viết về LLVT và CTCM có phần mai một. Đồng thời sự phát triển và biến đổi về quan niệm, thị hiếu và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng là những nhân tố khách quan tác động trực tiếp đến văn học, nghệ thuật.
Vậy cần làm thế nào để hôm nay, các tác phẩm văn học về đề tài LLVT và CTCM đã vang bóng một thời tiếp tục được bảo tồn, phát huy, được lớp công chúng sinh ra sau chiến tranh biết đến, tiếp cận và hứng thú cảm thụ? Và làm thế nào để có thêm nhiều hơn niềm đam mê khai thác mảng đề tài này của các nhà văn với những câu chuyện gắn với đời sống của người lính thời bình: Đó là câu chuyện tình quân dân, nghĩa tình đồng đội trong xây dựng và phát triển kinh tế gia đình, quê hương; là bản lĩnh, ý chí kiên cường lập công hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; là tình yêu thiêng liêng của người lính đã chinh phục những rào cản khó khăn nhất của cuộc sống để đón nhận hạnh phúc; là trách nhiệm của hậu phương với những chiến sĩ đang chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc?... Nên chăng cần phát huy mối liên kết giữa tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn? Cần có nhiều hơn các tác phẩm văn học về đề tài này để các nhà biên kịch sáng tạo nên những tác phẩm phục vụ cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, tạo dựng mối liên kết theo phương thức “cung, cầu” giữa tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn trong đời sống thưởng thức văn học, nghệ thuật của công chúng hiện nay.
Văn học, nghệ thuật là sản phẩm của hoạt động sáng tạo của con người với những chất liệu được lựa chọn hoặc định dạng (ngôn ngữ, âm nhạc, múa, sân khấu, điện ảnh, điêu khắc, hội họa...) để chuyển tải ý tưởng, cảm xúc từ hoạt động thực tiễn của con người. Tác phẩm văn học hay nghệ thuật đều cần xây dựng hình tượng, thông qua hình tượng để phản ánh thực tiễn cuộc sống. Giữa nghệ thuật biểu diễn và tác phẩm văn học tìm thấy nhau bởi điểm chung là tính hình tượng. Tác phẩm văn học cung cấp cho nghệ thuật biểu diễn “cốt hồn”, “hình tượng”. Còn nghệ thuật biểu diễn dựa vào đó để sáng tạo, xây nên những câu chuyện, cảnh đời, thân phận rõ nét và hiện hữu trước mắt công chúng bằng nghệ thuật diễn xuất. Tác phẩm văn học hay sẽ tạo ra những kịch bản sân khấu, điện ảnh hay. Hoặc hình tượng trong tác phẩm văn học có dấu ấn và nổi bật là khởi nguồn cho những sáng tạo mới mẻ và sức sống của nghệ thuật biểu diễn. Chúng ta đều nhận thấy hình tượng Bộ đội Cụ Hồ qua các thời kỳ đã được nghệ thuật biểu diễn khai thác triệt để và thành công, được công chúng hôm nay hứng thú đón nhận qua nhiều thể loại: Sân khấu kịch nói, chèo, cải lương, ca múa nhạc, phim...
Khi nghệ thuật biểu diễn thiếu những kịch bản hay, hình tượng tiêu biểu thì việc lựa chọn tác phẩm văn học cùng hình tượng trong tác phẩm đó để chuyển thể, dàn dựng, hình thành ý tưởng thành các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn phục vụ khán giả là con đường đến đích nhanh nhất. Nhiều đạo diễn sân khấu, điện ảnh cho rằng, đưa tác phẩm văn học lên sàn diễn, phim ảnh là một lợi thế khi tác phẩm đã được thẩm định bởi thời gian và độc giả. Nhiều tác phẩm văn học nước ta thời gian qua, nhất là các tác phẩm viết về đề tài LLVT và CTCM được chuyển thể thành tác phẩm sân khấu, điện ảnh vẫn giữ được hồn cốt của tác phẩm, đem lại sức sống mới thu hút và quyến rũ cho tác phẩm văn học đó. Hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thứ bảy gần đây đã chứng minh cho thấy nhu cầu chọn kịch bản, hoặc hình thành ý tưởng sáng tác và xây dựng hình tượng nghệ thuật từ tác phẩm văn học ngày càng tăng mạnh.
Tuy nhiên, sự xuất hiện các tác phẩm văn học hay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng mạnh đó, nhất là lĩnh vực sáng tác văn học về LLVT và CTCM. Trong khi đó, các trại sáng tác kịch bản sân khấu, điện ảnh về đề tài này vẫn thường niên được tổ chức trong toàn quốc. Số lượng kịch bản thu về sau mỗi mùa trại không ít, nhưng kịch bản hay để sử dụng lại là nỗi trăn trở không nhỏ của các nhà chỉ đạo nghệ thuật, các đạo diễn gạo cội. Đây chính là mối liên hệ “cung, cầu” không thể không nghĩ tới đối với các nhà văn trong việc nghiên cứu để tìm ý tưởng sáng tác mảng đề tài LLVT và CTCM nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thưởng thức văn học, nghệ thuật của công chúng. Mặt khác, cũng đặt ra vấn đề để các nhà biên kịch, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật biểu diễn tìm đến các tác phẩm văn học về đề tài này như một nguồn phù sa màu mỡ để khai thác, phát triển... Điểm gặp gỡ của mối liên hệ này là đích đến để nhìn lại điểm xuất phát từ ý tưởng sáng tác của các nhà văn đối với tác phẩm văn học về đề tài LLVT và CTCM mà nhân vật trung tâm là Bộ đội Cụ Hồ.
Bộ đội Cụ Hồ là sự thể hiện ở tầm cao và chiều sâu mới của bản sắc, tâm hồn, cốt cách văn hóa Việt Nam, của sự hòa quyện giữa dân tộc và giai cấp, truyền thống và hiện đại, trở thành giá trị tiêu biểu cho con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh và là một loại nhân cách, biểu trưng của văn hóa Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là lý do để công chúng của văn học, nghệ thuật ngày nay hướng đến những câu chuyện, hình tượng trung tâm mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hình ảnh ngời sáng của Bộ đội Cụ Hồ ở mọi thời kỳ. Cũng cần lắm những âm thanh sắc, ngọt trong muôn mặt của đời sống công tác, chiến đấu, lao động sản xuất của những người lính hôm nay làm chất liệu xây nên “đất diễn” cho các diễn viên tái hiện lại cuộc sống ấy bằng nghệ thuật biểu diễn để công chúng dễ dàng tiếp nhận. Các tác phẩm văn học sẽ lại tiếp tục sứ mệnh với vai trò “người kể chuyện chân chính” để kể về những tên đất, tên núi, tên làng, tên sông của dải đất cong cong hình chữ S như một bức họa muôn màu, hòa cùng dòng âm thanh hào sảng của bản hùng ca về những người lính. Có như vậy, công chúng sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn để rồi biết đến nhiều hơn những tác phẩm văn học nhờ hoạt động tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật biểu diễn. Cũng đồng thời là cơ hội để đề tài LLVT và CTCM trở lại sôi động trên văn đàn hôm nay.
Tuy nhiên, không có hoạt động “cung, cầu” nào trên thị trường lại đạt được hiệu quả khi hoạt động tùy hứng, hữu thời. Bởi vậy, vấn đề này đặt ra yêu cầu về sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để mối liên kết này có được sự chỉ đạo, định hướng và thực hiện với lộ trình cụ thể, đồng bộ, thống nhất. Như vậy, công chúng của văn học, nghệ thuật sẽ được hưởng thụ những tác phẩm văn học, nghệ thuật mang đúng nghĩa của sự tận chân, tận thiện, tận mỹ. Mối liên kết trong sáng tác văn học về đề tài LLVT và CTCM với nghệ thuật biểu diễn cũng từ đó có hướng đi đúng đắn và thu hái được thành quả như mong muốn.
TS ĐẶNG MỸ HẠNH