Hồi đó, nổi danh nhất có lẽ là “phe” tem phiếu, vì nó đánh trực diện vào lương thực, thực phẩm, đánh vào cái bụng, đánh vào phần xác của con người. Nổi danh thứ hai là “phe” vé đi xem. Xem kịch. Xem phim. Và nhất là xem bóng đá. Ấy là giải trí, là phần hồn của con người.
Năm 2018, tôi vô tình gặp lại một “phe” vé kỳ cựu ở Hà Nội gần quầy bán vé sân Mỹ Đình. Bà ấy tóc đã hoa râm, chắc ngoài 60. Miệng liến thoắng không ngừng về phong độ và sức khỏe các cầu thủ đá trong trận. Không khác gì đôi chục năm trước tiếp thị về các ngôi sao sân khấu, các nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ góp mặt trong vở diễn, chương trình nghệ thuật nào đó...
“Đọc báo rồi ấy gì? Vở này lão AT, mụ LH đóng với nhau đẹp đôi "tiên đồng ngọc nữ" luôn... 200 nghìn thôi, đưa người yêu vào xem sớm đi còn giề!”.
“Xem đi các em! Vở hay lắm! Chèo nhưng mà chèo cải biên, chèo hiện đại! Phục trang quần áo cực kỳ mô đen! Diễn viên vừa hát chèo vừa hát ca khúc nước ngoài. LB, QC đào thương kép mùi, đẹp thần sầu, đẹp não nùng. 80 nghìn một đôi nhá!”.
“Biết ai viết nhạc vở này không? Nhạc sĩ PĐP/TĐ... đấy! Lại danh ca ML, TL... hát nữa nhá! Bài hát chủ đề luôn. Bảo đảm băng đĩa bài này sau cứ “cháy” chợ. Kịch cứ bay bổng cả lên. Hôm nay buổi cuối đấy, 5 đứa chị lấy 300, không có vé đâu, chị dắt vào cửa rồi tìm chỗ nào mà ngồi xem”.
“Nhìn pa nô nhà hát kia kìa! Ôi xời, họa sĩ vẽ xấu quá! Nhưng TTH đấy! Sầu nữ TTH vai chính nhá! Ca mùi lắm! Giọng lảnh lót như chuông như khánh luôn! 80 nghìn một vé”.
|
|
Nghệ sĩ Anh Tú - Lan Hương, cặp đôi một thời được “phe” vé rất yêu thích vì diễn hay và ăn khách. Ảnh tư liệu của Nhà hát Tuổi trẻ |
“Không nói nhiều! Cười sặc gạch từ đầu tới cuối vở! 500 một đôi”.
“Nếu sợ buồn thì thôi đừng xem! Tình mẫu tử xắt từng khúc ruột ấy! Vở này buồn lắm, thôi hai chị em về đi! Hả? Vẫn xem hả? 30 nghìn một đôi thôi. Ừ đây, chị xin!”.
* *
*
Đã có một thời, sân khấu huy hoàng qua giọng tiếp thị của “phe” vé như thế đấy! Thậm chí, nhiều đạo diễn ăn khách còn mời “phe” vé vào xem “chạy mộc” vở. “Chạy mộc”, ấy là diễn tổng thể chưa đầy đủ trang trí, phục trang. “Chạy mộc”, ấy là vẫn còn có thể chỉnh sửa. Đạo diễn ra cái điều, hất hàm hỏi lũ “con phe”: “Được không?” và âm thầm dành hẳn một buổi tiếp đội ấy một bữa cà phê. “Phe” lúc ấy ở ngôi cao hơn hội đồng nghệ thuật nhà hát. “Phe” gật, y như rằng vở ăn khách; lắc đầu, thì vở diễn 3 buổi xong đắp chiếu”, một trưởng phòng tổ chức biểu diễn nói nguyên văn như thế.
Nhiều trưởng đoàn thấy “phe” vé lắc đầu thì lo lo, hỏi phải sửa thế nào. Vài "con phe" ưu tư, rồi cho dăm lời khuyên. Rồi trưởng đoàn chuyển lời và năn nỉ đạo diễn. Đạo diễn cũng có ông nghe theo. Đoàn vớt vát được thêm vài chục buổi diễn. Ấy thế là thở phào và hôm nào đó sẽ mời “phe” vé một bữa.
Buổi sáng, gặp nhau ở quán cà phê cổng nhà hát, tay “phe” vé hỏi trưởng đoàn: “Đoàn đang dựng vở gì thế anh?”. Trưởng đoàn bảo: “Kịch lịch sử. Hay lắm nhưng đang sợ khó bán vé”. “Chuyện kịch thế nào?”. Rằng “A, B, C, D...”. “Phe” vé bảo: “Vậy thì anh cho in thêm một dòng vào tờ rơi với pa nô quảng cáo. Thế này nhé...”.
Và khi công diễn: “Kịch lịch sử dàn dựng hoành tráng, công phu nhá! Lật lại những vấn đề lịch sử còn gây tranh cãi nhá! Kịch lịch sử mà xem hồi hộp lắm, ly kỳ lắm... trăm tám một đôi”. Trưởng đoàn đi qua. “Con phe” nháy mắt: “Thấy không?!”. “Phe” vé cũng là một thế lực chi phối nghệ thuật một thuở chứ bỡn!
Mà đáng nể cũng phải. Bọn họ cũng lao động thật sự, không quản ngày đêm, mưa nắng. Sáng ngày ra đã lang thang cửa rạp hóng thông tin về vở mới. Vì thế, nhiều khi phóng viên theo dõi sân khấu cũng phải phỏng vấn “phe” vé để thêm góc nhìn về những vở nghệ thuật và gai góc. Quầy bán vé mở thì ra buôn chuyện với nhân viên bán vé. Dặn để cho mấy chỗ đẹp, tiền sau. Vở có vẻ “cháy” vé thì tiền tươi, ôm luôn vài chục chỗ. Buổi diễn vắng, sát giờ thì ghé qua quầy: “Thôi chị xả đấy!”. Và cả ngày phơi mặt ngoài đường đón khách, tiếp thị liên hồi.
“Phe” vé hóng cửa nhà hát còn để hóng diễn viên ra: “Hôm nay bạn em không đi xem được nên em thừa hai đôi vé mời. Em cho chị một đôi, đôi kia bán hộ em!”. “Ừ, chị xin. Mà không bán được là chị trả đấy nhá!”. “Phe” vé hiếm khi ăn chặn, ăn quỵt của diễn viên bao giờ. Làm nghệ thuật được cái vui thôi chứ nghèo lắm, thương lắm.
Đoàn nào, nhà hát nào có vở diễn mà có “phe” vé thì hẳn phải tự hào lắm! “Phe” vé càng đông, càng hoạt động náo nhiệt thì diễn viên, nghệ sĩ càng vui. Sẩm tối, nghệ sĩ, diễn viên đi diễn, thấy cổng nhà hát náo nhiệt “phe” vé bán bán mua mua thì còn vui gì bằng. Gặp mấy “phe” vé quen, thế nào chàng/nàng cũng hỏi: “Bán được không các anh, chị ơi?”. “Phe” vé gật lia lịa. Thế là đêm ấy, nghệ sĩ diễn như nhập đồng. Sân khấu thực sự là thánh đường.
Thời sân khấu hoàng kim, nhiều vở của vài nhà hát diễn lên đến vài trăm đêm. Sân khấu sáng đèn liên tục. Vở diễn sẽ chỉ ngừng khi “phe” vé lắc đầu bảo: “Vở này hết khán giả rồi”. Thế là vở lại cất kho để đi diễn tỉnh. Ở tỉnh cũng có một dàn “phe” vé ngóng nghệ thuật Trung ương về từng ngày, từng giờ.
* *
*
Hôm rồi, đứng chờ bạn ở cửa Nhà hát Lớn Hà Nội, loáng thoáng nghe: “Thừa vé không em ơi? À, cần vé à? Nam chính là ông bố quốc dân TA đấy nhá! Giọng đẹp lắm!”.
Giọng quen thế chứ! Té ra bà “phe” vé tài danh thuở nào. Buột miệng hỏi: “Hôm nay bán được vé không bà chị?”. Cái lắc đầu ngao ngán. “Nhớ sân khấu, nhớ không khí cửa nhà hát mỗi khi có vở diễn thì ra đây thôi. Chúng nó giờ úp mặt vào điện thoại, internet hết rồi!”, giọng bà “phe” vé đầy tâm tư. “Chúng nó” ấy là khán giả đấy. Nghe lời ruột gan của bà “phe” vé, tự nhiên thấy sống mũi cay cay. Họ là một phần của sân khấu. Đó cũng là nỗi niềm của những nghệ sĩ sân khấu bấy lâu nay. Khi mà khán giả vẫn còn ít nhiều yêu sân khấu, nhưng được cho vé mới đi xem, chứ bỏ tiền ra mua vé thì... Các nhà hát, các đoàn tuồng, chèo, cải lương, kịch nói giờ mướt mồ hôi, huy động mọi mối quan hệ để “chạy” hợp đồng biểu diễn từng bữa. Mà vở thì vẫn hay lắm chứ có dở gì! Ngoài trời đang mưa mùa đông, ướt lạnh. Trên sân khấu, nghệ sĩ có ấm không?...
“Vở này biết rồi ấy gì? Ông TL dàn cho L.team lạ lắm, đến sừng sỏ ngành sân khấu còn phải ngả mũ!”. Giọng rất quen mời chào người mua.
Thế là lại tủm tỉm mộng mơ về một thời thánh đường sân khấu trở lại hào quang.
Nhà văn NGUYỄN ANH VŨ
(Viết nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam)