QĐND - Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên, thành công đến hàng chục tác phẩm về đề tài quê hương, đất nước. Với “Huế thương” là tình yêu, với đất cố đô sâu nặng. Không dừng lại ở tác phẩm đã “đóng đinh” vào lòng công chúng, An Thuyên còn luôn đau đáu nỗi niềm phải “yêu” Huế nhiều hơn…
|
Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên say sưa với một bản thảo ca khúc mới.
|
Ca khúc “Huế thương” được nhạc sĩ An Thuyên viết trong dịp về dự “Liên hoan tiếng hát sinh viên toàn quốc” năm 1992, khi ông là trưởng đoàn của trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Khi đang ngồi ở hàng ghế đại biểu, ông đã may mắn được các em nhỏ tặng chiếc nón bài thơ và bắt gặp những câu thơ lồng trong đó. Và chiều hôm ấy trên đường trở về phòng, ông đi qua cầu Tràng Tiền bắt gặp những tà áo dài của các nữ sinh trong trời chiều. Nhạc sĩ đã may mắn "chớp" được một cảnh “rất Huế”, đủ sức kích hoạt tài năng âm nhạc của nhạc sĩ để cho ra đời bài hát ngay trên đoạn đường ngắn, trải lòng cùng với Huế chiều Thu ấy.
“Huế thương” mang chất liệu dân ca, có sự lồng ghép tinh tế giữa nhã nhạc cung đình, ca Huế tạo nên một giai điệu nhẹ nhàng, mang chút buồn vương vấn rất đậm chất cố đô! Ca khúc để lại trong tâm thức người nghe cảm xúc ngọt ngào, đằm thắm và cũng mềm mại như nàng Huế xinh đẹp, mộng mơ. Đặc biệt sau khi "chào đời" "Huế thương" đã có sức lan tỏa rất lớn, mọi tầng lớp yêu nhạc đều dễ dàng cất lên những ca từ, giai điệu của tác phẩm. "Huế thương" còn được nhiều ca sĩ thể hiện thành công, người yêu nhạc không thể quên được chất giọng của Quang Linh, Hương Mơ, Vân Khánh...
Không chỉ dừng lại ở “Huế thương”, nhạc sĩ An Thuyên còn trăn trở trước tình yêu đặc biệt với Huế. Ông đã đi tìm cái mới cho Huế, tìm chất liệu, giai điệu mới để những ca khúc viết về Huế đa dạng, phong phú hơn tiếp theo được ra đời sau này.
Từ tình yêu sâu đậm, tha thiết ông không chỉ để Huế cho riêng mình. Năm 2010, nhạc sĩ An Thuyên tham gia tổ chức trại sáng tác âm nhạc về Huế có quy mô lớn. Trại đã quy tụ 20 nhạc sĩ trên địa bàn tỉnh và nhiều đồng nghiệp là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tham dự. Trại sáng tác này đã tạo cảm hứng sáng tác cho mỗi nhạc sĩ và thu được hơn mười tác phẩm có chất lượng tốt. Còn với riêng nhạc sĩ An Thuyên, những lời yêu thương được cụ thể hóa bằng những ca khúc: “Mẹ sông Hương”; “Mười ngón tay truyền”; “Trăng Hoàng cung” (thơ Phùng Quán); “Em ơi nhã ca”… và có chỗ đứng nhất định trong trái tim công chúng. Đến giờ, An Thuyên đang ấp ủ mong muốn ra album về Huế riêng của mình, hoặc cùng chung với tác phẩm của anh em từ trại sáng tác. Sau trại sáng tác này, nhạc sĩ An Thuyên đã tạo được mối gắn kết, trao đổi, bình tác phẩm với anh em đồng nghiệp, để có những tác phẩm hoàn thiện hơn, trước tình yêu với Huế. Ông đặc biệt yêu con người Huế, yêu nỗi buồn man mác rất riêng của Huế.
Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên, luôn là con người của công việc, nhất là trong lao động nghệ thuật. Hiện nay, trên cương vị là Chủ tịch “Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam” bận rộn nhưng ông vẫn đều đặn cho ra đời những tác phẩm có chất lượng. Đảm nhận cương vị Chủ tịch hiệp hội, đây cũng là một tổ chức được nhạc sĩ An Thuyên và lãnh đạo Bộ Công Thương ấp ủ, mong muốn từ lâu. Hiệp hội ra đời nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp, doanh nhân phát triển trong môi trường văn hóa hướng tới sự phát triển bền vững.
Đa tài, đa lĩnh vực hoạt động và điều đó đã tác động đến những sáng tác âm nhạc của An Thuyên. Tuy nhiên những sáng tác về Huế nói riêng, "khúc ruột miền Trung" nói chung, ông có những ca khúc để đời. Ngoài “Huế thương”, công chúng yêu nhạc nhớ “Hà Tĩnh mình thương”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Ca dao em và tôi”…
Nặng tình, đa cảm, Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên đã mang đến công chúng yêu nhạc sự say mê, nặng tình vấn vương với đất cố đô, để rồi cất lên: Tôi nhớ đến em chiều hè vương nắng/ Rơi rơi sân trường phượng hồng mơ ước /Dáng em đi về hòa tan trong Huế/ Nghe thân thương Huế... ơi!
Bài và ảnh: VĂN HẠNH