Với Tống Ngọc Hân là Giải VHNT Phan Xi Păng của tỉnh Lào Cai và một số giải thưởng của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, đặc biệt là giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn 2 năm 2013-2014 của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Với Mã Anh Lâm, tiêu biểu là Giải Văn học Tuổi xanh của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 1994; Giải A của Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2011; giải nhì Cuộc vận động sáng tác văn học về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Tỉnh ủy Lào Cai phát động năm 2010-2015…
Phóng viên Báo QĐND Cuối tuần vừa có cuộc trao đổi với hai tác giả trên đây về công việc sáng tác của những cây bút trẻ ở miền núi hiện nay.
Phóng viên (PV): Thưa nhà văn Tống Ngọc Hân, trên một diễn đàn văn học gần đây, chị có khuyên các tác giả trẻ miền núi nên chọn đề tài miền núi. Tại sao lại phải “định hướng” như vậy?
Nhà văn Tống Ngọc Hân: Vì miền núi luôn là đề tài hấp dẫn, nhưng các tác giả không ở miền núi sẽ không có những trải nghiệm máu thịt, nên văn viết về miền núi của họ ít nhiều sẽ có hạn chế. Đặc biệt trong thời đại hội nhập hiện nay, nếu các cây bút trẻ miền núi không viết về miền núi, mảng đề tài này sẽ là miền đất dần bị hoang hóa trở lại, kể từ sau những thành công rực rỡ của các bậc cha anh đã khai phá ở những thập niên trước. Trong khi mỗi ngày, miền núi lại thay đổi trong xu thế vận động chung của toàn xã hội, nảy sinh ra bao nhiêu vấn đề cần được phản ánh, soi rọi bởi văn chương. Cho nên, thay vì phải tìm kiếm đề tài đâu đó xa xôi, chúng ta cứ viết ngay về mảnh đất, về con người nơi chúng ta đang sống. Viết cho hay đi, cho nhuyễn đi, rồi sẽ tới lúc chúng ta tự tin vươn cánh tay tới những miền đất khác.
Tôi mong mỏi các tác giả trẻ miền núi viết về miền núi còn vì một lý do nữa: Miền núi cần các bạn. Miền núi cần được đông đảo bạn đọc trên cả nước biết đến, quan tâm và tạo điều kiện để hội nhập. Người miền núi xứng đáng để có một đời sống văn hóa, vật chất sung túc, đủ đầy hơn. Các bạn ở miền núi thì hãy làm gì đó cho miền núi. Và viết về nó, ca ngợi hay phê phán, đều là hành động thiết thực, nên làm. Ca ngợi cái tốt để nhân rộng và phê phán cái xấu để loại trừ.
PV: Từ những thành công của bản thân, chị có thể chia sẻ kinh nghiệm với các bạn viết trẻ về việc tiếp cận và thâm nhập đề tài miền núi sao cho hiệu quả?
Nhà văn Tống Ngọc Hân: Khi tôi định kể một câu chuyện về miền núi, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là các nhân vật. Nhân vật của tôi sống ở đâu, làm gì? Và thế là truyện hiện lên cả một cộng đồng xung quanh nhân vật ấy. Văn hóa, tập tục ra sao, tập quán canh tác, sinh hoạt thế nào? Người Mông thì phải gắn với văn hóa Mông. Người Tày thì văn hóa Tày… Đương nhiên là tôi không thể ném hết vốn hiểu biết về văn hóa tộc người cho một câu chuyện. Mà tôi chỉ nhặt ra, chỉ chọn lọc một số ít tiêu biểu. Cái tiêu biểu ấy, không phải là tên họ, hay diện mạo, hay trang phục của nhân vật, mà là chi tiết câu chuyện. Chi tiết là vốn liếng của nhà văn. Là vốn sống của người viết. Chi tiết không do tưởng tượng mà có. Phần lớn là do quan sát. Ví dụ quan sát một anh chàng đi bán chó, ta có thể thấy: Nếu là chó nhà, anh ta sẽ dắt đến chợ bán. Nếu là chó của người khác, anh ta sẽ cho vào bao tải, mang đến quán cơm. Nếu là chó của nhà, anh ta sẽ nấn ná, vuốt ve nó sau khi nhận tiền; còn là chó trộm được, thì ngay cả chủ quán anh ta cũng chả nhìn.
Vậy đó, quan sát và chịu khó quan sát sẽ khiến ta giàu lên về vốn từ và vốn chi tiết. Tương tự như vậy, khi ta viết về việc loại bỏ một phong tục lạc hậu của đồng bào, ta không thể không kể đến những băn khoăn, tiếc nuối của những người già có thời gắn bó lâu dài với tập tục ấy. Cử chỉ, lời nói của họ ra sao... tất cả đều xuất phát từ sự tiếc nuối cái cũ và hồ nghi cái mới... Rồi thì đám cưới, đám ma, đám cúng, đám giỗ, hội hè... cơ man nào là con người và những câu chuyện sẵn có, chúng ta chỉ cần nghe, quan sát rồi trau chuốt lại bằng ngôn ngữ văn chương…
PV: Vậy còn cách chọn và thể hiện nội dung đề tài như thế nào cho phù hợp?
Nhà văn Tống Ngọc Hân: Hiện thực cuộc sống có rất nhiều vấn đề cần được phản ánh. Nhưng văn chương phải chọn những vấn đề khai thác để tránh gây ra những phản cảm. Không phải hiện thực nào cũng xuất hiện trong tác phẩm văn học. Chuyện kể ra khiến người đọc lâng lâng cảm khoái, chuyện kể ra khiến người đọc mỉm cười, chuyện kể ra khiến người đọc rơi nước mắt thương cảm, chuyện kể ra khiến người đọc phẫn uất trước những điều xấu xa… Như thế có nghĩa là ta lay động được trái tim người đọc. Nhưng nếu câu chuyện của ta, khiến người đọc thở hắt ra, như bị đầu độc bởi ác quá, xấu quá, tàn nhẫn quá, bi thương quá… Tất cả một màu u ám tối tăm, chả thấy điều gì sáng láng, chả thấy điều gì đáng tin. Như thế, có nghĩa là người kể chuyện đã thất bại. Vì tác phẩm văn học-nghệ thuật, ngoài chức năng phản ánh hiện thực, còn có chức năng giáo dục, thẩm mỹ.
PV: Thưa nhà văn Mã Anh Lâm, anh là nhà văn trẻ dân tộc Mông, theo anh trong thời đại hội nhập và phát triển hiện nay, người viết trẻ có những khó khăn và thuận lợi gì?
Nhà văn Mã Anh Lâm: Theo tôi, thuận lợi nhất hiện nay là đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ta vẫn luôn nhất quán quan tâm đến lĩnh vực văn học-nghệ thuật, đặc biệt là chăm lo cho các tài năng văn học-nghệ thuật nói riêng và sự phát triển nền văn học nói chung, coi văn học-nghệ thuật là bộ phận tinh túy của văn hóa. Ở các địa phương, hoạt động của các liên hiệp hội, các hội VHNT dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh, thành phố… đều dành ưu ái cho văn học. Các ngành như lực lượng vũ trang, nông nghiệp, giao thông vận tải,… đều quan tâm, phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tác và đặt ra giải thưởng...
Nhà văn Mã Anh Lâm. Ảnh: TUYÊN HÓA
Tuy nhiên, hiện thực của thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng cũng đặt ra nhiều vấn đề với các thế hệ cầm bút trẻ. Có thể tạm coi đó là những khó khăn. Khó khăn đầu tiên chính là từ bản lĩnh và trình độ của người viết văn trẻ. Giữa trùng điệp thông tin, việc lựa chọn để tiếp thu thông tin chính thống, thông tin bổ ích cho tư duy viết văn phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh, trình độ của người tiếp nhận, tức là các bạn viết văn trẻ. Chọn kênh thông tin nào, nghe thông tin trái chiều, phản biện ra sao, đòi hỏi người tiếp thu phải có kiến thức chính trị. Kiến thức này được đào tạo bài bản đối với người học làm báo, nhưng đối với những người viết văn đi lên từ năng khiếu bẩm sinh thì rất khác. Năng khiếu phát triển thành tài năng nếu như tác phẩm luôn thực hiện đúng thiên chức là lay động, thức tỉnh tâm hồn, bảo vệ cái đúng, cái thiện, lên án cái sai, cái ác… Nhưng nếu tư tưởng, bản lĩnh không vững vàng, thì người viết trẻ ngày càng gặp khó khăn, bởi cuộc sống vốn dĩ biến hóa phong phú vô cùng, trong thời hội nhập lại càng nhiều biến động, thật giả, phải trái dễ làm hoa mắt, làm cho nhận thức bị sai lệch.
Theo tôi, cùng với sự nhạy cảm vốn có của người viết văn, lớp trẻ cần phải nhìn nhận thấu đáo, mà muốn vậy, rất cần sự trải nghiệm, cùng với rèn luyện bản lĩnh, chọn lọc thông tin, lắng nghe, quan sát nhiều chiều, thì mới có thể sáng tác thành công. Đó lại chính là quá trình tự vận động, tự học hỏi. Đối với người này, quá trình đó có thể diễn ra nhanh, nhưng với người khác, có thể tuổi sung sức nhất đã qua mất rồi…
PV: Vậy theo anh, thói quen và trình độ thẩm mỹ của người viết trẻ có ảnh hưởng như thế nào đến cách nhìn nhận, đánh giá các hiện tượng xấu-tốt đang diễn ra hằng ngày xung quanh họ?
Nhà văn Mã Anh Lâm: Có thể khẳng định: Tác phẩm văn học của một tác giả không thể có tầm, có chiều sâu được nếu như họ không biết cảm thụ, thưởng thức những tác phẩm văn học-nghệ thuật kinh điển của thế giới và của đất nước. Họ chỉ nghe nhạc thị trường, với những bài hát chế theo kiểu lẩu thập cẩm, do một số ca sĩ thị trường thường rú lên vào lúc không cần thiết; còn đọc thì toàn truyện ngôn tình, truyện lá cải… thì chắc chắn sáng tác sẽ sến, sẽ nông cạn, không thể có rung cảm và thức tỉnh bạn đọc được.
Một số bạn viết trẻ khác có bản lĩnh vững vàng, trình độ thẩm mỹ cao, tài năng đã được khẳng định… thì bận bịu với những công việc cơm áo gạo tiền, rồi công danh sự nghiệp và hàng vạn mối quan tâm khác, nên thời gian dành cho sáng tác còn lại rất ít. Giữa thời buổi hội nhập, cơ hội tăng cường lao động để tăng thu nhập nhiều hơn, việc giải quyết các vấn đề kinh tế được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Đôi khi, các bạn tặc lưỡi, đành ghi vắn tắt những cảm xúc, những ý tứ lại thành những gạch đầu dòng, để sau này vui thú điền viên mới viết. Một số bạn khác lại viết ngắn thành status trên mạng xã hội, thành câu chuyện hẳn hoi nhưng lại luôn ở thể loại truyện ngắn cực ngắn, khó có thể xuất bản, đành tự hài lòng với những chia sẻ trên mạng xã hội… Đó là những khó khăn cơ bản có thể nhận diện được ở thế hệ người viết văn trẻ hôm nay.
PV: Người ta nói rằng, các nhà văn sống ở miền núi là đang ngồi trên “mỏ vàng”, đó là kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền núi. Vậy vấn đề bảo vệ và khai thác “mỏ vàng” ấy được đặt ra đối với các cây bút trẻ như thế nào?
Nhà văn Mã Anh Lâm: Vấn đề bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống trong tác phẩm văn học đòi hỏi người viết trẻ phải có những phẩm chất, bản lĩnh, trình độ… cao. Làm thế nào để phân định được đâu là văn hóa tâm linh, đâu là mê tín dị đoan; đâu là đất lề quê thói, đâu là bảo thủ lạc hậu; đâu là giữ gìn truyền thống, đâu là hủ tục cần phá bỏ... Những điều đó đòi hỏi lao động văn học phải đầu tư, thậm chí hy sinh rất nhiều và thế hệ trẻ hôm nay cần phải học hỏi rất nhiều. Ngay như việc nắm bắt cách nói, cách nghĩ của dân tộc thiểu số này, dân tộc thiểu số khác ở vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… đã đòi hỏi người viết phải có trình độ dân tộc học và tìm hiểu thực tế rất kỳ công. Hiện nay, trong thế hệ viết văn trẻ, ngoài một số cây bút là người dân tộc thiểu số, hoặc đang có hộ khẩu thường trú tại vùng dân tộc thiểu số, có mấy ai ở các thành thị lớn cất công đi điền dã, ăn ở, sống với đồng bào các dân tộc thiểu số như một số nhà văn danh tiếng xưa, để thực sự trải nghiệm và làm nên tác phẩm để đời về đề tài dân tộc?
PV: Từ kinh nghiệm bản thân, anh có thể đề xuất một số giải pháp để khắc phục những khó khăn cho người viết trẻ hiện nay?
Nhà văn Mã Anh Lâm: Theo tôi, các hội và ngành chức năng cần tăng cường mở các lớp bồi dưỡng sáng tác cho người viết văn trẻ, để trước hết nâng cao bản lĩnh, trình độ văn hóa và cả trình độ thẩm mỹ cho đội ngũ này. Trong môi trường và thời thế hiện nay, nếu không vận dụng được chính sách đãi ngộ, khuyến khích người đi học bồi dưỡng viết văn, thì e rằng người viết có trình độ, được bồi dưỡng chính thống sẽ ít dần đi, trong vài năm có thể chưa thấy hậu quả rõ rệt, nhưng vài thập kỷ thì sẽ thấy lực lượng sáng tác có chất lượng sẽ giảm sút.
Cùng với công tác bồi dưỡng, bổ túc chuyên môn sáng tác và lý luận chính trị, đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam tái thành lập Ban Công tác văn học dân tộc thiểu số, từ đó nghiên cứu đề ra các chính sách sát thực, kịp thời cho hoạt động của các nhà văn người dân tộc thiểu số, các nhà văn sống trong vùng dân tộc thiểu số nói chung và các cây bút trẻ người dân tộc thiểu số hoặc sống trong vùng dân tộc thiểu số nói riêng.
Cuối cùng, căn cứ đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước về VHNT, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp quan tâm chăm lo, động viên về tinh thần, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các hội, các chi hội VHNT, để các tổ chức đó có điều kiện phát hiện năng khiếu văn học trẻ, bồi dưỡng thành tài năng, đóng góp cho địa phương và đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn hai nhà văn về những trao đổi trên đây!
Nhà thơ MAI NAM THẮNG (thực hiện)