Năm 1941, khi xã hội phong kiến vào giai đoạn thoái trào, nhà văn Nam Cao đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn “Chí Phèo”. Bá Kiến là mẫu nhân vật điển hình của tầng lớp cường hào, ác bá. Gần 8 thập kỷ trôi qua, Bá Kiến không chỉ là một nhân vật văn học mà đã trở thành một điển tích trong đời sống văn hóa tinh thần của các thế hệ công chúng văn học Việt Nam. Nhắc đến nhân vật của cố nhà văn Nam Cao, người ta ám chỉ một kiểu người, một loại người. Bản ngã đặc trưng của kiểu người này là mưu mô, xảo trá, dối trên, lừa dưới kiểu “lươn, chạch”, phá hoại khối đại đoàn kết từ trong phá ra nhưng miệng lưỡi thì lại luôn rao giảng đạo đức, “gian tà dám bán rao công lý”. Hậu quả của nó đối với xã hội là vô cùng nguy hiểm...

Kiểu người Bá Kiến và hành vi “lươn, chạch”

Theo các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhân vật Bá Kiến được nhà văn Nam Cao xây dựng dựa trên những tính cách đặc trưng của một số nguyên mẫu có thật ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), quê hương ông. Thậm chí, Nam Cao còn lấy cả những tính cách đặc trưng của Tào Tháo, nhân vật phản diện điển hình trong tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc “Tam quốc diễn nghĩa” để “thêm da thêm thịt” cho nhân vật của mình.  Nam Cao mô tả Bá Kiến là người có “cái cười Tào Tháo”. Bá Kiến trong lòng độc giả suốt gần 80 năm qua là một nhân cách tàn ác, xấu xa, gian hùng, xảo quyệt… Hắn nổi tiếng với lối ứng xử đạo đức giả đến mức đáng nguyền rủa: “Ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn…”. Tầm nhìn cao rộng và ngòi bút bậc thầy của Nam Cao đã đưa Bá Kiến trở thành một tính cách, một điển tích văn học của mọi thời đại…

leftcenterrightdel

Minh họa: LÊ ANH

Kiểu người Bá Kiến trong giai đoạn hiện nay có không? Câu trả lời chắc chắn là không những có mà nó còn có biểu hiện trèo cao, chui sâu… vào bộ máy chính trị của chúng ta bằng những thủ đoạn tinh vi, cao tay hơn nhiều lần so với thời nhà văn phát hiện ra nó ở làng Vũ Đại. Từ nhiều vụ đại án tham nhũng bị đưa ra xét xử nghiêm minh trong thời gian qua, chúng ta thấy có những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu tổ chức đảng ở cơ sở có hành vi tham ô, tham nhũng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống một cách có chủ đích, phát triển thành hệ thống. Đó là những biểu hiện của tính cách Bá Kiến. Khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm tra, điều tra, bóc gỡ những đường dây tội phạm này là truy tìm, củng cố bằng chứng phạm tội. Sự mưu mô, xảo trá kiểu Bá Kiến của những kẻ tham nhũng, suy thoái diễn ra từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn. Ở cấp độ nào, phạm vi nào họ cũng bộc lộ tư tưởng, hành vi Bá Kiến, luôn tạo cho mình vỏ bọc hoàn hảo, bệ đỡ chắc chắn. Theo dõi diễn biến những vụ án tham nhũng nổi tiếng vừa qua mới thấy, có không ít thời điểm, giai đoạn, những nhân vật đình đám vướng vòng lao lý còn được tung hô là tấm gương sáng tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực, được nhận những giải thưởng, phần thưởng danh giá của các cấp, các ngành. Thậm chí, không ít người trong số đó từng đăng đàn ở nhiều cấp độ khác nhau để “lên lớp” về đạo đức, lối sống, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng.

Dịp này, Đài Truyền hình Việt Nam đang chiếu bộ phim truyền hình dài tập “Sinh tử” thu hút sự quan tâm của truyền thông và đông đảo khán giả truyền hình. Nhiều nhân vật trong phim được xây dựng, hư cấu từ những nguyên mẫu trong đại án tham nhũng nổi tiếng do Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) cầm đầu, đã bị pháp luật xử lý. Những nhân vật điển hình trong đại án này cũng chính là những kiểu người Bá Kiến của thời đại ngày nay. Quá trình tạo dựng chỗ đứng, chui sâu, leo cao vào hệ thống chính trị, sử dụng quyền lực, tiền bạc chi phối tổ chức đảng và nhiều cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp là biểu hiện cực kỳ nguy hại của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong tổ chức đảng. Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta đã nhận định, tình trạng này “có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn”. Sở dĩ có thực trạng này là bởi, đối với những phần tử cơ hội, mưu mô, thủ đoạn theo kiểu Bá Kiến, khi họ có được vị trí xứng đáng trong tổ chức đảng, chính quyền, nhất là vị trí đứng đầu, họ tìm mọi cách để gây bè kéo cánh, hình thành “lợi ích nhóm” khống chế, lũng đoạn cả bộ máy theo những kịch bản hết sức kín kẽ, tinh vi. Đây là kiểu suy thoái đến từ bản chất của con người, khi gặp môi trường, thời cơ thuận lợi thì ra sức củng cố vị thế để thực hiện mưu đồ cá nhân. Sự suy thoái đến từ những tác động của môi trường công tác, địa vị xã hội, cám dỗ vật chất…, do cán bộ yếu bản lĩnh, thiếu tu dưỡng gây ra còn có cơ hội để khắc phục; nhưng suy thoái có ngay từ trong ý thức, bản chất của chính họ thì rất khó sửa chữa. Họ có trăm phương ngàn kế để che giấu hành vi, sẵn sàng đổi trắng thay đen, “tiền hậu bất nhất” bất cứ lúc nào, bất chấp liêm sỉ vì mưu đồ đen tối.

Một tổ chức đảng, nếu để cho kiểu người Bá Kiến trèo cao, chui sâu giữ vị trí chủ chốt thì hậu quả khôn lường. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng lối nói ví von “con lươn, con chạch” để chỉ kiểu người này. Nói đến “con lươn, con chạch” là nói đến những kẻ ra luồn vào cúi, sống lươn lẹo, uốn éo, dối trên, lừa dưới, rất khó nắm bắt. Một trong những biểu hiện tinh vi của những kẻ cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch” là thái độ sống kiểu đạo đức giả, ngụy văn hóa để tạo ra uy tín giả vì mục đích háo danh, vụ lợi. Gần 80 năm trước, nhà văn Nam Cao đã cảnh báo hành vi của kiểu đạo đức giả này: “Hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì vất trả lại năm hào vì… thương anh túng quá”…

Khi cái “đầu tàu” là phần tử cơ hội chính trị, hành động lắt léo, lươn lẹo kiểu “lươn, chạch” thì nội bộ tất sẽ rối ren, cơ quan, đơn vị sẽ suy yếu. Họ lôi kéo “huynh đệ” kết bè kéo cánh, hình thành “lợi ích nhóm”, chi phối tổ chức đảng, lũng đoạn cơ quan, đơn vị. Người liêm minh, chính trực, dám nói thẳng, nói thật, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải sẽ chịu oan ức, thiệt thòi, thậm chí bị phân biệt đối xử, trù dập đến mức không ngóc đầu lên được…

Mắt người Vũ Đại và vũ khí đấu tranh

Bá Kiến mưu mô, xảo trá đến tầm Tào Tháo, nhưng người làng Vũ Đại có biết không? Có nhận ra chân tướng của hắn không? Biết đấy! Rất nhiều người biết, nhưng dưới xã hội phong kiến, cái thiếu của người làng Vũ Đại là vũ khí đấu tranh, là môi trường tập hợp tinh thần đoàn kết, thống nhất. Thế nên, mặc dù Bá Kiến gây ra rất nhiều tội ác, đẩy nhiều thân phận con người lương thiện xuống bùn đen, làm lũng đoạn cả môi trường văn hóa, đạo đức của cả làng, nhưng hắn vẫn chễm chệ trên cao với vỏ bọc của một người được cả dân làng gọi bằng “cụ”.

Nhưng thời đại ngày nay thì khác. Khác hoàn toàn. Dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với đất nước và đời sống xã hội, chúng ta ngày càng có môi trường, vũ khí đấu tranh sắc bén để góp công sức, trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó chính là củng cố, chấn hưng môi trường văn hóa, đạo đức trong Đảng. Kiểu người gian manh như Bá Kiến rất khó cải tạo, rất khó để họ tự giác nhận khuyết điểm và sám hối trước sai phạm. Cách tốt nhất và duy nhất là phải gột rửa, tẩy chay, lôi ra ánh sáng và tuyệt đối không dung nạp thứ rác rưởi ấy vào bộ máy lãnh đạo. Chúng ta phải tỉnh táo, đoàn kết đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện “lươn, chạch” của kiểu người Bá Kiến, người cơ hội chính trị để góp phần củng cố, chấn hưng môi trường văn hóa, đạo đức trong Đảng, để Đảng ta ngày càng xứng đáng “là đạo đức, là văn minh” ngay từ cơ sở.

Đường lối, chủ trương của Đảng cụ thể hóa bằng các nghị quyết, quy định, chỉ thị, hướng dẫn… và những chỉ đạo toàn diện, sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Với sự tương tác mạnh mẽ của môi trường công nghệ 4.0, tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của chúng ta trong những năm qua, nhất là quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Quy định 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gắn với đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã giúp chúng ta có được nhiều thành tựu quan trọng. Một trong những thành tựu đó là trang bị cho tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên vũ khí đấu tranh sắc bén để vạch mặt, chỉ tên những biểu hiện Bá Kiến, những phần tử “lươn, chạch” trong chính nội bộ của mình.

Để chuẩn bị tốt nhất cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị yêu cầu: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…”. Trong bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ cơ bản để đánh giá, sàng lọc, bố trí cán bộ và đổi mới công tác nhân sự. Nghiêm cấm mọi biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tìm cách nâng người này, hạ người kia, gây nghi ngờ, làm mất đoàn kết nội bộ…”.

Như vậy, toàn thể cán bộ, đảng viên và hệ thống tổ chức đảng các cấp đã được trang bị tinh thần, bản lĩnh chính trị vững vàng và vũ khí đấu tranh sắc bén để phát hiện, ngăn chặn, tẩy chay những âm mưu Bá Kiến nhằm leo cao, chui sâu vào bộ máy lãnh đạo các cấp. Có thể nói, chưa bao giờ công tác nhân sự chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng lại được chỉ đạo, tiến hành kỹ càng, thận trọng như lần này. Đảng ta ý thức rất rõ, nếu để những phần tử kiểu Bá Kiến có cơ hội lọt vào bộ máy, hậu quả để lại cho tổ chức đảng, cho tập thể và đất nước sẽ rất khó lường.

Những phần tử mang dã tâm Bá Kiến leo cao, chui sâu trong Đảng, dù có được ngụy trang, che đậy tinh vi đến mấy cũng không thể “một tay che cả bầu trời”. Những gì họ phải gánh chịu trước vòng lao lý, trước tòa án lương tâm, trước quy luật nhân quả của cuộc sống, trước sự khinh bỉ của dư luận… chính là cái kết tất yếu cho chính họ, đồng thời là bài học nhãn tiền cho những người đã và đang ít nhiều mang tư tưởng, hành vi kiểu “lươn, chạch”…

Kiểu người gian manh như Bá Kiến rất khó cải tạo, rất khó để họ tự giác nhận khuyết điểm và sám hối trước sai phạm. Cách tốt nhất và duy nhất là phải gột rửa, tẩy chay, lôi ra ánh sáng và tuyệt đối không dung nạp thứ rác rưởi ấy vào bộ máy lãnh đạo. Chúng ta phải tỉnh táo, đoàn kết đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện “lươn, chạch” của kiểu người Bá Kiến, người cơ hội chính trị để góp phần củng cố, chấn hưng môi trường văn hóa, đạo đức trong Đảng, để Đảng ta ngày càng xứng đáng “là đạo đức, là văn minh” ngay từ cơ sở.

PHAN TÙNG SƠN