Mục đích của đối thoại (mang tính cá nhân, nghĩa hẹp), rộng hơn là đối thoại văn hóa (mang tính quốc gia, dân tộc, thời đại) luôn là thuyết phục, thu phục đối tượng đối thoại. Muốn vậy, điều cơ bản nhất là phải làm người ta hiểu mình, rồi nghe mình, tin mình mà làm theo mình.

Tinh thần dân chủ của đối thoại thể hiện rõ ở chỗ nâng vị thế của người tiếp nhận từ bị động thành chủ động. Trước đây, “người nói phải có kẻ nghe” thì người nghe là bị động, ví dụ học trò “tập trung chăm chú nghe giảng” từ thầy được coi là trò ngoan. Thầy nói đúng, trò nghe đúng, làm theo đúng được coi là trò giỏi. Trò giỏi nhưng ít sáng tạo vì cái giỏi ấy phần lớn của thầy, chưa phải đích thực của trò. Đó không phải là đối thoại. Đối thoại là có sự phản ứng, phản biện, chọn lọc, đưa ra ý mới... từ phía người tiếp nhận. Nhờ đối thoại mà hiểu biết nhân lên hiểu biết, sáng tạo nhân lên sáng tạo, con người được là chính mình, làm chủ mình rồi làm mới mình. Đối thoại làm nên bản chất cuộc sống.

Đối chiếu mục đích, ý nghĩa và soi chiếu yêu cầu của đối thoại văn hóa vào bài ca dao Thằng Bờm, xin góp thêm một cách hiểu.

Minh họa: Phùng Minh

Bản thân cấu trúc bài ca dao là một đối thoại. Phú ông nói (đòi đổi) ở câu bát (8) và thằng Bờm trả lời (Bờm rằng) ở câu lục (6):

          Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông đòi đổi ba bò chín trâu

          Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu

Phú ông đòi đổi ao sâu cá mè

          Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè

Phú ông đòi đổi ba bè gỗ lim

          Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim

Phú ông đòi đổi bầy chim đồi mồi

          Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi

Phú ông đòi đổi nắm xôi. Bờm cười!

Đây là một trong những đối thoại bình đẳng nhất của ca dao nói riêng và truyện cổ nói chung. Phú ông là người giàu, có địa vị, có tuổi tác. Thằng Bờm ít tuổi, nghèo, chẳng có địa vị gì. Tức là có một sự đối lập triệt để trời vực. Thế nhưng ở đây thì không còn sự đối lập ấy nữa mà “ngang nhau”, người hỏi, người trả lời trong kết cấu cân xứng của hình thức ca dao. Đây là một đối thoại dân chủ!

Bài ca dao là một câu chuyện có nhân vật, có tình huống, tình tiết, có kịch tính cao trào, có kết thúc. Đây là kết cấu đặc trưng của truyện cười dân gian: Sử dụng hình thức tăng cấp và kết thúc bất ngờ, đột ngột. Bắt đầu chỉ là “cái quạt mo”, phú ông đòi đổi “ba bò chín trâu”, rồi “ao sâu cá mè”, đến “ba bè gỗ lim” đến “bầy chim đồi mồi”. Cuối cùng kết thúc đột ngột bật ra là “nắm xôi”. “Nắm xôi” chỉ “ngang giá” với “cái quạt mo”. Tiếng cười bật ra từ cái “ngang giá” ấy. Câu chuyện vui vẻ, nhân vật cười, bạn đọc cười. Những nụ cười dân chủ. Thế nên khép lại là hình ảnh “Bờm cười” rất ý vị và đa nghĩa.

Nhiều dị bản viết “đôi chim đồi mồi” thì không đúng với tinh thần của hình thức tăng cấp tạo kịch tính, mà phải là “bầy chim đồi mồi”. “Chim đồi mồi” là gì? Là chim giả khắc bằng đồi mồi, mà đồi mồi là con vật quý sống ngoài biển nên “chim đồi mồi” trở thành biểu tượng vương giả, quý phái của nhà giàu thời trước. Có cả một “bầy chim đồi mồi” thì phải thật giàu sang rồi! Những “đòi đổi” trước chỉ mang giá trị vật chất thôi, đến “bầy chim đồi mồi” là cả vật chất và tinh thần, là cao nhất!

Tại sao lại gọi “thằng Bờm”? Cách lý giải dễ được chấp nhận là ngày xưa trẻ em thường cạo đầu nhưng để chừa lại một chòm tóc phía trên trán gần giữa đỉnh đầu có tác dụng che thóp, tránh gió gây cảm mạo. Chòm tóc này trông giống như bờm ngựa nên trẻ con nói chung được gọi vui là “thằng bờm”. Từ này đi vào văn hóa Việt mang tính nước đôi, chỉ những người ít tuổi, ngờ nghệch, khờ khạo nhưng cũng lém lỉnh, tinh ranh, nghịch ngợm (như trẻ con vậy!). Thế nên, hiểu “Bờm” khờ khạo, ngờ nghệch, “trẻ người non dạ” mới chỉ là một phương diện tính cách mà thôi! Bước vào sân khấu dân gian, nhất là rối nước, “Bờm” trở thành “chú Tễu”. “Lưỡng tính” như vậy nên “thằng Bờm” trở thành “biểu tượng hai mặt”, vừa đáng yêu vừa đáng ghét, vừa khôn vừa dại, vừa trí tuệ, dí dỏm vừa ngờ nghệch, ngốc nghếch... Có người khái quát “Bờm” biểu tượng cho người nông dân, nhưng như ta thấy, hình tượng chưa đủ để khái quát ở một tầm cao, rộng rãi hơn! Có người so sánh “Bờm” với nhân vật “bợm nghịch” (pícaro-tiếng Tây Ban Nha) trong tiểu thuyết bợm nghịch (picaresque novel) phương Tây cũng chưa hẳn, vì (pícaro) thường xuất thân hạ lưu, ưa phiêu bạt mà trở thành những tên “bợm” thông minh, giỏi lừa gạt... Trong thế giới truyện dân gian, nhân vật phú ông cũng “lưỡng tính” như vậy, không chỉ bủn xỉn, keo kiệt, ác bá mà còn là hào phóng, xởi lởi, tốt bụng...

“Quạt mo” là thế nào? Quạt mo được cắt ra từ mo cau rồi “ép” thành chiếc quạt tay rất tiện lợi. Hầu như ở nông thôn, nhà ai cũng có cây cau (Chuối sau cau trước) nên hầu như ai cũng có chiếc quạt mo này. Nên khái quát quạt mo là biểu tượng cho “gia tài” người nông dân thì cũng khó tìm ra những liên hệ cần thiết giữa vật thông thường và biểu tượng (thường giàu có ý nghĩa). Xét dưới góc độ hình thức thì cái quạt chỉ là một “đạo cụ”, một “vật trung gian” của cuộc thoại giữa “phú ông” và “Bờm”.

Ta hãy hình dung cuộc đối thoại này: Không gian (dưới bóng tre/đa đầu làng), thời điểm (buổi trưa hè) phú ông và thằng Bờm cùng ra hóng mát và gặp nhau. Thấy thằng Bờm có cái quạt mo, phú ông đùa vui “đòi đổi”... Ca dao thường tỉnh lược không gian, thời gian câu chuyện để chỉ còn nội dung. Bây giờ mận mới hỏi đào...; Hôm qua tát nước đầu đình... đều được tỉnh lược như vậy nhằm tạo nên sự “mơ hồ” cần thiết để độc giả nào cũng có thể “nhảy” vào làm nhân vật. Đấy là một nghệ thuật!

Văn bản cho ta thấy đây là cuộc đối thoại bình đẳng. Phú ông, nhiều tuổi, bề trên nên “nói” nhiều hơn. Nhưng phần “quyết định” lại là “Bờm” nên tần số xuất hiện của hình tượng “Bờm” cao đúng gấp đôi (10 lần) “phú ông” (5 lần). Có bản chép “xin đổi” thì không đúng với tinh thần bình đẳng của đối thoại, “xin” là tự hạ thấp mình để đề cao đối tượng. Việc gì phú ông phải “xin”! Nên “đòi”, suồng sã, thân tình là đúng hơn cả. Hai chữ “đòi đổi” lặp lại 5 lần cho thấy cuộc “ngã giá” (đối thoại) đi qua 5 “nấc” (phiên). Kết quả (ngã giá/đối thoại) quay trở về cái “đích” ban đầu là sự “ngang giá”: Quạt mo = nắm xôi. Đằng sau nụ cười của Bờm là nụ cười của phú ông nhưng cũng bị “tỉnh lược” đi chỉ để còn cái cười “lưỡng tính” của Bờm nổi lên!

Ta thấy “phú ông” và “Bờm” thân thiện, ngang hàng, bình đẳng chứ chẳng hề thấy có chuyện “lừa gạt”, “khoe của”, “hợm hĩnh” hay “trí tuệ”, “ngờ nghệch”, “khôn”, “dại”... gì ở đây cả. Càng không thể nào tìm ra các chữ nói về sự “chiến thắng” hay “thất bại”...! Là người cùng làng, hiểu nhau đến gan ruột, khó có thể nói “lừa gạt/dụ dỗ” nhau!

Mang hình thức tiếng cười dân gian khỏe khoắn, lành mạnh, Thằng Bờm bật ra một triết lý nhân sinh về cách sống: Con người ta hãy cởi bỏ những ấn tượng không tốt (nếu có) về nhau để tạo ra những mối quan hệ gần gũi, gắn bó, thân ái, bình đẳng để mà sống vui vẻ, thoải mái, vô tư (ngày nay càng phải thế!)... Đó mới là bản chất của cuộc sống, cũng là bản chất của đối thoại. Đó cũng đích thực là bản lĩnh văn hóa Việt nhân văn, nhân hậu, nhân ái, vô tư hướng về cái tốt đẹp, cái vui vẻ, vị tha... Nó sâu sắc hơn nhiều một chủ đề về tính giai cấp bó hẹp (kẻ bóc lột/phận làm thuê) hay một quan niệm xã hội thông thường (kẻ giàu/người nghèo).

Đây là câu chuyện vui, là tiếng cười vui. Đằng sau đó là khát vọng nhân văn trong sáng đến tận cùng: Người già cả, giàu có, vương giả (như phú ông) cũng như kẻ trẻ tuổi, nghèo khó, phận mọn (như thằng Bờm) đều nên vui vẻ, thoải mái, lạc quan, bình đẳng như nhau. Khi đạt đến độ “lão thực” an nhiên, tự tại thì tài sản vật chất quý giá như “ba bò chín trâu” hay “bầy chim đồi mồi” cũng đều chỉ như chiếc “quạt mo”, như “nắm xôi” mà thôi. “Hãy quẳng gánh lo (vật chất) đi mà vui sống!”. Sự vui vẻ, vô tư, thoải mái mới là tài sản tinh thần đáng quý nhất!

Đây là “tiếng cười hai chiều”: Khai tử, tống tiễn cái xấu xí, bủn xỉn, keo kiệt, hợm hĩnh... (của phú ông, nếu có), cái ngờ nghệch, ngốc nghếch, khờ khạo... (hẳn có của thằng Bờm). Khai sinh, chào đón cái vui vẻ, vô tư, nhân ái, hòa đồng, thoải mái trong các mối quan hệ lành mạnh giữa người với người.

Mọi cuộc đối thoại thường có “tuyên bố chung”. “Tuyên bố chung” giữa cuộc “ngã giá” phú ông-thằng Bờm chính là “nụ cười” lưỡng tính, do vậy mà khó hiểu. Dưới quan điểm của cuộc đối thoại vui đùa thì đó là nụ cười vui, cười xòa, cười bông phèng, hữu nghị, thân thiện. Cái cười làm con người xích lại gần nhau. Là cười vui vẻ nên không thể nói là đồng ý hay không đồng ý. Văn bản khép lại nhưng tiếng cười ấy còn mãi, vang mãi!

Tác phẩm lớn được ví như lâu đài lộng lẫy, sang trọng, có nhiều cửa để mời gọi bạn đọc đi vào tìm hiểu, khám phá. Lâu đài ấy lại trổ nhiều cửa sổ để đón thêm nhiều luồng gió ý nghĩa mới từ nhiều miền không gian văn hóa khác thổi tới. Vì thế mà không có cách hiểu cuối cùng. Mỗi khách vãng lai chỉ có thể nhìn nhận nó theo trường nhìn cá nhân riêng. Thằng Bờm là một trường hợp như vậy. Như viên ngọc lóng lánh, hấp dẫn mỗi người chiêm ngưỡng rồi để lại một vài cảm nhận riêng, dù mỏng mảnh. Thế cũng rất đáng quý rồi!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ