QĐND - Mỗi lần những ca từ hào sảng: “Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh quang vinh!/ Ôi đẹp biết bao biết mấy tự hào/ Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào”… vang lên, người dân cả nước nói chung và thành phố mang tên Bác nói riêng lại thêm một lần tự hào và nhớ về nhạc sĩ tài ba Xuân Hồng, người đã viết ca khúc nổi tiếng “Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” vào thời điểm đất nước hoàn toàn thống nhất.
 |
Nhạc sĩ Xuân Hồng. Ảnh tư liệu. |
Ông sinh ngày 12-12-1928, tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh và tham gia cách mạng ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Xuân Hồng bằng lòng yêu nước và năng khiếu của mình đã sáng tác nhạc động viên tinh thần yêu nước của cán bộ, chiến sĩ. Trong kháng chiến, tuy gặp nhiều gian khổ song những ca khúc của ông luôn là nguồn động viên kịp thời thúc giục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hăng hái chiến đấu giành thắng lợi. Những ca khúc “Bài ca may áo”, “Xuân chiến khu”, “Chiếc khăn tay”… tràn đầy lạc quan cách mạng gieo vào lòng hàng triệu trái tim đồng bào niềm tin chiến thắng giữa lúc miền Nam đang sống dưới ách kìm kẹp của đế quốc Mỹ và tay sai bán nước. Đề tài ca ngợi người lính, ca ngợi cuộc chiến tranh cách mạng vĩ đại của dân tộc... được thể hiện rõ nét trong các sáng tác của ông: “Mùa xuân bên cửa sổ”, “Cây đàn ghi-ta của đại đội 3”, “Người mẹ Việt Nam”..
Ca khúc “Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” ra đời lúc Xuân Hồng đang công tác ở chiến trường B2. Đây là tác phẩm để lại dấu ấn trong suốt quá trình sáng tác của ông. Cảm nhận ngày tận số của ngụy quyền Sài Gòn đã gần kề và ngày giải phóng chẳng còn bao lâu nữa sẽ đến, ông viết những dòng nhạc đầu cho ca khúc mới. Cảm hứng tuôn trào trên đường hành quân tiến vào Sài Gòn, nghĩ đến đâu Xuân Hồng nhẩm hát đến đó. Đến khi Sài Gòn được giải phóng hoàn toàn, dù bận trăm công nghìn việc những ngày đầu giải phóng, nhưng ông vẫn dành những khoảng thời gian hiếm hoi của mình chỉnh sửa, hoàn thiện bài hát.
Để có được những dòng nhạc tươi vui ấy, anh Giải phóng quân Xuân Hồng đã lăn lộn nhiều năm liền ở chiến khu miền Đông Nam Bộ. Chỉ cách nhau không xa nhưng để về được với Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh-ông đã phải ròng rã nhiều năm trời đồng cam cộng khổ với người lính. Những ca từ đầy hào hứng của ông được chắt lọc trong những tháng ngày khó khăn ấy để tuôn chảy theo những bước chân như vũ bão của đoàn Quân giải phóng ngày 30-4-1975. Sau khi chỉnh sửa lần cuối, bài hát “Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” được giới thiệu rộng rãi với công chúng và được nồng nhiệt đón chào. Cảm xúc chân thành của ông như là sự reo vui của nhân dân thành phố mang tên Bác trong ngày lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Mùa Xuân này về trên quê ta/ Khắp đất trời biển rộng bao la/ Cây xanh tươi ra lá trổ hoa/ Chào mùa Xuân về với mọi nhà/ Thành phố Hồ Chí Minh quê ta/ Đã viết nên thiên anh hùng ca/ thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời/ Thành phố Hồ Chí Minh năm nay/ Mùa Xuân về rợp bóng cờ bay/ Nước thêm trong dòng sông Bến Nghé/ Chợ thêm đông chợ vui Bến Thành…
Một ngày 30-4 nữa lại đến, Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước đang vươn mình lớn mạnh trên mọi lĩnh vực, xứng đáng là Thành phố Anh hùng. Trong những ngày này, đi trên các đường phố, bất chợt nghe lại ca khúc “Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” mà nhớ người nhạc sĩ tài hoa Xuân Hồng để thêm yêu cuộc đời, yêu người chiến sĩ Xuân Hồng đã gắn cuộc đời mình với âm nhạc cách mạng vì mục tiêu độc lập, tự do thống nhất đất nước. Những đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã được ghi nhận xứng đáng với các giải thưởng: Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu; giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và năm 2000 ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
XUÂN MIỄN - ĐỖ THÔNG